Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 27/3/2012 13:52'(GMT+7)

Thực trạng hoạt động xuất bản: "Thuốc" nào đủ "đắng"?

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Nỗ lực "vượt sóng"

Trước hết phải nói rằng, với một năm có nhiều sự kiện trọng đại như năm 2011, ngành xuất bản có những điều kiện thuận lợi để phát triển. Song bên cạnh đó là không ít khó khăn do biến động kinh tế thế giới, là lạm phát, giá cả trong nước tăng cao. Nhìn lại toàn bộ hoạt động của ngành năm qua, có thể thấy nỗ lực vượt khó của các nhà làm sách ở những con số theo chiều hướng gia tăng: toàn ngành xuất bản được 27.542 cuốn sách với 293,723 triệu bản, tăng 7% về cuốn và 6% về bản so với năm 2010; xuất bản nhất thời cả nước đạt 3.061 cuốn với 13,548 triệu bản, tăng 7% về số cuốn, 15% về bản. Tuy nhiên, năm 2011, các nhà xuất bản (NXB) đăng ký kế hoạch xuất bản 58.065 cuốn, được xác nhận 55.988 cuốn, thực hiện 19.888 cuốn, chỉ đạt 36% so với đăng ký... Một số NXB đăng ký kế hoạch xuất bản nhiều nhưng kết quả thực hiện thấp, như NXB Thanh Niên (4,4%), Ðại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh (7,4%), Ðồng Nai (9,3%), Ðại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh (9%), Lao động (10%), Văn học (10%), Nông nghiệp (13%)...

Nhiều NXB xuất bản sách, tủ sách và tài liệu phục vụ các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị với hai sự kiện lớn là Ðại hội lần thứ XI của Ðảng, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, với nhiều tác phẩm có giá trị như: Ðại tướng Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thế kỷ XX (NXB Quân đội nhân dân); Những con đường huyền thoại (NXB Chính trị - Hành chính); Anh hùng Việt Nam thời kỳ đổi mới (NXB Thông tin và Truyền thông); Văn kiện Ðại hội Ðảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (NXB Chính trị Quốc gia); Văn kiện Ðại hội Ðảng lần thứ XI (tiếng Anh - Pháp - Nga, NXB Thế giới)... Một trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng có tính thời sự, cấp bách được các NXB chú trọng là sách, tài liệu viết về chủ quyền biên giới và biển đảo Tổ quốc, đưa ra những cơ sở mang tính pháp lý, góp phần khẳng định vị trí, lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh đó là mảng sách với chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, và kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ đi tìm đường cứu nước. Trong lĩnh vực văn hóa, văn học, sách dành cho thiếu nhi, nhất là truyện tranh Việt Nam được xuất bản nhiều hơn, thu hẹp khoảng cách "khủng hoảng thừa" sách nước ngoài và "khủng hoảng thiếu" sách trong nước. Nhiều bộ sách được cải tiến cả nội dung và hình thức, có giá trị nhân văn hấp dẫn các em như cuốn Bến Nhà Rồng có thể bạn chưa biết, bộ truyện tranh Bi Bo và Kim Quy, Nổ và tung (NXB Kim Ðồng); Bộ sách ảnh Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ, Anh hùng Lĩnh Nam (NXB Trẻ)... Bên cạnh đó, mảng sách của các tác giả trẻ trong và ngoài nước (chủ yếu Trung Quốc) tập hợp từ các blog cá nhân được xuất bản nhiều, phản ánh những tâm tư tình cảm của lớp trẻ trong đời sống hiện đại được đông đảo bạn trẻ đón nhận. Một loại hình xuất bản mới bên cạnh sách in truyền thống là sách điện tử cũng được một số NXB bắt đầu thực hiện.

Những căn bệnh "nhờn thuốc"?

Nhiều năm qua, một số sai phạm trong hoạt động xuất bản vẫn đang tiếp diễn và gia tăng. Ðó là tình trạng xuất bản phẩm không thông qua NXB, nạn in lậu, in trái phép, vi phạm quyền tác giả; một số tác phẩm văn học không được biên tập kỹ, có nội dung thô tục, phản cảm, gây tác động không tốt với bạn đọc và xã hội; một số tiểu thuyết lịch sử, sách về sự kiện, nhân vật lịch sử sai sót cả về kiến thức và kỹ thuật; các tác phẩm phản ánh các vấn đề tiêu cực tỏ ra thiếu khách quan, thiếu tính xây dựng; sách văn hóa phổ thông được biên soạn xào xáo, nội dung trùng lặp, sáo mòn... Năm 2011, qua đọc kiểm tra xuất bản phẩm lưu chiểu, Cục Xuất bản đã xử lý 50 cuốn sách vi phạm của 18 NXB, trong đó có 13 cuốn NXB đã phải thu hồi, ba cuốn chuyển Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt, 20 cuốn tạm đình chỉ phát hành để thẩm định, sửa chữa, đính chính...

Năm 2011, với tỷ lệ xuất bản phẩm liên kết của các NXB bình quân chiếm 70%, cho thấy sự nỗ lực trong việc huy động các nguồn lực xã hội góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cho NXB và đáp ứng nhu cầu văn hóa đọc cho mọi tầng lớp nhân dân. Nhưng trên thực tế, vấn đề liên kết trong hoạt động xuất bản đang vượt khỏi tầm kiểm soát của chính các NXB, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước. Ðó là tình trạng nhiều NXB yếu năng lực, dẫn tới việc buông lỏng quản lý, không thực hiện đúng quy trình xuất bản sách liên kết theo quy định của Luật Xuất bản; không thể giám sát đối tác liên kết, thậm chí phó thác hoàn toàn sản phẩm liên kết cho đối tác quyết định. Ðặc biệt, khâu đọc duyệt trước khi phát hành không được chú trọng nên vẫn còn một số xuất bản phẩm sai sót về nội dung và hình thức nhưng vẫn được phát hành. Ðại diện NXB Quân đội Nhân dân Nguyễn Ðức Hùng cho biết, thực tế đã có trường hợp NXB "bán" giấy phép cho đối tượng liên kết chỉ với giá... 300 nghìn đồng! Số tiền này thậm chí không thể bù đắp được phần chi trả cho việc biên tập chứ chưa kể các hoạt động liên quan khác. Cũng chính vì sự "tự hạ thấp" của một số NXB, đã khiến đối tác liên kết lạm quyền, không nghiêm túc thực hiện cam kết trong hợp đồng như tự tăng số lượng in, thay đổi tên và nội dung bản thảo, không nộp lưu chiểu... Theo Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Ðỗ Quý Doãn, trong thời điểm khó khăn hiện nay của ngành xuất bản, việc tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài, từ hoạt động liên kết xuất bản là việc cần thiết và nên làm. Nhưng, nếu liên kết tới gần 100% thì lại rất nguy hiểm vì thực tế là nhiều NXB đang để cho đối tác liên kết thao túng.

Nhiều năm qua, xâm phạm bản quyền và sách lậu luôn là một "vấn nạn" nhức nhối, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của các nhà làm sách và làm đau đầu các cơ quan chức năng. Ðó là một thực tế đáng buồn khi mà Việt  Nam đã gia nhập Công ước Bern từ năm 2004. Và việc Khối liên minh quốc tế về sở hữu trí tuệ (IIPA) xếp Việt Nam vào một trong các quốc gia vi phạm bản quyền nhiều nhất chính là sự cảnh báo rất đáng quan tâm. Ðể đối phó với tình trạng này, một số biện pháp đã được áp dụng, mà cụ thể là việc Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công an phối hợp ra Thông tư liên tịch nhằm chống sách lậu. Nhiều vụ bắt giữ sách lậu lớn được thực hiện thời gian qua đã ít nhiều mang lại hy vọng trong cuộc chiến chống sách lậu tại Việt Nam. Vụ việc "đình đám" nhất phải nhắc đến trong năm 2011 là của Công ty Văn hóa sáng tạo Trí Việt - First New. Vào tháng 11-2011, một hang ổ sách lậu lớn là cơ sở gia công sau in Huy Thi ở Ngọc Hồi, Hà Nội, bị công an và lực lượng quản lý thị trường bất ngờ đột kích, thu giữ hàng chục nghìn cuốn sách lậu, sách giả, kém chất lượng. Với con số đến 117 đầu sách bị in lậu, lần này Trí Việt quyết tâm tuyên chiến với sách giả để "tự cứu" mình bằng việc thuê luật sư hoàn tất thủ tục pháp lý, đề nghị các cơ quan tố tụng khởi tố vụ án hình sự để xử lý về hành vi làm hàng giả, hàng lậu. Và mới đây, Trí Việt lại tiếp tục đứng đơn kiện hai trung tâm Anh ngữ Úc Châu và Việt - Úc tại TP Hồ Chí Minh vì đã sao chép trái phép các ấn bản dạy tiếng Anh của họ. Vụ kiện thể hiện quyết tâm của giới làm sách Việt Nam trong cuộc chơi hội nhập.

Trong số những nguyên nhân của các bất cập trong ngành xuất bản, có thể nhận thấy bên cạnh những điểm còn bất cập về nội dung cần tiếp tục bổ sung, sửa đổi thì sự không đồng bộ, thiếu thống nhất giữa Luật Xuất bản với một số quy định của các luật liên quan dẫn đến công tác điều hành, quản lý và thực thi hoạt động xuất bản, phát hành gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó là hạn chế của các cơ quan quản lý nhà nước khi chưa có những biện pháp xử lý kiên quyết, triệt để với những sai phạm của cơ quan chủ quản và NXB; tinh thần phối hợp để giải quyết các vấn đề nảy sinh chưa thường xuyên nên hiệu quả chưa cao; công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động xuất bản và thị trường kinh doanh xuất bản phẩm chưa thường xuyên nên chưa phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm hoặc xử lý chưa đủ sức răn đe nên nạn in lậu và các sai phạm khác vẫn chưa được ngăn chặn...

Nhấn mạnh về các giải pháp mang tính mạnh mẽ, cấp thiết trước mắt phải làm để khắc phục các bất cập trong hoạt động xuất bản lâu nay, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản Lý Bá Toàn cho biết: "Ngành sẽ tập trung giải quyết ba vấn đề lớn. Thứ nhất là khâu đọc duyệt trước khi phát hành. Nhất định phải có chế tài xử lý mạnh mẽ cho cả cơ quan chủ quản và NXB nếu không thực hiện đúng quy định, để xảy ra sai sót. Thứ hai, yêu cầu nhất định phải có Lời giới thiệu thể hiện rõ quan điểm của NXB về nội dung mà cuốn sách đề cập để định hướng cho bạn đọc, đặc biệt đối với những cuốn sách có nội dung dễ gây tranh luận nhiều chiều và sách dịch. Thứ ba, cần có biện pháp hữu hiệu để chấm dứt hiện tượng không nộp sách lưu chiểu, nộp lưu chiểu chậm; tăng cường công tác hậu kiểm để phát hiện và xử lý sai phạm". Ông Toàn cũng cho biết, bắt đầu từ năm nay, Cục Xuất bản được giao thêm chức năng thanh tra, kiểm tra hoạt động xuất bản. Ðây chính là một công cụ hữu hiệu để Cục có thể chủ động cùng với các cơ quan chức năng khác tăng cường phát hiện, xử lý sai phạm, góp phần khắc phục những hạn chế, xây dựng hoạt động xuất bản phát triển lành mạnh hơn./.

(Theo: Nhân dân)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất