NHỮNG BÀI HỌC TỪ LỊCH SỬ
Tiến sĩ Thân Nhân Trung, khi được Vua Lê Thánh Tông giao soạn bài văn
bia cho bia Tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442) đã viết: “Hiền tài
là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng
thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế
vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén
chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...”.
Những lời ấy đã được đục khắc vào bia đá, để lại cho muôn đời con cháu noi theo mà thực hiện.
Các triều đại nối nhau trong lịch sử nước ta đều coi việc tìm chọn
hiền tài là việc hệ trọng của quốc gia. Nhà Lý cho ra đời Quốc Tử giám,
trường “đại học” đầu tiên của nước ta để mở khoa thi đầu tiên đào tạo
nhân tài. Viên quan văn võ song toàn Tô Hiến Thành ghi dấu ấn đậm nét
trong lịch sử dân tộc chính là trong thời nhà Lý.
Năm 1253, nhà Trần lập
Quốc Học viện, ban hành thể lệ thi cử rất nghiêm khắc để tránh chuyện
con nhà giàu chạy chọt đỗ đạt. Chế độ thi cử đó đã phát hiện và bồi
dưỡng ra những danh nhân văn hóa như Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên năm 13
tuổi, Mạc Đĩnh Chi, vị quan liêm khiết, vị sứ thần thông minh, hiểu biết
sâu rộng, tài năng khí phách, hay nhà sử học Lê Văn Hưu, người biên
soạn bộ Quốc sử đầu tiên của nước ta.
Nhà Hồ chỉ trị vì trong một thời
gian rất ngắn nhưng qua tuyển cử đã phát hiện những bậc kiệt hiệt như
Nguyễn Trãi, sau này là nhà văn hóa lớn của dân tộc...
Đến thời Hậu Lê,
Vua Lê Lợi ngay năm đầu ở ngôi đã hạ chiếu nói lời thiết tha: “Muốn
thịnh trị phải được người hiền tài, muốn được người hiền tài thì phải do
tiến cử. Cho nên người đứng đầu thiên hạ phải lo việc ấy trước tiên”.
Minh Mạng, vị vua thứ hai triều Nguyễn đã biến việc cầu người hiền
tài thành một chính sách nhất quán của triều đình khi ấy. Sách Khâm định
Đại Nam hội điển sử lệ của nội các triều Nguyễn ghi lại có tới 11 lần
Vua Minh Mạng ban dụ để cầu người hiền tài tham gia vào bộ máy hành
chính nhà nước.
Vua Quang Trung ngay sau khi đánh tan quân Thanh đã giao cho Ngô Thì
Nhậm thay mình viết Chiếu cầu hiền, hoặc kiên nhẫn ba lần viết thư mời
La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ra giúp rập cho nhà Tây Sơn, là những tấm
gương điển hình cho việc chiêu hiền đãi sĩ tìm chọn người tài của cha
ông ta.
“CHIẾU CẦU HIỀN" KHI CÁCH MẠNG THÀNH CÔNG
Thời nay, một con người kiệt xuất luôn coi trọng việc thu phục và sử dụng người tài đức là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cuối năm 1945, Hồ Chủ
tịch đã hai lần viết thư mời cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhà chí sĩ yêu
nước ra giúp việc cho Chính phủ. Rồi trong những ngày dầu sôi lửa bỏng
năm 1946, trước khi sang Pháp thực hiện chuyến công du nước ngoài lâu
ngày, Bác Hồ đã ký sắc lệnh ủy nhiệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sĩ
ngoài Đảng Cộng sản, làm quyền Chủ tịch nước với lời dặn dò gan ruột:
“Dĩ bất biến ứng vạn biến!”. Cụ Huỳnh đã đảm nhiệm công việc này một
cách trọn vẹn.
Từ nước Pháp trở về, Bác đã đi cùng với 4 trí thức Việt kiều yêu nước
là kỹ sư luyện kim Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư mỏ Võ Đình
Quỳnh và nhà khoa học Phạm Quang Lễ (giáo sư Trần Đại Nghĩa ). Tiếp sau
đó, những trí thức lớn khác ở Pháp như Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông,
Trần Đức Thảo... cũng về Việt Nam. Trong bối cảnh muôn vàn thiếu thốn,
các trí thức này đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc kháng chiến
và sau này là kiến quốc của toàn dân tộc.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước, ngày
20/11/1946, trên Báo Cứu quốc xuất hiện một bài báo, nói đúng hơn là một
thông báo, dưới ký tên “Chủ tịch Chính phủ Việt Nam - Hồ Chí Minh”,
viết: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài.
Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì
Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bực tài đức
không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận. Nay muốn sửa đổi
điều đó, và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức
điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước
lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.
Đây chính là một dạng “Chiếu cầu hiền” của người đứng đầu Chính phủ nước Việt Nam non trẻ lúc bấy giờ.
NHỮNG BÀI HỌC ĐAU XÓT
Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa
VIII đã chỉ rõ: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách
mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ”.
Như thế, có thể thấy vận mệnh của đất nước, của chế độ tùy thuộc vào
cái cách mà chúng ta lựa chọn đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó có cấp
chiến lược, những người đảm trách công việc nặng nề là chèo lái con
thuyền quốc gia. Điều đó đòi hỏi sự trong sáng, tinh thần trách nhiệm
cao cả vì sự nghiệp chung của những cán bộ lớp trước trong việc giới
thiệu với cơ quan có thẩm quyền tuyển chọn những người xứng đáng.
Chúng ta đã có những bài học đau xót về việc giới thiệu cán bộ không
đủ phẩm chất và năng lực nhưng là cánh hẩu, là họ hàng, là đổi chác (tôi
nâng đỡ con anh thì anh nâng đỡ con tôi, hoặc tôi nâng đỡ người của anh
thì anh nâng đỡ người của tôi…) và cũng không loại trừ việc đút lót
tiền bạc, của cải để được vào các vị trí trọng yếu.
Cho đến nay, mặc dù công tác cán bộ đã được đổi mới nhiều, nhưng trên
thực tế vẫn không tránh khỏi còn những sai sót nghiêm trọng là kẽ hở để
những kẻ tham lam, cơ hội, kém đức kém tài chui vào bộ máy, tạo dựng bè
cánh, gây nên những tác hại nghiêm trọng, dẫn đến sự bất bình to lớn
trong nhân dân và đặt sinh mệnh chính trị của Đảng, của chế độ vào thế
bất lợi.
Không thể để những kẻ kém đức kém tài, vô liêm sỉ, “chạy chức chạy
quyền”, có nguồn tài sản bất minh, nâng đỡ người thân, gia đình, họ
hàng, là cánh hẩu, bị xã hội và báo chí lên án, lại vẫn có thể biện bạch
thách thức dư luận hay lên giọng rao giảng đạo đức. Không thể để một
ông cán bộ cấp cao phát ngôn bừa bãi, đề ra những chính sách gây thiệt
hại cho đất nước và nhân dân có thể tiếp tục nhơn nhơn tại vị. Lại càng
không để cho những quan tham, dù ở cấp nào, có thể trốn tránh trách
nhiệm và “hạ cánh an toàn”.
Càng là người của tổ chức, của Đảng, lại càng phải chịu trách nhiệm
nặng nề hơn trước sự nghiêm minh của pháp luật, sự giám sát của nhân
dân.
RÀ SOÁT LẠI "QUY TRÌNH"
Làm thế nào để có thể hạn chế tối đa những sai sót trong công tác lựa chọn cán bộ, đặc biệt là ở cấp chiến lược?
Câu trả lời ở đây là cơ chế trách nhiệm.
Quy trình tuyển chọn, đề bạt cán bộ là của tập thể, nhưng công việc
giới thiệu cần được cá nhân hóa để thuận tiện cho việc vận hành cơ chế
trách nhiệm.
Cá nhân người giới thiệu có trách nhiệm bảo vệ sự tiến cử của mình
trước các cơ quan chức năng. Người cán bộ được tiến cử có thành tích và
tiến bộ thì cá nhân người giới thiệu và tập thể giới thiệu được khen
thưởng xứng đáng; nếu người được tiến cử vi phạm những tiêu chuẩn về
chuyên môn, đạo đức trong công việc, người giới thiệu và những thành
viên nào trong tập thể tán thành giới thiệu bổ nhiệm nhân sự sai lầm
cũng phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật tương xứng.
Người cán bộ được giới thiệu để tuyển chọn phải có trách nhiệm trình
bày rõ trước cơ quan tuyển chọn về những thành quả nổi bật đã làm, được
cơ quan, đơn vị, nhân dân thừa nhận và phải trình bày những công việc
mình sẽ làm trên cương vị công tác mới. Các cơ quan chức năng và nhân
dân sẽ đánh giá quá trình “thi tuyển” này thông qua các cơ chế giám sát,
qua báo chí và dư luận quần chúng.
Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định bổ nhiệm cán bộ vào các vị trí
trong hệ thống chính trị phải chịu trách nhiệm nếu kết quả bổ nhiệm nhân
sự ấy lại là người kém đức kém tài; đồng thời cơ quan ra quyết định
cũng phải có đủ thẩm quyền và có trách nhiệm xử lý nhanh chóng những
trường hợp cán bộ sai phạm trong công tác. Ở các quốc gia văn minh, chỉ
cần một Bộ trưởng lỡ lời là đủ để cho Chính phủ buộc người đó thôi chức
để giữ uy tín cho Đảng cầm quyền. Còn ở ta, một quốc gia có nền văn hiến
hàng nghìn năm rực rỡ, sao lại không thể làm như vậy?
Chúng ta đã có cả một hệ thống các quy định khá chặt chẽ của Đảng cho
đến các quy định của Nhà nước, nhưng vẫn xảy ra tình trạng “một bộ phận
không nhỏ” cán bộ, đảng viên trong bộ máy công quyền các cấp thoái hóa,
biến chất, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật, trong đó có những
trường hợp hết sức nghiêm trọng và kéo dài. Thực tế đó cho thấy cần phải
rà soát lại toàn bộ “quy trình” tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, khắc phục
những hạn chế, yếu kém đã bộc lộ, đồng thời cũng phải rà soát lại quy
trình xử lý cán bộ sai phạm theo hướng kiên quyết, nhanh gọn hơn, không
thua kém gì các quốc gia văn minh.
Với cơ chế tìm chọn hiền tài đúng đắn, tiến bộ, phù hợp thực tiễn
hiện nay, chắc chắn chúng ta sẽ loại bỏ được những kẻ kém đức, kém tài,
cơ hội, chui sâu leo cao, đồng thời tìm chọn được những cán bộ có đủ đức
tài làm rường cột quốc gia, đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân.
Dù ở hoàn cảnh nào thì đức hy sinh, khát vọng cống hiến cho Tổ quốc luôn là những giá trị bất biến của hiền tài.
Mối liên hệ hữu cơ giữa “nguyên khí quốc gia” - những người hiền tài -
với vận mệnh quốc gia, dân tộc là điều đã được chứng minh qua lịch sử
mấy ngàn năm của đất nước. Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, khi nhờ có hai
gia tướng tài năng đức độ Dã Tượng và Yết Kiêu mà thoát khỏi vòng vây
quân thù đã thốt lên rằng: “Chim hồng hộc sở dĩ bay cao được là nhờ ở
sáu trụ xương cánh cứng rắn”. Ngày nay, những cán bộ liêm chính, đức tài
vẹn toàn được lựa chọn đảm nhiệm các trọng trách, sẽ là những trụ xương
cánh cứng rắn để Đảng cầm quyền và bộ máy chính quyền vững mạnh, phục
vụ nhân dân một cách hiệu quả, đưa đất nước tiến lên vững chắc trên con
đường hội nhập và phát triển.
Thời cơ và thách thức nằm ngay trong chính chúng ta./.
TP. Hồ Chí Minh, ngày 15/5/2019
Trương Tấn Sang
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị,
Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam