Thứ Tư, 2/10/2024
Sức khỏe
Thứ Tư, 2/12/2009 14:5'(GMT+7)

Tiếp cận phổ cập và quyền con người

Ở thành phố Huế có mô hình “3 tôn giáo một tấm lòng” chăm sóc người nhiễm HIV với sự tham gia tích cực của tín đồ Phật giáo, Thiên chúa giáo và đạo Tin lành.

Ở thành phố Huế có mô hình “3 tôn giáo một tấm lòng” chăm sóc người nhiễm HIV với sự tham gia tích cực của tín đồ Phật giáo, Thiên chúa giáo và đạo Tin lành.


Khủng hoảng toàn cầu -
Cam kết toàn cầu

Tháng 6 năm 2001, tại Niu Y-oóc (Mỹ), những người đứng đầu nhà nước, chính phủ của gần 200 quốc gia trên thế giới đã tham dự khóa họp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc, thảo luận vấn đề HIV/AIDS một cách toàn diện nhất để đạt tới một sự thống nhất toàn cầu, nhất trí thông qua Tuyên bố cam kết về HIV/AIDS “Khủng hoảng toàn cầu – Cam kết toàn cầu”. 8 năm sau, nhân loại tiến bộ đã tiếp tục đạt được những thành tựu đáng mừng trong công cuộc phòng, chống HIV, bảo vệ cuộc sống con người. Năm 2005, lần đầu tiên Liên hợp quốc chọn chủ đề “Giữ vững cam kết: Quyết tâm ngăn chặn AIDS” để phát động và coi đây là mục tiêu xuyên suốt thực hiện tới năm 2010.

Những tiến bộ của y học trong việc dự phòng, chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV, đặc biệt là với thuốc kháng vi-rút ARV đã thực sự phát triển không ngừng. Chính vì thế Liên hợp quốc đưa ra Thông điệp riêng cho năm 2009 là “Tiếp cận phổ cập quyền con người” nhằm tập trung sự quan tâm của các quốc gia, cộng đồng quốc tế vào việc thiết lập và cung cấp các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV sao cho tất cả mọi người có thể tiếp cận được. Điều đó khẳng định việc mọi người dân không phân biệt tuổi tác, dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội hay hành vi nguy cơ… khi có nhu cầu đều có thể tiếp cận các dịch vụ này mà không gặp bất cứ sự cản trở nào. Đồng thời với đó là việc chính phủ các nước cần quan tâm đầu tư dịch vụ dự phòng, hỗ trợ chăm sóc, điều trị liên quan tới HIV một cách đầy đủ nhất đáp ứng yêu cầu của nhân dân. Tuy nhiên có một thực tế là theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về phòng chống AIDS (UNAIDS) thì tới năm 2009 vẫn còn 84 quốc gia có các luật và chính sách cản trở việc dự phòng, điều trị, chăm sóc, hỗ trợ hoạt động sống đối với những người có HIV. Một số nước đã tội phạm hóa, hạn chế cư trú đối với những người dễ bị tổn thương nhất bởi HIV, quy định những người quan hệ tình dục đồng giới, chuyển đổi giới tính, bán dâm, dùng ma túy là tội phạm… Ngoài ra những quy định bảo vệ người có HIV khỏi bị phân biệt đối xử, bảo vệ phụ nữ trước bất bình đẳng giới, bạo lực tình dục… chưa được đầy đủ. Liên hợp quốc kêu gọi phải thay đổi những điều này.

Kỳ thị là rào cản lớn nhất với người có HIV ở Việt Nam

Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, tại Việt Nam và một số quốc gia, sự kỳ thị, phân biệt đối xử vẫn là rào cản lớn nhất trong việc dự phòng, điều trị, chăm sóc và hòa nhập cộng đồng đối với người nhiễm HIV. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam là quốc gia có sự quan tâm, chú trọng đặc biệt tới việc phát triển các dịch vụ dự phòng, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV. Tuy nhiên vì đặc điểm dịch tễ học và con đường lây truyền của HIV thường liên quan tới các hành vi nguy cơ cao như ma túy, mại dâm nên người nhiễm HIV bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Cũng chính vì lý do này mà người nhiễm HIV giấu bệnh, tự cô lập và ngần ngại khi tiếp xúc với xã hội. Đây là thiệt thòi lớn cho họ và cũng chính là những nhận thức và hành vi ứng xử chưa đúng của cộng đồng.

Tính đến quý 2 năm 2009, số trường hợp nhiễm HIV còn sống được phát hiện và báo cáo trong cả nước là hơn 144.400 người (ước tính con số người nhiễm thực tế khoảng 242.000 người), trong đó gần 31.000 bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS còn sống. Người nhiễm HIV đã có ở 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và hơn 97% huyện, thị và tập trung ở một số nơi như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Sơn La, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nghệ An… Đã có 63/63 tỉnh, thành phố triển khai điều trị ARV tại 285 điểm gồm 8 điểm tại tuyến Trung ương, 91 điểm tuyến tỉnh, thành phố, 186 điểm tuyến quận, huyện. Đã có hơn 31.000 bệnh nhân AIDS là người trưởng thành và gần 1.800 trẻ em nhiễm HIV/AIDS đang nhận thuốc ARV. Dự kiến đến hết năm 2010 sẽ có hơn 43.000 người nhiễm HIV được điều trị ARV.

Kinh nghiệm quốc tế chỉ ra rằng, bảo đảm quyền con người vừa là mục tiêu vừa là phương thức tối ưu trong cuộc đấu tranh chống lại HIV/AIDS. Chống kỳ thị, phân biệt đối xử và pháp luật dựa trên quyền con người là giải pháp quan trọng hàng đầu để góp phần đẩy lùi HIV/AIDS mà mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng cần thực hiện./.

(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất