Thứ Bảy, 23/11/2024
Giáo dục
Thứ Sáu, 29/11/2019 10:16'(GMT+7)

Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao

Nhận thức của nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và xã hội về đào tạo nhân lực có tay nghề caođã được nâng lên. Việcphát triển trường nghề chất lượng cao, quy hoạch các ngành, nghề trọng điểm cấp độ quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế để đào tạo nhân lực có chất lượng và tay nghề cao chuyển biến khá tốt. Tỷ lệ lao động có chứng chỉ và văn bằng tăng dần, tính đến cuối năm 2018 số lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ là 22,26%, tăng 4,22% so với năm 2014, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Khoảng 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, có một số nghề tỷ lệ này đạt gần 100%; năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp (GDNN) từng bước chuẩn hóa; cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo trong các cơ sở GDNN được đầu tư, nâng cấp và từng bước hiện đại; nội dung, chương trình đào tạo được đổi mới, cập nhật theo yêu cầu của thị trường lao động. Nhiều cơ sở GDNN đã gắn kết hơn với doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp; cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động bắt đầu hình thành và vận hành có hiệu quả trong thực tiễn. 

Tuy nhiên, công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao còn hạn chế: nhận thức về đào tạo nhân lực có tay nghề cao ở một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương còn chưa thống nhất và đầy đủ; sự phối hợp giữa ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội trong việc giám sát thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW chưa thật chặt chẽ, thiếu đồng bộ; chưa chú trọng tuyên truyền các mô hình, cá nhân điển hình lập thân, lập nghiệp, tạo việc làm bền vững từ công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao; việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ở một số nơi còn hình thức, chưa sát với nhu cầu, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu của người học, công tác dự báo nhân lực mới dừng ở ngắn hạn, chưa có dữ liệu dự báo trung hạn và dài hạn, chưa đánh giá chính xác cung - cầu lao động, nhu cầu đào tạo nhân lực; các cơ sở đào tạo thiếu thông tin về nhu cầu thị trường lao động nên chưa chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo theo yêu cầu xã hội; một số chính sách cụ thể hóa Luật GDNN chậm ban hành hoặc ban hành nhưng chưa phù hợp với tình hình thực tế; việc thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDNN triển khai chậm, kém hiệu quả; nhiều bộ, ngành và địa phương lúng túng khi thực hiện sáp nhập, giải thể các cơ sở GDNN; chưa có giải pháp xử lý những phát sinh sau khi sắp xếp các cơ sở GDNN.

Công tác quản lý và kiểm soát chất lượng đào tạo nhân lực tay nghề cao vẫn còn hạn chế; chưa mở rộng việc tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề. Cơ chế đặt hàng giao nhiệm vụ còn chưa thực hiện đồng bộ giữa các ngành, nghề. Chủ trương tự chủ tại các cơ sở GDNN công lập thực hiện chưa mạnh mẽ, chậm đi vào cuộc sống, thiếu động lực gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động; nhiều doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động chưa chủ động, tích cực tham gia vào quá trình đào tạo và tuyển dụng lao động. Chất lượng một bộ phận đội ngũ nhà giáo và quản lý GDNN còn hạn chế về trình độ, kỹ năng nghề và năng lực ngoại ngữ, tin học; nhiều nhà giáo chưa đủ khả năng giảng dạy tích hợp, giảng dạy được các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế. Chưa có cơ chế, chính sách thu hút, tôn vinh, khen thưởng động viên các nghệ nhân tích cực tham gia đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực có tay nghề cao; thiếu động lực thúc đẩyđội ngũ nhà giáo và người học tham gia nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo.

Việc huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoàiđầu tư cho GDNN, khuyến khích phát triển GDNN chưa tương xứng với tiềm năng, không đồng đều giữa các tỉnh, thành phố. Một số địa phương đầu tư cho GDNN còn dàn trải, thiếu tập trung gây lãng phí nguồn lực xã hội. Hợp tác quốc tế đào tạo nhân lực có tay nghề cao chưa đẩy mạnh, số lượng cơ sở GDNN có vốn đầu tư nước ngoài còn ít, quy mô còn nhỏ.

Để phát huy kết quả đạt được, khắc phục cơ bản những hạn chế về công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế, tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước triển khai Chỉ thị số 37-CT/TW ngày càng đi vào chiều sâu, thực hiện hiệu quả, thực chất,cần tập trung làm tốt một số giải pháp nhưsau.  

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng,sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hộigắn với trách nhiệm người đứng đầu trong quá trình tổ chức thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW; thường xuyênkiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị.

Thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN phù hợp Kết luận số 51-KL/TW ngày 30-5-2019 của Ban Bí thư khóa XII về Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI vềĐổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”,gắn với việc triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25-10-2017 XII về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.Sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả quốc gia, có lộ trình thực hiện cụ thể nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở GDNN. 

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất trong nhận thức, đồng thuận của toàn xã hội về học nghề để lập thân, lập nghiệp góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN và đào tạo nhân lực có tay nghề cao.

2. Tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạocủa các cơ sở GDNN nhằm phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo và phẩm chất của người học.Đẩy mạnh triển khai Khung trình độ quốc gia trong GDNN, nhất là trình độ của nhân lực được đào tạo có tay nghề cao.

Thực hiện tốt công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”phù hợp với tình hình và đặc thù cụ thể của bộ, ngành, địa phương.  

3. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; đổi mới công tác quản trị; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm định chất lượng; chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng GDNN.

 

Theo Báo cáo Ngân hàng Thế giới tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2019 cho thấy trình độ học vấn của lực lượng lao động qua đào tạo ở Việt Nam thấp, chủ yếu là trung học cơ sở (chiếm 67%); năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan… Trình độ đào tạo sơ cấp, dưới 3 tháng còn chiếm tỷ lệ cao (75%). Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở nước ta còn thấp hơn khoảng 10% so với các nước phát triển OECD. Nhiều cơ sở GDNN chưa đủ điều kiện đào tạo nhân lực tay nghề cao, việc đào tạo nhân lực có tay nghề cao chưa đáp ứng nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực của thị trường lao động. Đào tạo nhân lực có tay nghề cao ở các làng nghề chưa được quan tâm đúng mức. Chưa gắn kết các mô hình đào tạo chất lượng cao, tay nghề cao với giải quyết việc làm bền vững phù hợp với điều kiện của địa phương. 

Cụ thể và thống nhất chức năng, nhiệm vụ quản lý chuyên môn đối với các trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên cấp huyện, đồng thời củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên cấp huyện sau khi sáp nhập. 

4. Gắn kết công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao với thị trường lao động tạo việc làm bền vững.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh mô hình phối hợp “Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp và cơ sở sử dụng lao động”; tăng cường gắn kết giữa các cơ sở GDNN với các cơ sở sử dụng lao động. Khuyến khích và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và các doanh nghiệp đầu tư công nghệ cao. 

Nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác với các tổ chức quốc tế trong hoạt động GDNN và với các cơ sở đào tạo có uy tín nước ngoài. 

Cho phép các tổ chức xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp thành lập các đơn vị kiểm định chất lượng, tổ chức kiểm định chất lượng các cơ sở GDNN và người lao động qua đào tạo theo quy định của pháp luật.

5. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở GDNN. 

Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, tạo cơ chế thuận lợi, minh bạch và xác định rõ quyền lợi của tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động GDNN để thu hút các nguồn lực trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển GDNN. 

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các cơ sở GDNN, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo và sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích các cơ sở GDNN thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ, dịch vụ làm cầu nối hợp tác giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệpđể sớm chuyển giao công nghệ và kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, học sinh, sinh viên khởi nghiệp sáng tạo và thực hiện tốtQuyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”./.

TS. Lê Thị Mai Hoa

Ban Tuyên giáo Trung ương

___________________________________

Bài đăng Tạp chí Tuyên giáo số 11/2019

 

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất