Thứ Hai, 25/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 17/8/2013 10:11'(GMT+7)

Tiếp nối con đường Tháng Tám


                                                                                     
Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã lật nhào ách thống trị của bọn thực dân, phong kiến, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. 68 năm qua, tiếp nối lý tưởng của Cách mạng Tháng Tám, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo nhân dân ta tiến hành thắng lợi các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giành và giữ độc lập, tự do, thống nhất đất nước, triển khai công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thực tiễn phong phú và sinh động trong 68 năm qua càng chứng minh sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, một khi Đảng cầm quyền thấu hiểu nguyện vọng chính đáng của nhân dân, từ đó đề ra những quyết sách hợp lòng dân – cơ sở ban đầu rất quan trọng để tạo sự đồng thuận xã hội rộng lớn, khơi nguồn sức mạnh lấp biển, dời non của toàn dân tộc. Điều đó lý giải vì sao trong quá trình đi tới cuộc Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta lúc đó chỉ mới có 5.000 đảng viên mà đã lãnh đạo nhân dân cả nước tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa long trời lở đất, chỉ trong vòng mươi ngày, toàn bộ chính quyền từ Trung ương tới địa phương đã về tay nhân dân!

Một trong những bài học quan trọng từ thành công của Cách mạng Tháng Tám là Đảng ta đã đặt lên hàng đầu công tác tư tưởng, bền bỉ tiến hành giáo dục, thuyết phục quần chúng nhận rõ nguyên nhân bị áp bức, bóc lột chính là sự thống trị hà khắc của bọn thực dân, phong kiến. Từ nhận thức đó, các tầng lớp nhân dân ta đã đồng lòng, chung sức theo Đảng vùng lên giành độc lập, tự do. Khí thế của cao trào XôViết - Nghệ Tĩnh năm 1930 – 1931; tiếp đến là cao trào đòi dân chủ, dân sinh 1936 – 1939; cao trào tiến tới tổng khởi nghĩa 1941 – 1945, càng giúp đội quân làm công tác tư tưởng nhận thức sâu sắc hơn vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thức tỉnh quần chúng tự giác “đem sức ta tự giải phóng ta”. Chúng ta càng thấm thía, chỉ sáu tháng sau ngày lập Đảng, Trung ương đã quyết định lập Ban Tuyên truyền vào ngày 1-8-1930; 14 năm sau, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng chuẩn bị thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đã đặt tên tổ chức lúc đầu là “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”. Người chỉ rõ rằng, hai nhiệm vụ tuyên truyền và quân sự phải đi song song nhau; trong giai đoạn đầu, cần ưu tiên coi trọng nhiệm vụ tuyên truyền chính trị.

Thực tiễn hơn 80 năm qua chứng minh sức mạnh của mỗi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước đều bắt nguồn trước tiên từ chất lượng, hiệu quả của công tác tư tưởng. Năm bài học mà Đảng ta đúc kết từ thực tiễn 25 năm đổi mới đất nước vừa qua, về thực chất cũng là những bài học liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới công tác tư tưởng và công tác tổ chức. Đó là: kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân là chủ thể thực thi và sáng tạo các nhiệm vụ cách mạng; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tận dụng triệt để sức mạnh trong nước kết hợp với sức mạnh quốc tế… Đây cũng chính là những đóng góp quý giá của công tác tư tưởng, công tác lý luận. Trước đòi hỏi mới của cách mạng trong giai đoạn hội nhập và phát triển đất nước, các binh chủng công tác tư tưởng càng phải hiệp đồng chặt chẽ nhằm phát huy những bài học đó lên tầm cao mới.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng, bám sát thực tiễn đời sống mọi mặt của đất nước; góp phần tích cực giải đáp có sức thuyết phục những vấn đề bức xúc của xã hội; tạo sự đồng thuận cao trong Đảng và nhân dân về đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại; ngăn chặn và làm thất bại mọi mưu toan “diễn biến hoà bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” nội bộ ta – đó là nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang của Ngành Tuyên giáo.

Hơn lúc nào hết, mỗi chúng ta nhận thức sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ tại Đại hội II của Đảng: “Phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”./.
 
Hồng Vinh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất