Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thông tin với báo chí như trên tại buổi họp báo vừa kết thúc. Thủ tướng sẽ trực tiếp đi thị sát vùng lũ và chủ trì một cuộc họp bàn biện pháp khắc phục hậu quả cơn bão.
Ông Phúc cho hay, tại cuộc họp Chính phủ, ngoài nội dung đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ cũng đã tập trung đánh giá về thiệt hại và biện pháp khắc phục hậu quả cơn bão.
Thủ tướng đánh giá, cơn bão số 9 đã gây thiệt hại lớn về người và nhà cửa. Tuy nhiên, đến thời điểm nay, chưa thể ước tính được tổng số thiệt hại về của cải, hoa màu, nhà cửa.
Thủ tướng khẳng định, con số người chết và thương vong do bão đến lúc này là rất lớn. Nhưng các địa phương đã kịp thời chỉ đạo một cách quyết liệt để di dân khỏi vùng nguy hiểm.
Cho đến nay, không hộ dân vùng bão nào bị cô lập vì Chính phủ đã chủ động đưa nhiều phương tiện đến ứng cứu và lập ngay ban chỉ đạo tiền phương tại miền Trung, do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đứng đầu. Lực lượng công an, quân đội đã vào cuộc mạnh mẽ.
Những nỗ lực này đã góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại. Thủ tướng đã chỉ đạo phải nhanh chóng phục hồi hệ thống điện lưới khu vực miền Trung trong hôm nay và ngày mai để khôi phục sinh hoạt và sản xuất cho người dân.
|
Các đội phòng chống bão lụt bận rộn với cứu trợ, cứu nạn (Ảnh: VNN) |
Báo cáo mới nhất lúc 10 giờ sáng ngày 1/10/2009 của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương cho biết, tính đến 6 giờ sáng hôm nay đã có 111 người chết và mất tích do cơn bão số 9 gây ra, trong đó 92 người chết và 19 người mất tích. Số bị thương là 199 người. Như vậy, tổng số người chết và mất tích đã tăng thêm 25 người. Theo đó, Quảng Ngãi vẫn là tỉnh chiếm “kỷ lục” với 27 người thiệt mạng và 4 người mất tích. Mất mát lớn tiếp theo là tỉnh Kon Tum với 21 người thiệt mạng và 2 người mất tích.
Văn phòng thường trực ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đã nhận được văn bản đề nghị của các tỉnh, thành phố kiến nghị Chính phủ hỗ trợ như sau: Nghệ An 24.100 tấn gạo, Quảng Bình 600 tấn, Quảng Trị 10.000 tấn, Thừa Thiên Huế 500 tấn, Quảng Ngãi 5.000 tấn, Bình Định 2.000 tấn và Kon Tum 1.000 tấn.
Các địa phương trên còn đề nghị được hỗ trợ hàng trăm tấn giống lúa, rau màu để khôi phục lại sản xuất; hàng trăm cơ số thuốc và một số phương tiện giao thông, nhà bạt... Riêng các địa phương bị bão lũ tàn phá nghiêm trọng cũng đã đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để nhanh chóng khắc phục nhanh hậu quả do thiên tai gây ra.
Theo thông tin từ Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban đã tiếp cận và ứng cứu thành công 86 người dân bị cô lập khu vực cầu Đăkbla (Kon Tum). Tổ chức cứu nạn 15 người bị cô lập ở Quảng Ngãi; chuyên trở gần 4.000 tấn hàng hoá cứu trợ đến vùng ngập lụt chia cắt của tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đặc biệt, Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai đã tổ chức ứng cứu 300 người dân Campuchia ở Bản Phí đang gặp nguy hiểm theo đề nghị của phía Campuchia.
Tập đoàn điện lực Việt Nam đã khắc phục được sự cố các đường dây 500kv, 220kv lúc 17 giờ 30 phút ngày 30/9.
Tại Quảng Ngãi đã cấp điện các khu vực quan trọng trong đó có nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà máy nước Lilama. Tại Đà Nẵng đã khôi phục được 21/39 tuyến 15kv, 22kv, dự kiến trong ngày 30/9 sẽ khôi phục hầu hết lưới điện ngoại trừ các khu vực Hòa Minh, Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Bắc, Hòa Ninh. Riêng tỉnh Quảng Nam mới chỉ cấp điện lại cho trung tâm hành chính tỉnh và một số cơ quan, đơn vị, bệnh viện, nhà máy nước, khu công nghiệp. Tại Kon Tum hiện đang mất điện toàn bộ khu vực.
Hãng hàng không Việt Nam đã khôi phục các chuyến bay từ sân bay Phú Bài và Đà Nẵng từ chiều ngày 29/9, dự kiến trong ngày 1/10 sẽ tăng cường các chuyến bay để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.
Bộ Y tế đã chỉ đạo cấp 200 cơ số thuốc phòng chống lụt bão, 5 triệu viên Cloramin B cho các tỉnh bị ảnh hưởng để các địa phương bổ sung cơ số và hoá chất cho các cơ sở y tế giúp điều trị, phục vụ nhân dân trong mưa lũ và cấp 500 áo phao cho các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi.
Hiện nay, tình hình mưa lũ vẫn còn tiếp diễn phức tạp, Phía Đông Philippines đã xuất hiện một cơn bão rất mạnh. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục kiểm soát giao thông và cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các ngầm qua suối để hướng dẫn người, phương tiện qua lại để đảm bảo an toàn, đặc biệt là trẻ nhỏ./.
TG (theo VNN, TTXVN)