Thứ Ba, 24/9/2024
Hướng dẫn - chỉ đạo
Thứ Sáu, 14/11/2008 12:36'(GMT+7)

Tiếp tục phát huy kết quả Hội thi "Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"

Lễ tổng kết và trao giải Hội thi kể chuyển chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại Hà Nội

Lễ tổng kết và trao giải Hội thi kể chuyển chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại Hà Nội

KẾT QUẢ HỘI THI

1. Hội thi "Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, chu đáo và triển khai thực hiện nghiêm túc.

Các Đảng bộ đã quán triệt và thực hiện tốt chủ trương của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 20-KH/TTVH ngày 29/01/2007 của Ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) về tổ chức Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Căn cứ các văn bản của Trung ương, Ban chỉ đạo Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Trung ương đã ban hành các văn bản như: Kế hoạch và Hướng dẫn thực hiện Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để chỉ đạo tại địa phương mình, triển khai sâu rộng đến các đơn vị cơ sở; chỉ đạo cơ sở tổ chức tốt Hội thi; xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thi; ra quyết định thành lập Ban giám khảo, Tổ thư ký, chuẩn bị các nội dung thiết yếu khác phục vụ cho Hội thi của cấp mình. Nhiều cấp ủy rất quan tâm chỉ đạo từ khâu chuẩn bị đến tổ chức Hội thi. Tất cả các Hội thi đều do Thường trực cấp ủy chủ trì và chỉ đạo. Tại nhiều Hội thi cấp tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy dự và chỉ đạo trong suốt thời gian diễn ra Hội thi (Hà Nội, Lai Châu…).

Các cơ quan báo chí từ Trung ương đến các tỉnh đều dành thời lượng, chuyên trang tuyên truyền diễn biến của Hội thi và phần tham gia của các thí sinh tiêu biểu, tuyên truyền các gương người tốt, việc tốt, tạo được sự quan tâm theo dõi của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Tiêu biểu như các báo: Nhân dân, Quân đội nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và cơ quan báo chí các ngành, địa phương. Cấp ủy nhiều tỉnh, thành phố đã quan tâm chỉ đạo nên Hội thi đã thu hút nhiều đối tượng, nhiều tầng lớp nhân dân tham gia dự thi cũng như cổ vũ, tạo ra những sinh hoạt cộng đồng thiết thực và bổ ích tại địa phương như khu vực miền núi vùng cao như Sơn La tổ chức được 419 Hội thi trong đó có 401 Hội thi tại cơ sở, thu hút 5.176 thí sinh dự thi. Hà Giang tổ chức được 379 Hội thi trong đó có 364 Hội thi tại cơ sở, thu hút 2614 thí sinh dự thi. Tỉnh Khánh Hòa tổ chức được 420 Hội thi trong đó có 406 Hội thi tại cơ sở xã, phường và tương đương.

Tuy vậy, một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại cơ sở mà chỉ quan tâm chỉ đạo Hội thi tại các cụm, huyện, thị xã và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy nên thiếu sự hưởng ứng tham gia của cán bộ và quần chúng nhân dân tại cơ sở, hạn chế đến công tác tuyên truyền và sự lan tỏa trong nhân dân như: Phú Yên, Bình Dương, Kiên Giang, Bạc Liêu, Lào Cai ... Một số nơi có hiện tượng giao hoặc “khoán trắng” cho Ban Tuyên giáo đảm nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức Hội thi; chưa thực sự quan tâm tạo điều kiện cho Hội thi.

Ngoài một số địa phương chủ động được kinh phí cho việc tổ chức Hội thi, hầu hết các địa phương đều khó khăn trong việc dự trù, xin kinh phí tổ chức cũng như tuyên truyền trước, trong và sau Hội thi. Mặc dù kinh phí có điều chỉnh bổ sung cho Hội thi nhưng nguồn kinh phí đó hạn hẹp nên rất khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.

Việc tổ chức Hội thi tại nhiều nơi còn hình thức, công tác tổ chức chưa chu đáo. Phần lớn thí sinh tham gia chủ yếu là giáo viên hoặc đoàn viên thanh niên, thiếu sự tham gia của các thí sinh là cán bộ lãnh đạo và quản lý.

2. Hội thi "Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã được tổ chức tốt từ cấp cơ sở đến chung khảo toàn quốc.

Thời gian qua, các ngành, các cấp đã sôi nổi, nghiêm túc tổ chức Hội thi. Hầu hết các xã, phường, thị trấn trong cả nước đều tổ chức Hội thi hoặc cử thí sinh tham dự Hội thi theo hình thức cụm xã, liên xã; 100% cấp quận, huyện và tỉnh, ngành đều tổ chức Hội thi. Đặc biệt, một số địa phương đã tổ chức thi và lựa chọn thí sinh từ chi bộ (Hà Nội, Hà Tĩnh ...). Một số đơn vị, địa phương tổ chức nhiều Hội thi và có số lượt thí sinh dự thi đông, như: thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Ninh Thuận, Đồng Nai, Bến Tre, Đảng bộ Quân đội v.v... Một số tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đã tổ chức Hội thi dành cho các đối tượng riêng, như: Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong công nhân viên chức lao động; Hội thi “Chúng em kể chuyện Bác Hồ” trong thiếu niên, học sinh phổ thông; Hội thi “Bác Hồ - Người là niềm tin tất thắng” trong các nhà báo...

Việc tổ chức Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cho đồng bào Việt Nam ở ngoài nước được tiến hành một cách nghiêm túc. Các cấp uỷ đảng ngoài nước phối hợp với các cơ quan đại diện, tổ chức quần chúng, hội đoàn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài bám sát nội dung chỉ đạo, đã tổ chức triển khai Hội thi bảo đảm tính thiết thực, phù hợp với đối tượng, địa bàn ở ngoài nước. Các thí sinh dự thi đều là những người có tình yêu quê hương, đất nước, có tình cảm sâu sắc với Bác Hồ, có nhận thức đúng về sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Hội thi của các tỉnh, thành phố, đảng bộ trực thuộc Trung ương và của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã chọn cử 244 thí sinh tham dự Hội thi sơ khảo toàn quốc tổ chức ở 5 khu vực và kết quả đã chọn được 15 thí sinh xuất sắc nhất tham dự Hội thi chung khảo toàn quốc tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 17- 18/10/2008. Dự Hội thi có các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đến dự và phát biểu tại Lễ tổng kết Hội thi.

Trong Hội thi ở các cấp, nhiều thí sinh đã trình bày cảm động những câu chuyện chân thật về tấm gương đạo đức của Bác, nhiều câu chuyện có sức truyền cảm, hấp dẫn đối với người nghe. Ở Hội thi, các thí sinh đều cố gắng phân tích sâu sắc ý nghĩa, giá trị đạo đức cao cả từ những câu chuyện mà mình kể để người nghe đồng cảm, rung động và hiểu sâu tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác. Nhiều thí sinh có phương pháp kể chuyện lôi cuốn, gây xúc động lòng người. Các thí sinh đều trình bày phần vận dụng, liên hệ thực tiễn cơ quan, đơn vị, địa phương và bản thân khá sinh động, sát thực tế, qua đó rút ra những bài học thiết thực trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng theo tấm gương của Bác.

Trong tổ chức Hội thi, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương có những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện, đặc điểm đối tượng, địa bàn nên đã thu hút nhiều người, nhiều lứa tuổi hưởng ứng, đặc biệt có cả các chức sắc tôn giáo, người tu hành tham gia, có tác dụng lan toả trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Hội thi đã thu hút được hàng triệu cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hào hứng theo dõi, cổ vũ, động viên sôi nổi. Nhiều Hội thi ở cấp cơ sở đã kết hợp tốt giữa phần “hội” và phần “thi”, tổ chức giao lưu sinh động giữa người thi với các cổ động viên. Hầu hết Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh, thành phố đã tổ chức truyền hình trực tiếp Hội thi cấp tỉnh, thu hút được nhiều người theo dõi. Sau Hội thi, nhiều nơi đã tổ chức để các thí sinh về cơ quan, đơn vị cơ sở, bản, làng, trường học tuyên truyền kết quả Hội thi và kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (Hải Phòng, Lai Châu, Quảng Nam, Thanh Hóa, Khánh Hòa...).

Tuy nhiên, một số địa phương tổ chức Hội thi các cấp còn gặp nhiều khó khăn: Kiên Giang chỉ tổ chức được 10 hội thi với 186 thí sinh và 1.722 lượt cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đến cổ vũ; tỉnh Bình Dương là nơi có lực lượng công nhân khá lớn và tập trung của khu vực nhưng cũng chỉ tổ chức được 10 Hội thi với sự tham gia của 207 thí sinh và 1.500 cán bộ, đảng viên đến cổ vũ, tỉnh Phú Yên tổ chức được 13 Hội thi, Bình Định tổ chức được 38 Hội thi, Đắc Nông tổ chức được 44 Hội thi, Lào Cai tổ chức được 14 hội thi cấp huyện và đơn vị tương đương.

3. Hội thi "Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" các cấp đã có sức lan tỏa rộng lớn trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Qua các Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” từ cấp cơ sở đến Hội thi chung khảo toàn quốc đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhiệt tình hưởng ứng, cổ vũ và tham gia. Hội thi thực sự là một cuộc sinh hoạt chính trị- xã hội rộng lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhằm tuyên truyền sâu rộng trong toàn xã hội về tư tưởng, đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua Hội thi đã tạo ra được sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất của người cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên, học sinh... tạo ra phong trào thi đua rộng khắp trên khắp mọi miền của đất nước, góp phần đấu tranh phê phán sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tệ tham nhũng lãng phí và các tệ nạn xã hội, tạo niềm tin và quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng.

Cuộc thi đã thu hút sự quan tâm theo dõi của hàng chục triệu cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong cả nước, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng và có tác động tích cực tới tâm trạng, tư tưởng và sự đồng tình của xã hội. Tại 19.097 Hội thi các cấp đã thu hút sự cổ vũ động viên của trên 3 triệu lượt cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân, từ công nhân, nông dân, trí thức đến các chức sắc tôn giáo; từ các cụ già đến thanh, thiếu niên, nhi đồng, học sinh, sinh viên. Nhiều Hội thi cấp tỉnh có lực lượng tham dự đông đủ và cổ vũ, động viên trong suốt thời gian thi như: Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hải Phòng, tỉnh Lai Châu, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa… . Hầu hết Hội thi cấp tỉnh, thành phố và các Hội thi sơ khảo toàn quốc tại 5 khu vực đều tổ chức truyền hình trực tiếp để đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân theo dõi và cổ vũ, được dư luận đánh giá là Hội thi được triển khai đúng ý Đảng, hợp lòng dân. Qua Hội thi các cấp đã được tổ chức cho thấy: Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” phải được quần chúng nhân dân tham gia cổ vũ cùng cán bộ, đảng viên từ cơ sở thì cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" mới tạo được ấn tượng và sức lan tỏa sâu rộng và bảo đảm được mục đích, yêu cầu của Hội thi.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức Hội thi, một số nơi chưa chú trọng đến các hoạt động tuyên truyền cổ động nên chưa thu hút mạnh mẽ sự quan tâm, chú ý và cổ vũ của quần chúng nhân dân, chưa tạo được sức lan tỏa trong địa phương, đơn vị, chưa đạt được mục đích chính của Hội thi. Vẫn còn những đơn vị chỉ chú trọng đến việc tổ chức Hội thi tại các cụm nên chưa tạo thành một hoạt động chính trị xã hội sâu rộng có sự tham gia trực tiếp của nhân dân từ dưới cơ sở. Ở những tỉnh không tổ chức được Hội thi từ cơ sở đều có số lượng thí sinh tham gia ít, chất lượng hạn chế, số lượng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đến nghe, tham gia cổ vũ động viên đều không cao so với các tỉnh tổ chức được Hội thi từ cơ sở trở lên.

 ĐÁNH GIÁ CHUNG

Từ thực tiễn tổ chức và kết quả của Hội thi các cấp từ cơ sở đến chung khảo toàn quốc có thể rút ra một số đánh giá sau đây:

1. Hội thi đã thu hút được sự tham gia của nhiều đối tượng dự thi và sự quan tâm, theo dõi, cổ vũ, động viên của các tầng lớp nhân dân ở trong nước và đồng bào ta ở ngoài nước, có sức lan toả khá rộng lớn. Việc tổ chức Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở tất cả các cấp đã được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của các đồng chí trong Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tuyên giáo với các ban, ngành, đoàn thể.

2. Hội thi là một đợt tuyên truyền sinh động trong Đảng và trong xã hội về tư tưởng và tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội thi đã trở thành một sinh hoạt chính trị, văn hoá có ý nghĩa thiết thực, góp phần thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

3. kết quả Hội thi đã góp phần tạo những chuyển biến trong nhận thức và tình cảm của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, nội dung của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, qua đó nhắn nhủ mỗi người tự giác, tự nguyện học tập và làm theo.

4. Thông qua Hội thi, các cấp uỷ đảng nhận thức sâu sắc hơn về yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của công tác tư tưởng, đặc biệt là việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần xây dựng nền tảng văn hoá, tinh thần tốt đẹp trong xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm nêu trên, Hội thi ở các cấp cũng còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém, như: Công tác chỉ đạo, điều hành ở một số nơi còn lúng túng, chuẩn bị chưa chu đáo, ảnh hưởng đến chất lượng của Hội thi; một số nơi trong quá trình tổ chức Hội thi chưa chú trọng đến các hoạt động tuyên truyền, cổ động nên chưa thu hút được sự quan tâm, cổ vũ động viên của đông đảo quần chúng nhân dân; một số thí sinh dự thi còn hạn chế về năng lực, phương pháp trình bày, còn yếu khi vận dụng liên hệ thực tiễn địa phương, cơ quan, đơn vị và bản thân.

MỘT SỐ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU SAU HỘI THI

Phát huy kết quả của Hội thi, trong thời gian tới, các địa phương, đơn vị cần tập trung vào một số công việc chủ yếu sau:

1. Tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu, học tập, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách nghiêm túc, thiết thực, phù hợp với thực tiễn địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn việc học tập với việc chuyển mạnh sang làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhằm bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, khắc phục những biểu hiện của sự suy thoái, biến chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, của chủ nghĩa cá nhân cực đoan, tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

2. Các cơ quan, đơn vị sớm hoàn thành việc xây dựng chuẩn mực đạo đức, phù hợp với đặc điểm của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Nội dung cần ngắn, gọn, được công bố công khai, rộng rãi trong cơ quan, đơn vị để đảng viên, cán bộ, công chức thực hiện và để quần chúng nhân dân giám sát.

3. Các cấp uỷ đảng tiếp tục hướng dẫn cụ thể nội dung kiểm điểm, liên hệ trong việc tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của mỗi cán bộ, đảng viên trong sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cơ quan hằng tháng, đưa nội dung này trở thành nền nếp và có hiệu quả thiết thực, có kiểm tra, giám sát, coi đây là một giải pháp quan trọng tạo nên ý thức thường xuyên học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

4. Ban Tuyên giáo các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương xây dựng chương trình, kế hoạch tham mưu với cấp uỷ phát huy vai trò của tất cả thí sinh tham gia các Hội thi từ cấp cơ sở đến chung khảo toàn quốc trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

5. Các cơ quan thông tin đại chúng cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền về Cuộc vận động, về kết quả Hội thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với tuyên truyền, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, biểu dương người tốt, việc tốt, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 và kế hoạch 5 năm 2006 - 2010.

6. Từ kết quả và hạn chế của cuộc thi, cần tổ chức rút kinh nghiệm sâu sắc, tiếp tục tìm tòi, đổi mới để chuẩn bị và triển khai Hội nghị biểu dương những tấm gương tiêu biểu làm theo đạo đức Hồ Chí Minh từ cấp cơ sở đến toàn quốc, tạo cho được những kết quả thiết thực, sâu rộng, có sức ảnh hưởng và lan toả lớn trong xã hội.

      PV 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất