Thứ Tư, 18/12/2024
Cuộc sống số
Thứ Năm, 6/8/2009 21:16'(GMT+7)

Tiếp cận Internet: Giải trí, tìm kiến thức hay...?

Chơi game online tại một dịch vụ Internet

Chơi game online tại một dịch vụ Internet

Theo thống kê của Trung tâm Internet VN, đến hết tháng 6.2009, cả nước đã có hơn 21,5 triệu người sử dụng Internet, chiếm tỉ lệ gần 25% dân số. Nếu so với con số khoảng 5,2 triệu người của năm 2007 thì tốc độ tăng trưởng trong 2 năm gần đây quả thật hết sức ấn tượng. Thế nhưng, đi cùng với sự tăng trưởng ồ ạt này là một câu hỏi vẫn luôn thường trực: Giới trẻ tìm gì trên mạng Internet?

Chat-chit: “Xưa rồi Diễm!”

Cách đây không lâu, các phương tiện truyền thông từng rộ lên chuyện giới trẻ vào mạng chỉ để chat-chit (tán gẫu) và cả những câu chuyện “động trời” xung quanh trào lưu này. Thế nhưng, khi Internet trở nên phổ biến hơn, chuyện chat –chit chẳng những không “xấu” như nhiều người vẫn nghĩ, mà trái lại còn là một công cụ giao tiếp hữu ích, phục vụ đắc lực cho nhu cầu công việc của rất nhiều người.

Tại một quán cà phê trên đường Trần Văn Hoài (TP.Cần Thơ), một SV ngồi ôm máy tính xách tay (MTXT) vừa xem trực tuyến đoạn video hướng dẫn sử dụng một phần mềm máy tính, vừa trao đổi cách sử dụng với bạn mình qua chat cùng lúc với cả việc xem một tài liệu bằng văn bản tiếng Anh và tra cứu từ mới bằng các bộ tự điển trực tuyến miễn phí. Xung quanh có gần 10 bạn trẻ khác cũng vừa nhâm nhi cà phê, vừa online (trực tuyến) bằng MTXT. Người đọc tin tức, người xem phim, nghe nhạc, tìm tài liệu... Đây cũng là cảnh thường xuyên ở nhiều quán cà phê có phục vụ WIFI miễn phí, không chỉ đối với SV mà cả với nhiều người phải làm việc trong điều kiện thường xuyên di chuyển.

Bước vào khuôn viên Trường ĐH Cần Thơ, không khó để bắt gặp cảnh các bạn trẻ ngồi quây quần quanh hồ nước trước sảnh Trung tâm Học liệu với chiếc MTXT để truy cập Internet, vừa giải trí, vừa truy tìm tài liệu phục vụ việc học và liên lạc với bạn bè. Những SV không có MTXT vẫn có thể online bằng cách đăng ký mượn máy của trung tâm này.

Còn với N.L – một nhân viên ngành y tế ở huyện vùng sâu Long Mỹ (Hậu Giang) – thì Internet đã trở thành “cứu tinh” bất đắc dĩ. Đó là lần anh tham gia cuộc thi Tìm hiểu Công đoàn VN. Lúc đầu thì rất hào hứng, nhưng khi vào cuộc mới biết kiến thức về tổ chức công đoàn của mình còn rất yếu. Thế là, mọi chuyện đành nhờ vả vào “Gú Gồ” (Google). Hoàn thành bài thi chỉ là chuyện nhỏ, quan trọng hơn, theo N.L, là qua lần đó, anh hiểu thêm được rất nhiều về công đoàn và cả cách truy tìm, chắt lọc những thông tin hữu ích từ Internet.

Thế nhưng, thế giới Internet của giới trẻ đâu chỉ có màu hồng khi xuất hiện một mối lo mới dưới lớp vỏ “giải trí” được xem là nghiêm trọng hơn chuyện chat-chit của những năm về trước.

Giải trí hay...?

Một bản tin trích từ Game Thủ.net: “Vô thức, vật vã như một con nghiện nhưng miệng liên tục kể tên những món bảo bối trong game online, chàng sinh viên 24 tuổi gục ngã ở ngoài đường và được Công an phường Bến Thành, TPHCM, đưa đến bệnh viện trưa 21.5. Tại BVĐK Sài Gòn, sau khi xét nghiệm chất kích thích âm tính, kiểm tra sọ não cũng không có chấn thương, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có thể bị rối loạn tâm thần do quá nghiện game ...”.

Đó là trường hợp “tẩu hỏa nhập ma” của một “tín đồ” game online (SV Trường ĐH Cần Thơ, quê ở Kiên Giang) khi đang “hành hiệp” tận TPHCM. Theo các bác sĩ tâm thần và cả dân “trong nghề” thì những trường hợp như vậy không phải là chuyện lạ. Trước đây, cũng đã từng có trường hợp đột quỵ dẫn đến tử vong vì chơi game đến kiệt sức. Thế nhưng...

Dạo một vòng các dịch vụ Internet ở TP.Cần Thơ, đến đâu cũng thấy tấp nập khách, nhưng đại đa số chỉ chơi game online, hiếm hoi lắm mới gặp một người vào để truy cập thông tin từ Internet. Còn tại một dịch vụ ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang), chúng tôi gặp cảnh một bà mẹ mỗi sáng chở cậu con trai đến phòng game, trưa ghé trả tiền và rước con về. Lý do của người mẹ ở vùng quê này khá đơn giản: Thà cho con chơi game để còn biết nó đang ở đâu, làm gì. Nếu không, sợ nó tụ tập nhậu nhẹt, hút xách với bạn bè còn khổ hơn (!?). Thử thống kê 2 ngày, số người vào thuê máy để truy cập thông tin tại dịch vụ này đếm chưa hết đầu ngón tay, phía dịch vụ đối diện còn “thảm” hơn với con số 0 tròn trĩnh.

Theo chủ một phòng game ở TP.Cần Thơ, chuyện ôm máy để chơi thâu đêm suốt sáng giờ đã có phần nhẹ hơn, một phần do các game cho phép chơi bằng chương trình tự động hoặc mở chế độ ủy thác mà không cần chơi trực tiếp. Tuy nhiên, với những “con nghiện” thực sự thì vẫn bám trụ với nhân vật của mình. Chính vì vậy mà bên cạnh tiền thuê máy, các dịch vụ đi kèm như: Nước uống, snack, bánh ngọt và cả phục vụ cơm theo yêu cầu đã mang về cho anh một nguồn thu không nhỏ.

Với thâm niên nhiều năm “cày” game online thâu đêm suốt sáng, M.Đ cho biết: Đã có quy định mỗi tài khoản chỉ được chơi 5 giờ/ngày, nhưng rất khó khả thi. Chủ phòng game thì không thể đuổi khách khi đã chơi đủ 5 giờ, mà dù có đuổi thì cũng đâu ai cấm “con nghiện” sang chỗ khác chơi tiếp. Trong khi đó, các nhà cung cấp dịch vụ game thì dù vẫn áp dụng “mỗi tài khoản chỉ được chơi 5 giờ/ngày” theo quy định, nhưng lại tạo nhiều kẻ hở một cách có chủ ý để người chơi lách luật. Hơn nữa, theo ghi nhận của chúng tôi, tại TP.Cần Thơ, dù quy định “cửa đóng then cài” sau 0 giờ, nhưng bên trong nhiều phòng game, các game thủ vẫn tưng bừng xung trận đến tận sáng...

Có một nghịch lý là cứ chỗ nào cấm thì y như rằng giới trẻ lại tìm cách... đâm vào. Nhiều người nhận định: Để game trở về đúng nghĩa giải trí như tên gọi của nó và Internet trở thành một kho thông tin khổng lồ phục vụ đắc lực cho nhu cầu mở mang kiến thức, phụ thuộc vào ý thức của chính người chơi. Mà điều này chỉ có được từ nền tảng giáo dục của gia đình và nhà trường, chứ không chỉ dừng lại ở các văn bản pháp quy mang tính bắt buộc./.

(Theo Lao Động điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất