Thứ Ba, 24/9/2024
Diễn đàn
Chủ Nhật, 27/3/2011 15:52'(GMT+7)

Thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện Việt Nam - U-crai-na

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Ukraine. (Ảnh: TTXVN)

Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Ukraine. (Ảnh: TTXVN)

Từng là một trong những nước cộng hòa phát triển nhất trong Liên bang Xô-viết trước đây, U-crai-na đã trở thành quốc gia độc lập từ ngày 24-8-1991 sau khi Liên Xô tan vỡ. Đất nước có nhiều tài nguyên thiên nhiên và nền văn hóa đặc sắc này đang là nơi sinh sống của khoảng 47 triệu người trên diện tích 603,7 nghìn ki-lô-mét vuông. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, những biến động chính trị nội bộ kéo dài ở U-crai-na và sự tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế thế giới đã kéo lùi sự phát triển của U-crai-na, nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, cuộc sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Tình hình chính trị đã dần trở lại ổn định kể từ tháng 2-2010, khi ông Y-a-nu-cô-vích trở thành tổng thống. Ông đã nhanh chóng thực thi các chính sách hợp lý, triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ổn định tình hình chính trị, xã hội và kinh tế đất nước, tiến hành cải cách trên các lĩnh vực. Tuy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế-xã hội U-crai-na đang từng bước phục hồi, đời sống của người dân đang dần được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 ở mức 6.600 USD. Tổng thống V. Y-a-nu-cô-vích đang thực thi chính sách đối ngoại cân bằng Đông-Tây, chủ trương đứng ngoài mọi liên minh (không gia nhập NATO), nhưng đặt ra mục tiêu đưa U-crai-na gia nhập EU, ưu tiên cải thiện quan hệ và tăng cường hợp tác toàn diện với LB Nga, chú trọng quan hệ với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chuyến thăm của Tổng thống V. Y-a-nu-cô-vích diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam - U-crai-na được duy trì và phát triển tốt đẹp bất chấp những biến động của lịch sử. Tuy hai nước mới thiết lập quan hệ ngoại giao cách đây hơn 19 năm (23-1-1992), nhưng nhân dân hai nước đã thừa hưởng mối quan hệ tốt đẹp từ thời Liên Xô trước đây. Việt Nam mãi biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân U-crai-na trong đấu tranh giành độc lập; giúp Việt Nam đào tạo nhiều cán bộ đã và đang có những đóng góp to lớn vào công cuộc phát triển đất nước. Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam, đặc biệt các cựu sinh viên từng theo học tại U-crai-na luôn dành tình cảm chân thành cho những cựu binh, những thầy giáo, cô giáo Xô-viết người U-crai-na đã từng gắn bó với Việt Nam. Hiện nay ở U-crai-na có hơn 10 nghìn người Việt Nam học tập, sinh sống, được chính quyền sở tại tạo điều kiện hội nhập với cộng đồng địa phương. Cùng với những cựu sinh viên Việt Nam từng được đào tạo tại U-crai-na, họ trở thành cầu nối quan trọng, góp phần phát triển quan hệ giữa hai nước.

Đến nay, hai nước đã ký hơn 20 Hiệp định về hợp tác trong nhiều lĩnh vực quan trọng. Hai bên dành cho nhau quy chế tối huệ quốc, vận tải biển, vận chuyển hàng không, văn hóa, giáo dục và khoa học, khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tránh đánh thuế hai lần. Việt Nam xuất sang U-crai-na gạo, chè, cà phê, cao su tự nhiên, thủy sản, hàng dệt may, giày dép, đông dược… và nhập từ U-crai-na sắt thép, phân bón, máy móc thiết bị, hóa chất. U-crai-na có 4 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 24 triệu USD trong khi Việt Nam có 4 dự án đầu tư tại U-crai-na với tổng vốn đầu tư 27 triệu USD. Hợp tác năng lượng Việt Nam - U-crai-na là hướng quan trọng, được triển khai có hiệu quả ở các công trình thủy điện lớn như Hòa Bình, Thác Mơ, Yaly, đường dây 500KV. Hằng năm, U-crai-na và Việt Nam cung cấp cho nhau hơn 30 suất học bổng. Hiện nay, có hơn 1000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tại U-crai-na và khoảng 25 sinh viên U-crai-na học tại các trường đại học của Việt Nam. Hai bên đang thúc đẩy và khuyến khích hợp tác giữa các địa phương...

U-crai-na và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng và tiềm năng lợi thế có thể bổ sung cho nhau cùng phát triển. Hai bên đã đạt được thỏa thuận nhằm tạo tính hệ thống cho việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác. Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác với U-crai-na trên tất cả các lĩnh vực. Trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hai nước đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác, phối hợp tại các diễn đàn đa phương, quốc tế để khai thác nhiều hơn nữa tiềm năng của mỗi bên. Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để U-crai-na phát triển quan hệ hợp tác với các quốc gia ASEAN.

Chào mừng Tổng thống V. Y-a-nu-cô-vích, nhà lãnh đạo cao nhất của U-crai-na thăm chính thức Việt Nam, chúng ta tin tưởng chuyến thăm sẽ thành công tốt đẹp, mở ra trang sử mới cho quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và U-crai-na./.

(Theo: QĐND) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất