Sáng 26/12, Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô
A-bê (Shinzo Abe) đã tới viếng đền Y-a-xư-cư-ni nhân dịp kỷ niệm tròn
một năm nhậm chức, bất chấp sự phản đối kịch liệt từ một số nước láng
giềng như Trung Quốc và Hàn Quốc. Thậm chí đồng minh Mỹ cũng bày tỏ sự
không hài lòng đối với hành động của Thủ tướng Nhật Bản.
Đây là lần đầu tiên trong vòng 7 năm qua, một vị thủ tướng đương nhiệm của Nhật Bản tới viếng ngôi đền là nơi thờ tự 2,5 triệu binh sĩ Nhật Bản thiệt mạng trong các cuộc chiến tranh. Trước đó, ông Giun-i-chi-rô Cô-i-dư-mi (Junichiro Koizumi) cũng đã tới thăm ngôi đền này hồi tháng 8/2006, khi ông đang giữ cương vị thủ tướng Nhật Bản. Theo AFP, sở dĩ việc thăm viếng đền thường gây phản ứng từ các nước láng giềng bởi vì có 14 tội phạm hạng A trong Chiến tranh thế giới thứ hai được thờ tại đây.
Trong một động thái đã được dự báo trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26/12 đã ra tuyên bố "lên án mạnh mẽ" việc Thủ tướng A-bê viếng đền Y-a-xư-cư-ni, cho rằng đây là một việc làm gây tổn thương nghiêm trọng cho các nạn nhân chiến tranh tại châu Á, do nhiều nước coi đền Y-a-xư-cư-ni là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản. "Chúng tôi phản đối mạnh mẽ hành động của lãnh đạo Nhật Bản. Đây là sự thách thức kết quả của Chiến tranh thế giới thứ hai và thách thức trật tự quốc tế sau chiến tranh", Tần Cương, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, phát biểu từ Bắc Kinh. Vụ trưởng Vụ châu Á của Bộ Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy cũng cho rằng, chuyến thăm đền Y-a-xư-cư-ni của Thủ tướng A-bê sẽ gây tác động rất xấu đến người dân châu Á, tạo ra trở ngại chính trị mới đáng kể cho mối quan hệ song phương Trung-Nhật, cũng như có nguy cơ hủy hoại mối quan hệ vốn mong manh giữa Nhật Bản và các quốc gia láng giềng.
Không riêng Bắc Kinh, Xơ-un cũng phản ứng gay gắt không kém trước hành động của nhà lãnh đạo Nhật Bản. Một quan chức Chính phủ Hàn Quốc cảnh báo việc làm trên của Thủ tướng A-bê sẽ gây tác hại lớn về mặt ngoại giao giữa Xơ-un và Tô-ki-ô. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cùng ngày cho biết, bộ này đang soạn thảo một tuyên bố, trong đó chỉ trích mạnh mẽ việc Thủ tướng A-bê tới thăm đền Y-a-xư-cư-ni, đồng thời sẽ triệu Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc tới để phản đối về hành động này. "Chúng tôi không thể không lên án và bày tỏ sự tức giận trước việc thủ tướng A-bê thăm đền Y-a-xư-cư-ni, bất chấp sự quan ngại và cảnh cáo của các nước láng giềng", Bộ trưởng Văn hóa Hàn Quốc Y-ô Chin Ri-ông (Yoo Jin-ryong) cho biết. "Chuyến thăm là hành vi đi ngược lại lịch sử và không chỉ làm tổn hại cho quan hệ Hàn - Nhật mà còn gây bất ổn cho sự hợp tác tại khu vực Đông Bắc Á", ông Y-ô cho hay.
Trong khi đó, trả lời báo chí sau khi viếng đền Y-a-xư-cư-ni, Thủ tướng A-bê cho biết, mục đích viếng đền là “cầu mong hòa bình” và “thề sẽ không để người dân phải đau khổ vì chiến tranh thêm một lần nữa”. Bình luận về phản ứng của Trung Quốc và Hàn Quốc, ông A-bê cho rằng, việc chỉ trích của các nước dựa trên sự nhầm lẫn rằng “việc viếng đền Y-a-xư-cư-ni là hành vi sùng bái tội phạm chiến tranh” và ông không có ý làm tổn thương tình cảm của hai nước này. Thủ tướng A-bê khẳng định suy nghĩ của ông hoàn toàn giống với các vị thủ tướng tiền nhiệm từng viếng đền trước đây, đồng thời cho biết ông sẽ “trực tiếp giải thích” về ý nghĩa của việc viếng đền với phía Trung Quốc và Hàn Quốc.
Thủ tướng A-bê lấy làm tiếc rằng, “việc viếng đền mang tính cá nhân lại đang bị chính trị hóa và ngoại giao hóa”, đồng thời cho biết lý do ông chọn ngày kỷ niệm tròn 1 năm cầm quyền để viếng đền Y-a-xư-cư-ni là muốn bày tỏ quyết tâm không để xảy ra chiến tranh, đồng thời “việc thể hiện thái độ sùng kính trước anh linh người đã khuất là điều hiển nhiên”.
Tuy nhiên, đồng minh thân cận của Nhật Bản là Mỹ cũng bày tỏ sự không hài lòng trước hành động của Thủ tướng A-bê. Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Mỹ tại Tô-ki-ô nhấn mạnh: "Nhật Bản là đồng minh và người bạn quan trọng nhưng Mỹ cảm thấy thất vọng trước việc lãnh đạo Nhật có hành động làm gia tăng căng thẳng với các nước láng giềng". Đại sứ quán Mỹ cũng kêu gọi "Nhật Bản và các nước láng giềng cần tìm cách giải quyết các vấn đề nhạy cảm trong quá khứ, nhằm cải thiện mối quan hệ giữa các bên và thúc đẩy hợp tác vì mục tiêu chung hòa bình và ổn định khu vực"./.
NGỌC THƯ (QĐND)