Thứ Sáu, 27/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Sáu, 31/12/2010 9:55'(GMT+7)

Thông tin học phục vụ công tác lãnh đạo và quản lý

I. VÀI NÉT VỀ BỐI CẢNH RA ĐỜI CỦA THÔNG TIN HỌC

Bắt dầu phôi thai từ đầu thế ký XX và đến những năm 60, trước yêu cầu của thực tiễn khách quan và xu thế phát triển chuyển từ xã hội công nghiệp sang "xã hội hậu công nghiệp" - xã hội thông tin, đã đưa đến sự ra đời của thông tin học và nó được coi là một lĩnh vực khoa học độc lập từ đây. Khái niệm thông tin học nằm trong hệ thống khái niệm thông tin và nhận thức. Thông tin học có nhiệm vụ nghiên cứu, bản chất, kiến trúc và quy luật phát triển của thông tin, nghiên cứu phương pháp tổ chức xử lý, khai thác và sử dụng các nguồn lực thông tin trong xã hội. Thông tin học liên quan đến tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người và của xã hội. Vì vậy nó mang tính tổng hợp với khả năng bao quát hết sức rộng lớn và tinh xã hội hóa cao.

Khoa học thông tin học mang tính ứng dụng cao, nó thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ: Về lý thuyết, thông tin học có nhiệm vụ tìm ra những quy luật chung nhất của việc sản sinh, thu thập, tổ chức, lưu trữ, tìm kiếm và phổ biến thông tin trong các lĩnh vực hoạt động của con người. Về mặt ứng dụng, thông tin học có nhiệm vụ tìm ra những phương tiện và phương pháp thích hợp để thực hiện các quá trình thông tin có hiệu quả nhất, để xây dựng các hệ thống giao lưu thông tin trong các tổ chức, các ngành khoa học và giữa khoa học với sản xuất.

Thực tiễn cho thấy, hoạt động của con người vừa là nguồn sản sinh ra thông tin, vừa là nhu cầu đòi hỏi về thông tin, vừa chịu sự tác động chi phối của thông tin. Từ ý nghĩa đó, thông tin được xem là một công cụ chỉ đạo hành vi hoạt động thực tiễn của con người và đồng thời là phương tiện nâng cao kỹ năng hoạt động của con người. Thông tin học giúp cho con người thực hiện tốt các hoạt động của mình trong đời sống xã hội. Thông tin học là lĩnh vực vận dụng, vận dụng những thành tựu của công nghệ thông tin và ứng dụng vào các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thông tin học liên quan đến nhiều phương diện. Trước hết là với tri thức, nó đưa tin, đưa tri thức từ "kho tin" đến cho người sử dụng, tức là sử dụng tri thức, kiến thức. Hai là, liên quan đến lưu trữ và thư viện. Ba là, liên quan đến tin học và điều khiển học, ở đây cần phải hiểu rằng thông tin học và tin học là hai lĩnh vực khác nhau, mặc dù chúng có quan hệ với nhau. Tin học được sử dụng cho tất cả các ngành (ví dụ sử dụng kỹ thuật máy tính thì cho mọi ngành), còn thông tin học là cách sử dụng tri thức, truyền tải tin, xử lý bảo quản tin, là lý thuyết về thông tin và bảo quản tin. Bốn là, liên quan đến xã hội học và thông kê học, xã hội học và thống kê học đều có liên quan nhiều đến thông tin học.

Thông tin học ra đời là một quá trình gắn liền với bước phát triển đột phá của xã hội loài người từ xã hội công nghiệp sang xã hội thông tin - xã hội dựa vào công nghệ trí tuệ. Thông tin học phát triển dựa trên ba ngành khoa học phát triển mạnh sau chiến tranh thế giới lần thứ hai đó là: Mô hình lý thuyết thông tin của Shannon - Weaver, khái niệm về điều khiển học của Norbert Wiener, những tiến bộ nhanh chóng trong ngành thiết kế và sản xuất máy tính điện tử.

Ra đời trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng và công nghệ, những lý luận và phương pháp luận của thông tin học không ngừng phát triển và hoàn thiện cùng với việc ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ thông tin trong hoạt động của mình.

Ngay từ những năm 60 của thế kỷ XX thông tin học đã quan tâm đến việc sử dụng máy tính điện tử để xử lý và quản lý tài liệu. Nhiều lĩnh vực được triển khai như: mô hình hóa việc lưu trữ và tìm kiếm thông tin, các hình thức giao tiếp người - máy, hiệu quả của hình thái nội dung và lĩnh hội thông tin, quá trình sản sinh, truyền và biến đổi thông tin, dự báo thông tin v.v…

Sự ra đời của kỹ thuật số vào giữa thế kỷ XX là một bước ngoặt của sự phát triển thông tin học và ứng dụng thông tin học vào đời sống xã hội. Năm 1960 lần đầu tiên máy tính được dùng để số hóa các tài liệu, văn bản, chúng được coi là những cơ sở dữ liệu thư mục kiểu mới đầu tiên bên cạnh các kho lưu trữ thông tin truyền thống. Vào giữa những năm 70 cuộc cách mạng vi xử lý đã tạo cơ sở cho sự ra đời hàng loạt các thế hệ máy vi tính với tốc độ mạnh, giá thành ngày càng rẻ và xâm nhập vào tất cả mọi nơi trên thế giới. Đây là bước ngoặt và cơ hội lớn cho sự phát triển các lĩnh vực tin học và thông tin học.

Cùng với việc phát triển mạnh các kỹ thuật vi xử lý đã đưa đến việc sử dụng ngày càng nhiều các vật mang tin điện tử như: đĩa từ, đĩa mềm, đĩa quang, nhờ vậy đã khắc phục được sự quá tải của kho chứa. Song những tiến bộ đó cũng đòi hỏi người làm công tác thông tin phải thường xuyên nâng cao trình độ của mình mới đáp ứng được đòi hỏi của thông tin học.

Những thập kỷ cuối của thế kỷ XX với sự phát triển bùng nổ các mạng viễn thông truyền dữ liệu quốc gia và quốc tế trên cơ sở kỹ thuật cáp quang, vệ tinh đã tạo khả năng nối mạng không những giữa các trung tâm thông tin, mà còn nối được đến máy vi tính của từng cá nhân, đưa đến xuất hiện viễn cảnh của các "xa lộ thông tin" liên kết hàng trăm triệu người trong từng quốc gia cũng như trên phạm vi toàn cầu, tiêu biểu là mạng thông tin toàn cầu Internet.

Sự kết hợp giữa máy tính và viễn thông dẫn đến sự hình thành và phát triển các hệ thống và mạng lưới thông tin tự động hóa, đã cho phép sử dụng và khai thác các tài nguyên thông tin không phụ thuộc vào khoảng cách địa lý và lãnh thổ, quốc gia, mở ra khả năng và xu hướng hình thành một không gian thông tin thống nhất trên phạm vi toàn cầu.

Tóm lại, trong mấy chục năm qua tin học và thông tin học đã có những biến đổi sâu sắc, toàn diện và mạnh mẽ, dựa trên những thành tựu của công nghệ thông tin hiện đại. Do đó tin học và thông tin học cũng trở nên có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sản xuất và đời sống xã hội ở các quốc gia, trong đó có nước ta.

II. VAI TRÒ TÁC DỤNG CỦA THÔNG TIN HỌC PHỤC VỤ CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ .

Thông tin học cung cấp những thông tin dữ liệu khoa học chính xác, trung thực, kịp thời để Đảng, Nhà nước và các cấp lãnh đạo quản lý xây dựng nội dung các nghị quyết và ra các quyết định bảo đảm tính đúng đắn, tính thực thi để thi hành nhằm mục tiêu đưa xã hội không ngừng phát triển đi lên.

Hoạt động lãnh đạo, quản lý xã hội là một quá trình mà các loại thông tin, dữ liệu không ngừng được hoàn thiện, xử lý và lặp đi, lặp lại. Các nhà lãnh đạo, quản lý các cấp từ Trung ương đến địa phương và cơ sở dựa vào các nguồn tin đã được chọn lọc qua hệ thống thông tin học làm cơ sở hoạch định các chủ trương, đường lối, chính sách ban hành các nghị quyết và ra các quyết định lãnh đạo quản lý, đồng thời tổ chức chấp hành các nghị quyết, quyết định đó trong thực tiễn đời sống xã hội. Vì vậy, nếu dựa trên các nguồn thông tin sai lệch thì những "vật liệu đó" sẽ cho ra các nghị quyết, quyết định sai, không đúng, không phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn xã hội. Kết quả khi thi hành sẽ đi ngược lại lợi ích của mọi người trong xã hội, kìm hãm sự phát triển, thậm chí còn đẩy lùi xã hội về quá khứ.

Dựa vào thông tin để đưa ra quyết định lãnh đạo, quản lý và thực thi quyết định, đó là một quá trình xâu chuỗi liên kết với nhau thông qua một quá trình quyết định - chấp hành quyết định - kiểm tra kết quả thực thi; thông tin phản hồi cùng với thông tin mới lại được lấy làm cơ sở để hình thành chu trình quyết định - thi hành khác. Vì vậy để duy trì được hoạt động của quá trình lãnh đạo, quản lý, cần phải xây dựng được mạng lưới giao lưu thông tin, xây dựng được hệ thống quản lý hành chính hiện đại và có hiệu lực cao trong xã hội.

Thông tin quy định nội dung của công tác lãnh đạo, quản lý, hướng lãnh đạo, quản lý tới chỗ phát huy tối đa mọi nội lực của các đối tượng bị quản lý, từ đó tạo ra sự thống nhất, ổn định ở một tập thể, một tổ chức và toàn xã hội đạt được hiệu quả lao động sản xuất cao.

Trong quá trình lãnh đạo, quản lý của các cấp chính nhờ có nội dung thông tin chính xác có chất lượng cao và kịp thời đã tạo điều kiện để tăng cường, nâng cao chất lượng hiệu quả của lãnh đạo, quản lý. Các thông tin, dữ liệu có chất lượng cao giúp cấp lãnh đạo, quản lý xây dựng được chủ trương, đường lối, chính sách sát đáng đáp ứng yêu cầu của cả hệ thống chính trị trong xã hội, làm cho đường lối, nghị quyết, quyết định được ban hành kịp thời giải quyết tốt các nhiệm vụ trọng tâm trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nếu không có đầy đủ thông tin, hoặc thông tin không chính xác, không kịp thời thì mọi quyết định của lãnh đạo, quản lý cũng chỉ dừng lại ở mức độ chung chung, hoặc xa rời thực tế cuộc sống, thiếu tính thuyết phục và không mang lại kết quả như mong muốn. Có thể nói các chủ trượng đường lối, các nghị quyết và các quyết định lãnh đạo quản lý, là kết quả của quá trình thu thập và xử lý hàng loạt thông tin, dữ liệu trên cơ sở dựa vào thông tin học. Không có thông tin và thông tin học, không thể có các chủ trương, đường lối, quyết định lãnh đạo, quản lý chính xác và có hiệu lực trong thực thi.

Các nghị quyết, quyết định của các cấp lãnh đạo, quan ly đưa ra chỉ được xem là đúng đắn khi nó phản ánh đúng tình hình khách quan, đúng quy luật vận động của xã hội, đúng thực tiễn, phù hợp lợi ích của đông đảo các lực lượng chính trị trong xã hội và đáp ứng đúng nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Thông tin và thông tin học giúp các nhà lãnh đạo, quản lý nhận thức được đúng đắn về sự vật, hiện tượng, về tình hình thực tế của xã hội, nắm bắt chính xác nguyện vọng thiết tha của nhân dân để đưa ra quyết định đúng và có khả năng thực thi trong mọi tình huống.

Với những lĩnh vực quan trọng như đường lối chung, đường lối đối ngoại, các nghị quyết lớn, có tính chiến lược trong một thời gian dài, liên quan đến thế giới, cả nước và nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều cơ sở thì đòi hỏi lượng thông tin thu thập phải toàn diện, phong phú, chính xác và kịp thời, bao gồm cả thông tin từ thế giới, thông tin quốc gia và thông tin cơ sở, có như vậy mới đủ dữ liệu khoa học để giải quyết những vấn đề trọng đại. Thông tin đầy đủ có chất lượng cao, phản ánh đúng tình hình thực tế là điều kiện không thể thiếu để đảm bảo tính khoa học tính thực thi của các nghị quyết và quyết định. Việc thu thập thông tin và ra quyết định đòi hỏi hai yêu cầu: một là, phải nắm vững thông tin thường xuyên và toàn diện nhằm phát hiện vấn đề, khi vấn đề đã được xác định phải chọn ra thông tin có trọng tâm, trọng điểm để hình thành phương hướng giải quyết vấn đề đó. Hai là, đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý phải có năng lực quyết đoán và hành động kịp thời, khi trong tay mình đã có được những thông tin, dữ liệu khoa học chính xác về vấn đề đó, vì vậy ngoài những thông tin khách thể còn phải thu thập cả thông tin liên quan đến chủ thể.

Dù ở cấp độ nào, Trung ương, địa phương hay cơ sở, đều yêu cầu thông tin phải đạt được độ tin cậy cao, chỉ có dựa trên cơ sở những thông tin chân thực, có độ tin cậy cao mới có khả năng đưa ra được những nghị quyết, quyết định lãnh đạo, quản lý đúng đắn và sáng tạo. Một điều quan trọng nữa là phải khắc phục tình trạng quan liêu xa rời thực tiễn ở người lãnh đạo, quản lý dùng tin cũng như người thu thập xử lý thông tin.

Những thông tin, dữ liệu thu thập được chỉ có giá trị như là cơ sở hoạch định chủ trương đường lối, ban hành nghị quyết, ra quyết định khi chúng đã qua quá trình chọn lọc, xử lý đúng đắn. Xử lý thông tin để đưa đến các cấp lãnh đạo là quá trình phân tích, những thông tin nhận được bằng tư duy khoa học để phân biệt đâu là thông tin đúng biểu hiện bản chất một sự vật, hay một quá trình vận động xã hội, đâu là thông tin giả tạo, thông tin thất thiệt để loai bo: từ đó sử dụng những thông tin đúng cho ra đời nghị quyết hay quyết định lãnh đạo, quản lý đúng đắn nhất và có khả năng thực thi cao nhất.

Kinh nghiệm cho thấy một nghị quyết, hay quyết định dù là đúng đắn đến đâu đi nữa song nó vẫn nằm trên giấy tờ, văn bản. Để nghị quyết và quyết định đó có kết quả trong đời sống xã hội hiện thực, đòi hỏi phải có quy trình và những biện pháp hữu hiệu, cụ thể sát với từng ngành, từng địa phương và từng cơ sở thì khi thực thi mới có hiệu quả như mong muốn. Nguyên tắc để đạt hiệu quả cao trong tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định là sự thống nhất cao giữa nghị quyết, quyết định với các giải pháp thực hiện, giữa lời nói và việc làm.

Thực tiễn đã chứng minh, nghị quyết, quyết định tốt được cân nhắc một cách khoa học là cơ sở của sự thành công. Sẽ là sai lầm trong công tác lãnh đạo, quản lý nếu cho rằng ban hành xong nghị quyết, quyết định là mọi việc đã được giải quyết, mục tiêu lãnh đạo, quản lý đã đạt được. Do đó, cần phải nhận thức sâu sắc rằng nghị quyết, quyết định mới chỉ nêu ra được những mục tiêu cơ bản, những phương hướng chủ yếu để cải tạo hiện thực. Để thực hiện thành công các nghị quyết, quyết định thì khâu đầu tiên của quá trình tổ chức thi hành là phải cụ thể hóa nghị quyết, quyết định thành những chủ trương, những biện pháp, những chỉ tiêu, những bước đi cụ thể phù hợp với từng cấp, từng ngành và từng cơ sở. Để việc cụ thể hóa diễn ra đúng hướng, cần nắm vững nội dung cơ bản, chủ yếu của đường lối, nghị quyết chung, hiểu rõ tính đặc thù của từng ngành, từng địa phương; đặc biệt coi trọng năng lực của cán bộ tổ chức thực hiện và trình độ tri thức, tính tự giác của nhân dân trong việc chấp hành nghị quyết, quyết định.

Việc theo dõi thu thập thông tin phản hồi trong quá trình thực thi nghị quyết, quyết định để phát hiện ra những chỗ chưa được hoàn chỉnh của nghị quyết, quyết định từ đó bổ sung và hoàn thiện để nghị quyết, quyết định ngày càng hoàn thiện hơn là điều cần thiết với các cấp lãnh đạo, quản lý và cũng từ đó giúp người lãnh đạo hiểu rõ mình, hiểu rõ nhu cầu bức xúc của cơ sở không để sai lầm, thiếu sót lặp lại.

Nắm vững thông tin phản hồi còn giúp cho các cấp lãnh đạo, quản lý kịp thời tổng kết cổ vũ, biểu dương những nhân tố điển hình của tổ chức và cá nhân trong việc chấp hành nghị quyết, quyết định, kịp thời uốn nắn các biểu hiện lệch lạc trái với quan điểm đường lối của Đảng trong khi thi hành quyết định lãnh đạo, quản lý.

Từ thực tiễn 25 năm đổi mới vừa qua cho thấy nhiều nơi đã lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt và có hiệu quả các nghị quyết, quyết định của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, cũng có một số nơi, một số địa phương không coi trọng công tác thông tin, hoặc thiếu những thông tin chính xác nên không kịp thời phát hiện những vấn đề mới phát sinh từ cơ sở để chỉ đạo, nên việc thực hiện các nghị quyết, quyết định kém hiệu quả, giảm sút lòng tin trong nhân dân. Từ đó cũng làm hạn chế vai trò lãnh đạo, quản lý của cán bộ, lãnh đạo các cấp. Thông tin sẽ giúp cho cán bộ lãnh đạo, quản lý không rơi vào chủ nghĩa hình thức, giáo điều, bệnh rập khuôn máy móc, bệnh quan liêu hành chính; tạo cho mình một khả năng nắm bắt tình hình nhậy cảm, dự báo trước các điều có thể xảy ra trong quá trình lãnh đạo, quản lý và từ đó dự kiến những biện pháp giải quyết có hiệu quả trên cơ sở trung thực và kiên định con đường đổi mới mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

Trong tình hình hiện nay, nền kinh tế đất nước đang đối đầu với những thách thức lớn, nhạy cảm: lạm phát ở mức cao; thị trường chứng khoán không ổn định; thị trường bất động sản sa sút; giá cả ngày càng leo thang, đời sống một bộ phận dân cư gặp khó khăn, không ít người lo sợ trước những thách thức lớn đó. Tình hình trên đây đòi hỏi thông tin học phải cung cấp kịp thời, chính xác những thông tin khoa học để các cấp lãnh đạo, quản lý ra các quyết định khắc phục đưa nền kinh tế sớm trở về thế ổn định.

Trong thời gian vừa qua, các tổ chức nghiên cứu kinh tế nước ngoài, do thiếu những thông tin chuẩn xác, hoặc vì lý do nào đó, đã phát hành một số báo cáo chưa sát với tình hình thực tế nước ta. Trong khi đó giới nghiên cứu trong nước chưa đưa ra được những báo cáo thật khoa học, thuyết phục. Phải chăng đây cũng có phần do yếu kém của thông tin học nước ta để không chỉ các nhà nghiên cứu mà cả những người lãnh đạo cũng có lúc lúng túng, trước một số biến động của nền kinh tế.

Những "cơn sốt"gia vừa qua của giá gạo trong cả nước và giá xi măng ở Thành phố Hồ Chí Minh va biến động tỷ giá giữa đồng tiền Việt Nam và đồng USD đã chứng minh điều đó. Rõ ràng gạo, xi măng, USD chúng ta không thiếu, dư sức đáp ứng yêu cầu thị trường. Thế mà dưới tác động của những thông tin đồn thổi thất thiệt, sai sự thật đã khiến cho người dân đổ xô đi thu gom các mặt hàng nói trên, đẩy giá tăng cao đột biến, làm rối loạn thị trường. Trong khi đó các cơ quan thông tin đại chúng không kịp thời đưa ra những thông tin khoa học để hướng dẫn và làm an lòng người dân.

Trong tình hình chống lạm phát hiện nay vấn đề thông tin và xử lý thông tin là rất quan trọng. Vì thế hơn lúc nào hết cần Chính phủ và các bộ, ngành kịp thời cung cấp cho người dân những thông tin khách quan, chính thống. Đồng thời người dân chỉ nên tin vào các thông tin của Chính phủ, các bộ, ngành; không nghe và hành động theo những thông tin thất thiệt, chưa rõ nguồn gốc, thiếu cơ sở khoa học, không đúng với tình hình thực tế. Mặt khác, phải làm rõ và xử lý nghiêm minh những đơn vị và cá nhân tung ra thông tin không trung thực, thiếu khách quan, gây nên sự bất ổn trong đời sống kinh tế.

Để giúp Chính phủ và các cơ quan bộ, ngành làm được việc đó đòi hỏi thông tin học phải nâng cao trách nhiệm trong việc thu thập thông tin, xử lý thông tin một cách khoa học, chính xác và truyền tin tức kịp thời đến các nhà lãnh đạo, quản lý để ra quyết định và đến người dân nhằm nâng cao nhận thức của mọi người trước những biến động của nền kinh tế, chia sẻ và đóng góp cùng Chính phủ trong việc khắc phục biến động để nhanh chóng trở về thế ổn định.

III. MỘT SỐ ĐIỀU KIỆN ĐỂ KHAI THÁC, PHÁT HUY TỐT VAI TRÒ TÁC DỤNG CỦA THÔNH TIN HỌC PHỤC VỤ CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO QUẢN LÝ.

Để nâng cao năng lực ra nghị quyết, quyết định và điều hành, quản lý của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên môi trường mạng, ngày 10-4-2007, Chính phủ đã ra nghị định số 64/2007/NĐ - CP về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, sau đó đã phê duyệt kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước năm 2008 va nhung nam sau; theo đó từng bước đưa các hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý văn bản, trao đổi tài liệu giữa các cơ quan trên môi trường mạng. Có thể nói nghị định trên đây đã tạo điều kiện cho thông tin học phát huy tốt hơn nữa tác dụng với công tác lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước.

Vì vậy, đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương xây dựng mạng thông tin liên kết là cần thiết và cấp bách, không chỉ đáp ứng nhu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, mà còn phù hợp với yêu cầu hợp tác giữa các bộ ngành và địa phương trong việc chia sẻ và trao đổi thông tin, dữ liệu từ Trung ương đến địa phương, cũng như cung cấp thông tin cho xã hội. Đây được xem là cầu nối những hoạt động lồng ghép của chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người dân, là công cụ hữu hiệu trong xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư của các địa phương cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, thu hút lao động, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, phát triển sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ, tổ chức các cuộc giao ban trực tuyến, hội thảo khoa học của Chính phủ và các địa phương, nhờ đó tiết kiệm đáng kể về thời gian và tiền bạc chi phí.

Để mạng thông tin liên kết hoạt động an toàn và hiệu quả, các bộ ngành, địa phương phải chủ động xây dựng cổng thông tin điện tử, đào tạo nhân lực khai thác, vận hành và sử dụng hệ thống thông tin, tạo lập cơ sở dữ liệu cho mình một cách khoa học, bảo đảm cập nhật, quản lý và kết nối thông tin với mạng chung; song song với điều đó phải có sự chỉ đạo, hợp tác chặt chẽ về kỹ thuật và công nghệ của cơ quan chuyên môn để bảo đảm các tiêu chuẩn và hệ thống cổng thông tin, thiết kế cấu trúc cơ sở dữ liệu cũng như công tác bảo mật, an toàn dữ liệu phục vụ tốt cho công tác lãnh đạo, quản lý có hiệu quả ngày càng cao.

Để thông tin học trở thành một công cụ đắc lực góp phần nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, quản lý và cac họat động khác, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau đây :

1. Nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng của thông tin học đối với cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan nói chung và đặc biệt là với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt và cán bộ chuyên trách về thông tin học của các cơ quan Đảng , Nhà nước , các đoàn thể chính trị xã hội nói riêng. Việc nhận thức đúng về vai trò, tác dụng của thông tin học là tiền đề quan trọng để hoạt động của thông tin học phục vụ tốt cho công tác lãnh đạo, quản lý đem lại hiệu quả tối ưu.

2. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và kiện toàn đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác thông tin học lên ngang tầm đòi hỏi cua cach mang hiện nay.Doi ngũ cán bộ này là lực lượng nòng cốt giúp lãnh đạo thu thập, phân tích, xử lý kịp thời, chính xác, khoa học các thông tin, dữ liệu cần thiết cho việc ban hành các nghị quyết, quyết định, văn bản quản lý đúng đắn và có hiệu lực cao trong thực thi.

3. Từng bước hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin học , coi trọng việc xây dựng các mạng truyền dẫn thông tin trong nội bộ co quan và từ nội bộ ra các cơ quan ngoài, tu trong nuoc ra the gioi và ngược lại; các máy móc, thiết bị hiện đại de phục vụ tot cho việc thu thập, phân tích và xử lý thông tin một cách nhanh nhất, chính xác nhất đầy đủ nhất.

4. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền đối với công tác thông tin học.

5. Tranh thủ sự hợp tác hỗ trợ, giúp đỡ của các đối tác nước ngoài về nguồn tài chính và kinh nghiệm để phát triển và hiện đại hóa công tác thông tin học của don vi minh .

 

  • PGS.TS Cao Duy Hạ
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất