Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 4/4/2013 22:41'(GMT+7)

Tiền đề vững chắc cho hợp tác, giao lưu kinh tế ở Lào cai

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Với vị trí địa lí thuận lợi, giàu tiềm năng, nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt là chính sách mở cửa, phát triển kinh tế của Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc, là những cơ hội lớn để Lào Cai - một tỉnh vùng biên giới - trở thành nơi hội tụ, là đầu mối kinh tế quan trọng của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc, hướng tới phát triển thành một nền kinh tế toàn diện vững chắc.

Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng để đề ra đường lối, chủ trương phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với địa phương. Căn cứ vào đặc điểm tình hình, tiềm năng thế mạnh của tỉnh, trong giai đoạn từ 1991 - 2000, Đảng bộ Lào Cai đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ củng cố và phát triển kinh tế - xã hội theo hướng kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, khai thác triệt để mọi tiềm năng, tiếp tục tạo ra những nguồn lực mới về kinh tế - xã hội. Đồng thời tiếp tục điều chỉnh cơ cấu kinh tế cho phù hợp với tiềm năng, tài nguyên và vị trí của một tỉnh có cửa khẩu quốc tế; từng bước chuyển nền kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhằm đạt được mục tiêu và nhiệm vụ đã đề ra, trong giai đoạn từ 1991 - 2000, Lào Cai đã tiến hành đồng thời các biện pháp thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế như: Huy động tối đa các nguồn vốn trong toàn xã hội, các nguồn thu trên địa  bàn vào ngân sách tỉnh; xây dựng chính sách ư­u đãi, khuyến khích đầu tư, tăng  cường xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi thu  hút vốn đầu t­ư trong nhân dân, trong nước và ngoài nước; khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất; từng bước tiếp cận với công nghệ mới, tập trung vào nghiên cứu giống cây trồng, giống vật nuôi; phát huy tiềm năng của các thành phần kinh tế; phát triển các ngành kinh tế tạo ra nhiều việc làm mới; phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo những cán bộ có năng lực còn trẻ, cán bộ khoa học kỹ thuật và cán bộ thuộc các dân tộc ít người dưới nhiều hình thức tập trung và tại chức, dài hạn, ngắn hạn. Tiến hành hoạt động nghiên cứu thăm dò, dự báo thị trường trong nước, trong tỉnh và nước ngoài, tạo ra những sản phẩm xuất khẩu, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, cải tiến mẫu mã. Thực hiện khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên trên địa bàn.

Nhờ sự vận dụng sáng tạo đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước vào điều kiện thực tế của địa phương cùng với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp, trong 10 năm đầu tái lập tỉnh, (1991-2000), kinh tế Lào Cai đã có bước phát triển vượt bậc. Từ một tỉnh mới được tái lập, nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, tự cung, tự cấp là chủ yếu, cơ sở hạ tầng thấp kém, Lào Cai đã đạt tốc độ tăng trưởng về kinh tế khá cao và liên tục, giai đoạn 1991-1995 đạt 11,8 %/ năm (cả nước đạt 8,2%/năm), giai đoạn 1996 - 2000 đạt 5,3%. Tính bình quân trong 10 năm (1991-2000), tốc độ tăng trưởng kinh tế Lào Cai đạt 8,5%/ năm (cả nước đạt 7,6%/ năm). Quy mô GDP của Lào Cai tăng nhanh chóng, năm 2000 đạt 1.011.702 triệu đồng, gấp 10,09 lần năm 1991 và  gấp 6,50 lần năm 1995. Những kết quả trên khẳng định bước chuyển biến đầu tiên, quan trọng của nền kinh tế Lào Cai sau 10 năm tái lập tỉnh.

Sự phát triển của nền kinh tế Lào Cai được thể hiện ở tốc độ tăng trưởng của các nhóm ngành trong nền kinh tế địa phương. Tổng giá trị sản xuất của nông nghiệp trong 10 năm (1991-2000) tăng lên liên tục. Năm 1991 đạt 285.906 triệu đồng, năm 1995 đạt 358.824 triệu đồng, đến năm 2000 đạt 508.648 triệu đồng, tăng bình quân là 7,00%/năm (cả nước là 5,1%/ năm).

Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp Lào Cai trong 10  liên tục đạt 2 con số. Năm 2000  giá trị sản xuất công nghiệp đạt 302.739 triệu đồng, gấp 17,4 lần  năm 1991, gấp 1,5 lần năm 1995, bình quân tăng 17,2%/năm.

Khu vực kinh tế dịch vụ trong 10 năm (1991-2000) có tốc độ tăng trưởng khá cao, giai đoạn 1991 - 1995 tăng 22,6%/năm. Đặc biệt từ năm 1996 đến năm 2000 quy mô giá trị sản xuất dịch vụ tăng vượt bậc, năm 2000 gấp 7,65 lần năm 1995, gấp 16,9 lần năm 1991. Tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực kinh tế này trong 10 năm đạt 17,3%/năm, so với cả nước đạt 9,4%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, của ngành công nghiêp, nông nghiệp địa phương. 

Nền kinh tế và các vấn đề xã hội của Lào Cai, sau 10 năm tái lập tỉnh, có bước chuyển biến nhất định, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư nâng cấp, tình hình chính trị ổn định, quan hệ đối ngoại được mở rộng, vai trò, vị trí của Lào Cai là “cầu nối" giữa Việt Nam với vùng Tây Nam của Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN ngày càng thể hiện rõ nét. Lào Cai tạo dựng môi trường hấp dẫn và uy tín đối với các nhà đầu tư  nên thu hút ngày càng nhiều vốn phát triển các kinh tế địa phương. Đó chính là tiền đề quan trọng cho việc đẩy mạnh phát triển kinh tế của Lào Cai giai đoan 2001 - 2010.

Trên cơ sở sự chuyển biến của nền kinh tế - xã hội của tỉnh,  Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đến năm 2010: Tiếp tục thực hiện cơ cấu kinh tế công - nông - lâm nghiệp - du lịch, dịch vụ theo chiến lược phát triển đến năm 2010. Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên cơ sở tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các lĩnh vực. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá, tạo bước chuyển dịch rõ nét trong nội bộ ngành nông, lâm nghiệp. Tập trung đầu tư tạo bước phát triển đột phá trong công nghiệp, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Nghị quyết Đảng bộ địa phương được cụ thể hóa bằng bảy Chương trình công tác trọng tâm với 29 đề án, thúc đẩy phát triển toàn diện và đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn lực

Trong 10 năm tiếp theo (2001 - 2010), kinh tế Lào Cai vẫn giữ được mức tăng trưởng cao và liên tục, bình quân giai đoạn 2001 - 2005 đạt 11;98%/ năm, giai đoạn 2006 -2010 đạt 13%/năm, bình quân trong 10 năm đạt 12,5%. Đặc biệt, quy mô GDP của Lào Cai thời gian này tăng nhanh chóng, năm 2005 GDP của Lào Cai đạt 1.634.900 triệu đồng, gấp 6,35 lần năm 2000, năm 2010 GDP đạt 3.005.660 triệu đồng (theo giá so sánh thời điểm năm 1994), gấp 1,8 lần năm 2005 và gấp 30,3 lần năm 1991. Năm 2010, thu ngân sách trên địa bàn đạt 2010.tỷ  đồng, gấp 51,75 lần so với năm 1992 và gấp 21,58 lần năm 2000.

Trong cả giai đoạn 2006-2010, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ước đạt 25 nghìn tỷ đồng, gấp 4 lần giai đoạn trước, bình quân hằng năm tăng 23,4%. Tổng sản phẩn của công nghiệp trong 10 năm (2001 -2010) tiếp tục tăng lên. Năm 2005 đạt 425.630 triệu đồng, gấp 2,02 lần năm 2001, năm 2010 đạt  110.238.6 triệu đồng, gấp 2,58 lần năm 2005, và gấp 5,24 lần năm 2000. Tốc độ tăng trưởng của sản xuất công nghiệp Lào Cai trong 10 năm tăng liên tục và đạt bình quân  20,3%/năm.

Tổng sản phẩm khu vực kinh tế dịch vụ trong 10 năm (2001-2010) tăng khá nhanh, năm 2005 đạt 606.205 triệu đồng, gấp 1,4 lần năm 2001, năm 2010 tăng gấp 2,7 lần năm 2001, gấp 1,9 lần năm 2005, tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm đạt  13,4%/năm.

Kinh tế nông nghiệp vẫn duy trì được quy mô và tốc độ tăng trưởng khá cao. Tổng sản phẩm nông nghiệp hàng năm tăng lên, năm 2005 đạt 602.250 triệu đồng, gấp 1,2 lần năm 2001, năm 2010 tăng gấp 1,39 lần năm 2005, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt 7,1%/ năm, cao hơn 10 năm trước đó.

Kinh tế đối ngoại đạt được những kết quả rất quan trọng, trong 20 năm đã thu hút được nhiều vốn FDI, nguồn vốn ODA và nguồn tài trợ quốc tế khác. Quan hệ hợp tác quốc tế, nhất là giữa Lào Cai với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) ngày càng được mở rộng.

 Có thể nói Lào Cai là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và nguồn thu ngân sách lớn trong khu vực và trong nước, ngay cả khi kinh tế toàn cầu gặp khủng hoảng, trong khi xuất phát điểm của nền kinh tế thấp. Điều đó khẳng định sự vận dụng sáng tạo đường đổi mới của Đảng vào điều kiện và tình hình thực tế của Đảng bộ và nhân dân Lào Cai.

Nhìn chung, sau hơn 20 năm tái lập tỉnh, kinh tế Lào Cai tăng trưởng nhanh, liên tục cả về quy mô và tốc độ, năng lực nội sinh của nền kinh tế được nâng lên. Sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế đã thúc đẩy chuyển biến về mọi mặt của xã hội Lào Cai. Lào Cai đã giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, tỉ lệ đói nghèo giảm nhanh, đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt, vấn đề an sinh và công bằng xã hội được thực hiện. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên; công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ; tình hình  an ninh - quốc phòng của tỉnh luôn được giữ vững, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, khối đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố.

Quá trình phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá làm thay đổi bộ mặt thành thị cũng như nông thôn Lào Cai. Các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh được tạo môi trường thuận lợi sản xuất, kinh doanh bình đẳng theo pháp luật. Tiềm năng vốn có của các thành phần kinh tế cũng như trong nhân dân được phát huy có hiệu quả, tạo đòn bẩy thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, phát triển các lĩnh vực xã hội, góp phần nâng cao vị thế của Lào Cai.

Tuy vậy, nền kinh tế Lào Cai sau hơn 20 năm tái lập tỉnh vẫn còn những hạn chế, bất cập. Tăng trưởng kinh tế chưa đủ đưa Lào Cai ra khỏi tỉnh nghèo của cả nước. Tốc độ tăng trưởng dù cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo xu thế tích cực, nhưng với quy mô nền kinh tế Lào Cai vốn nhỏ bé, nên vẫn chậm để có thể rút ngắn khoảng cách phát triển với nhiều địa phương trong cả nước và trong vùng. Thu nhập bình quân đầu người tuy tăng lên, những đến nay mới đạt hơn 16,11 triệu đồng, bằng 2/3 thu nhập bình quân đầu người của cả nước. Tăng trưởng kinh tế của Lào Cai chủ yếu dựa trên những nhân tố theo chiều rộng, nghiêng nhiều về yếu tố vốn hơn là yếu tố lao động, trong khi đó vốn là yếu tố Lào Cai còn thiếu, còn lao động thì dồi dào, nhưng chất lượng còn hạn chế. Huy động vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng mạnh nhưng năng suất lao động xã hội và hiệu qủa sử dụng vốn còn thấp. Trong cả giai đoạn 2006-2010, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 25 nghìn tỷ đồng, gấp 4 lần giai đoạn trước, bình quân hằng năm tăng 23,4% nhưng tốc độ tăng trưởng GDP mới đạt 10,5%/năm. Tăng trưởng cao nhưng kéo theo tình trạng gia tăng bất bình đẳng, sự phân hóa giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, giữa thành thị và nông thôn, giữa vùng cao khó khăn với vùng thấp thuân lợi, đồng thời cũng kéo theo tình trạng khai thác cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường. 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2011-2015, Lào Cai tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, từng bước đưa nền kinh tế địa phương phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Phát huy những kinh nghiệm và thành tựu đã đạt được, tạo tiền đề vững chắc để đến năm 2020 Lào Cai phấn đấu trở thành tỉnh phát triển, là địa bàn quan trọng về hợp tác, giao lưu kinh tế quốc tế của vùng và cả nước, Đảng bộ và nhân dân Lào Cai tiếp tục kiên trì thực hiên tốt các giải pháp sau đây:

Một là, quy hoạch phát triển các ngành làm rõ quy mô phát triển của từng ngành phù hợp với mục tiêu phát triển, lợi thế so sánh về các nguồn lực của địa phương và sự biến động của thị trường nội tỉnh và ngoài tỉnh. Quy hoạch phát triển các ngành phải đảm bảo tính đồng bộ, tính liên ngành sao cho các ngành hỗ trợ, thúc đẩy nhau cùng phát triển.

Hai là, đầu tư đồng bộ trong quá trình phát triển ngành, trong đó ưu tiên xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển của từng ngành, từng vùng trong tỉnh, đặc biệt là vùng có tiềm năng, lợi thế và vùng khó khăn. Đầu tư phát triển ngành phải tính đến mối quan hệ liên ngành. Đầu tư đồng bộ cho phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, đồng thời ứng  dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh trong tất cá các ngành kinh tế và các lĩnh vực xã hội. Quan tâm đào tạo, đào tạo lại đội ngũ lao động phù hợp với yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực, trong đó ưu tiên lao động là người dân tộc thiểu số.

Ba là, tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với quá trình phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, trong đó chú trọng nâng cao vai trò của các cấp chính quyền trong việc xây dựng chiến lược cũng như trong quy hoạch phát triển từng ngành; tăng cường vai trò của các cấp chính quyền trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách phát triển ngành (như chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích xuất khẩu và sản xuất thay thế nhập khẩu, phát triển thị trường phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế...). Các chính sách phải được thực hiện đồng bộ phù hợp với sự phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, nhiều hình thức sở hữu, với xu hướng mở cửa và hội nhập quốc tế.

Bốn là, cân đối các nguồn vốn, các chương trình, dự án để đảm bảo nguồn vốn hỗ trợ cho sản xuất. Tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương về tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp, nông thôn.  Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu Quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ để phát triển một nền kinh tế toàn diện trong mối quan hệ tương tác giữa các ngành, các lĩnh vực. Thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với phát triển kinh tế và xã hội, trong đó tập trung nhiều hơn cho các vùng khó khăn, vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn, gắn kết với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội./.

Nguyễn Thị Nguyền

Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Lào Cai

 

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất