Chủ Nhật, 22/9/2024
Văn hóa
Thứ Ba, 4/4/2017 21:25'(GMT+7)

Thừa Thiên Huế: Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 23 về phát triển văn học trong tình hình mới

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực hiện Nghị quyết 23- NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới”, trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đã bám sát các quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển văn học - nghệ thuật, trong định hướng chỉ đạo, quản lý, tổ chức, sáng tạo, phát triển sự nghiệp văn học nghệ thuật của địa phương, tạo động lực kích thích sự cống hiến của văn nghệ sỹ. 

Vì vậy nhiều hoạt động văn học, nghệ thuật đã được tổ chức sôi động, ý nghĩa, có chất lượng. 

Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật được thực hiện trong từng chính sách và từng bước đi. Hệ thống các thiết chế văn hóa được tập trung đầu tư từ các nguồn vốn trong nước và quốc tế, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Tiếp tục nâng cấp, chỉnh trang, đầu tư hệ thống thư viện, bảo tàng, nhà trưng bày, khu tưởng niệm, đài phát thanh và truyền hình, các trung tâm văn hóa - thể thao... từ tỉnh đến cơ sở. Các khu văn hóa, thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng, các câu lạc bộ văn hóa và hàng trăm điểm dịch vụ văn hóa được xây dựng mới... tạo nên các địa chỉ văn hóa, điểm tham quan, hợp thành một hệ thống thiết chế văn hóa mang đậm màu sắc truyền thống, văn hóa Huế. Di sản Ca Huế, nghề dệt Zèng ở A Lưới được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.  

Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Thừa Thiên Huế có 8 Hội chuyên ngành, số lượng hội viên ngày càng tăng, hiện có gần 600 hội viên. Đội ngũ văn nghệ sỹ Thừa Thiên Huế không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và năng lực sáng tạo, hưởng ứng và tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị xã hội, đóng góp quan trọng vào phát triển văn hóa Huế, văn hóa dân tộc. Hội đã chú trọng đến công tác tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện để văn nghệ sỹ trẻ phát triển; tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. 

Trong những năm qua, Hội đã tổ chức nhiều trại sáng tác trong và ngoài tỉnh, các vùng, miền văn hóa, địa danh lịch sử. Từ các trại sáng tác, nhiều tác phẩm mới có chất lượng được hình thành với nội dung về chiến tranh cách mạng, về công cuộc đổi mới của đất nước quê hương, đề tài nông thôn mới, biển đảo quê hương... được xuất bản, phát hành rộng rãi trong công chúng.

Hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được đẩy mạnh và phát triển toàn diện trên tất cả các loại hình nghệ thuật truyền thống cung đình, ca múa nhạc dân gian và đương đại, trong đó các loại hình múa hát Cung đình, lễ nhạc Cung đình, Tuồng Huế, Ca Huế, Ca kịch Huế đã và đang được quan tâm khôi phục và phát triển, nhất là trong các kỳ Festival Huế, Năm Du lịch quốc gia, các lễ hội của tỉnh.

Nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật và giới thiệu tác phẩm mới được phát trên sóng của Trung tâm truyền hình Việt Nam tại Huế, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia. Nhiều chương trình nghệ thuật có quy mô lớn, tiêu biểu như Chương trình nghệ thuật ASEAN, Liên hoan Múa quốc tế, Liên hoan Hợp xướng quốc tế, Chương trình Sao Mai Điểm hẹn 2012; Chương trình “Đêm Huế ở phương Nam”, Chương trình nghệ thuật “Khúc tình Huế”, “Tình Huế”, “Mùa đông xứ Huế”; tôn vinh Ca Huế “Âm sắc Hương Bình”; các chương trình nghệ thuật tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bắc Trung Bộ... Nhiều hội thảo chuyên ngành: Văn học Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Sân khấu, Múa, Kiến trúc được tổ chức, đã có nhiều bài lý luận, phê bình có giá trị; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, phê bình, giảng dạy trong các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học và nhiều công trình nghiên cứu, phê bình văn học, nghệ thuật được đăng tải trên các tạp chí Trung ương, địa phương. 

Hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm ngày càng nâng cao chất lượng, từ 2008 đến nay đã có trên 500 cuộc trưng bày, triển lãm về mỹ thuật, nhiếp ảnh, như: triển lãm Mỹ thuật Mùa Xuân, Phòng tranh con giáp; Phòng triển lãm Nữ tác giả; Tặng phẩm tháng Ba; triển lãm các tác phẩm mỹ thuật nhân ngày truyền thống Mỹ thuật, Nhiếp ảnh Việt Nam; triển lãm tại các kỳ Festival Huế và Festival nghề truyền thống Huế; chào mừng các ngày lễ lớn,... Ngoài ra, các cơ sở nghệ thuật tư nhân đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm của các tác giả trẻ, về thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam, Thừa Thiên Huế, tạo bầu không khí hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh mới lạ, sôi nổi trên địa bàn. 

Thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, từ 2008 - 2015 trên lĩnh vực báo chí và văn học, nghệ thuật đã có hàng ngàn tin, bài, phóng sự, tác phẩm, công trình nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, được Trung ương, tỉnh bình chọn trao một số tác phẩm, công trình nghệ thuật đạt giải cao cho văn nghệ sỹ Thừa Thiên Huế. Tiêu biểu như: Vở ca kịch “Hồ Chí Minh - Hồi ức màu đỏ”, Hợp xướng Dưới cờ đoàn kết (nhạc sỹ Lê Anh phổ thơ và Di huấn của Bác Hồ), Hồ Chí Minh, tác phẩm “Vượt sóng” …

Hoạt động giao lưu quốc tế về văn học, nghệ thuật diễn ra sôi nổi, góp phần giới thiệu truyền thống, những giá trị văn hóa đặc sắc đến bạn bè quốc tế. Nhiều hội viên Hội Nhà văn, Hội Sân khấu, Hội Múa, các đoàn Nghệ thuật đi công tác, trao đổi văn hóa, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, Ca Huế, Múa hát Cung đình, Diều Huế, Múa rối... ở các nước Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Bỉ, Nga, Hàn Quốc, Thụy sỹ, Lào, Campuchia, Thái Lan... 

Đồng thời, thông qua các kỳ Festival Huế, Năm Du lịch quốc gia; đăng cai tổ chức các trại sáng tác điêu khắc quốc tế tại Huế, đã tổ chức các buổi tiếp đón, giao lưu với văn nghệ sĩ nước ngoài đến Huế. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đó là: Hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật chưa tương xứng với truyền thống văn hóa Huế và yêu cầu của một trung tâm văn hóa lớn; đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn ở một số lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật còn thiếu và chưa đồng bộ. Văn học nghệ thuật có những bước phát triển nhưng vẫn còn thiếu những công trình, tác phẩm tiêu biểu, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, có tầm ảnh hưởng lớn trong phạm vi quốc gia và quốc tế; các công trình mới trọng điểm về văn hóa, nghệ thuật chưa được đầu tư xây dựng kịp thời, hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở còn hạn chế…

Trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế tiếp tục quan tâm quán triệt, nâng cao nhận thức và hành động đối với lĩnh vực VHNT, tạo mọi điều kiện để đội ngũ văn nghệ sỹ, những người hoạt động văn hóa - nghệ thuật sáng tác, sáng tạo những tác phẩm chất lượng, có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật. Đầu tư cơ sở vật chất phục vụ VHNT có hiệu quả, có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện các tài năng VHNT…, Tăng cường công tác lãnh chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với VHNT, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng Thừa Thiên Huế là thành phố văn hóa, có cảnh quan thiên nhiên đẹp, di sản, thân thiện môi trường trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế./.

Châu Thu Hà

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất