Mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa CHXHCN Việt Nam và CH Ác-mê-ni-a tiếp tục được khẳng định bởi chuyến thăm chính thức của Tổng thống Xéc-dơ Xa-gơ-xi-an (Serzh Sargsyan) tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Sự kiện này diễn ra khi hai nước đang tích cực chuẩn bị kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (14/7/1992 - 14/7/2012).
Đây là dịp để lãnh đạo của hai bên thảo luận và thống nhất các biện pháp tăng cường hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại và hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng, nhu cầu và lợi ích; trao đổi một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Nằm ở khu vực Cáp-ca-dơ, có diện tích 29.743km2 và dân số gần 3,3 triệu người, CH Ác-mê-ni-a tuyên bố độc lập vào ngày 21/9/1991 và bắt đầu công cuộc cải cách kinh tế vào giữa thập niên 90 của thế kỷ trước. Theo đó, Ác-mê-ni-a chuyển sang xây dựng nền kinh tế thị trường, tiến hành tư nhân hóa, cải cách hệ thống ngân hàng - tài chính, luật pháp nhằm thu hút đầu tư nước ngoài và khuyến khích sản xuất trong nước. Những năm gần đây, tốc độ phát triển của Ác-mê-ni-a tương đối ổn định, lạm phát thấp. Thu nhập bình quân của người dân nước này đạt gần 3 nghìn USD/năm. Điều đặc biệt là, trong khi dân số chính thức của Ác-mê-ni-a chỉ có gần 3,3 triệu người, thì lại có từ 8 đến 9 triệu người Ác-mê-ni-a đang làm ăn, sinh sống ở nước ngoài. Là quốc gia nghèo về tài nguyên, thiên nhiên, khó khăn về địa lý, sản xuất chưa phát triển, nhưng Ác-mê-ni-a lại có chính sách và cơ chế tốt nhằm thu hút các nguồn lực từ kiều bào ở nước ngoài. Hằng năm, kiều dân Ác-mê-ni-a chuyển lượng ngoại tệ lớn về nước đầu tư sản xuất, kinh doanh và đóng góp vào ngân sách nhà nước. Nguồn tiền do người Ác-mê-ni-a đi làm ở nước ngoài gửi về lớn hơn thu nhập do xuất khẩu dầu mỏ. Trong năm 2011, số tiền gửi về đạt trung bình 121 triệu USD/tháng, trong khi xuất khẩu dầu trung bình đạt 108 triệu USD/tháng.
Ác-mê-ni-a ngày nay đang thực hiện chính sách cân bằng quan hệ với Nga và phương Tây. Một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Ác-mê-nia là hợp tác khu vực và giải quyết xung đột tại Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc với A-déc-bai-gian. Trong lĩnh vực hợp tác quân sự, Ác-mê-ni-a tham gia vào Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (ODKB), tham gia thiết lập hệ thống phòng không chung cùng với các đồng minh thuộc Liên Xô cũ. Ác-mê-ni-a hiện là thành viên của khoảng 40 tổ chức quốc tế và khu vực.
Kế thừa mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, trong 20 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 14/7/1992), Việt Nam và Ác-mê-ni-a đã duy trì và củng cố quan hệ chính trị tốt đẹp. Ác-mê-ni-a đã từng dành cho nhân dân Việt Nam sự giúp đỡ quý báu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, trong đó có hoạt động hỗ trợ đào tạo cán bộ, sinh viên Việt Nam. Ngày nay, hai bên thường xuyên phối hợp và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế. Tuy nhiên, thành tựu hợp tác giữa hai nước, đặc biệt quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của mỗi nước. Trao đổi thương mại song phương trong năm 2010 đạt gần 21 triệu USD, năm 2011 tụt xuống còn 7,4 triệu USD. Ác-mê-ni-a nhập từ Việt Nam các mặt hàng: Điện thoại và linh kiện, các sản phẩm từ sắt thép, nông sản, thủy sản, dệt may; xuất sang Việt Nam chủ yếu là máy móc, thiết bị phụ tùng, bông, gỗ và sản phẩm gỗ, chất dẻo nguyên liệu...
Để đưa hợp tác giữa hai nước tương xứng với mối quan hệ chính trị tốt đẹp hiện có, lãnh đạo hai bên cho rằng, cần rà soát những vấn đề còn vướng mắc nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách phối hợp, đẩy mạnh hơn nữa quan hệ ngoại giao qua trao đổi các đoàn cấp cao. Việt Nam luôn mong muốn và sẵn sàng hợp tác với Ác-mê-ni-a và giúp Ác-mê-ni-a tăng cường quan hệ với ASEAN. Ngược lại, Ác-mê-ni-a đánh giá cao vai trò và uy tín của Việt Nam trong khu vực, mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam và mong muốn Việt Nam ủng hộ Ác-mê-ni-a trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, trong đó có mở rộng quan hệ với khu vực Đông Nam Á.
Chúng ta tin tưởng rằng, trong chuyến thăm của Tổng thống Ác-mê-ni-a tới Việt Nam lần này, lãnh đạo hai bên sẽ thảo luận và thống nhất các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường và phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác song phương trong thời gian tới. Thành công của chuyến thăm sẽ làm khởi sắc quan hệ giữa hai quốc gia-dân tộc Việt Nam và Ác-mê-ni-a./.
(Theo: QĐND)