Thứ Hai, 14/10/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 5/3/2010 10:2'(GMT+7)

Tiến hành phá sản nếu lỗ kéo dài

Phóng viên Tiền Phong vừa có cuộc trao đổi với ông Hà Văn Hiền, Ủy viên Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, về vấn đề này.

Ông Hiền cho biết, hiện nay còn một số lượng không nhỏ tập đoàn, TCty có hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp chưa phát huy tốt vai trò chủ lực trong nền kinh tế và kết quả hoạt động của nhiều tập đoàn, TCty hoàn toàn chưa tương xứng với lợi thế cũng như sự đầu tư của Nhà nước.

Thưa ông, nhiều TCty nhà nước xảy ra tình trạng lỗ kéo dài như Tổng Cty Xây dựng Công trình Giao thông 4 lỗ nhiều năm liền, lên đến hàng trăm tỷ đồng, TCty Xây dựng Đường thủy cũng lỗ đến gần ngàn tỷ đồng... Tuy nhiên việc thua lỗ này lại không được xem xét thấu đáo để đưa ra những quyết sách kịp thời?

Đúng là có chuyện nhiều TCty làm ăn thua lỗ rất dài, nợ đọng nhiều nhưng lại chưa được xử lý. Mới đây QH yêu cầu Chính phủ xử lý dứt điểm các doanh nghiệp này thậm chí có thể tiến hành phá sản các doanh nghiệp đó. 

Ông Hà Văn Hiền. Ảnh: P.Sưởng

Không chỉ làm ăn thua lỗ, nhiều tập đoàn, TCty còn đầu tư dàn trải, đầu tư vào nhiều lĩnh vực không phải là thế mạnh của mình. Ví như Tập đoàn Vinashin- một doanh nghiệp chuyên đóng tàu, lại đầu tư vào tài chính, cổ phiếu, bất động sản, du lịch?

Vì lẽ đó, QH cũng yêu cầu Chính phủ tới đây phải có quy định rõ. Đồng ý, tập đoàn kinh tế là phải đầu tư đa ngành nhưng, trước hết, phải tập trung cho những ngành nghề kinh doanh chính của mình.

Chính phủ cũng phải đề ra các điều kiện về năng lực, về vốn để một tập đoàn, TCty được đầu tư sang lĩnh vực khác và mức độ được đầu tư ra ngoài là bao nhiêu.  Nhưng trước tiên anh phải thực hiện tốt lĩnh vực kinh doanh chính của anh.

Có thiếu sót cơ chế

 Trong nền kinh tế của chúng ta phải có những tập đoàn, TCty nhà nước mạnh ở những khâu then chốt của nền kinh tế. Nhưng phải xác định rõ ở những lĩnh vực nào, ngành nào và số lượng là bao nhiêu thì chúng ta cần xem xét, không nên quá nhiều  - Ông Hà Văn Hiền

Nhiều TCty nhà nước làm ăn thua lỗ kéo dài và điều đó gắn với trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp đó. Tuy nhiên chúng ta lại chưa xem xét trách nhiệm cá nhân?

Qua cuộc giám sát, chúng tôi có kiến nghị xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân tại những đơn vị làm ăn thua lỗ để, trên cơ sở đó, chúng ta có hướng xử lý đúng pháp luật.

QH cũng yêu cầu Chính phủ cần xây dựng một hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn khi bố trí nhân sự trong các tập đoàn, TCty mà theo đó phải định rõ về quyền hạn, trách nhiệm, lợi ích của tập thể, cá nhân lãnh đạo một tập đoàn kinh tế, một TCty để có cơ chế thưởng khi có thành tích và nếu có sai sót thì cũng xử lý công khai, công bằng.

Có DN nhà nước thua lỗ nặng nhưng người đứng đầu doanh nghiệp (TCty, tập đoàn) vẫn hưởng mức lương cao ngất ngưởng. Ví như tại Jetstar mà TCty Đầu tư Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) nắm cổ phần chi phối. Phải chăng chúng ta đang có lỗ hổng trong quản lý.

Tôi nghĩ rằng chuyện doanh nghiệp làm ăn hiệu quả kém và lãnh đạo hưởng lương cao có thiếu sót về cơ chế, chính sách. 

Không phù hợp sẽ phải thay đổi

Hiện có vị thứ trưởng bộ Công Thương giữ chức Chủ tịch Tập đoàn Than -Khoáng sản, Bộ trưởng Bộ Tài chính giữ chức Chủ tịch HĐQT TCty SCIC. Liệu đây có được coi là cách làm vừa đá bóng vừa thổi còi?

Thật ra, gốc gác vấn đề nằm ở chỗ, những đồng chí này là đại diện phần vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp. Đây là điều cần thiết. Nhưng sau một thời gian thực hiện việc này, phải có đánh giá, tổng kết xem hiệu quả như thế nào, mô hình đó có phù hợp không. Nếu không phù hợp sẽ phải thay đổi.

Như vậy có được cho là chồng chéo và giảm khả năng tự chủ của DN, dẫn đến hiệu quả thấp?

Đúng là chưa rạch ròi giữa vai trò quyền chủ sở hữu với việc chỉ đạo điều sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng hoặc là buông lỏng hoặc là can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy nên chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần làm rõ việc tách chức năng chủ sở hữu với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhiều tập đoàn, TCty làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ, đầu tư dàn trải nhưng, về phía cơ quan quản lý nhà nước, dường như không ai chịu trách nhiệm?

Đúng là hiện nay đầu mối chịu trách nhiệm về quyền chủ sở hữu (theo dõi tổng hợp tình hình sử dụng vốn, tài sản) chưa rõ ràng. Rất nhiều ngành chịu trách nhiệm nhưng không anh nào chịu chính cả. Nên yêu cầu đặt ra là cần phải tập trung vào một đầu mối chính chịu trách nhiệm.

Phùng Sưởng - Tiền Phong

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất