Thứ Sáu, 20/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 3/4/2017 9:37'(GMT+7)

Nhân diện và giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

Lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: VGP/Đình Nam

Lễ đón nhận Bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: VGP/Đình Nam

1. Nhận diện di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt

Tại Kỳ họp lần thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ, Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (di sản VHPVT) của UNESCO tại Addis Ababas, Thủ đô Ethiopia từ 28-11 đến 2-12-2016, di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được UNESCO vinh danh trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.  Hồ sơ quốc gia do Việt Nam đệ trình lên UNESCO đã phác họa được những bản chất cốt yếu nhất của cả hệ thống tín ngưỡng và thực hành cơ bản trong di sản thờ Mẫu Tam phủ.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là một hệ thống đức tin vào các Thánh Mẫu với vị thần chủ là Liễu Hạnh. Theo sử liệu ghi chép và các truyền thuyết còn lưu lại, Liễu Hạnh là tiên nữ giáng trần, làm người, rồi qui y Phật giáo. Trong hệ thống tín ngưỡng của người Việt, Liễu Hạnh được phong là “Mẫu nghi thiên hạ”, một trong bốn vị Thánh bất tử.  Các Thánh Mẫu là những hình tượng người mẹ hóa thân và cai quản các miền trời, sông nước, rừng núi. Thánh Mẫu - vị thần tối linh của các miền cùng với khoảng 70 các vị thần khác như các Quan, các Chúa, Chầu, các Cô, các ông Hoàng, các Cậu, là những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với dân, với nước, được nhân dân hóa Thánh và thờ cúng trong các thần điện thờ Mẫu Liễu Hạnh.

Các vị Thánh trong điện thờ Mẫu Tam phủ được thờ cúng ở nhiều nơi, trong đó, tỉnh Nam Định là một trong những địa phương có các trung tâm thờ cúng tiêu biểu như Phủ Dầy (huyện Vụ Bản), Phủ Nấp (huyện Ý Yên). Ngoài ra, Liễu Hạnh còn được thờ cúng tại các đền, các phủ lớn khác gắn liền với các huyền thoại về Bà như Phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Sòng (Thanh Hóa), đền Bắc Lệ (Lạng Sơn), v.v… Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ lan tỏa và được thực hành ở nhiều địa phương trong cả nước như ở Huế, Thành phố Hồ Chí Minh và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (Mỹ, Pháp, Ba Lan…).  Bản thân tín ngưỡng thờ Mẫu có giá trị nhân văn sâu sắc bởi nó gắn liền với đời sống tinh thần và các phong tục, tập quán của người Việt. Có thể nói, đây là một hệ thống tín ngưỡng thuần Việt, bao chứa trong đó nhiều yếu tố văn hóa truyền thống.

 Thực hành của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ bao gồm lễ hội, lên đồng, hát văn, cầu cúng, đi lễ, v.v.  với những yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, múa được kết hợp một cách nghệ thuật như là “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.  Trong đó, thực hành cơ bản của thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ lên đồng và lễ hội, tiêu biểu là Lễ hội Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định diễn ra từ ngày mùng 3 đến ngày 10-3 âm lịch (ngày giỗ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh) với những nghi lễ, diễn xướng dân gian, xếp chữ, lễ rước thỉnh kinh. Bên cạnh đó, còn có nhiều lễ hội truyền thống khác được tổ chức hàng năm ở các đền thờ chính các vị Thánh trong điện thần như Phủ Tây Hồ (Hà Nội), đền Sòng (Thanh Hóa), đền Ông Hoàng Bảy ở Bảo Hà (Lào Cai), Ông Hoàng Mười (Nghệ An), v.v. Lên đồng là một nghi lễ mang tính đặc thù của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, một hình thức diễn xướng dân gian, thể hiện đức tin về sự giáng/nhập của các vị thần trong điện thờ Mẫu. Mỗi một buổi lên đồng khoảng 5-36 giá đồng. Mỗi giá đồng bao gồm hát văn, trang phục, múa thiêng được kết hợp một cách nghệ thuật, thể hiện khí phách và công trạng của các vị Thánh mang tính tâm linh và biểu tượng. Hội tụ trong các thực hành của thờ Mẫu không chỉ có Lên đồng, mà cả một hệ thống tri thức, văn hóa truyền thống của người Việt, thể hiện bản sắc văn hóa, được trao truyền, kế tục giữa các thế hệ. Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, quan niệm nhân sinh quan, triết lý tôn thờ Mẹ, những nhân vật lịch sử được Thánh hóa. Sức mạnh và ý nghĩa của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người như cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe…

Nghi lễ Lên đồng là một hình thức shaman giáo tương đối phổ biến trong hệ thống tín ngưỡng của nhiều dân tộc ở Việt Nam, tiêu biểu là nghi lễ then, pựt , mo, tào của người Tày, yao của người Bru,  một của người Thái, mỡi của người Mường, lập tịch, tết nhảy lửa của người Dao, lễ nhập hồn của người Chăm...  Nghi lễ này cũng được nhiều dân tộc khác trên thế giới thực hành, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Inđônêsia, Trung Á, Siberia, Mông Cổ, Brazin, Haiti, Zimbabwe, người Eskimo, Inuit, Maya, v.v..  Các hình thức diễn xướng shaman giáo đa dạng, thể hiện hệ thống tín ngưỡng và vũ trụ quan của tộc người.

2. Cộng đồng những người thực hành di sản

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 2003 của UNESCO về di sản VHPVT, trở thành một trong 171 quốc gia thành viên công nhận các văn kiện của Công ước như là khung luật pháp quốc tế về bảo vệ và phát huy di sản VHPVT. Công ước nhấn mạnh vào ý nghĩa, bản sắc của cộng đồng và sự trao truyền giữa các thế hệ. Sự tham gia của cộng đồng và những biện pháp bảo vệ được cộng đồng duy trì và thực hiện là những yếu tố cơ bản đảm bảo sức sống và tầm nhìn của di sản VHPVT. Chỉ có sự tham gia của cộng đồng - trung tâm của quá trình trao truyền, sáng tạo và làm mới, thì di sản VHPVT mới được thực hành và bảo vệ. Như vậy, cộng đồng những người nắm giữ và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ không chỉ là ông đồng bà đồng, mà bao gồm nhiều người khác như thủ nhang, thầy cúng, thanh đồng, người hầu dâng, cung văn, người dân đi lễ và những thành viên tham dự các nghi lễ, lễ hội liên quan đến các vị Thánh trong điện thờ Mẫu Tam phủ. Họ có chung một niềm tin, gắn bó với nhau thành bản hội, cùng nhau thực hành nghi lễ... Theo tinh thần của Công ước 2003, điều quan trọng là sự công nhận của các cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân coi các hoạt động đó là một phần di sản văn hóa của họ, được trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác; di sản đó tạo ra cho họ những ý thức về bản sắc và sự kế tục.

 3. Giá trị của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt

Xét từ góc độ văn hóa truyền thống, các thực hành như lễ hội, lên đồng, hát văn gắn liền với những yếu tố văn hóa dân gian đã góp phần lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt. Từ góc độ lịch sử, việc tôn thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, các nhân vật lịch sử như Trần Hưng Đạo, nhân vật huyền thoại như các vị quan, ông Hoàng khi sống là những người có tài, có đức, góp phần vào sự nghiệp dựng nước, bảo vệ người dân, khi mất hiển linh, là chỗ dựa tinh thần, thể hiện ý thức về cội nguồn dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước. Từ góc độ tín ngưỡng,  thực hành và tham dự vào nghi lễ lên đồng, cầu cúng cũng như hoạt động lễ hội là để cầu sức khỏe, may mắn, hạnh phúc, thể hiện khát vọng cuộc sống, hướng con người đến lòng từ bi bác ái, ứng xử nhân văn giữa con người với con người. Bên cạnh đó, các hoạt động lễ hội, thực hành lên đồng là những sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang tính tập thể, mọi người có thể cùng giao cảm với thần Thánh, cùng hưởng thụ các giá trị văn hóa, tâm linh, tạo nên niềm cộng cảm, gắn bó giữa các thành viên cộng đồng.

Các thực hành của tín ngưỡng thờ Mẫu có khả năng thu hút nhiều người tham gia thực hành, không phân biệt xu hướng chính trị, tôn giáo, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp. Sức hấp dẫn của lên đồng phục thuộc vào người thực hành và người tham dự. Có người vì đức tin mà họ tham gia thực hành hay tham dự nghi lễ để cầu thần Thánh phù hộ, có người mê âm nhạc, hát văn, có người tham gia chỉ vì thấy vui, hấp dẫn vì ở đó họ tìm thấy sự thích thú và thoải mái, thư giãn về tinh thần... Qua đây, chúng ta thấy sự lan tỏa và sức sống mãnh liệt của các thực hành nghi lễ và lễ hội của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Mặt khác, thờ cúng Thánh Mẫu với hình tượng người Mẹ cai quản các miền rừng, núi, sông nước, cũng như biểu tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh tối linh đã góp phần đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội Việt Nam, cũng như khẳng định tình yêu thương bao la, khoan dung, che chở của người mẹ đối với con cái, thể hiện lòng từ bi bác ái và những giá trị nhân văn của người Việt từ xa xưa.

Với những ý nghĩa và giá trị mang tính nhân văn sâu sắc nêu trên, UNESCO đã vinh danh di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt.  Vấn đề đặt ra là, khi nhìn nhận đánh giá về một di sản được vinh danh, chúng ta cần có quan điểm rộng mở hơn và tầm nhìn cao hơn về bản sắc tộc người, về tôn trọng sự đa dạng văn hóa, về đối thoại và khoan dung văn hóa giữa các tôn giáo, tín ngưỡng của các nhóm người, tộc người.  Sự vinh danh góp phần tăng cường vị trí, vai trò của di sản đối với xã hội, với việc gìn giữ văn hóa truyền thống, làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa của Việt Nam và của nhân loại. Việc vinh danh cũng đặt ra vấn đề về sự quan tâm của Nhà nước đối với di sản, khuyến khích cộng đồng và những người thực hành cũng như các bên tham gia liên quan nhận thức đúng, sâu sắc, tích cực hơn về giá trị của di sản, qua đó có ý thức hơn trong công tác bảo vệ và phát huy di sản trong xã hội và cuộc sống đương đại. Việc vinh danh cũng có ý nghĩa đặc biệt,  nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa về thờ Mẫu, biểu tượng của tình yêu bao la, sự khoan dung, che chở của người mẹ, có ý nghĩa thiết thực trong sự kết nối giữa cá nhân, nhóm người, cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam với thế giới theo tôn chỉ và mục tiêu cao đẹp của UNESCO. Theo đó, một số di sản tương tự với tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ saman giáo đã được UNESCO vinh danh như Tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Hậu (Mazu) của Trung Quốc (2009); tri thức dân gian của thầy saman ở Colombia (2011); nghi lễ ở đảo Jeju (2009) và lễ hội Gangneung Danoje (2008) của Hàn Quốc.

Tóm lại, các thực hành của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như lễ hội truyền thống, lên đồng, nghi thức thờ cúng cần phải được hiểu đúng từ góc độ khoa học nhân văn về văn hóa tín ngưỡng và theo tinh thần của Công ước 2003. Đó là những biểu đạt văn hóa tín ngưỡng bản địa, tâm linh và biểu tượng, thể hiện bản sắc văn hóa của người Việt. Các thực hành đã được cộng đồng sáng tạo từ hàng trăm năm nay, được trao truyền và đã đáp ứng được nhu cầu đức tin, khát vọng của các tín đồ, đồng thời đáp ứng nhu cầu về mặt tinh thần cho một bộ phận đông đảo nhân dân. Trên nền tảng của những hiểu biết đầy đủ và đúng đắn về di sản, công tác tuyên truyền, phổ biến cần phải hướng công chúng và chính những người thực hành hiểu rõ, hiểu đúng, tích cực về những giá trị nhân văn cao đẹp, về bản sắc văn hóa của dân tộc được thể hiện trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã được UNESCO ghi nhận. Những người thực hành như các thầy đồng cần phải giữ phẩm chất, cốt cách của một tín đồ thờ Mẫu tam phủ, có tâm, có đức, không lôi kéo, lợi dụng và xúi giục những người khác mở phủ, tranh thủ trục lợi, không "phán truyền" cho các con nhang đệ tử, không lợi dụng đức tin của người tham gia để trục lợi, phục vụ cho những mục đích, ý đồ đen tối, phản nhân văn. Nâng cao nhận thức về di sản cũng đồng nghĩa với việc khuyến khích cộng đồng, bản hội những người thực hành chủ động tham gia vào bảo tồn và phát huy, trao truyền và phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu, để đảm bảo di sản được thực hành đúng với những ý nghĩa và giá trị vốn có./.

_______________________

PGS. TS. NGUYỄN THỊ HIỀN
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

 

(Với tư cách là Ủy viên thư ký của Ban Xây dựng hồ sơ và là người chắp bút hồ sơ “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia xây dựng, tác giả sử dụng những thông tin chính thức được đưa vào hồ sơ và quyết định của UNESCO về việc vinh danh di sản này.) 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất