Thứ Bảy, 27/7/2024
Nhịp cầu Công Thương
Thứ Tư, 15/11/2023 8:19'(GMT+7)

Tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Việc tìm đầu ra cho sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi luôn được Bộ Công thương đăc biệt quan tâm.

Việc tìm đầu ra cho sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi luôn được Bộ Công thương đăc biệt quan tâm.

Thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, ngày 14/10/2021 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình).

Mục tiêu tổng quát của Chương trình là nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.

Chương trình xác định phạm vi thực hiện tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó, ưu tiên nguồn lực của Chương trình đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đối tượng của Chương trình bao gồm các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn; doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các tổ chức kinh tế hoạt động ở địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Nhằm cụ thể hóa lộ trình giai đoạn I (2021-2025) của Chương trình, Bộ Công thương đã triển khai nhiều nội dung, giải pháp cụ thể, trong đó có hai nhiệm vụ quan trọng là: 1) Hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp mạng lưới chợ của vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 2) Hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Công thương và sự vào cuộc tích cực của nhiều địa phương, thời gian qua, việc tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả tích cực, trong đó có đẩy mạnh các nhoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, xây dựng cẩm nang giới thiệu sản phẩm đặc sản vùng; triển khai các khóa đào tạo, tập huấn đến cán bộ  cấp tỉnh, thành phố... Cùng với đó là tổ chức thành công những điểm bán hàng hai chiều để cung ứng hàng hóa thiết yếu tới bà con vùng dân tộc thiểu số, đồng thời thu mua những sản phẩm, hàng hóa đã được thương mại hóa của đồng bào đưa về các vùng, miền có đông người tiêu dùng và đầu mối giao thương lớn, từ đó cung ứng hàng hóa cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Việc triển khai các hoạt động nói trên đã tạo điều kiện lan tỏa đến các doanh nghiệp bán lẻ lớn trong cả nước. Chẳng hạn như, với hệ thống phân phối rộng khắp, trong những năm qua, chuỗi siêu thị của MM Mega Market Việt Nam luôn sẵn sàng giao lưu, hợp tác với các đơn vị sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các hợp tác xã, các đơn vị sản xuất nông nghiệp khu vực dân tộc thiểu số và miền núi, giúp cho các đơn vị này quảng bá được hình ảnh, thương hiệu để góp phần mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản miền núi, vùng dân tộc thiểu số vẫn còn những vấn đề đặt ra cần giải quyết, chẳng hạn như bất cập liên quan đến nguồn hàng và sản lượng. Nhu cầu của thị trường hiện nay đối với các sản phẩm đặc sản vùng miền và các sản phẩm nông sản an toàn rất cao. Tuy nhiên mỗi khi có nhu cầu tăng thêm thì lượng hàng cung ứng thường bị đứt gãy hoặc gián đoạn do các doanh nghiệp chủ yếu có quy mô nhỏ, sản lượng sản xuất hạn chế. Bên cạnh đó còn là những vấn đề liên quan đến vận chuyển, sự thiếu bền vững của các vùng chuyên canh, quy trình thu hoạch - bảo quản...

Thời gian tới, để thúc đẩy hơn nữa việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, đề án đã và đang có tác động tích cực. Đồng thời tăng cường các nhóm giải pháp tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của đồng bào tới cộng đồng người tiêu dùng trong nước và qua kênh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại; kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến công tác hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và xây dựng, đầu tư mới, cải tạo mạng lưới chợ của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.../.

HOÀNG MINH

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất