Thứ Bảy, 5/10/2024
Thế giới
Thứ Hai, 28/5/2012 14:45'(GMT+7)

Thủ tướng Ấn Độ gặp Tổng thống Myanmar trong chuyến thăm lịch sử

Thủ tướng Manmohan Singh tới sân bay ở thủ đô Naypyidaw của Myanmar ngày 27/5.

Thủ tướng Manmohan Singh tới sân bay ở thủ đô Naypyidaw của Myanmar ngày 27/5.

Ông Manmohan Singh là thủ tướng Ấn Độ đầu tiên tới thăm Myanmar trong 25 năm qua. Trước chuyến đi, Thủ tướng Ấn Độ đã bày tỏ hi vọng thúc đẩy thương mại và hợp tác ngoại giao với Myanmar trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày.

Tại thủ đô Naypyidaw hôm nay, ông Singh đã được đội danh dự chào đón khi ông gặp Tổng thống nước chủ nhà Thein Sein.

Ông Singh dự kiến cũng sẽ gặp lãnh đạo đối lập Aung San Suu Kyi, người có mẹ từng làm đại sứ Myanmar tại Ấn Độ.

Ấn Độ và Myanmar có chung 1.600km đường biên giới, nhưng quan hệ giữa hai nước thường không “xuôi chèo mát mái”.

Chính phủ Delhi đã lạnh nhạt với các nhà cầm quyền quân sự của Myanmar vào những năm 1990, làm các tướng lĩnh Myanmar giận dữ khi công khai ủng hộ bà Suu Kyi.

Nhưng Ấn Độ đã cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách với Delhi và ông Singh cũng từng đón tiếp cựu lãnh đạo Myanmar Than Shwe trong chuyến thăm cấp nhà nước năm 2010.

Ông Singh cũng là nhà lãnh đạo mới nhất trong hàng loạt lãnh đạo thế giới tới Myanmar thời gian gần đây sau khi nước này thực hiện tiến trình cải cách dưới chính phủ dân sự mới.

Ấn Độ đặc biệt quan tâm tới việc tiếp cận các cánh đồng giàu khí đốt của Myanmar, phần lớn chưa được khai thác. Nhưng Ấn Độ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ Trung Quốc và các quốc gia khác tại châu Á và phương Tây, vốn cũng đang đổ tiền vào nước này.

New Delhi cũng lo ngại về ảnh hưởng ngày càng mạnh hơn của Bắc Kinh đối với Naypyidaw, đặc biệt là đối với các dự án khai thác dầu mỏ và khí đốt.

Ấn Độ giờ đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Myanmar, sau Trung Quốc và Thái Lan.

Nhưng Trung Quốc vẫn thống trị việc khai thác dầu và khí đốt tại Myanmar và đang tham gia việc xây dựng đường xá, các đường ống và các cảng tại quốc gia Đông Nam Á.

Các nhà phân tích cho hay Ấn Độ muốn thúc đẩy quan hệ với Myanmar nhằm tạo thế đối trọng với sự ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực./.

Theo Báo Dân Trí

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất