Thứ Năm, 19/9/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Sáu, 20/7/2018 10:54'(GMT+7)

Hà Nam: Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong giai đoạn mới

Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo

Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo

Nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết của Đảng, những năm qua đảng bộ tỉnh Hà Nam luôn coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, thể hiện trên một số nội dung sau: 

Thứ nhất, công tác tuyên truyền miệng luôn được các cấp ủy xác định là một trong những kênh thông tin quan trọng. 

Việc quán triệt, học tập nghị quyết những năm gần đây trên địa bàn tỉnh được chú trọng đổi mới theo hướng tăng cường tổ chức học tập bằng hình thức truyền hình trực tiếp và trực tuyến từ tỉnh đến cơ sở, mời báo cáo viên Trung ương, chuyên gia trực tiếp truyền đạt; trong học tập, tập trung làm rõ những nội dung mới, cơ bản của nghị quyết, dành nhiều thời gian để thảo luận xây dựng chương trình hành động thực hiện nghị quyết sát với yêu cầu phát triển của từng địa phương, đơn vị; phân công các đồng chí cấp ủy viên, cán bộ tuyên giáo phụ trách dự và giám sát việc học tập ở các điểm cầu... 

Quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên các cấp. Hàng năm, cấp tỉnh đã tổ chức 12 kỳ Hội nghị để thông báo tình hình trong nước, quốc tế, các Chỉ thị, Nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước cho 420 lượt báo cáo viên. 10 huyện, thành phố, đảng bộ trực thuộc tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tổ chức trên 100 kỳ Hội nghị cho gần 26.000 lượt báo cáo viên. 

Tại các hội nghị, báo cáo viên có phiếu phản ánh tình hình tư tưởng, những băn khoăn, thắc mắc, kiến nghị của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Các chi, đảng bộ xã, phường, thị trấn, cơ quan sắp xếp thời gian thích hợp tổ chức hội nghị chuyên đề hoặc lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các hội nghị họp cơ quan, thôn, xóm, sinh hoạt chi đoàn, chi hội, câu lạc bộ... 

Chất lượng của công tác tuyên truyền miệng được nâng lên, nội dung thông tin luôn được cập nhật, đổi mới, phong phú, kịp thời đáp ứng nhu cầu thực tế địa phương, cơ sở. Trong từng nội dung tuyên truyền có sự kết hợp chặt chẽ những nội dung tuyên truyền tình hình chung của cả nước gắn với tình hình địa phương, đảm bảo nội dung thông tin vừa có nội dung chuyên sâu vừa có tính toàn diện, đáp ứng nhu cầu thông tin kịp thời từ huyện đến cơ sở. Các nội dung mang tính chuyên đề được lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phối hợp với lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể trực tiếp tuyên truyền. 

Từ năm 2018, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã đổi mới nội dung hội nghị báo cáo viên theo hướng tăng cường thông tin những mô hình, kinh nghiệm từ cơ sở. Tại Hội nghị báo cáo viên hằng tháng, mời một đồng chí báo cáo viên ở cấp huyện báo cáo một nội dung chuyên đề liên quan đến việc thực hiện Chỉ thị, nghị quyết ở địa phương. Hình thức này không chỉ góp phần làm phong phú thông tin mà còn tạo diễn đàn để báo cáo viên rèn luyện, nâng cao kỹ năng tuyên truyền miệng.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền được phổ biến rộng rãi. Hầu hết, các báo cáo viên thiết kế nội dung tuyên truyền bằng phần mềm Powertpoint. Ngoài việc đưa đầy đủ nội dung chuyên đề truyền đạt lên các trang trình chiếu, báo cáo viên còn sưu tầm thêm các hình ảnh, các clip minh hoạ cho bài giảng phong phú hấp dẫn. 

Ban tuyên giáo các cấp, nhất là ban tuyên giáo đảng ủy xã, phường, thị trấn đã phối hợp chặt chẽ với các ngành trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc từ cơ sở nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng, vấn đề tôn giáo, khiếu kiện... góp phần ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự ở địa phương. 

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết của Đảng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông đã thường xuyên phối hợp tham mưu giúp Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh làm tốt công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý nhà nước về báo chí. Thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo báo chí, hằng quý, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức giao ban báo chí. Hằng tháng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức giao ban các cơ quan báo chí trên địa bàn, tổng hợp báo cáo Thường trực Tỉnh ủy. 

Ngoài ra để giúp Thường trực Tỉnh ủy nắm bắt kịp thời thông tin báo chí và định hướng tuyên truyền cho các cơ quan báo chí địa phương, hằng tuần, Ban Tuyên giáo có báo cáo tổng hợp các tin, bài viết về Hà Nam trên các báo Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành Quy hoạch phát triển báo in tỉnh Hà Nam đến năm 2020, ban hành Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh. 

Thông qua các chuyên trang, chuyên mục: hỏi - đáp về Nghị quyết, tìm hiểu văn bản, chính sách mới, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, từ đó tạo sự đồng thuận, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước. Đặc biệt, từ năm 2011 thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ về đổi mới hình thức học tập Nghị quyết, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc tổ chức thành công các đợt truyền hình trực tiếp học tập, quán triệt Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương Đảng đến tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Đây là hình thức học tập được cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận và đánh giá cao, vừa đảm bảo chất lượng truyền đạt nghị quyết vừa tiết kiệm được thời gian, kinh phí cho cơ sở. 

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, báo chí Hà Nam đã chủ động bám sát tình hình, nhiệm vụ của đất nước, của tỉnh, thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền; tăng cường các chuyên trang, chuyên mục, nâng cao chất lượng hình ảnh, nội dung các tin, bài, tác phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. 

Bên cạnh phản ánh mặt tích cực, báo chí địa phương cũng chú trọng phát hiện, phản ánh những vấn đề khó khăn, vướng mắc, bất cập trên tất cả các lĩnh vực như: cải cách thủ tục hành chính, giải quyết việc làm, giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân... giúp cho các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, giải toả những bức xúc và định hướng dư luận trong nhân dân. Chuyên mục “Vấn đề hôm nay”, “Dân hỏi, cán bộ trả lời”, “Xây dựng đảng” (Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh) không chỉ chuyển tải văn bản, chính sách mới của trung ương, của tỉnh mà còn phản ánh những vấn đề nóng được dư luận quan tâm, giúp cho người xem truyền hình có cái nhìn đa chiều, khách quan về cách giải quyết của các cấp uỷ, chính quyền đối với từng vụ việc. Nhiều vấn đề sau khi phát sóng đã được các cấp, các ngành chức năng và chính quyền địa phương vào cuộc, giải quyết những mâu thuẫn phát sinh, tạo sự ổn định trong nhân dân.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong giai đoạn mới, thời gian tới cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, có sức thuyết phục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng. Phản bác kịp thời những luận điệu xuyên tạc, phủ định của các thế lực thù địch. Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ thông tin làm cho thông tin đa dạng, nhiều chiều đến người dân. Vì vậy, công tác tuyên truyền phải đảm bảo tính chính xác, kịp thời và thường xuyên để định hướng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, tăng sức đề kháng miễn dịch, kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Hai là, tích cực tuyên truyền đường lối, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; những vấn đề thời sự trong nước và quốc tế. Động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tự giác, tích cực, sáng tạo thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nhân dân có niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. 

Ba là, thường xuyên tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá – xã hội của đất nước, của tỉnh để mỗi cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức rõ cả thuận lợi và khó khăn trong quá trình hội nhập hợp tác quốc tế; nắm vững các mục tiêu, giải pháp phát triển kinh tế của đất nước để tích cực hưởng ứng, chủ động tham gia thực hiện có hiệu quả. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; phê phán những thói hư tật xấu, những hủ tục lạc hậu trong xã hội đồng thời chú trọng nêu gương “người tốt việc tốt”, thực hiện phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, xây dựng một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Bốn là, tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới dưới nhiều hình thức để nhân dân nâng cao cảnh giác cách  mạng, nhận diện rõ chiến lược “diễn biến hoà bình”, “tự diễn biến” của các thế lực thù địch và cơ hội chính trị mưu toan lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để chống phá; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Năm là, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tuyên truyền; sử dụng nhiều hình thức cổ động phong phú, sinh động để nhân dân hiểu rõ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì các phương tiện thông tin đại chúng càng giữ vai trò quan trọng trong việc thông tin, tuyên truyền nhanh nhạy nhất, sâu rộng nhất đến mọi đối tượng; trong đó báo chí cần thể hiện rõ vai trò xung kích, là vũ khí sắc bén để đấu tranh chống lại những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. 

Sáu là, xây dựng, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm công tác tuyên truyền đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Cán bộ làm công tác tuyên truyền trong giai đoạn hiện nay không chỉ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận sâu sắc, bản lĩnh chính trị vững vàng, kinh nghiệm sống phong phú để có đủ năng lực trao đổi, đối thoại, giải đáp có sức thuyết phục những băn khoăn, thắc mắc, bức xúc của người dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; mà còn phải tinh thông về công nghệ thông tin để có thể sử dụng và tác chiến trên không gian mạng. Vì vậy, cần tổ chức thường xuyên công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.


Trần Đức Thuần - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Nam

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất