Thứ Bảy, 12/10/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 18/12/2009 16:0'(GMT+7)

Thực hiện một số chính sách xã hội ở vùng dân tộc thiểu số trong hội nhập và phát triển

Nhiều hộ trồng chè ở Văn Chấn (Yên Bái) thoát nghèo, vươn lên giàu có nhờ các dự án hỗ trợ của Nhà nước.  Ảnh: Huy Hùng - TTXVN.

Nhiều hộ trồng chè ở Văn Chấn (Yên Bái) thoát nghèo, vươn lên giàu có nhờ các dự án hỗ trợ của Nhà nước. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN.

Được sự quan tâm của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, cùng với việc tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của các bộ, ngành nên việc thực hiện chính sách xã hội ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng khích lệ.

Những quan điểm, chủ trương lớn của Đảng, nhất là Nghị quyết số 24-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc (tháng 2-2003) với nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, bảo tồn văn hóa, giữ vững an ninh chính trị đã được Chính phủ cụ thể hóa bằng nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tốt chính sách xã hội ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hệ thống chính sách phát triển kinh tế - xã hội nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc đã được ban hành khá đầy đủ và toàn diện, bao quát hầu hết các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thông tin... Hệ thống chính sách đó tạo cơ sở pháp lý quan trọng để huy động nguồn lực và tập trung thực hiện có hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ có hệ thống các chính sách đồng bộ, kịp thời và việc chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nên diện mạo của vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn đã có những đổi thay rất cơ bản. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng cao từng bước, tình hình chính trị - xã hội được ổn định, an ninh - quốc phòng được giữ vững.

Về thành tựu xóa đói, giảm nghèo: Năm 1997, tỷ lệ hộ đói nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là 60%, sau 7 năm thực hiện Chương trình 135 (1999 - 2005), tỷ lệ này còn trên 47%. Hơn 22 ngàn công trình kết cấu hạ tầng được xây dựng và đưa vào sử dụng, bao gồm: 6.952 công trình giao thông, 4.004 công trình thủy lợi, 5.228 trường học, 2.972 công trình cấp nước sinh hoạt, 1.367 công trình điện, 415 trạm y tế,167 chợ, 825 hạng mục khai hoang. Có thêm 562 xã có đường ô-tô đến trung tâm xã, 81% số xã có công trình thủy lợi nhỏ tăng năng lực phục vụ tưới trên 40.000 ha lúa từ 1 - 2 vụ, 86% số xã có trường tiểu học, 73% số xã có trường trung học cơ sở kiên cố; 96% số xã có trạm y tế bảo đảm phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân; 84% số xã có điện; 58% số xã có công trình phục vụ nước sinh hoạt; 60% số xã có trạm bưu điện văn hóa xã; 84% số xã có trạm truyền thanh, 44% số xã có chợ... Hệ thống cơ sở vật chất hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần to lớn trong việc thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc ở các xã đặc biệt khó khăn. Về cơ bản, không còn hộ đói kinh niên, bình quân lương thực từ225kg/người (năm 1992) tăng lên 286kg/ người (năm 1998) và 320kg/người (năm 2004), có nhiều nơi đã lên 500kg/người. Nhiều vùng từ chỗ phải cứu trợ lương thực hằng năm, đến nay cơ bản đã bảo đảm được an ninh lương thực, góp phần quan trọng vào việc ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc. Đã có 750 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và đang trên đà phát triển.

Việc thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II (2006 - 2009) với 4 nhiệm vụ triển khai trên địa bàn 1.946 xã đặc biệt khó khăn và 3.149 thôn bản đặc biệt khó khăn của các xã khu vực II thuộc 337 huyện ở 47 tỉnh tiếp tục đạt hiệu quả tích cực. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã hỗ trợ trực tiếp cho trên 1 triệu hộ nông dân. Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng đã đầu tư xây dựng 8.237 công trình thiết yếu, trong đó có 5.465 công trình đã hoàn thành và được đưa vào sử dụng. Triển khai Dự án đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng, các bộ, ngành và Ủy ban Dân tộc hướng dẫn các địa phương tổ chức được 4.112 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 160.000 lượt cán bộ xã, thôn, ấp, khóm, tập huấn cho 231.000 lượt người dân. Chính sách hỗ trợ các dịch vụ cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý đã hỗ trợ kinh phí cho trên 200.000 cháu của các hộ nghèo học bán trú, tổchức 1.925 hoạt động văn hóa, trợ giúp pháp lý và phổ biến pháp luật cho trên 30.000 lượt người.

Riêng Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, sau 4 năm thực hiện (2004 - 2008) cũng đạt những kết quả thiết thực:

- Về nhà ở, các địa phương đã hoàn thành việc hỗ trợ 373.400 nhà ở, đạt 111% so với mục tiêu đề án. Trong tổng số 53 tỉnh, có 35 tỉnh đạt 100% kế hoạch trở lên, 14 tỉnh đạt trên 80%, 4 tỉnh đạt dưới 80%.

- Về đất ở, các địa phương đã hỗ trợ 1.552 ha cho 71.713 hộ (đạt 82% diện tích và 82% so với đề án được duyệt).

- Về đất sản xuất, có 40 tỉnh triển khai và đã hỗ trợ cho 83.563 hộ (đạt 48%) với 27.762 ha (đạt 45% diện tích theo đề án được duyệt). Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện hỗ trợ đất sản xuất, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định số 74/TTg.

- Về nước sinh hoạt, trên địa bàn 53 tỉnh đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 198.702 hộ (đạt 71% so với mục tiêu đề án). Về các công trình nước tập trung, các địa phương đã xây dựng được 4.663 công trình, đạt 77% so với mục tiêu đề án.

Hiệu quả của chương trình trên đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo của các xã thuộc diện đầu tư theo Chương trình 135 giai đoạn II từ 47% năm 2005 xuống còn 35,6% năm 2008 (bình quân giảm 3% - 4% năm), nâng tỷ lệ xã làm chủ đầu tư đến năm 2008 lên 55,6% (1.000 xã).

Những con số nêu trên trong công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa bàn đặc biệt khó khăn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số là những thành tựu rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, so với cả nước, tỷ lệ hộ đói nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vẫn còn cao, đời sống của đồng bào nhiều nơi vẫn còn khó khăn, nguy cơ tái nghèo còn tiềm ẩn, nhất là mỗi khi có thiên tai. Do đó, việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi vẫn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.

Cùng với xóa đói, giảm nghèo, chính sách chăm sóc sức khỏe và giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm và Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg về cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, miễn phí một số dịch vụ khám chữa bệnh, đặc biệt là chương trình quân dân y kết hợp của Bộ Quốc phòng được thực hiện với các hoạt động nhằm hướng tới việc phòng, chống bướu cổ, sốt rét, tiêm chủng mở rộng, xóa xã "trắng" về y tế, bảo đảm kịp thời việc khám chữa bệnh cho đồng bào. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào đã có nhiều cố gắng và được cải thiện rõ rệt. Hệ thống y tế cơ sở được xây dựng đến tận tuyến xã (96% số xã có trạm y tế), một số nơi đã có mạng lưới y tế thôn, bản. Xét ở mặt bằng chung các chỉ số về y tế, dinh dưỡng năm sau đều cao hơn năm trước. Tại các vùng trọng điểm về sốt rét, tỷ lệ mắc bệnh đã giảm đáng kể. Tỷ lệ tiêm chủng các loại vắc-xin cho trẻ em đạt trên 90%. Về cơ bản, chúng ta đã xóa vùng "trắng" về y tế cơ sở, kiểm soát được 90% các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh phong, sốt rét, bướu cổ... Thành tựu đó là sự kết tinh công sức, trí tuệ và sức lao động bền bỉ của các cấp, các ngành, các địa phương dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước ta trong những năm gần đây. Kết quả cụ thể và thiết thực ấy đã củng cố và tăng thêm niềm tin yêu của đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa đối với Đảng và Nhà nước ta.

