Trên thị trường hiện đang lưu thông không ít loại thực phẩm giả. Chà bông (ruốc thịt) được làm từ bã sắn dây, khô mực làm bằng cao su, thịt heo thành “thịt bò”, miến ngô thành miến dong... Nhiều loại vật liệu, phụ gia sử dụng để làm giả các loại thực phẩm được bày bán công khai, nhan nhản ở các chợ.
Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Bệnh tật từ cửa miệng đi vào. Cái vạ từ cửa miệng đi ra”. Việc sử dụng những loại lương thực, thực phẩm giả khiến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng bị đe dọa nghiêm trọng.
Cùng với những thông tin “nóng” về thực phẩm giả, thông tin về những vụ ngộ độc thức ăn cũng “nóng” không kém. Thống kê của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm với 442 người mắc, trong đó có 5 người tử vong.
Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, việc sử dụng những loại thực phẩm giả là nguy cơ phát sinh các loại bệnh tật nan y, trong đó có bệnh ung thư. Bởi ai cũng biết, nguyên liệu để làm giả các loại thực phẩm đều là những loại hóa chất độc hại, không được phép sử dụng. Hội thảo quốc gia về phòng chống bệnh ung thư hồi tháng10-2010 cho hay: So với năm 2000, tỷ lệ mắc ung thư ở nước ta đang có xu hướng tăng lên rõ rệt. Mỗi năm cả nước có khoảng 150.000 trường hợp ung thư mới mắc và 75.000 trường hợp tử vong do ung thư.
Vì lợi nhuận, những người sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm giả bất chấp hậu quả, vô cảm, lạnh lùng đưa “thần chết” đặt trên bàn ăn của biết bao gia đình.
Trái ngược với những thông tin “nóng” ấy, việc phát hiện, xử lý của các ngành chức năng thì lại... rất khiêm tốn. Chúng ta đã có Luật An toàn thực phẩm nhưng việc thực thi trên thực tế vẫn còn quá nhiều góc khuất. Những gì các ngành chức năng làm được cho người tiêu dùng trước vấn nạn này, cho đến nay phần lớn cũng mới chỉ dừng lại ở những... cảnh báo, khuyến cáo! Số vụ việc bị phát hiện rất khiêm tốn, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Việc phát hiện và xử lý các vụ vi phạm chưa nghiêm, nhất là ở cấp cơ sở. Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay vẫn còn tới 10% số xã chưa thành lập Ban Chỉ đạo công tác Vệ sinh an toàn thực phẩm.
Kiện toàn hệ thống cơ quan chức năng, nâng chế tài xử lý, tăng cường kiểm tra, kiểm soát cơ sở sản xuất, kinh doanh và thị trường... là những phần việc của ngành chức năng. Nhưng trước hết, cần giúp người tiêu dùng có kỹ năng và nâng cao ý thức tự bảo vệ mình bằng những chương trình truyền thông sâu rộng. Cùng với nỗ lực bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, những giải pháp ngăn chặn, xử lý nạn hàng nhái, hàng giả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng phải được đặt lên hàng đầu./.
(Quỳnh Nga/QĐND)