Thứ Bảy, 5/10/2024
Kinh tế
Thứ Năm, 21/4/2011 8:41'(GMT+7)

Hướng mở nào cho làng nghề truyền thống miền Trung-Tây Nguyên?

Dệt thổ cẩm ở Tây Nguyên.

Dệt thổ cẩm ở Tây Nguyên.

Làng nghề - một mô hình kinh tế có từ lâu đời ở nước ta, có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Theo con số khảo sát của Hiệp hội làng nghề Việt Nam, ở các địa phương Miền Trung - Tây Nguyên (MT - TN) hiện nay còn lưu giữ và phát triển hơn 1.500 làng nghề có lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm như: Đúc đồng Phường Đúc, thêu Thuận Lộc, nón lá Phú Cam, hoa giấy Thanh Tiên… ở Thừa Thiên - Huế; làng đá mỹ nghệ Non Nước Đà Nẵng; làng đúc đồng Phước Kiều, làng mộc Kim Bồng, dệt lụa Mã Châu, đền lồng Hội An, rau Trà Quế… ở Quảng Nam; làng rượu Bàu Đá, tiện mỹ nghệ Nhạn Tháp (xã Nhơn Hậu), rèn Tây Phương Danh (thị trấn Đập Đá) Bình Định; gốm Chăm Ninh Thuận, dệt thổ cẩm Tây Nguyên…

Tuy nhiên, có rất nhiều làng nghề truyền thống đang hoạt động lay lắt, lụi tàn dần theo năm tháng do không tìm được phương thức sản xuất phù hợp với cơ chế thị trường, sản phẩm không cạnh tranh nổi với sản phẩm công nghiệp sản xuất hàng loạt giá rẻ, không đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Đây là một trong nhiều nguyên nhân chủ yếu làm cho không ít làng nghề nổi tiếng, nhưng giờ đây chỉ còn lại là di sản vàng son của quá khứ như: làng gốm Phước Tích, làng vàng Kế Môn, rèn Hiền Lương, dệt zèng A Lưới (Thừa Thiên - Huế), làng gốm Thanh Hà, làng trống Lâm Yên (Quảng Nam).

Rất nhiều hội nghị, hội thảo về làng nghề và văn hóa làng nghề được tổ chức ở các địa phương MT-TN, nhằm tìm lời giải cho bài toán khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống. Làm sao để vừa gìn giữ được tài sản văn hóa vô giá này, vừa phát huy được hiệu quả kinh tế của các làng nghề là vấn đề được nhiều địa phương quan tâm.

Nhiều địa phương đã có những cách làm hay như Quảng Nam, tổ chức thành công các Hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của tỉnh mỗi năm một lần. Thừa Thiên - Huế tổ chức Festival làng nghề truyền thống Huế, định kỳ cứ 2 năm một lần, đến nay đã qua 3 kỳ Festival làng nghề truyền thống, nhằm tôn vinh và quảng bá các nghề truyền thống Huế. Đặc biệt năm 2009, 2010, Hiệp hội làng nghề Việt Nam đã tổ chức thành công Festival làng nghề Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng.

Những hoạt động thiết thực trên nhằm tìm một hướng đi cho các làng nghề Việt nói chung và miền Trung nói riêng trong điều kiện hội nhập kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế, thị trường, quảng bá tiếp thị sản phẩm của các địa phương MT-TN vẫn còn nhiều vấn đề nan giải: quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa tạo được bước chuyển biến trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; thiếu vốn đầu tư; thiếu mặt bằng mở rộng sản xuất; công nghệ lạc hậu; nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, và nhất là đầu ra cho sản phẩm.

Lâu nay sản phẩm làng nghề chủ yếu tiêu thụ qua kênh bao tiêu của các doanh nghiệp tư nhân và cá nhân trung gian xuất nhập khẩu nên lợi nhuận cho người sản xuất quá thấp, chi phí trung gian nhiều khâu đã đội giá thành lên cao, làm giảm sức mạnh cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Trong khi đó, các làng nghề chưa kham nổi các chương trình quảng bá, tiếp thị, khảo sát thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài để định hướng sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Vì thế, nhiều làng nghề ở Miền Trung chỉ mới sản xuất ra những gì mình có, chứ chưa làm ra cái thị trường cần.

Để chấn hưng và phát triển làng nghề theo mục tiêu người lao động sống được với nghề, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ từ chính sách đến thực hiện. Trong đó, quy hoạch định hướng cho các làng nghề trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của từng địa phương là khâu quan trọng nhất. Từ đó xem xét nghề nào cần bảo tồn, nghề nào cần khôi phục phát triển mở rộng để có hướng đầu tư, hình thành các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tập trung cho từng vùng, từng địa bàn cụ thể để phát huy lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, làm tốt khâu quy hoạch sẽ có điều kiện để xử lý vấn đề môi trường, mở rộng mặt bằng khắc phục được tình trạng tự phát nhỏ lẻ thiếu sức cạnh tranh như hiện nay.

Ngoài ra, để chấn hưng làng nghề cần có chính sách hỗ trợ thích đáng về nguồn vốn, thuế, lãi suất tín dụng, công nghệ, ưu đãi về sử dụng tài nguyên nguyên liệu cũng như đào tạo nhân lực cho các làng nghề. Thực hiện liên kết chặt chẽ giữa làng nghề với doanh nghiệp và nhà nước để tìm kiếm khai thác thị trường tiêu thụ bền vững cho sản phẩm hàng hóa, hỗ trợ thông tin, đăng ký thương hiệu, xúc tiến thương mại và đào tạo nhân lực có tay nghề cao đáp ứng cho nhu cầu hội nhập của các làng nghề. Có như vậy các làng nghề truyền thống mới đứng vững được trong cơ chế cạnh tranh hiện nay.

Một hướng mở khả thi cho các làng nghề hiện nay là chương trình gắn kết sản xuất làng nghề với du lịch, thông qua du lịch, sản phẩm của các làng nghề có điều kiện đến với nhiều đối tượng tiêu dùng trong và ngoài nước, mở rộng thị trường xuất khẩu tại chỗ. Mô hình du lịch làng nghề và làng nghề du lịch đang được nhiều địa phương quan tâm đầu tư triển khai như Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Ninh Thuận, Đắk Lắk… bước đầu đã đem lại những tín hiệu khả quan. Tuy nhiên, những mô hình này chưa được nhân rộng, chưa thật sự tương xứng với tiềm năng du lịch to lớn của các làng nghề ở MT - TN. Thực tế, tour du lịch “Con đường di sản Miền Trung” đã tổ chức khảo sát 12 làng nghề tiêu biểu để đưa vào khai thác du lịch, nhưng từ năm 2002 đến nay vẫn chưa thành tour, tuyến hoàn chỉnh để đón khách./.\

(Theo: Ngô Minh Thuyên/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất