Chủ Nhật, 29/12/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 10/3/2017 15:9'(GMT+7)

"Việt Nam đang đối diện với nguy cơ hậu công nghiệp hóa quá sớm"

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Vietnam+)

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Vietnam+)

Vì vậy khi đưa ra ý kiến tại Hội thảo "Chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam đến năm 2025," do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức sáng 10/3, tại Hà Nội, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương tỏ ra lo ngại khi Việt Nam đang phải đối diện với nguy cơ hậu công nghiệp hóa quá sớm và công nghiệp hóa thu hút ít lao động.

​Năng suất lao động còn thấp

Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, trong 10 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng công nghiệp đã có nhiều chuyển động tích cực. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2006-2015, tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,42 lần. Tỷ trọng GDP công nghiệp cũng duy trì ổn định khoảng 31-32%/tổng GDP của cả nước.

Sau gần 10 năm, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tăng gần 3,5 lần, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu của nền kinh tế, bình quân kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu nền kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, nhìn vào xu hướng phát triển của toàn ngành công nghiệp,​ Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng, ngành công nghiệp Việt Nam đang ở trình độ phát triển thấp​. Trong đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đang có xu hướng giảm mạnh.

Nếu nhìn vào giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp ở mức 16,2%/năm thì giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng đã giảm xuống chỉ còn 10%/năm.

Thực tế này, theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, năng suất lao động công nghiệp của Việt Nam, nhất là năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn khá thấp. Ước tính, tốc độ tăng năng suất lao động của ngành công nghiệp giai đoạn 2006-2015 khoảng 2,4%/năm, chậm hơn tốc độ tăng bình quân chung của nền kinh tế là 3,9%.

Quá phụ thuộc vào FDI


Theo Bộ Công Thương, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu đã đem về 27,3 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 7,6 tỷ USD, tăng 12,2% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,7 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2016.

Đây cũng tháng có mức tăng trưởng rất cao, bởi nhìn lại 2 tháng đầu năm 2016 kim ngạch xuất khẩu cũng chỉ tăng được 2,9% và trong suốt một thời gian dài của năm 2016, tăng trưởng xuất khẩu đều không chạm mức 2 con số.

Tuy vậy, theo đánh giá của lãnh đạo Ban kinh tế Trung ương, nền công nghiệp của Việt Nam còn quá phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khi sự liên kết giữa các doanh nghiệp nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước còn thiếu chặt chẽ, tỉ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài còn thấp.

Phân tích rõ hơn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh đến năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp còn thấp. Theo ông, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn rất hạn chế.

Không những thế, chất lượng lao động ngành công nghiệp lại chưa cao, thiếu sự gắn kết giữa đào tạo với nhu cầu thị trường lao động sản xuất công nghiệp. Chưa kể, liên kết vùng trong phát triển công nghiệp còn thiếu chặt chẽ và chưa hiệu quả, chính sách phát triển các cụm liên kết công nghiệp còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự được chú trọng.

Nhất trí với ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nhấn mạnh đến chất lượng tăng trưởng của ngành công nghiệp, theo ông Hải thì ngành này còn chưa bền vững và điều này thể hiện ở giá trị gia tăng trong lĩnh vực này còn thấp, sức cạnh tranh chậm được cải thiện.

"Ngành công nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu làm gia công, lắp ráp trong khi những công đoạn có giá trị gia tăng cao như nghiên cứu phát triển, thiết kế, marketing, phân phối thì yếu," Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Không thể phủ nhận việc đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua, nhưng theo Giáo sư Trần Văn Thọ, Đại học Waseda, Tokyo (Nhật Bản) Việt Nam cần có đánh giá một cách toàn diện chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Giáo sư cho rằng, nếu không có chính sách FDI khôn ngoan, các nước đi sau dễ ỷ lại vào doanh nghiệp nước ngoài và không tự mình tích lũy công nghệ, khả năng kinh doanh, từ đó sẽ đưa đến méo mó trong cơ cấu kinh tế, còn về lâu dài quá trình công nghiệp hóa sẽ không bền vững.

Tập trung vào 4 đột phá

Có thể thấy, điểm yếu cốt lõi của ngành công nghiệp Việt Nam hiện nay chính là do công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Thực tế này đã khiến cho sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước chưa thật sự ổn định vì phụ thuộc vào nguyên phụ liệu đầu vào và biến động của giá cả thế giới.

Do vậy, để tạo ra đột phá, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng thẳng thắn đề nghị thay đổi tư duy trong việc soạn thảo các chính sách, không để chính sách được soạn thảo và ban hành theo ý chủ quan của các cơ quan quản lý mà cần "đưa cuộc sống vào chính sách".

Về hướng đi thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị cần tiếp tục tập trung phá triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là nhóm sản phẩm cơ khí, hóa chất, điện tử viễn thông qua đó, giúp các sản phẩm của Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Nhấn mạnh thêm về nội dung này, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định, trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 phải có một chính sách công nghiệp quốc gia đúng đắn và quá trình triển khai thực hiện đồng bộ, kiên quyết và nhất quán.

Để làm được việc này, Người đứng đầu Ban Kinh tế Trung ương đề nghị các bộ, ngành liên quan cần bám sát Nghị quyết 05-NQ/TW ngày 1/11/2016 Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, trong đó tập trung xây dựng và thực hiện chính sách công nghiệp quốc gia, tạo khuôn khổ chính sách đồng bộ, trọng tâm, đột phá hướng vào các yếu tố cơ bản là "tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh"

"Tôi rất mong nhận được nhiều ý kiến xây dựng, tâm huyết, có giá trị của các chuyên gia nhằm đóng góp cho đề án để tham mưu cho Bộ Chính trị về chính sách công nghiệp quốc gia của Việt Nam trong giai đoạn tới", Trưởng ban kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nói./.

Đức Duy (Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất