Thứ Năm, 28/11/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Bảy, 25/12/2010 13:1'(GMT+7)

Cuối năm 2011, xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam?

* Tổng quan Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ viễn thông đến năm 2020 là:

- Làm chủ công nghệ chế tạo các trạm mặt đất, tự chế tạo các trạm mặt đất có giá cạnh tranh; làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất; làm chủ được công nghệ và kỹ thuật tên lửa; đào tạo được đội ngũ cán bộ trình độ cao, đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ vũ trụ ở Việt Nam, nâng cấp và phát huy hiệu quả cơ sở vật chất đã đầu tư trong giai đoạn trước.

- Nâng cấp hạ tầng ban đầu thông qua việc chuẩn bị phương án và kế hoạch phóng vệ tinh viễn thông thứ hai đáp ứng đủ nhu cầu khai thác dịch vụ viễn thông, phát thanh truyền hình trong nước. Chế tạo và phóng thêm một số vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất, thay thế một phần nhu cầu mua ảnh vệ tinh của nước ngoài; hoàn chỉnh hệ thống các trạm định vị nhờ vệ tinh.

- Đưa các ứng dụng của công nghệ vũ trụ vào phục vụ rộng rãi và thường xuyên cho nhu cầu của các ngành sản xuất, dịch vụ, giáo dục, y tế,... Mở rộng và thương mại hoá các sản phẩm ứng dụng công nghệ vũ trụ.

- Đạt trình độ trung bình khá trong khu vực về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ.

Và dưới đây là phát biểu của PGS. TS Phạm Anh Tuấn - Trưởng ban Quản lý dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Phó viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ Việt Nam về tiến độ của dự án:

Mới đây, báo chí đưa tin, dự án xây dựng Trung tâm Vũ trụ Việt Nam sắp được thi công vào năm 2011. Ông có thể cho biết, hiện tại dự án này còn gặp khó khăn gì trong công tác triển khai không?

Hiện nay, nhóm Tư vấn của Nhật Bản đang khẩn trương hoàn tất Báo cáo khả thi của dự án vào tháng 2/2011 để trình Chính phủ Nhật Bản và dự kiến phê duyệt trong năm 2011.

Nguồn vốn của dự án dự kiến sẽ được xác định trong năm 2011, sau khi nhóm Tư vấn Nhật Bản hoàn tất Báo cáo khả thi.

Nếu mọi việc thuận lợi thì cuối năm 2011, dự án mới chính thức được triển khai.

Dư luận vẫn lo lắng về vấn đề nhân lực cho công nghệ Việt Nam. Tại thời điểm này, ông đánh giá như thế nào?

Nguồn nhân lực là vấn đề nan giải nhất hiện nay. Theo tôi, trước mắt cần sớm có Chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho Khoa học và Công nghệ Vũ trụ, cũng như Công nghiệp Vũ trụ sau này.

Việc đào tạo nhân lực cho trung tâm này đang được thực hiện thế nào, thưa ông?

Nguồn nhân lực của trung tâm có được từ dự án đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn. Hiện nay, chúng tôi đang chuẩn bị đội ngũ cán bộ trẻ thông qua các hợp tác khác với Nhật Bản và các nước có nền công nghệ vũ trụ tiên tiến trên thế giới.

Sinh viên chuyên ngành công nghệ vũ trụ đang được đào tạo tại ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội. Khóa sinh viên đầu tiên sẽ ra trường vào đầu năm 2012.

Khoa Hàng không – Vũ trụ cũng đã được thành lập tại ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội với sự hỗ trợ của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Đây là một trong hai Trường ĐH đào tạo và nghiên cứu theo mô hình quốc tế đã được thành lập tại Việt Nam. Từ 2012 sẽ đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ ngành công nghệ vũ trụ tại đây.

Viện Công nghệ Vũ trụ đã và đang hợp tác với ĐH Công nghệ đào tạo Kỹ sư công nghệ vũ trụ, đặc biệt là Công nghệ vệ tinh.

Viện Công nghệ vũ trụ đang hợp tác với Khoa Hàng không – Vũ trụ, ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội chuẩn bị đào tạo Thạc sỹ công nghệ vũ trụ.

Một số cán bộ trẻ, chủ yếu trong lĩnh vực Công nghệ vệ tinh của Viện hiện đang được đào tạo trên đại học tại Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu và Hàn Quốc.

Là trưởng ban quản lý dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam,  ông đánh giá như thế nào về dự án xây dựng trung tâm này?

Đây là dự án lớn trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ của đất nước, nên tôi thấy trách nhiệm nặng nề nhưng rất vinh dự khi được tham gia dự án ngay từ ban đầu.

Để chuẩn bị và thực hiện dự án tốt thì cần có “Thiên thời, Địa lợi và Nhân hòa”. Trong thời gian qua Ban Quản lý dự án đã luôn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Đảng và Chính phủ, và sự chỉ đạo giúp đỡ trực tiếp của lãnh đạo Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao, Văn Phòng Chính phủ và Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nên các công việc được tiến hành thuận lợi.

Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam thành công, ông đánh giá thế nào về khả năng dự đoán thiên tai ở Việt Nam?

Theo đánh giá của chuyên gia Nhật Bản nếu dự án “Trung tâm Vũ trụ Việt Nam” hoàn thành thì chúng ta có thể chủ động trong việc cảnh báo và giám sát thảm họa thiện tai. Qua đó Việt Nam có thể giảm thiểu được 10% thiệt hại do thiên tai gây ra.

Xin chân thành cảm ơn PGS. TS Phạm Anh Tuấn.

 Theo Bee.net

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất