Với 169 phiếu thuận, 126 phiếu chống và 3 phiếu trắng ở phiên bỏ phiếu tín nhiệm thứ hai, đêm 10/3, Thượng viện Italy đã thông qua dự luật về "vắng mặt hợp pháp", cho phép thủ tướng và các thành viên nội các nước này được phép vắng mặt tại các phiên tòa xét xử họ với lý do "bận việc công".
Theo giới quan sát, dự luật được mệnh danh là "cứu Berlusconi" này được coi là một nỗ lực quan trọng của Thủ tướng Italy trong việc ngăn chặn hai phiên tòa mới mở lại của tòa án dân sự Milan nhằm đưa ông ra xét xử.
Thủ tướng Silvio Berlusconi đang phải đối mặt với các cáo buộc hối lộ một luật sư người Anh đã làm chứng gian cho ông trong những gian lận về tài chính và làm giả các giấy tờ tài chính nhằm trốn thuế trong một vụ mua bán bản quyền cho công ty truyền thông Mediaset của ông hồi những năm 90.
Các phiên tòa này đã được mở lại trong tháng 2/2010, sau khi Tòa án Hiến pháp bác bỏ một phán quyết do Bộ Tư pháp thông qua nhằm miễn truy tố với thủ tướng Italy và 3 lãnh đạo cao cấp khác của nhà nước và quốc hội nước này. Tuy nhiên, ông Berlusconi đã không có mặt trong bất cứ phiên xét xử nào, lấy lý do "bận việc công".
Nhằm cứu ông Berlusconi, đầu tháng Hai vừa qua, Chính phủ Italy đã trình Quốc hội một loạt đề xuất cải cách tư pháp, trong đó có dự luật "vắng mặt hợp pháp" kể trên, đồng thời phải sử dụng đến việc bỏ phiếu tín nhiệm nhằm tận dụng lợi thế áp đảo về số lượng thượng nghị sĩ của liên minh trung-hữu cầm quyền để thông qua dự luật này.
Đây là lần thứ 31 chính phủ của ông Berlusconi sử dụng bỏ phiếu bất tín nhiệm để thông qua một dự luật trong vòng một năm rưỡi cầm quyền, nhiều hơn 2 lần so với toàn bộ thời gian nhiệm kỳ trước đây của ông.
Các đảng phái đối lập đã phản đối mạnh mẽ việc thông qua dự luật này, coi đó là "luật tự tạo" và "vi phạm Hiến pháp", kêu gọi nhân dân xuống đường biểu tình trong thời gian tới.
Đây là một thời điểm khó khăn đối với Thủ tướng Berlusconi, chính phủ và đảng cầm quyền của ông, khi uy tín xuống thấp đến mức kỷ lục trong một năm rưỡi qua, sau hàng loạt vụ bê bối về tình dục, tham nhũng, lạm dụng công quyền và quan hệ bất chính với Mafia bị phanh phui.
Liên minh cầm quyền hiện cũng đã bị các tòa án gạt danh sách ứng cử trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương sắp tới ở vùng Lazio, nơi có thủ đô Rome, đơn vị bầu cử quan trọng nhất nước.
Cuộc bầu cử hội đồng ở 13 vùng trong cả nước Italy vào cuối tháng này được coi là có ý nghĩa lớn trong việc xác định liệu Chính phủ Italy có đi được hết nhiệm kỳ 5 năm hay không./.
TG- TTXVN