(TG) - Tỉnh An Giang có đường biên
giới dài gần 100km, tiếp giáp 2 tỉnh Kandal và Takeo của Campuchia; là
cửa ngõ giao thương quan trọng của quốc gia, các tỉnh, thành phố trong
vùng Đồng bằng Sông Cửu Long tới Campuchia và các nước ASEAN. Đây là lợi
thế của tỉnh trong phát triển thương mại biên giới. Theo đó, An Giang
xác định kinh tế biên mậu là một trong những động lực quan trọng thúc
đẩy phát triển kinh tế - xã hội phát triển của tỉnh.
Thời gian qua, cùng với tập trung đầu tư, nâng cấp, phát triển các loại hình thương mại ở khu vực biên giới như chợ biên giới, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch, thực hiện nhiều giải pháp theo định hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt” hậu COVID-19 để phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, xác định năm 2023 thời cơ và thách thức đan xen, tỉnh đẫ đề ra mục tiêu tổng quát: Tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “Vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, là điều kiện để người dân, doanh nghiệp yên tâm sinh sống và sản xuất, kinh doanh.
Giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế trong năm 2023 là chủ động triển khai Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nền tảng, là cơ sở pháp lý cho việc hoạch định, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tầm nhìn 30 năm tới. Theo đó, An Giang định hướng phát triển là địa phương phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, dựa trên lợi thế về nguồn nguyên liệu. Mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời là trung tâm sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; là đầu mối giao thương, hợp tác quốc tế với Campuchia và các nước khu vực ASEAN; là trung tâm du lịch tâm linh và du lịch sinh thái của vùng.
Nhằm thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế khu vực kinh tế biên mậu, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành Đề án “Phát triển thương mại biên giới tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Phấn đấu đạt kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đạt 9 tỷ USD vào năm 2025; trong đó, kim ngạch xuất khẩu qua biên giới tăng trưởng bình quân 10%/năm, đạt khoảng 636,7 triệu USD vào năm 2025, chiếm 42-45% trong tổng kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách đặc thù huy động nguồn lực xã hội và bố trí nguồn lực đầu tư thích đáng từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 để phát triển kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu. Đẩy mạnh thực hiện mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, từng bước đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế biên giới với mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, thương mại biên giới trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, đưa An Giang trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trọng yếu của Vùng và cả nước tiến tới thị trường các quốc gia ASEAN.
Khu du lịch làng nổi Châu Đốc, An Giang.
Với mong muốn góp phần phát triển cộng đồng, hợp lực đưa tỉnh An Giang và Đồng bằng Sông Cửu Long bứt phá vươn lên, một số nhà đầu tư đã đề xuất ý tưởng đầu tư phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu). Ý tưởng này hướng tới kỳ vọng sẽ góp phần xoá bỏ các điểm nghẽn của Đồng bằng Sông Cửu Long về kết nối hạ tầng giao thông, phát triển đô thị, giáo dục, y tế, tạo ra một điểm đến mới của du lịch tiểu vùng sông Mekong; tạo ra một khu đô thị kinh tế biên mậu mới với nhiều việc làm, góp phần giảm nghèo, giảm tình trạng sinh kế ly hương của người dân miền Tây Nam bộ. Đồng thời giúp tăng nguồn thu ngân sách, nâng cao vị thế của tỉnh An Giang nói riêng và khu vực Đồng bằng Sông Cưu Long nói chung.
Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục nghiên cứu cập nhật các ý tưởng đầu tư tại khu vực cửa khẩu Vĩnh Xương vào đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm tỉnh An Giang đến năm 2045 và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 để hoàn thiện trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Từ đó, tỉnh sẽ có những định hướng phát triển mang tính chiến lược; phát triển đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực như khu, cụm, tiểu thủ công nghiệp, cảng/bến thuỷ nội địa, các khu dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ logistics…
Trước mắt, với nỗ lực hoàn thành kịch bản tăng trưởng của năm 2023 (7,36%), An Giang đã và đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư; trong đó ưu tiên cho xuất, nhập khẩu, nhất là các ngành hàng chủ lực, sản phẩm thế mạnh. Đồng thời tiếp tục phát huy lợi thế kinh tế biên mậu; tập trung triển khai các giải pháp kịp thời để hỗ trợ, đồng hành, định hướng cho doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, ổn định và phát triển hoạt động thông quan hàng hóa trên địa bàn tỉnh; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thương nhân tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh; tiếp tục hỗ trợ địa phương huyện biên giới đẩy mạnh hoạt động giao thương hàng hóa qua biên giới, phát triển kinh tế biên mậu. Đặc biệt, xác định thời điểm cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 là cơ hội kích cầu tiêu dùng nội địa, du lịch, tỉnh An Giang khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp triển khai các chương trình khuyến mại, bình ổn giá, liên kết giữa kích cầu thương mại và kích cầu du lịch; đẩy mạnh kênh mua sắm online; tổ chức các sự kiện liên quan đến ngày hội mua sắm, giải trí, ẩm thực… để thu hút người dân và du khách.
Cùng với tiếp tục đẩy mạnh cập nhật thông tin xuất khẩu từ các Tham tán thương mại ở nước ngoài, các cơ quan xúc tiến, cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Sở Công Thương; An Giang cũng đẩy mạnh thông tin nhằm góp phần đưa các thông tin liên quan tới các hiệp định thương mại tự do, phòng vệ thương mại cũng như các chế độ chính sách liên quan tới xuất nhập khẩu đến doanh nghiệp; bảo đảm chất lượng hàng hóa, tăng cường các sản phẩm gắn với tiêu chí sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, phát triển bền vững; tăng cường khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài, trong bối cảnh ngày càng nhiều thị trường đưa hàng hóa Việt Nam vào diện cảnh báo điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp, thương nhân của tỉnh tham gia các chương xúc tiến thương mại quốc gia, chương trình kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại để tìm kiếm đối tác mở rộng thị trường tiêu thụ… do Bộ Công Thương, các bộ, ngành Trung ương chủ trì, phối hợp với các đơn vị nước ngoài tổ chức./.
NGỌC QUỲNH