Chủ Nhật, 24/11/2024
Chính sách
Thứ Bảy, 29/12/2012 22:15'(GMT+7)

Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội - động lực phát triển bền vững đất nước

Đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững, ổn định chính trị-xã hội, là quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta. Quán triệt quan điểm này, hệ thống pháp luật, chính sách về an sinh xã hội (ASXH) của Nhà nước ta đã không ngừng được củng cố hoàn thiện và góp phần thiết thực vào sự phát triển đất nước.

Về tạo việc làm, tăng thu nhập: Thời kỳ 2001-2011, bình quân mỗi năm nước ta đã giải quyết việc làm cho 1,6 triệu lao động, trong đó Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã tạo việc làm cho khoảng 350 nghìn lao động. Tỷ lệ thất nghiệp chung giữ ở mức 2,3%, tỷ lệ thất nghiệp thành thị giảm từ 5,4% năm 2001 xuống còn 4% năm 2011. Chất lượng việc làm, năng suất lao động được củng cố, thu nhập bình quân của người lao động năm 2011 đạt 2,27 triệu đồng/tháng, tăng 2,2 lần so với năm 2006.

Về giảm nghèo: Tỷ lệ nghèo giảm mạnh từ 22% năm 2006 xuống còn 9,46% năm 2010, bình quân cả nước giảm 2% hộ nghèo/năm, riêng các huyện nghèo giảm trên 4%, thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng 2 lần, đời sống người nghèo được cải thiện. Năm 2011 có 13,5 triệu người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 13 triệu lượt người nghèo khám chữa bệnh bằng thẻ; khoảng 2,5 triệu học sinh nghèo được miễn giảm học phí (không tính học sinh bậc tiểu học) và 700 nghìn học sinh nghèo được hỗ trợ vở viết, sách giáo khoa. Gần 2 triệu học sinh học nghề, sinh viên được vay tín dụng ưu đãi để học. Chính sách hỗ trợ giá điện, hỗ trợ pháp lý cho người nghèo đã tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và năng lực thực hiện quyền công dân của người nghèo. Cơ sở hạ tầng của các huyện, xã nghèo, xã bãi ngang… được tăng cường, góp phần cải thiện hệ thống giao thông, giảm chi phí sản xuất, giảm cách biệt về địa lý. Nhờ vậy, bộ mặt nông thôn, miền núi có nhiều đổi mới, góp phần giảm sự gia tăng khoảng cách về thu nhập và mức sống giữa các vùng và các nhóm dân cư.

Về giáo dục đào tạo và dạy nghề: Nước ta đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000, phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010. Về cơ bản đã xóa được "xã trắng" về giáo dục mầm non; trường tiểu học đã có ở tất cả các xã, trường trung học cơ sở có ở xã hoặc cụm xã, trường trung học phổ thông có ở tất cả các huyện. Các tỉnh và nhiều huyện miền núi đã có trường nội trú và bán trú cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ sở đào tạo nghề, cao đẳng và đại học được thành lập ở hầu hết các vùng, các địa phương, nhất là ở vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long.

Giai đoạn 2001-2010, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học tăng nhanh, trong đó mẫu giáo 5 tuổi tăng từ 72% lên 98%, tiểu học từ 94% lên 97%, trung học cơ sở từ 70% lên 83%, phổ thông trung học từ 33% lên 50%. Quy mô đào tạo nghề tăng 3,08 lần, trung cấp chuyên nghiệp tăng 2,69 lần, quy mô giáo dục đại học tăng 2,35 lần. Hiện nay, tỷ lệ người lớn biết chữ đạt 95%, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đạt 40%, trong đó, lao động qua đào tạo nghề là 25%, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

Về chăm sóc sức khỏe và thực hiện bảo hiểm y tế: Giai đoạn 2001-2011, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 44,4‰ xuống 15,5‰; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 58‰ xuống 24‰; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân ước chỉ còn 17,3%, suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi còn 27,5%. Năm 2011, 96% phụ nữ mang thai được tiêm phòng uốn ván và trên 90% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ. Một số bệnh đường tiêu hóa, viêm màng não, nhiều bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh có thể dự phòng bằng vắc-xin đã giảm rõ rệt.

Năm 2011, gần 52,4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 63% dân số cả nước (năm 2000 tỷ lệ này mới là 13,4%), trong đó Nhà nước hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho 45,6 triệu người, chiếm 78% số người tham gia, đặc biệt trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ được hỗ trợ lên đến 83%.

Về bảo hiểm xã hội: Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng cả về quy mô và tốc độ, đạt 10,1 triệu người năm 2011. Đến 31-12-2011, tổng số người hưởng lương hưu hàng tháng là hơn 1,9 triệu người, trong đó số đối tượng hưởng hưu từ ngân sách nhà nước là hơn 884 nghìn người, số đối tượng hưởng lương hưu từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội là gần 1,02 triệu người. Hiện nay đã có khoảng 130 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và trên 8 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Về trợ giúp xã hội cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Nhiều mô hình trợ giúp xã hội được xây dựng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng. Phong trào xã hội hóa chăm sóc đối tượng được mở rộng đã bổ sung một phần cho nguồn lực còn hạn chế từ ngân sách. Số cơ sở bảo trợ xã hội tăng nhanh. Hiện cả nước có khoảng 432 cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó có 182 cơ sở công lập và 250 cơ sở ngoài công lập, nuôi dưỡng trên 42 nghìn người.

Chế độ trợ cấp xã hội thường xuyên đã mở rộng tới các đối tượng tàn tật nặng không có khả năng lao động, người tâm thần… không thuộc hộ nghèo. Số lượng người được hưởng chế độ trợ cấp xã hội thường xuyên hiện nay đã là trên 2,2 triệu người (năm 2007 là 700 nghìn người), chiếm trên 2% dân số. Công tác cứu trợ đột xuất được triển khai tương đối kịp thời, góp phần tạm thời ổn định cuộc sống của đối tượng bị rủi ro. Giai đoạn 2006-2011, mỗi năm bình quân Nhà nước chi khoảng 1.000 tỷ đồng và khoảng 50-60 nghìn tấn gạo để hỗ trợ các địa phương và người dân khắc phục thiên tai, ổn định cuộc sống. Các phong trào tương thân, tương ái của mọi tầng lớp nhân dân, của các tổ chức quần chúng, các doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được phát huy, nhờ đó đã đóng góp được một phần đáng kể vào trợ giúp đột xuất.

Về hỗ trợ người có hoàn cảnh đặc thù về nhà ở: Các chính sách về nhà ở cho người nghèo, đối tượng chính sách đã được chính quyền các cấp tích cực triển khai. Kết quả là thời kỳ 2002-2010, số hộ gia đình sống trong nhà kiên cố tăng từ 17,2% lên 49,2%. Trong 10 năm đã xoá nhà tạm cho khoảng 1 triệu hộ nghèo. Số hộ gia đình phải sống trong nhà tạm giảm từ 24,6% xuống 5,6% trong cùng thời kỳ, số hộ sống trong nhà thiếu kiến cố chỉ là 7,5%.

Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị… đã nâng cao ý thức và trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức, người dân cùng với chính quyền các cấp trong việc phát triển nhà ở cho người dân. Các dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, người nghèo ở khu vực đô thị, nhà ở cho học sinh, sinh viên, nhà cho người lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất đã bắt đầu hình thành và triển khai thực hiện.

Về đảm bảo nước sạch cho người dân nông thôn: Chương trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường giai đoạn 2006-2010 đã cơ bản đạt được mục tiêu đề ra, đã hoàn thành gần 1.600 công trình cấp nước tập trung tại các xã 135; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 80% năm 2010, trung bình mỗi năm tăng 4,2%, có 8/63 tỉnh đã đạt được tỷ lệ trên 90%; trên 80% hộ nghèo thuộc các xã 135 có nước sạch sinh hoạt.

Về bảo đảm thông tin cho người nghèo, vùng nghèo: Tiếp cận thông tin và truyền thông cũng là một nhu cầu cần thiết của người dân mà Đảng và Nhà nước quan tâm. Đến nay, đã cấp không thu tiền 18 đầu báo, tạp chí và chuyên đề cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn với tổng số lượng báo, tạp chí, chuyên đề phát hành hàng năm trên 31 triệu tờ. Mạng thông tin viễn thông đã cơ bản phủ khắp cả nước, 84,6% các xã đã được phủ sóng phát thanh truyền hình. Nhiều đài Trung ương và địa phương đã có chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc.

Tuy vậy, do nước ta còn nghèo, hậu quả chiến tranh để lại rất nặng nề, thiên tai lại xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại lớn nên chúng ta vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong nỗ lực đảm bảo ASXH cho mọi người dân. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 nhận định: “Tạo việc làm và giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ cận nghèo, tái nghèo còn cao. Mức trợ cấp ưu đãi người có công còn thấp. Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; kết quả phổ cập giáo dục ở nhiều huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp; chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao và giảm chậm. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn thấp. Đời sống của một bộ phận người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn rất khó khăn, chưa bảo đảm được mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản, nhất là về nhà ở và sử dụng nước sạch. Chênh lệch các chỉ số về ASXH giữa miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mức trung bình của cả nước còn lớn”.

Nghị quyết cũng khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện quan điểm phát triển kinh tế gắn với thực hiện tốt chính sách đối với người có công và đảm bảo ASXH, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa; đồng thời tạo điều kiện để người dân nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh và tăng cường hợp tác quốc tế để có thêm nguồn lực, kinh nghiệm trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Cụ thể, trong thời gian tới các chính sách ưu đãi người có công và ASXH sẽ tiếp tục được sửa đổi, bổ sung và xây dựng để tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính sau đây:

Một là, tập trung triển khai hiệu quả Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng: Đẩy mạnh việc đền ơn đáp nghĩa; tiếp tục hỗ trợ người có công về nhà ở, phát triển sản xuất, việc làm, y tế, giáo dục đào tạo…, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn. Làm tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, tu bổ nghĩa trang, giải quyết những trường hợp còn tồn đọng.

Hai là, bảo đảm việc làm: Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất, chính sách hỗ trợ học nghề, hỗ trợ người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ưu tiên cho người nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn, người thất nghiệp và thiếu việc làm ở nông thôn có việc làm, thu nhập ổn định và tham gia thị trường lao động.

Thực hiện tốt Chương trình Việc làm Quốc gia, bao gồm cả chương trình việc làm công. Phát triển quan hệ lao động hài hòa, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.

Ba là, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo: Việc bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo được thực hiện theo hai hướng: (1) hỗ trợ hộ nghèo có việc làm với thu nhập ngày càng tăng để thoát nghèo, đạt thu nhập tối thiểu và nâng cao thu nhập và (2) hỗ trợ tiền mặt để bảo đảm thu nhập tối thiểu, đủ điều kiện cho trẻ em học hành, được chăm sóc y tế, chống suy dinh dưỡng. Trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, Nghị quyết 80/NQ-CP ngày 19-5-2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020 của Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo 2011-2015.

Bốn là, mở rộng bảo hiểm xã hội: Trong bối cảnh tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, già hóa dân số,… việc phát triển hệ thống bảo hiểm, đặc biệt bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp và phát huy sự tham gia rộng rãi của người lao động là một trong những mục tiêu quan trọng của chính sách ASXH. Tiếp tục sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm cân đối quỹ bảo hiểm xã hội,

Năm là, trợ giúp kịp thời những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Ban hành và bảo đảm mức sống tối thiểu phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội làm căn cứ xác định người thuộc diện hưởng trợ giúp xã hội. Hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác quản lý và thực hiện chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất; đảm bảo không để người dân rơi vào cảnh bần cùng mà không được trợ giúp.

Sáu là, bảo đảm giáo dục tối thiểu: Tập trung chương trình bảo đảm phổ cập giáo dục phổ thông và giáo dục mầm non. Tiếp tục thực hiện chiến lược, chương trình, chính sách về đào tạo, dạy nghề. Mở rộng và tăng cường các chế độ hỗ trợ đào tạo đối với các nhóm dân cư, nhất là thanh thiếu niên thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn. Tăng quy mô số lượng học sinh trong các trường dân tộc nội trú và mở rộng mô hình trường bán trú.

Bảy là, bảo đảm y tế tối thiểu: Thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân đóng vai trò quan trọng bảo đảm chăm sóc y tế tối thiểu cho mọi người dân. Tập trung cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân ở các tuyến cơ sở, ưu tiên các huyện nghèo, xã nghèo, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm y tế, đổi mới công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế, có chính sách khuyến khích người dân, nhất là người dân có thu nhập từ trung bình trở xuống tham gia bảo hiểm y tế.

Tám là, bảo đảm nhà ở tối thiểu và nước sạch cho người dân: Đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp tục thực hiện chương trình xoá nhà tạm cho hộ nghèo. Đổi mới cơ chế hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp ở đô thị, hỗ trợ để có giá thuê, giá mua hợp lý. Tập trung khắc phục những khó khăn về đất đai, quy hoạch, vốn, thủ tục, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh doanh tham gia thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội, có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở tại các khu công nghiệp.

Tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015 và các năm tiếp theo, ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở miền núi, hải đảo, vùng ngập lũ, vùng bị nhiễm mặn do nước biển dâng.

Chín là, bảo đảm thông tin cho người dân: Đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo giai đoạn 2012 - 2015 và các năm sau. Khôi phục, củng cố và phát triển mạng lưới thông tin cơ sở bảo đảm đưa thông tin nhanh chóng, phù hợp với các tầng lớp nhân dân, nhất là với đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Mười là, tăng cường hợp tác quốc tế: Thúc đẩy hợp tác quốc tế về ASXH để tranh thủ nhiều nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm của bạn bè quốc tế trong công tác xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội cho nhân dân.

Để những chính sách lớn của Đảng về ASXH đi vào cuộc sống cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ASXH đối với sự phát triển bền vững đất nước. Ở đây, cần nâng cao nhận thức không chỉ của các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền, mà còn của các tổ chức chính trị - xã hội, của người sử dụng lao động và bản thân người lao động, các tầng lớp dân cư trong xã hội về vai trò, vị trí của ASXH. Để thực hiện giải pháp này, công tác giáo dục, đào tạo, các phương tiện truyền thông đại chúng có vai trò đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, phải khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về ASXH một cách đồng bộ, đồng thời quyết liệt đưa các văn bản pháp luật vào cuộc sống. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, bổ sung, sửa đổi, hệ thống hóa các văn bản pháp luật hiện có trên cơ sở kế thừa và phát triển chính sách bảo đảm ASXH hiện hành, xem xét điều kiện kinh tế - xã hội và tham khảo kinh nghiệm của các nước.

Cần bảo đảm tính đồng bộ giữa các chế độ ASXH, tránh chồng chéo, mâu thuẫn, bảo đảm để mọi người dân đều có quyền hưởng ASXH. Tạo cơ chế để thực thi nghiêm chỉnh và có hiệu quả các chế độ, chính sách ASXH trên thực tế; phát huy vai trò của chính quyền cấp cơ sở, các chủ thể hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện các văn bản pháp luật, các chương trình, kế hoạch ASXH; đồng thời tăng cường sự kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, các thiết chế tự quản của nhân dân đối với việc thực hiện pháp luật, chương trình, kế hoạch ASXH./.

Phạm Thị Hải Chuyền
UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất