Thứ Hai, 30/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Ba, 4/11/2008 20:45'(GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Phải giữ bằng được đê sông Hồng, hồ Hoà Bình, Tuyên Quang, Thác Bà

Cảnh ngập nước trên đường Láng-Hòa Lạc

Cảnh ngập nước trên đường Láng-Hòa Lạc

 Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát báo cáo: Tính đến thời điểm này, đợt mưa lũ vừa qua tại các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ làm 57 người chết, 7 người mất tích. Trong đó, riêng Thủ đô Hà Nội có 22 người thiệt mạng. Nước trên các triền sông đang lên cao, ngập úng tại nhiều địa phương chưa khắc phục xong, trong khi dự báo vài ngày tới sẽ có đợt mưa lớn không kém đợt mưa vừa rồi. Vì vậy, cần triển khai cấp bách các phương án đối phó với mưa lớn, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Thủ đô Hà Nội.

Theo báo cáo của lãnh đạo Hà Nội, hiện tuyến đê sông Hồng qua địa bàn thành phố có 13 điểm xung yếu. Thành phố đã lên phương án sơ tán dân khi mực nước sông Hồng lên mức báo động 3.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc để xảy ra thiệt hại lớn, nhất là về người trong đợt mưa lũ vừa qua là bài học cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, trước hết là việc dự báo chưa chính xác. Qua thực tế tại Hà Nội cho thấy cần tính kỹ qui hoạch xây dựng thành phố trong bối cảnh được mở rộng.

Thủ tướng nêu rõ tình hình mưa lũ trong vài ngày tới sẽ rất phức tạp, yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng các Bộ, ngành, chỉ đạo, phối hợp với các địa phương và thành phố Hà Nội lên phương án tổng thể đối phó. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Trong 2 ngày tới mưa to không kém trận mưa vừa qua. Mưa to, trong khi nước chưa rút hết, đê ngâm nước lâu nên có nhiều điểm xung yếu. Vì vậy, các Bộ, ngành và các địa phương cần phải có phương án tổng thể để phòng chống. Tinh thần là quyết tâm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Phải giữ cho bằng được đê sông Hồng, hồ Hoà Bình, Tuyên Quang, Thác Bà”.

>>> Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống mưa lũ

>>>Công điện của VP thường trực BCĐ phòng chống lụt bão TƯ -văn phòng UBQG tìm kiếm cứu nạn

>>>Chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ kéo dài

>>>
Thủ tướng Chính phủ : Cần sớm ổn định đời sống nhân dân vùng mưa lũ

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chấp hành việc điều tiết nước các hồ thuỷ điện. Bộ Quốc phòng bố trí lực lượng tham gia hộ đê, nhất là các điểm xung yếu. Các địa phương lên phương án chi tiết việc sơ tán dân trong tình huống xấu xảy ra. Để xảy ra thiệt hại về người, lãnh đạo các địa phương phải chịu trách nhiệm. Các địa phương phải chấp hành chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, không vì lợi ích cục bộ mà đổ xô tiêu nước gây ảnh hưởng đến những khu vực cần cấp thiết tiêu nước trước. Bộ Công Thương chuẩn bị đủ nguồn hàng, không để xảy ra khan hiếm lương thực, thực phẩm, kiên quyết xử lý hành vi lợi dụng mưa lũ để tăng giá. Bộ Y tế triển khai gấp rút các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh tại những khu vực ngập úng.

Thủ tướng chỉ đạo thành phố Hà Nội rút kinh nghiệm đợt mưa lũ vừa qua lên phương án điều tiết, hướng dẫn giao thông, cứu hộ, thông báo rộng rãi để nhân dân biết. Bộ Ngoại giao cùng với thành phố Hà Nội chuẩn bị phương án nhằm đảm bảo tổ chức thành công các hội nghị quốc tế quan trọng trong vài ngày tới, trong đó có Hội nghị cấp cao ACMECS.

Tình hình lũ vẫn diễn biến phức tạp
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương: Lúc 11 giờ ngày 4 tháng 11, lũ trên sông Thao và sông Lô đã đạt đỉnh: tại Yên Bái là 32,06m, trên báo động III là 0,06m; tại Tuyên Quang là 25,84m, dưới báo động III là 0,16m. Lũ hạ lưu sông Hồng, sông Thái Bình và sông Lục Nam đang lên. Lũ sông Cầu biến đổi chậm.

Mực nước lúc 16 giờ trên sông Thao tại Yên Bái là 31,94m (dưới mức báo động III là 0,06m); trên sông Lô tại Tuyên Quang là 25,77m (dưới báo động III là 0,23m); trên sông Cầu tại Đáp Cầu là 5,93m, trên báo động III là 0,13m; hạ du sông Hồng tại Hà Nội là 9,1m (dưới báo động I là 0,4m); sông Thái Bình tại Phả Lại là 4,76m (trên báo động II là 0,26m); sông Thương tại Phủ Lạng Thương là 5,34m (dưới báo động III là 0,46m).

Dự báo sáng 5 tháng 11, mực nước trên sông Cầu tại Đáp Cầu ở mức báo động III; trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương ở mức 5,5m, dưới báo động III là 0,3m; trên sông Lục Nam ở mức 5,4m, dưới báo động III là 0,4m; hạ du sông Thái Bình tại Phả Lại lên mức 5,3m, dưới báo động III là 0,2m; hạ du sông Hồng tại Hà Nội lên mức báo động II là 10,5m. Lũ sông Thao tại Yên Bái và sông Lô tại Tuyên Quang sẽ xuống mức báo động II./.                                               

(VOVNews)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất