Thứ Sáu, 22/11/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Hai, 23/7/2018 15:1'(GMT+7)

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tri ân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng

71 năm đã trôi qua kể từ khi ngày 27-7-1947 trở thành một ngày truyền thống tốt đẹp, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” đối với gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng của cả dân tộc Việt Nam. Các chính sách đối với TB-LS và NCC với cách mạng ngày càng đi vào cuộc sống, tạo nên sự đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân, trở thành động lực của phong trào cách mạng rộng lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ảnh minh họa: baochinhphu.vn.

Sinh thời, Bác Hồ đã dạy: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải yêu thương và giúp đỡ họ”(1). Thực hiện lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước, nhân dân và lực lượng vũ trang luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn và làm được nhiều việc tốt để tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái, quý trọng đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và những NCC với nước. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: “Thực hiện tốt chính sách chăm sóc người có công; giải quyết tốt lao động, việc làm và thu nhập của người lao động; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; coi trọng chăm sóc sức khỏe nhân dân”(2). Đồng thời: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Mở rộng đối tượng và nâng cao hiệu quả của hệ thống an sinh xã hội đến mọi người dân; tạo điều kiện để trợ giúp có hiệu quả cho tầng lớp yếu thế, dễ tổn thương hoặc những người gặp rủi ro trong cuộc sống. Phát triển và thực hiện tốt các chính sách bảo hiểm xã hội… ”(3). Có thể nói, trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, chúng ta đang phải dành nguồn lực để đầu tư xây dựng và phát triển đất nước, song, Đảng và Nhà nước ta vẫn làm tất cả những gì có thể để chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCC.

Cùng với đó, những năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực, chủ động triển khai và huy động nhiều lực lượng tham gia công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (HCLS). Tuy vậy, hiện cả nước còn hơn 20 vạn HCLS vẫn chưa được quy tập; hơn 30 vạn HCLS đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ nhưng đang thiếu thông tin về liệt sĩ.

Trên cơ sở các quy định về pháp lý, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) Việt Nam hoạt động với tôn chỉ mục tiêu: Hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tiếp cận và thực hiện các chế độ, chính sách của Đảng và Chính phủ; giúp các gia đình liệt sĩ thu thập thông tin tìm kiếm hài cốt người thân còn thất lạc hoặc chưa có danh tính; tham gia khảo sát, nghiên cứu và đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước và Chính phủ về các giải pháp thực hiện chế độ, chính sách nhằm tôn vinh, tri ân các anh hùng liệt sĩ và gia đình liệt sĩ.

 Sau 8 năm hoạt động, Hội HTGĐLS Việt Nam đã đẩy mạnh việc hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tiếp cận và thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước; hỗ trợ các gia đình liệt sĩ còn khó khăn trong cuộc sống. Đây chính là việc tri ân các liệt sĩ và gia đình liệt sĩ một cách thiết thực. Hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai Dự án “Thu thập mẫu phẩm của thân nhân liệt sĩ" thuộc đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì; đồng thời, đang hoàn chỉnh Đề án “Xác định danh tính hài cốt liệt sĩ và người tử nạn trong chiến tranh”. Đây là đề án tiến tới hợp tác với các tổ chức trong và nước ngoài về xác định danh tính HCLS.

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, bám sát nội dung Nghị quyết Đại hội XII, Hội HTGĐLS Việt Nam đã hướng mọi hoạt động vào việc tri ân liệt sĩ, ưu tiên hàng đầu việc tiếp nhận và từng bước hỗ trợ, giải quyết thông tin từ các gia đình liệt sĩ. Trung bình mỗi ngày có 30-40 thông tin (trực tiếp, thư bưu điện, điện thoại, thư điện tử…). Gần đây, hàng trăm nghìn hồ sơ liệt sĩ đã được các đơn vị quân đội, các cựu chiến binh, các địa phương… và hội viên của Hội HTGĐLS Việt Nam chuyển giao. Ngoài ra, hội còn ký với Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Pháp y Quân đội để thực hiện giám định gen HCLS (theo cơ chế cùng nhau thực hiện nghĩa cử “Đền ơn đáp nghĩa”; cùng tiến hành công việc để định danh HCLS, Hội HTGĐLS Việt Nam thanh toán kinh phí giám định ADN cho hai viện, còn đối với giám định liệt sĩ miễn phí hoàn toàn). Đến nay, Hội HTGĐLS Việt Nam đã tiếp nhận và gửi đi hơn 400 mẫu HCLS. Bằng các giải pháp khoa học tiên tiến, Viện Công nghệ sinh học và Viện Pháp y Quân đội đã phân tích xong hơn 400 kết quả đúng, được trao cho gia đình liệt sĩ.

Cùng đó, Hội HTGĐLS Việt Nam đã đồng hành với các tổ chức, các đơn vị thành viên tiến hành công tác tìm kiếm, cất bốc và di chuyển hàng trăm HCLS về quê; hỗ trợ một phần chi phí cho các gia đình liệt sĩ về việc này; tặng hàng trăm nhà tình nghĩa, hơn 500 sổ tiết kiệm (mỗi sổ trị giá 5-10 triệu đồng); trao hàng chục suất học bổng tặng con, cháu liệt sĩ nghèo vượt khó học giỏi; thăm, tặng hàng trăm suất quà tới Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn... với tổng kinh phí hỗ trợ, tri ân liệt sĩ đạt hàng chục tỷ đồng.

Từ thực tiễn hoạt động và những kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về chăm sóc NCC, thời gian tới, Hội HTGĐLS Việt Nam tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động tri ân liệt sĩ. Hội HTGĐLS Việt Nam xác định: Đây là vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm và xã hội nên đã đề ra mục tiêu hoạt động và tổ chức thực hiện phù hợp, tạo động lực bảo đảm cho sự thành công của hoạt động tri ân liệt sĩ và NCC với cách mạng. Đường lối đổi mới và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay đang tạo môi trường thuận lợi để các gia đình liệt sĩ tiếp tục phát huy tiềm năng, trí tuệ trong phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là làm kinh tế gia đình, tạo việc làm cho gia đình và xã hội, tiếp tục đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Cùng với đó, Hội HTGĐLS Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, tri ân liệt sĩ và NCC với cách mạng; hỗ trợ các gia đình liệt sĩ đúng hướng, đạt hiệu quả thiết thực; tăng cường vận động để mọi tầng lớp nhân dân chủ động, tích cực tham gia. Hội HTGĐLS Việt Nam tiếp tục coi trọng tổng kết thực tiễn, đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng hoạt động của hội, phong trào thi đua, xây dựng điển hình, mô hình tiêu biểu trong phong trào tri ân gia đình liệt sĩ và NCC với nước. Tổng kết và rút ra những kinh nghiệm quý từ phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; khuyến kích, động viên thân nhân liệt sĩ và NCC với cách mạng phấn đấu vươn lên thành nhân tố điển hình, tiên tiến mới.

Tri ân gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng là trách nhiệm, tình cảm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội nhằm thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” đối với gia đình liệt sĩ và NCC với Tổ quốc. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta khẳng định: Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách... Thực hiện tốt chính sách đối với TB-LS, gia đình liệt sĩ và NCC với nước. Đó là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta, phù hợp với đạo lý truyền thống dân tộc và nguyện vọng của toàn thể nhân dân trong tình hình hiện nay.

Trung tướng LÊ VĂN HÂNChủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội 2000, tập 5, tr.175; tập 12, tr.503. 

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, H.2016, tr.31.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG-ST, H. 2016, tr.137.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất