Thứ Bảy, 5/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 28/4/2011 15:39'(GMT+7)

Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, từng bước giải quyết và đưa nền kinh tế phát triển

Sau hơn 2 tháng triển khai đến nay, Nghị quyết 11 của Chính phủ chứng tỏ là giải pháp đúng đắn do đang phát huy tác dụng tích cực đến đến thị trường tiền tệ, nhất là thị trường ngoại hối USD, vàng. Vấn đề hiện nay là các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện với sự đồng thuận và chia sẻ để quyết sách này đi vào cuộc sống.

Thị trường ngoại tệ và vàng đã cắt được “cơn sốt” so với trước đó, nhất là “cơn sốt” USD. Đến nay, giá USD đã ổn định và đi xuống. Giảm sốc về USD trên thị trường nên giá USD trên thị trường chính thức và thị trường tự do sát gần nhau. Tỷ giá ổn định tương đối sẽ hạn chế bớt tác nhân gây lạm phát. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu vẫn còn tồn tại, hạn chế như công tác tuyên truyền, phổ biến và giải thích rõ về các giải pháp, chính sách mới, nhất là các giải pháp tăng cường quản lý ngoại tệ và vàng có lúc, có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, nặng về thông tin những khó khăn nhất thời cục bộ, nên trong thời gian đầu cũng gây tác động tâm lý không tốt đối với một bộ phận dân cư trong xã hội.

Việc triển khai nghị quyết 11 được xem như một bài thuốc “đắng”, nhưng đắng phải uống, để sức khoẻ cơ thể được khôi phục rồi mới đưa thuốc bổ vào bồi bổ sau. Vào thời điểm này việc thực hiện đúng và đủ Nghị quyết 11 của Chính phủ cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và cần có sự kiểm trả, giám sát thực hiện Nghị quyết 11 một cách cụ thể, bởi nếu không sẽ dẫn đến tình trạng ‘đánh trống bỏ dùi”, các bộ, ngành, địa phương trông chờ, nhìn nhau; bộ này nhìn bộ kia có làm không mới có hoạt động, địa phương nhìn trung ương và đợi trung ương chỉ đạo…

Sở dĩ cần nhắc lại vần đề này vì, việc triển khai và thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về mặt lý thuyết đúng hướng, về mặt thực tiễn rất sát, rất toàn diện. Chính sách tài khoá có rồi, chính sách tiền tệ có rồi, biện pháp mạnh có rồi, tất cả những biện pháp hiện nay chúng ta đang triển khai có thể nói đều không có gì mới hơn trước kia vì những điều chỉnh này cũng đã từng được Chính phủ đưa ra, nhưng lần này cần phải làm mạnh và giám sát cụ thể vì đến thời điểm hiện nay không thể không làm, nếu không nền kinh tế sẽ dẫn đến mong manh, dễ vỡ, hơn nữa sẽ còn làm mất lòng tin của người dân cũng như doanh nghiệp đối với sự điều hành của Chính phủ.

Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ được nhiều nhà kinh tế trong và ngoài nước cho là một quyết sách đúng, khá toàn diện, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của tình hình lạm phát cao và mất cân đối vĩ mô đã tích tụ nhiều năm bên trong nền kinh tế, đồng thời cũng ghi nhận những biện pháp khá đồng bộ, vừa nhấn mạnh yêu cầu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, lại vừa có biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, che chắn cho người nghèo trước những điều chỉnh lớn điều hành nền kinh tế trong điều kiện giá cả tăng.

Để ổn định nền kinh tế vĩ mô, trong thời gian tới cần tập trung làm tốt những công tác sau đây: 1. Cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách, tiếp tục thắt chặt tiền tệ; Sớm ban hành các văn bản ổn định thị trường vàng, ngoại tệ; 2. Kiểm tra, giám sát, biểu dương kịp thời những nhân tố, mô hình làm tốt chủ trương, tinh thần Nghị quyết 11; 3. Tăng cường tuyên truyền, định hướng thông tin, phổ biến quan điểm, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách tiền tệ, tài chính…

Một trong những mũi nhọn của Nghị quyết 11 là chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách, phấn đấu năm nay giảm bội chi ngân sách dưới 5% GDP. Việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo Nghị quyết 11 sẽ góp phần tiết kiệm chi ngân sách khoảng từ 15.000-20.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc cắt giảm đầu tư công hoặc chuyển những dự án nhà nước không tập trung đầu tư sang liên doanh, liên kết có thể đạt số tiền 40.000-50.000 tỷ đồng. Như vậy việc mạnh tay cắt giảm đầu tư công có thể cắt giảm hoặc tiết kiệm trên hàng trăm ngàn tỷ đồng sẽ góp phần giảm tổng cầu, giảm nhập siêu và góp phần kiềm chế lạm phát.

Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã cụ thể hóa các nhóm giải pháp, trong đó nêu khá cụ thể ba vấn đề quan trọng về giảm cung tiền, lãi suất và tỷ giá.

Thứ nhất, giảm lượng cung tiền và giảm tốc độ tăng tín dụng (đảm bảo tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán dưới 16% và kiềm chế tín dụng tăng dưới 20%, tương ứng với việc giảm tổng cầu của nền kinh tế) bằng việc sử dụng và điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tập trung ở 4 công cụ chính là lãi suất, nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn và dự trữ bắt buộc để điều tiết lượng tiền cung ứng và thanh khoản. Thứ hai, kiểm soát lãi suất ở mức hợp lý theo hướng chủ động, tích cực kiềm chế lạm phát, kiềm chế tăng trưởng tín dụng, nâng cao giá trị và mức hấp dẫn của VNĐ so với ngoại tệ, đồng thời kiểm soát được việc chuyển dịch tín dụng VNĐ sang ngoại tệ; chủ động phối hợp với Bộ Tài chính trong việc phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước và quốc tế, điều hành thị trường vốn nhằm đảm bảo sự thống nhất, nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa theo hướng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ ba, điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường. Triển khai ngay các biện pháp cần thiết để các tổ chức, cá nhân, trước hết là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng khi có nguồn thu và được mua khi có nhu cầu hợp lý. Có các biện pháp để kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thẻ thanh toán quốc tế và chi tiêu ngoại tệ ra nước ngoài của các tổ chức và cá nhân.

Đối với mục tiêu là chống lạm phát, Ngân hàng nhà nước Việt Nam phải làm kiên quyết mạnh mẽ, không được nghe dư luận, bị áp lực, không buông lỏng mục tiêu chống lạm phát. Cũng có thể Ngân hàng nhà nước sẽ bị áp lực vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhưng trong giai đoạn này chúng ta chấp nhận phải hy sinh để không thể tăng lượng cung tiền hơn nữa vì mục tiêu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Từ đầu năm đến giờ, chung ta không nói về tăng trưởng, tăng tốc, có thể GDP năm nay sẽ xuống thấp từ 5 – 5,5% nhưng nếu ổn định kiềm chế được lạm phát thì cuối năm sẽ phát triển lên. Nếu chỉ vì áp lực tăng trưởng, khuynh hướng thích chỉ số tăng trưởng cao, mà không có chất lượng như thời gian vừa qua sẽ làm mất lòng tin ở người dân và các doanh nghiệp.

Để các doanh nghiệp có thể tiếp cận về vốn nhằm đảm bảo kế hoạch sản xuất, chỉ còn cách các ngân hàng thương mại tính toán các dịch vụ thu lời, tính toán chặt chẽ giảm chi phí để có điều kiện giảm lãi suất xuống. Đầu ra giảm và phát triển dịch vụ và quản lý tốt hơn, bớt cho khách hàng. Lúc đấy các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có điều kiện tiếp cận về vốn. Do đó, chúng ta cũng không phải lo lắng về sự thắt chặt tín dụng.

Đã có chủ trương thì phải giám sát thực hiện, đối với những đầu việc nêu trên, các bộ, ngành như: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, Ngân hàng nhà nước, Tổng Cục thuế phải thường xuyên tổ chức các đoàn kiêm tra nhằm giám sát các đầu việc, các mục tiêu đã đề ra. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu phát hiện đuợc những địa phương, các đơn vị thực hiện tốt phải tổ chức khen thưởng, biểu dương, động viên tinh thần đồng thời cũng cần phải có các hình thức xử lý trong trường hợp tắc trách, vô trách nhiệm, hoạt động đối phó, cục bộ địa phương hoặc vì lợi ích của ngành mình phớt lờ sự điều hành của Chính phủ.

Bên cạnh đó, cần có sự định hướng thông tin về chỉ đạo điều hành nền kinh tế của Chính phủ, thời gian qua thông tin trên báo chí mới chỉ phản ánh tình trạng khó khăn của nền kinh tế mà chưa đưa ra các biện pháp tháo gỡ, khắc phục khó khăn; các cơ quan thông tin, truyền thông, báo chí cần bám sát các chủ trương, nội dung của Nghị quyết 11 để thông tin, tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, nhất là các nội dung thuộc lĩnh vực tài chính, tiền tệ, giá cả, các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ hộ nghèo trực tiếp chịu tác động của việc thực hiện điều chỉnh giá điện để nhân dân hiểu, đồng thuận.

Thực hiện nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện có nhiều khó khăn, nhưng sau 25 năm đổi mới, tiềm lực của đất nước ta đã được tăng cường, chính trị, xã hội ổn định; dưới sự lãnh đạo của Đảng, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, nỗ lực của tất cả các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, chúng ta tin tưởng rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội sẽ thực hiện được./.

Trọng Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất