Thứ Sáu, 22/11/2024
Xã hội
Thứ Tư, 20/11/2019 9:4'(GMT+7)

Thu hút nguồn lực chất xám từ kiều bào

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Độc lập hạng Nhất tặng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: TTXVN

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Độc lập hạng Nhất tặng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: TTXVN

Nhân dịp này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Nghị đã trao đổi với báo chí về những đóng góp nổi bật của kiều bào trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, các giải pháp thu hút nguồn lực chất xám cũng như công tác phối hợp giữa các đơn vị trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Xin ông đánh giá những đóng góp nổi bật của cộng đồng kiều bào trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước thời gian qua? Theo ông, đâu là những thành công đối với công tác này?

Thời gian qua, kiều bào khắp nơi trên thế giới có những đóng góp hết sức quý giá đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cả về vật chất lẫn tinh thần. Về mặt kinh tế, hàng năm lượng kiều hối kiều bào ta gửi về quê hương luôn tăng trưởng ở mức trên 10%/năm. Lượng kiều hối tích lũy từ năm 1993 đến nay đạt khoảng 160 tỷ USD, góp phần quan trọng trong việc cân bằng cán cân thanh toán, là nguồn vốn đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại các địa phương.

Kiều bào cũng có hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh ngay tại Việt Nam với khoảng hơn 3 nghìn doanh nghiệp, dự án với tổng số đăng ký trên 4 tỷ USD. Điều đặc biệt quan trọng là kiều bào đang đóng góp trí tuệ, sức lực của mình, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ cho nước nhà. Thời gian qua, rất nhiều nhóm trí thức của người Việt như: Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu, Nhóm sáng kiến Việt Nam tại Mỹ, Nhóm Hành trình Việt ở Singapore và các nhóm khác ở nhiều nước..., đang ngày càng có những đóng góp hết sức cụ thể cho sự phát triển khoa học công nghệ của đất nước.

Cùng với đó, kiều bào rất quan tâm đến chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy, suốt 9 năm qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức các đoàn kiều bào ra thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Qua những chuyến thăm đầy ý nghĩa này, kiều bào hiểu hơn tình hình thực tế ở Trường Sa để khi trở về nước có những hoạt động hết sức thiết thực cụ thể. Ví dụ: Rất nhiều nước đã thành lập các Câu lạc bộ Trường Sa như ở Đức, Ba Lan, Pháp, Hàn Quốc và một số địa bàn khác. Những câu lạc bộ này hoạt động rất tích cực, vừa gắn kết các thành viên đã từng thăm Trường Sa, đồng thời góp phần tích cực vào việc tuyên truyền khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Ngoài ra, thời gian qua, nhiều hội đoàn của kiều bào đã tổ chức có những hoạt động duy trì bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt, phong trào dạy và học tiếng Việt của kiều bào trên khắp thế giới cũng được phát triển và lan tỏa rộng rãi.

Tôi cho rằng, đạt được những thành tựu nổi bật trên là do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã bám sát và nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của kiều bào, biết và hiểu rõ, kiều bào khi về quê hương, đất nước muốn làm gì, muốn sinh sống làm ăn kinh doanh như thế nào, nhu cầu cụ thể ra sao.

Cùng với đó, điểm hết sức quan trọng là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua việc ban hành Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới cũng như Chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn từ 2016-2020 và văn bản pháp luật từ các bộ, ngành nhằm cụ thể hóa các chủ trương, biến thành các chính sách pháp luật của Nhà nước. Về cơ bản, các chính sách, chủ trương như vậy đều đúng và trúng, đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả thiết thực cho đất nước ta nói chung và kiều bào nói riêng.

Một điều nữa, tôi cho rằng không phải bất cứ quốc gia nào cũng có được, đó là lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc. Đây là mẫu số chung của tất cả kiều bào của chúng ta trên khắp thế giới. Có thể có người giữ định kiến, nêu quan điểm khác biệt về những vấn đề cụ thể ở trong nước nhưng họ vẫn luôn hướng về quê hương, đất nước và mong muốn bằng cách này hay cách khác, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Trong tổng số khoảng 500 nghìn chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trên toàn thế giới, mới có khoảng 400 - 500 lượt tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam hàng năm. Tiềm năng thu hút chất xám từ kiều bào rất lớn, vậy, chúng ta cần làm gì để phát huy nguồn lực này, thưa ông?

Thu hút chất xám từ kiều bào là vấn đề Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài hết sức trăn trở. Hiện Ủy ban đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành hữu quan để xây dựng những chính sách thu hút các nhà khoa học, trí thức người Việt trở về đóng góp cho quê hương, đất nước, Trước hết là thông qua các diễn đàn, sự kiện nhằm kết nối kiều bào, đặc biệt là thế hệ trẻ về nước và tạo ra được một mạng lưới các nhà khoa học trí thức Việt ở nước ngoài.

Ví dụ, đầu năm 2019, Ủy ban phối hợp Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global) tổ chức thành công Hội nghị những người Việt có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Ủy ban cùng một số cơ quan tổ chức các hội nghị khác liên quan tới lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, để ngày càng thu hút trí thức kiều bào về nước, các bộ, ngành, địa phương cần đặt hàng cụ thể và tạo hành lang chính sách thông thoáng nhằm mời gọi, khuyến khích kiều bào nói chung và các nhà khoa học tri thức nói riêng về nước để đóng góp nhiều hơn, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay.

Ông đánh giá thế nào về tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài có giải pháp gì để hỗ trợ kiều bào trong công tác bảo hộ công dân, duy trì bản sắc văn hóa, đặc biệt là tiếng Việt, đồng thời đẩy mạnh khối đại đoàn kết dân tộc?

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay có số lượng rất đông đảo, hơn 4,5 triệu người sinh sống ở nhiều địa bàn khác nhau, thành phần đa dạng, trình độ cũng khác nhau. Do vậy, việc phối hợp giữa Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài với các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong nước cũng như với các cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài là hết sức cần thiết và là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua.

Sau khi có Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2016-2020, Bộ Ngoại giao đã ban hành một chương trình hành động của Bộ giai đoạn này, trong đó, chỉ rõ các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải đặc biệt quan tâm tới công tác cộng đồng và công tác bảo hộ công dân. Đây là một trong bốn trụ cột của ngoại giao Việt Nam. Trong Chương trình hành động đó, Bộ đã nêu rõ 18 nhiệm vụ từ thực hiện đại đoàn kết dân tộc, thu hút nguồn lực kiều bào, hỗ trợ duy trì văn hóa, dạy tiếng Việt, đến công tác bảo hộ công dân, pháp nhân của Việt Nam ở nước ngoài và một số vấn đề khác.

Thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp tốt với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Một số vụ việc liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài đã xảy ra. Trước tình hình đó, các cơ quan đại diện của Việt Nam đã vào cuộc hết sức quyết liệt, cùng với các đơn vị trong nước của Bộ Ngoại giao để phối hợp giải quyết những vụ việc phức tạp đó, góp phần tạo niềm tin đối với các chính sách của Đảng về Nhà nước từ phía cộng đồng người Việt trên khắp thế giới.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

 

Nguồn: TTX

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất