Ngày
27/5, ông Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu-Huyết học Thành phố Hồ
Chí Minh, công bố đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tạo máu nửa
thuận hợp HLA (HAPLO) đầu tiên tại Việt Nam.
Bệnh nhân
được thực hiện ca ghép HAPLO đầu tiên là anh Cao Xuân Hiệp (21 tuổi, ngụ
tại Đồng Nai). Anh Hiệp được đưa vào bệnh viện với các triệu chứng mệt
mỏi, sốt cao, thiếu máu.
Bệnh viện Truyền máu- Huyết học đã tiến hành
xét nghiệm và kết quả anh Hiệp mắc bệnh bạch cầu cấp dòng tủy. Người cho
mảnh ghép tế bào gốc là chị Cao Thị Nguyệt (chị ruột của anh Hiệp)
nhưng không hội đủ điều kiện thuận hợp hoàn toàn HLA với người em. Sau
khi được tiến hành làm các xét nghiệm đánh giá tình trạng sức khỏe đạt
tiêu chuẩn lấy tế bào gốc, chị Nguyệt được các bác sỹ thực hiện thu
thập, xử lý tế bào gốc máu ngoại vi bằng hệ thống tự động chuyên biệt và
bảo quản với hệ thống đông lạnh tự động Bioarchive với nitơ lỏng -196 độ
C trong 20 ngày.
Ngày 25/4, Hội đồng khoa học của bệnh viện
đã cho phép các bác sỹ tiến hành giải đông mẫu tế bào gốc trong điều
kiện vô trùng tuyệt đối và truyền ghép cho anh Cao Xuân Hiệp qua đường
tĩnh mạch trung tâm vào lúc 9 giờ 30 cùng ngày.
Bác sỹ Dũng thông tin thêm, kỷ lục nhất là trong suốt cuộc ghép cho bệnh nhân, êkip thực hiện không
phải sử dụng kháng sinh tĩnh mạch.
Sau 28 ngày theo dõi, hiện
sức khỏe của anh Hiệp đã dần ổn định và đã xuất viện. Mảnh ghép tế bào
gốc đã mọc và phát triển tốt trong cơ thể anh.
Anh Cao Xuân
Hiệp chia sẻ, hiện sức khỏe anh đã dần hồi phục và cảm thấy khỏe hơn lúc
chưa được cấy ghép.
Không kìm nén được nỗi xúc động, chị Cao Thị Nguyệt
bày tỏ niềm vui sướng và hạnh phúc khi thấy người em dần khỏe lại và cảm
ơn bệnh viện, những nhà hảo tâm đã giúp đỡ gia đình vượt qua khó khăn.
Theo bệnh viện, ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị được
áp dụng trong chuyên ngành huyết học và ung thư học để điều trị các bệnh
lý ung thư máu và ung thư các cơ quan khác.
Có hai phương pháp chính là:
tự ghép tế bào gốc và dị ghép hay ghép đồng loại (ghép của người khác
phù hợp với kháng nguyên hòa hợp tổ chức (HLA) với bệnh nhân).
Kỹ thuật Haploidentical transplantation (HAPLO), ghép tế bào gốc nửa
thuận hợp HLA từ nguồn cho của người thân trong gia đình là một kỹ thuật
mới đầy hứa hẹn và triển vọng. Kỹ thuật này có thể cho phép người bệnh
được điều trị kịp thời nếu không có người cho thuận lợi HLA hoàn toàn.
Theo Bệnh viện Truyền máu-Huyết học, các bác sỹ bệnh viện sẽ tiếp tục theo dõi những
tác dụng phụ lên gan, thận, tim và phổi của bệnh nhân sau ca ghép.
Khoảng 6 tháng đến 1 năm, bệnh nhân mới ổn định và hòa nhập với cộng
đồng.
Chi phí điều trị trường hợp của anh Hiệp lên đến 300
triệu đồng, trong đó, bảo hiểm y tế thanh toán 70% phí điều trị./.
TTX