Bình Phước đã đề ra mục tiêu tổng quát trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp là gắn tăng trưởng tốc độ cao với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; tập trung mọi nỗ lực thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao hiệu quả và tính phát triển bền vững; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; hoàn thành mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân...
Theo đó, một trong những nội dung trọng tâm là phát triển các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế. Ðồng thời, coi trọng việc bảo vệ tài nguyên, môi trường sinh thái, chăm lo và nâng cao chất lượng đời sống công nhân, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trong khu vực sản xuất. Ðể phát triển công nghiệp, Bình Phước thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp; nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích đầu tư.
Mặt khác, tiếp tục rà soát, thu hồi các dự án triển khai chậm tiến độ, không bảo đảm các điều kiện về môi trường hoặc không đủ năng lực thực hiện để mời gọi nhà đầu tư mới... Hỗ trợ các dự án sản xuất xi-măng để sớm đưa ngành sản xuất sản phẩm này thành ngành công nghiệp chủ lực của địa phương. Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất hàng xuất khẩu, các ngành công nghiệp có tiềm năng như linh kiện điện tử, các sản phẩm chế biến từ cao-su...
Sáu tháng đầu năm, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã thu hút bảy dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 104,9 tỷ đồng và 22,25 triệu USD, tổng diện tích đất thuê 20,41 ha. Ðến nay, toàn tỉnh có 14/18 khu công nghiệp có nhà đầu tư hạ tầng, với tổng vốn đăng ký đầu tư 5.178 tỷ đồng và 12,73 triệu USD, tổng diện tích thuê 3.856 ha. Giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp sáu tháng qua đạt 72,7 triệu USD, đóng góp vào ngân sách Nhà nước khoảng 18 tỷ đồng.
*Tỉnh ủy Quảng Bình vừa thông qua nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020. Tỉnh phấn đấu năm 2015 xây dựng 28/141 xã (20% số xã) đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và đến 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn này.
Ðể đạt mục tiêu đề ra, Quảng Bình thực hiện bảy giải pháp chủ yếu. Trọng tâm là nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch nông thôn. Trước mắt là hoàn thành rà soát, quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo hướng phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng vùng và thu nhập thực tế của người dân.
Tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, đáp ứng theo bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục củng cố, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất để phát triển kinh tế nông thôn, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị sản xuất, thu nhập cho nông dân. Ðẩy mạnh phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể chính trị ở cơ sở. Tăng cường các nguồn lực phục vụ xây dựng nông thôn mới, khuyến khích nhân dân đóng góp công sức, tiền, hiến đất để xây dựng các công trình dân sinh.
Theo Nhân dân