Về chính sách giáo dục nâng cao dân trí cho đồng bào, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, giải quyết bằng nhiều cơ chế, chính sách phù hợp, như chính sách cử tuyển ưu tiên tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, chính sách đối với trường dân tộc nội trú, chính sách miễn giảm học phí, cấp miễn phí sách giáo khoa, giấy vở, thực hiện chế độ cho giáo viên, hỗ trợ cho học sinh nghèo học bán trú và học sinh mẫu giáo vùng đặc biệt khó khăn, tăng cường cơ sở vật chất trường học; thông qua thực hiện Chương trình 135, Quyết định số 159/2002/QĐ-TTg về kiên cố hóa trường học trong cả nước, trong đó ưu tiên đầu tư đối với các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã nghèo ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, miền Trung, vùng ngập lũ, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương khác. Quyết định số 161/2002/QĐ-TTg về một số chính sách phát triển giáo dục mầm non được thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong việc xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị, Nhà nước tập trung đầu tư cho những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng núi cao, hải đảo. Về chính sách học bổng, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 82/2006/QĐ-TTg điều chỉnh mức học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú từ 160.000đ/tháng lên 280.000đ/tháng. Học sinh là người dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo được miễn 100% học phí, các khoản đóng góp xây dựng trường và được cấp một lần tối thiểu 120.000 đ/năm để mua sách vở, đồ dùng học tập... Hàng ngàn tỉ đồng được đầu tư cho hỗ trợ giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc và miền núi, xây dựng gần 400 trường dân tộc nội trú cấp tỉnh, huyện và cụm xã, xóa phòng học tạm, xây dựng mới và cải tạo hàng trăm ngàn phòng học, thu hút trên 90% trẻ em trong độ tuổi đến trường. Thời gian qua, đã có hàng chục ngàn học sinh, sinh viên theo học tại 45 trường đại học, cao đẳng ở Trung ương, 20 trường địa phương, 52 trường và cơ sở đào tạo trung cấp, dạy nghề... Nhờ đó, trình độ học vấn của đồng bào ngày một nâng cao hơn so với trước đây.

Về văn hóa, thông qua nhiều chương trình cụ thể, như đề án đưa thông tin về cơ sở, bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số, chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình cho vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo... các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm bảo tồn văn hóa làng, bản, buôn, thôn, xuất bản sách và các ấn phẩm văn hóa bằng tiếng dân tộc, chiếu phim, thông tin lưu động được tăng cường. Nhiều lễ hội các dân tộc Chăm, Khmer, Mông, ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long đã được tổ chức với nhiều hình thức và nội dung phong phú, số lượng và chất lượng được nâng cao, đã giúp cho đồng bào được thụ hưởng đời sống văn hóa mới, lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc. Thông qua các hoạt động lễ hội, việc bảo tồn, phát huy văn hóa, các nội dung phổ biến khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, kế hoạch hóa gia đình, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu để vươn lên xóa đói, giảm nghèo đã phát huy tác dụng rất tích cực. Việc cấp hàng chục loại báo thiết yếu không thu tiền theo Quyết định số 975/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến các xã nghèo đã có tác dụng thiết thực trong việc chuyển tải thông tin đến với đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, giúp đồng bào nắm được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, vận dụng các kinh nghiệm hay, cách làm tốt vào điều kiện thực tế để vươn lên thoát khỏi đói nghèo.

Những kết quả trên đây là minh chứng cho sự đúng đắn của chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, tạo điều kiện để thực hiện tốt quan điểm về bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển.

Để thực hiện tốt hơn nữa chính sách xã hội ở vùng dân tộc thiểu số trong thời gian tới, cần chú ý một số vấn đề sau:

- Duy trì và phát huy những thành tích đã đạt được thông qua tổng kết thực tiễn từ Trung ương đến cơ sở. Từ đó phát huy ưu điểm, kịp thời biểu dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong cả nước để các chính sách của Đảng và Nhà nước được thực hiện sâu rộng, có sức bền và phát triển hơn nữa.

- Các bộ, ngành có liên quan cần phối hợp kiểm tra, giám sát các chương trình, dự án cũng như việc thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực quản lý của mình, bảo đảm đạt kết quả tốt hơn, tránh lãng phí, tiêu cực. Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, phát huy tốt hơn nữa vai trò của quần chúng nhân dân trong việc giám sát thực hiện chính sách dân tộc và phát huy tính tự lực, tự cường trong cộng đồng, từng hộ gia đình đồng bào các dân tộc.

- Tận dụng tốt hơn nữa các nguồn lực, khai thác hợp lý sự đóng góp từ nhân dân cũng như các nhà tài trợ của các tổ chức quốc tế vào việc phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

- Phát huy vai trò Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ trong việc đề ra và tổ chức thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu sô, miền núi. Các phương tiện thông tin đại chúng thực hiện tốt hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao nhận thức và đồng tâm thực hiện có hiệu quả cao.

- Làm tốt hơn công tác tuyên truyền, cổ động phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của đồng bào các dân tộc trong việc kết hợp giữa nội lực của đồng bào với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, các cá nhân, tập thể, các tổ chức quốc tế nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trên con đường xây dựng quê hương phát triển bền vững về kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"./.

Sơn Phước Hoan

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất