Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
đã chứng kiến lễ trao cam kết tín dụng đầu tư của các ngân hàng cho các
dự án đầu tư, trao chứng nhận đầu tư, quyết định đầu tư, thỏa thuận đầu
tư cho các dự án với tổng vốn kỷ lục hơn 100.000 tỷ đồng.
Như tin đã đưa, sáng 11/3, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây
Nguyên năm 2017.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Tây Nguyên
không chỉ là phên dậu của Tổ quốc, mà là điểm tựa phát triển của miền
Trung, Đông Nam Bộ và cả Tây Nam Bộ. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của
Đảng, chỉ đạo của Nhà nước, sự phấn đấu của cấp ủy, chính quyền 5 tỉnh
Tây Nguyên, vùng đã có sự phát triển khởi sắc.
Tuy nhiên, sau 40 năm giải phóng, Tây
Nguyên còn tồn tại nhiều bất cập như tình trạng mất rừng, mất nguồn
nước, mất nhiều cơ hội về đầu tư phát triển, đặc biệt là quy mô, hiệu
quả của vùng đất tiềm năng chưa được khai thác đúng mức để phát triển và
nâng cao mức sống người dân.
Tiềm năng, thế mạnh to lớn, độc đáo chưa được khai thác tốt
“Thậm chí có người nhận xét rằng Tây Nguyên như một bữa tiệc đã tàn
canh, không còn là môi trường hấp dẫn, không còn chỗ dành cho những nhà
đầu tư mới đến”, Thủ tướng cho biết. “Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi,
nhận xét đó chưa thể hiện được bức tranh đầy đủ, khách quan và toàn
diện về tiềm năng, thế mạnh to lớn, độc đáo nhưng chưa được khai thác
tốt của Tây Nguyên. Có thể nói, đến nay, Tây Nguyên của chúng ta vẫn như
một cô gái đẹp, không những ngủ quên mà còn chưa chuyển mình kịp với
đất nước và thời đại”.
Tây Nguyên có 13 loại đất, trong đó có đến gần 2 triệu ha đất bazan
màu mỡ, tương đương 60% đất bazan cả nước, phù hợp với cây công nghiệp
như cà phê, cacao, hồ tiêu, trà, mắc ca… Riêng Tây Nguyên chiếm 80% diện
tích cà phê cả nước. Đây là những cây công nghiệp quan trọng.
“Nhưng đặc điểm nổi lên là gì? Chúng ta vẫn xuất thô. Giá trị gia tăng
thấp và chưa có khả năng dẫn dắt giá thế giới”, Thủ tướng chỉ rõ và lấy
ví dụ, Việt Nam xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới nhưng kim ngạch chưa
đạt 1,5 tỷ USD, chủ yếu sản xuất theo thói quen là hạt tiêu đen. Trong
khi hạt tiêu trắng và đặc biệt là hạt tiêu đỏ có hiệu quả gấp 4 lần hạt
tiêu đen nhưng chúng ta chưa sản xuất được bao nhiêu, chưa kể đến việc
chế biến dược liệu từ cây hồ tiêu.
Hay với cây cà phê, sản xuất lớn thứ hai thế giới nhưng kim ngạch chỉ
đạt khoảng 3,5 tỷ USD, chủ yếu là xuất khẩu cà phê nhân. Với cao su,
Việt Nam cũng là một trong những nước xuất khẩu lớn nhất thế giới nhưng
80% là xuất thô. “Tôi nói một số mặt hàng lớn như thế, từ những mặt hàng
lớn này chúng ta liên hệ các mặt hàng khác để các đồng chí thấy, các
nhà đầu tư thấy, khai thác giá trị gia tăng này”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng cũng chỉ ra các tồn tại khác như tình trạng di dân tự phát,
thiếu cơ sở khoa học, nhiều doanh nghiệp đầu tư không gắn bó với cộng
đồng, phát triển du lịch chưa xứng với tiềm năng…
Thủ tướng nêu một tầm nhìn, kỳ vọng đối với Tây Nguyên. Đó là Tây
Nguyên phải phấn đấu trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ,
đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa. Chìa khóa cho sự vươn lên
giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông lâm nghiệp,
dược liệu theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị
nông sản thế giới. Đồng thời Tây Nguyên phải là biểu tượng nổi bật của
du lịch Việt Nam, mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản của châu Á
trong thế kỷ thứ 21.
Để thực hiện hóa điều đó, Tây Nguyên phải có chiến lược bền vững
trong việc hồi sinh trở lại vẻ đẹp đại ngàn của một vùng đất đậm chất sử
thi, phải luôn ý thức giữ gìn không gian sống, phát huy các giá trị văn
hóa vật thể, phi vật thể, là truyền thống, niềm tự hào thiêng liêng của
các cộng đồng Ê Đê, Jrai, M’nông, Ba Na, Kinh… trong đại các gia đình
các dân tộc Việt Nam anh em.
|
Tại Hội
nghị, Thủ tướng một lần nữa khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ
trong việc bảo vệ, phát triển rừng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
|
Đưa sử thi Tây Nguyên thành di sản thế giới
Với tầm nhìn đó, Thủ tướng gợi mở một số giải pháp. Về du lịch, Tây
Nguyên là một kho tàng văn hóa phi vật thể cùng với điều kiện tự nhiên,
Chính phủ quyết tâm cùng với Tây Nguyên đưa sử thi Tây Nguyên trở thành
di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Càng nhiều người biết đến sử
thi này thì sức lan tỏa của du lịch Tây Nguyên càng lớn. Du lịch Việt
Nam nói chung và du lịch Tây Nguyên nói riêng cần có chiến lược phát
triển đa dạng.
Về nông nghiệp, phải hình thành những vùng chuyên canh lớn và phát
triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, tập trung quy mô lớn, giá
trị hàng hóa lớn, đặc biệt phải đi vào chế biến sâu, mở rộng chuỗi giá
trị sản phẩm.
Về nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục cơ bản ở vùng Tây Nguyên phải
bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cả nước. Tây Nguyên là nóc nhà Đông
Dương, là vùng cao về địa lý thì không thể và không nên là vùng trũng
giáo dục của cả nước.
Về bảo vệ, phát triển rừng, “cách đây gần một năm, cũng tại Đắk Lắk
này, tôi đã tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên. Hôm nay, tôi tái khẳng định
quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ, bảo vệ rừng là bảo vệ phần cốt
lõi của an ninh, không chỉ là an ninh của vùng đất được mệnh danh là
nóc nhà Đông Dương, mà là an ninh của toàn Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ và
cả nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bảo vệ rừng là bảo vệ không gian sinh tồn, nguồn nước, sinh kế của người
dân, không gian di sản của cha ông. Mọi hành vi phá rừng, khai thác lâm
sản trái phép là tội ác. Tiếp tục trồng rừng, không phá rừng nghèo để
trồng cây công nghiệp mà tập trung tái canh, nâng cao năng suất thông
qua thâm canh các loại cây công nghiệp.
Về công nghiệp, bài toán công nghiệp cho Tây Nguyên chính là công
nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao hàm lượng chế biến, mở
rộng chuỗi giá trị sản phẩm cây công nghiệp. Đồng ý chủ trương phát
triển năng lượng tái tạo, Thủ tướng đặt vấn đề phát triển ở đâu và chỉ
rõ: Ở vùng đất không thể trồng được cây gì.
Về hạ tầng, cần tránh tư tưởng làm manh mún. Cần tập trung nguồn lực,
“góp gạo thổi cơm” để có công trình hạ tầng then chốt ở Tây Nguyên.
Phải xã hội hóa mạnh mẽ việc phát triển hạ tầng, kể cả hạ tầng kỹ thuật
và hạ tầng xã hội.
Thủ tướng cũng cho rằng, Tây Nguyên cần liên kết với duyên hải miền
Trung, miền Đông Nam Bộ, TPHCM và các vùng có thể tiêu thụ được các sản
phẩm có giá trị gia tăng cao của Tây Nguyên. Liên kết cả cơ sở hạ tầng,
đặc biệt là liên kết du lịch.
Về tín dụng, khuyến khích vay tín chấp, nhất là với hộ nông dân, đồng
bào dân tộc; có nhiều hình thức hỗ trợ như cấp bù lãi suất…
|
Thủ tướng và các nhà đầu tư tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Về môi trường kinh doanh, Thủ tướng nhấn mạnh đây là điều đặc biệt mà
các tỉnh cần quan tâm. Các tỉnh cần có chương trình cải thiện môi trường
đầu tư kinh doanh ở địa phương tốt hơn, minh bạch hơn để thu hút đầu tư
phát triển.
Về an ninh, “trước đây chúng ta đặt vấn đề ổn định để phát triển thì
nay chúng ta đổi lại là phát triển bền vững để ổn định an ninh lâu dài.
Chính vì vậy, một trong những yếu tố bảo đảm an ninh là phải phát triển
bằng được kinh tế, phải quan tâm sâu sắc hơn đến sinh kế của người dân”,
Thủ tướng nói. Cùng với đó, đấu tranh kiên quyết đối với kẻ xấu phá
hoại bình yên của đất nước.
Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư yên tâm làm ăn lâu dài tại Tây
Nguyên và Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam tiếp tục giữ ổn định kinh
tế vĩ mô, giữ giá trị đồng tiền Việt Nam; bảo vệ quyền tài sản, quyền
con người, quyền công dân theo hiến pháp và luật pháp đã quy định. Chính
phủ cũng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn nữa,
đưa Việt Nam vào tốp đầu ASEAN.
Hoan nghênh các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội, bỏ vốn đầu tư vào Tây
Nguyên, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư thực hiện các cam kết đầu tư,
đẩy nhanh các tiến độ dự án. Trong triển khai phải bảo đảm giữ gìn môi
trường, quan tâm chăm lo đến đời sống người lao động.
Tại Hội nghị đã diễn ra lễ trao cam kết tín dụng đầu tư của các ngân
hàng cho các dự án đầu tư với tổng vốn trên 29.000 tỷ đồng; trao chứng
nhận đầu tư, quyết định đầu tư, thỏa thuận đầu tư cho các dự án với tổng
vốn khoảng 80.000 tỷ đồng./.
Theo chinhphu.vn