(TG) - Văn hoá đang từng bước thực
sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, cùng với mặt trận
chính trị và kinh tế tạo thế “kiềng ba chân” góp phần đưa đất bước vượt
qua mọi khó khăn, thử thách vững bước vươn lên.
Trong những ngày tháng 2 lịch sử, hoà chung niềm tự hào, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943-2023) - Cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa, đã và đang được các cấp, các ngành tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả, có sức lan toả sâu rộng.
Tiếp theo thành công của Hội thảo cấp quốc gia “80 năm Đề cương về văn hoá Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển”, Phim tài liệu và Tuần phim kỷ niệm, tại thủ đô Hà Nội - “nơi hội tụ, kết tinh và toả sáng nền văn hoá, văn minh của dân tộc”(1) như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan long trọng tổ chức hoạt động kỷ niệm và Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Những dấu ấn lịch sử”.
Là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng ta luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hoá. Ngay từ khi chưa giành được chính quyền, trong Đề cương về văn hóa năm 1943 đã khẳng định phải tiến hành cuộc cách mạng tư tưởng và cách mạng văn hoá tại Việt Nam; thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng về văn hóa.
Các đồng chí lãnh đạo cùng đại biểu tham dự Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Những dấu ấn lịch sử”.
Việc xác lập văn hóa là một trong ba mặt trận (chính trị, kinh tế, văn hóa), phát triển Văn hóa theo hướng Dân tộc - Khoa học - Đại chúng là một tất yếu khách quan. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam bước lên vũ đài chính trị - bằng lý luận tiền phong dẫn đường, Đảng và Bác Hồ muôn vàn kính yêu đã xác định nhiệm vụ "Văn hoá phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”(2). Các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương, của Bộ Chính trị đều nhấn mạnh Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc; Văn hóa phải được đặt ngang hàng với Chính trị, Kinh tế. Nền Văn hóa chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển Văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người - xây dựng con người để phát triển văn hóa.
80 năm đã đi qua, hoàn cảnh lịch sử đã có nhiều thay đổi, nhưng những luận điểm, giá trị lý luận, nguyên tắc cốt lõi và giá trị thực tiễn của Đề cương - bản “Tuyên ngôn về văn hóa” đầu tiên này vẫn còn nguyên sức sống, sức ảnh hưởng của mình, đồng thời tiếp tục được vận dụng, kế thừa, bổ sung và hoàn thiện trong đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng về văn hóa, đó là vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển; sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; ý nghĩa trung tâm của con người là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng của phát triển văn hoá; các nguyên tắc vận động của văn hóa; quá trình chuyển dịch từ ba nguyên tắc dân tộc, khoa học, đại chúng của nền văn hóa cách mạng cho tới các giá trị tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn phát triển và hội nhập quốc tế.
Mang sứ mệnh khai thông những mạch nguồn văn hoá của dân tộc, Đề cương về văn hoá Việt Nam 1943 đề cao truyền thống đất nước, con người “sống vững chãi bốn nghìn năm sừng sững/ lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa/ Trong và thật sáng hai bờ suy tưởng/ Sống hiên ngang và nhân ái chan hoà”; thấm sâu vào trái tim của triệu triệu người yêu nước để “Ôi! Tổ quốc! Nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”(3); đến tinh thần tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam lại càng tỏa sáng; cả dân tộc kết thành một khối thống nhất về ý chí và hành động. Văn hoá đang từng bước thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, cùng với mặt trận chính trị và kinh tế tạo thế “kiềng ba chân” góp phần đưa đất bước vượt qua mọi khó khăn, thử thách vững bước vươn lên.
Một tiết mục trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Những dấu ấn lịch sử”.
Hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam của Đảng là dịp để các cấp các ngành, toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó có những người thực hành văn hóa, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ thấm nhuần sâu sắc hơn ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa thời đại, những giá trị to lớn, sự trường tồn và tầm ảnh hưởng sâu rộng của Đề cương trong công cuộc kháng chiến kiến quốc cũng như công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Nhìn lại để tiến xa hơn, chúng ta được tiếp thêm sức mạnh trước kết quả bước đầu sau hơn một năm thực hiện 6 nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết luận tại Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021, để quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra./.
NGUYỄN VĂN HÙNG
Ủy viên Trung ương Đảng
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
_______________________
(*) Bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Lễ Kỷ niệm và Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Những dấu ấn lịch sử” kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023), tổ chức tối 28/2 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Đầu đề do Tạp chí đặt.
(1) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
(2) Hội nghị văn hoá toàn quốc 24/11/1946.
(3) Bài thơ “Sao Chiến Thắng” của Chế Lan Viên.