Thứ Hai, 25/11/2024
Chính sách
Thứ Ba, 27/3/2012 23:24'(GMT+7)

Tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% kinh phí quản lý hành chính để tăng cường trách nhiệm trong sử dụng ngân sách

(Ảnh minh hoạ).

(Ảnh minh hoạ).

Hệ thống chính sách tiền lương ở nước ta đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển với các đặc điểm khác nhau. Khoảng 10 năm trở lại đây, hệ thống chính sách tiền lương đã được đổi mới nhiều so với các giai đoạn trước và từng bước tiệm cận với đặc điểm của nền kinh tế thị trường. Thế nhưng, trên thực tế nó vẫn đã và đang bộc lộ những bất cập cần phải được xem xét điều chỉnh mới có thể đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh mới.

Mặc dù mức lương tối thiểu áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ được nâng từ 830.000 đồng/tháng hiện nay lên 1.050.000 đồng/tháng bắt đầu từ ngày mùng 1/5/2012 tới. Nhưng theo tính toán của các chuyên gia, mức lương tối thiểu này của cán bộ, công chức, viên chức cũng mới chỉ bằng 75% lương tối thiểu ở vùng thấp nhất (vùng IV là 1,4 triệu đồng/tháng) và chỉ bằng 52,5% lương tối thiểu ở vùng cao nhất (vùng I là 2 triệu đồng/tháng). Mức lương tối thiểu của cán bộ, công chức, viên chức hiện nay chỉ bằng xấp xỉ 60% mức chi tiêu bình quân của 01 nhân khẩu của cả nước trong năm 2011. Đây là một mức quá thấp không đủ đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống hiện tại, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát, giá cả thị trường tăng cao.

Trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, tiền lương của cán bộ, công chức phải đặt trong mối tương quan với mặt bằng tiền lương, thu nhập của thị trường. Nếu không thỏa mãn tốt quan hệ này mà tiền lương của cán bộ, công chức quá thấp thì rất dễ dẫn đến tiêu cực, tham nhũng trong thực thi nhiệm vụ và tăng dòng dịch chuyển lao động từ khu vực nhà nước ra khu vực thị trường (chảy máu chất xám). Chính vì vậy, cải cách chính sách tiền lương là một đòi hỏi quan trọng trong các nỗ lực cải cách hệ thống chính sách về phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới, trong đó có việc cải thiện mức lương tối thiểu áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức.

Yêu cầu cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức đang đặt ra là phải hình thành cho được một hệ thống tiền lương áp dụng cho khu vực hành chính, sự nghiệp phù hợp với đặc điểm của một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, qua đó góp phần xây dựng một nền hành chính minh bạch, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Quá trình cải cách tiền lương phải đảm bảo các nguyên tắc cân đối vĩ mô của nền kinh tế; đảm bảo quan hệ giữa tích lũy với tiêu dùng, giữa tăng quỹ lương và trợ cấp với tăng trưởng kinh tế và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước.

Để có thể thỏa mãn yêu cầu nêu trên, bên cạnh việc cải cách hệ thống chính sách nói chung thì cơ chế tạo nguồn để cải cách tiền lương cũng cần phải tiếp tục được đổi mới theo hướng đa dạng hóa các nguồn lực, thúc đẩy việc thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các cơ quan hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Một trong những phương án tạo thêm nguồn để cải cách tiền lương mới đây được Bộ Nội vụ đưa ra là tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% kinh phí quản lý hành chính để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc nâng cao hiệu quả công tác bố trí, sử dụng dự toán ngân sách nhà nước; sử dụng 50% số tăng thu ngân sách địa phương để gắn trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bố trí, sử dụng biên chế, ngân sách; đối với địa phương có số thu cao tự bảo đảm và còn dư nguồn cải cách tiền lương thì được sử dụng số dư đó để chi trả tiền lương tăng thêm không quá 50% so với chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc để thực hiện các nhiệm vụ cấp thiết khác. Sau khi thực hiện các nguồn nói trên mà vẫn còn thiếu thì ngân sách Trung ương sẽ bổ sung….

Một chuyên gia về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, cần tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi ngân sách nhà nước để đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập ở khu vực công và khu vực hành chính; đổi mới các công cụ giám sát, điều tiết, quản lý thu nhập ngoài lương. Đối với khu vực hành chính sự nghiệp, việc chuyển sang cơ chế tự chủ về vốn được xem là mấu chốt của giải pháp đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương.../.

NQ

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất