Một số ít hay phổ biến
Chánh Thanh tra Bộ Y tế Trần Quang Trung chỉ thừa nhận một số ít cơ sở có sai phạm. Như, khám chữa bệnh chưa thực hiện đúng các chế độ thanh toán chi phí điều trị bảo hiểm y tế, còn có hiện tượng lạm dụng chính sách miễn, giảm viện phí cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi…để chi sai chế độ; cán bộ, nhân viên lấy thuốc, vật tư của nhà nước đem ra thị trường bán chia nhau tiền.
Ông Trung cũng cho rằng, chỉ có một số nhân viên y tế nhận phong bì từ người bệnh. Điều này xảy ra do lượng bệnh nhân quá tải tại các cơ sở khám chữa bệnh T.Ư và tỉnh, TP.
Chỉ thừa nhận một số bác sỹ, y tá nhận phong bì, nên Bộ Y tế cho rằng, vấn đề ở đây chỉ là do “nhận thức về tham nhũng, tiêu cực của một số lãnh đạo, cán bộ công chức y tế chưa được đầy đủ”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại buổi đối thoại lại cho rằng, tình hình không sáng sủa như vậy. Bởi, tham nhũng trong ngành y tế trở thành căn bệnh trầm kha, gây ra nhiều hệ lụy cho cả xã hội.
Đáng lo ngại là tình trạng này đang diễn ra trên diện rộng. Đại diện Thanh tra Chính phủ đưa ra năm nhóm sai phạm xảy ra trong hầu hết các lĩnh vực của ngành y gồm: thuốc, khám chữa bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, mua sắm trang thiết bị y tế và chấp hành các quy định nhà nước trong lĩnh vực này.
Tiến sĩ Thaveeporn Vasavakul, chuyên gia của Thụy Điển cho rằng, trong ngành y tế có ba lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng nhất là quản lý nhà nước như cấp phép, tuyển dụng, bổ nhiệm. Thứ hai, cung cấp dịch vụ tại các cơ sở y tế và mối quan hệ với cán bộ y tế, trong đó có các biểu hiện thường thấy là lạm dụng các loại xét nghiệm, kê đơn thuốc nhiều hơn so với nhu cầu người bệnh. Thứ ba, việc quản lý bảo hiểm y tế dễ xảy ra các nguy cơ về bội chi.
Khó nhưng quyết tâm
Giám đốc Bệnh viện Việt Đức Nguyễn Tiến Quyết khiến nhiều đại biểu bất ngờ khi cho rằng, “một số tiêu cực trong ngành y mang tính bất khả kháng”. Lý do ông Quyết đưa ra là, “một bác sĩ được đào tạo ở nước ngoài nhưng mỗi lần khám bệnh chỉ được nhận 3.000 đồng, bằng 0,15 đôla”. Chế độ đãi ngộ cho y bác sỹ quá thấp trong bối cảnh giá cả tăng nhanh, vật tư, thiết bị y tế đắt đỏ.
Khó khăn như vậy nhưng ông Quyết cho rằng “sẽ quyết tâm chống tham nhũng”. Tại Bệnh viện Việt- Đức luôn có đường dây nóng hoặc thông qua hội đồng bệnh nhân để người dân phản ánh bức xúc về thái độ của y, bác sĩ.
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu cho rằng, đây là thách thức lớn, một khó khăn rất khách quan khi mà cung ít hơn cầu, dẫn đến tiêu cực trong bệnh viện. Ông Triệu cam kết với các nhà tài trợ sẽ đẩy mạnh việc cải cách hành chính; tăng tính công khai minh bạch trong hoạch định chính sách, hoàn thiện cơ chế quản lý, quan tâm đến đời sống của cán bộ ngành y.
“Y tế khác lĩnh vực khác, vừa bị chi phối bởi pháp luật vừa chi phối bởi đạo đức, mà đạo đức là cả quá trình giáo dục, từ gia đình, nhà trường đến xã hội, hình thành nó rất lâu”- Ông Triệu phân trần với báo chí.
Ông James Anderson chuyên gia cao cấp về quản trị nhà nước của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng chỉ mới có hơn một nửa người dân hài lòng với dịch vụ y tế. Khảo sát của WB cho thấy, hiện tượng bác sĩ nhận tiền hoặc quà khi khám bệnh thì 45% người được hỏi cho rằng là tham nhũng, 18% cho rằng khó nói và có tới 37% cho rằng không phải là tham nhũng mà là chuyện tình nghĩa với nhau. |
Hà Nhân (Tiền Phong)