VỊ TƯỚNG SÂU SÁT, QUYẾT ĐOÁN, DÁM NGHĨ DÁM LÀM, DÁM CHỊU TRÁCH NHIỆM
Cuối năm 1969, khi chiến trường Quân khu 9 bước vào giai đoạn ác liệt nhất, quân ta rơi vào thế khó khăn, anh Lê Đức Anh được cấp trên giao nhiệm vụ làm Tư lệnh Quân khu 9, biệt danh “Chín Hòa”, còn anh Võ Văn Kiệt với biệt danh “Tám Thuận” giữ cương vị Bí thư khu ủy. Ngẫu nhiên hai bí danh này ghép lại với nhau thành từ “thuận hòa”. Cặp đôi này luôn ăn ý trong tác chiến.
Tôi rất ấn tượng với anh Lê Đức Anh. Anh thường xuyên vào vùng địch để nắm tình hình, sát thực tế, sát cơ sở. Vì vậy, anh Lê Đức Anh đã chỉ cho chúng tôi biết cách đánh địch như thế nào, vận dụng cách đánh nào cho phù hợp trong tình hình ta bị thiếu quân, vũ khí đơn sơ, lương thực thiếu. Anh chỉ đạo chúng tôi phải luôn cơ động, không được ở một chỗ, phải luôn bám vào dân, dựa vào dân. Lúc nào chúng tôi khó khăn nhất thì anh lại có mặt dù anh ở xa hay ở gần. Anh Lê Đức Anh luôn bám sát chiến trường, chỉ đạo sát thực tế, nhờ đó đã góp phần thay đổi được cục diện chiến trường, vận động được nhân dân, gây dựng được tinh thần và khí thế cho bộ đội.
|
Tham mưu trưởng Lê Đức Anh (thứ ba, từ trái sang) trong cuộc họp Bộ chỉ huy miền tại căn cứ Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, năm 1972. Ảnh tư liệu.
|
Cái đáng nhớ nữa về anh Lê Đức Anh là một người quyết đoán, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, không tranh công, đổ lỗi. Sau Hiệp định Paris, nhiều chiến trường thực hiện lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, khi chúng ta nghiêm túc thực hiện thì phía địch lại tranh thủ đánh chiếm lại các mục tiêu đã bị mất. Riêng ở Quân khu 9, nhờ có quyết định của anh Lê Đức Anh mà căn cứ được giữ vững, thậm chí là được mở rộng.
TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC, LUÔN ĐI TRƯỚC MỘT BƯỚC
Anh Lê Đức Anh có một tầm nhìn rất sâu, một tầm nhìn chiến lược, bao giờ cũng đi trước một bước nên thường không bị động trong các tình huống.
Sau giải phóng miền Nam, anh Lê Đức Anh tiếp tục về làm Tư lệnh Quân khu 9. Trong khi nhiều quân khu cho bộ đội về phục viên thì anh Lê Đức Anh lại đề nghị thành lập Sư đoàn 330 để phòng khi “có biến”. Sư đoàn 330 được biên chế 3 trung đoàn mạnh nhất, gồm Trung đoàn 1 của Quân khu 8, Trung đoàn 3 và Trung đoàn 1 U Minh của Quân khu 9. Tôi lúc đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 U Minh.
Chúng ta không thể ngờ rằng từ năm 1975 đến 1977, quân Pol Pot nhiều lần tấn công vào biên giới Việt Nam, từ quy mô nhỏ lẻ đến cấp sư đoàn. Trong khi một số khu vực khác của Việt Nam bị quân Pol Pot tấn công gây tổn thất lớn, Bộ Quốc phòng phải điều Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) về trấn thủ Tây Ninh để đánh chặn thì riêng trên địa bàn Quân khu 9, lực lượng tinh nhuệ Sư đoàn 330 đã đánh chặn được địch và giữ được đất đai. Việc giữ lại quân chủ lực tinh nhuệ thành lập Sư đoàn 330 thể hiện tầm nhìn chiến lược của anh. Sau thời điểm này, anh Lê Đức Anh được điều động về làm Tư lệnh Quân khu 7 và làm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở Campuchia. Lúc ấy, ai cũng biết đội quân Pol Pot có lực lượng rất mạnh, lại được sự hậu thuẫn của một số nước lớn. Nhiều người can anh Lê Đức Anh rằng nếu cho bộ đội tấn công sẽ tạo ra trận chiến rất ác liệt nhưng anh vẫn kiên quyết đánh quân Pol Pot đến tận sào huyệt cuối cùng.
Không chỉ là vị tướng giỏi chỉ huy tiến công, anh cũng là người rất sâu sắc trong chỉ đạo công tác Đảng, công tác chính trị, công tác đối ngoại quốc phòng. Khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc nổ ra, anh Lê Đức Anh là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã lên tận nơi nắm tình hình. Sau khi thị sát, tìm hiểu thông tin, anh đề nghị in một số truyền đơn nói về tình hữu nghị giữa Việt Nam-Trung Quốc, giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc và sự giúp đỡ của nhân dân Trung Quốc đối với Việt Nam trong các cuộc kháng chiến trước đây. Nhân dân Việt Nam rất cảm ơn về điều đó. Khi quân Trung Quốc bắn đạn pháo sang thì thay vì bắn đạn trở lại, ta đã bắn lại bằng những tờ truyền đơn đó. Sau một tuần, đạn pháo phía Trung Quốc bắn sang ta giảm hẳn, anh Lê Đức Anh cho quân ta rút dần. Lúc đó, cũng có một số ý kiến của cán bộ tham mưu không đồng tình, sợ khi ta rút quân, quân địch sẽ tràn sang đuổi theo. Thế nhưng việc rút quân đã thắng lợi. Đó cũng là một quyết định táo bạo và khó khăn của anh Lê Đức Anh.
Một tầm nhìn xa, một quyết định táo bạo nữa của Đại tướng Lê Đức Anh là khi anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, anh đã đề xuất cắt giảm quân số để tập trung nguồn lực cho phát triển đất nước, hiện đại hóa quân đội. Ở thời điểm này, gần một vạn quân số sĩ quan đã được cắt giảm. Trên cơ sở đó, lực lượng và tổ chức phòng thủ trên các hướng, các địa bàn chiến lược quan trọng, vùng biển đảo và biên giới đất liền, các trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế đã được bố trí lại, bảo đảm khả năng phòng thủ của từng địa phương và cả nước vững chắc trong mọi tình huống. Khi cắt giảm quân số, anh Lê Đức Anh đã đề xuất các chế độ, chính sách cho anh em rất phù hợp, cấp đất làm nhà, cho đi học ngoại ngữ để đi xuất khẩu lao động. Anh bảo: Anh em chiến đấu gian khổ rồi, bây giờ họ về phải lo cho họ ổn định.
Lúc anh Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thì tôi đang là Tư lệnh Quân khu 3. Ở thời điểm năm 1991, đất nước ta đang trong những năm đầu của công cuộc đổi mới, khó khăn chồng chất. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, anh Lê Đức Anh đã chỉ đạo, yêu cầu tư lệnh các quân khu, quân đoàn phải nắm chắc quân đội, sâu sát đơn vị, giữ ổn định chính trị để phòng trường hợp Liên Xô sụp đổ, sẽ không gây tác động đến ta. Đúng như anh dự liệu, sau đó, dù có nhiều biến động lớn nhưng Việt Nam vẫn giữ được sự ổn định. Điều đó chứng tỏ anh Lê Đức Anh đã trù liệu và có tầm nhìn rất sâu.
GIỮ VỮNG, ĐỀ CAO NGUYÊN TẮC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG
Trong mọi hoạt động, anh Lê Đức Anh luôn biết lắng nghe. Ngay bản thân tôi cũng đã đôi lần tranh luận và một số ý kiến được anh chấp thuận, nhưng anh luôn giữ nguyên tắc tính Đảng trong các quyết sách của mình. Tôi nhớ vào năm 1972, khi ấy đang chuẩn bị vào chiến dịch, B-52 của địch đánh phá mạnh, quân ta hy sinh lớn, thậm chí có đơn vị tổn thất rất cao. Anh Lê Đức Anh lúc đó vẫn quyết thực hiện chiến dịch. Nhưng chúng tôi nói không đánh được, vì lực lượng không củng cố được. Sau hồi tranh luận, anh đưa ra bàn bạc và cuối cùng anh quyết cho lùi lại mấy ngày.
Anh Lê Đức Anh cho rằng, Đảng giữ được nguyên tắc thì mới tạo được sức mạnh. Nếu không giữ nguyên tắc Đảng thì Đảng sẽ tan rã. Sai phạm trong Đảng phải được đấu tranh đến cùng. Còn nhớ, có một thời kỳ chúng ta cũng học Liên Xô xem nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương, của các đảng ủy quân khu, quân đoàn, thành lập Hội đồng quân sự, Hội đồng chính trị tại các đơn vị. Lúc đó, anh Lê Đức Anh là Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia không đồng tình với Nghị quyết số 07. Anh nói: Ở chiến trường đánh nhau cần có Đảng lãnh đạo, nếu không thì không thể đánh nhau được. Mình cần sáng tạo, không nên rập khuôn, máy móc. Sau này khi tổng kết rút kinh nghiệm, Đảng ta cũng nhận rõ vai trò của Đảng trong lãnh đạo quân đội. Nhờ tư tưởng đó, Nghị quyết 27 rồi sau này là Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị ra đời là các bước tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng trong quân đội, để không ngừng giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” của Đảng đối với quân đội, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị.
Khi anh Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước, anh đã có nhiều đóng góp lớn cho đất nước, là một kiến trúc sư quan trọng tham gia vào tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, Việt Nam-Trung Quốc. Trong các quyết sách về đối nội và đối ngoại, anh luôn đặt lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc lên hàng đầu, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân. Chính anh là một trong những người đi đầu khởi xướng, đề xuất với Đảng và Nhà nước phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng tặng những người phụ nữ đã hy sinh chồng, con cho đất nước. Anh bảo, những người lính chúng ta hy sinh gian khổ chưa là gì so với nỗi đau của những bà mẹ mất con, có mẹ mất ba, bốn, năm, sáu đứa con. Suy nghĩ đó không chỉ thể hiện tầm nhìn của một nhà lãnh đạo mà còn thể hiện anh là một người có tấm lòng nhân hậu, luôn biết trân trọng sự hy sinh cao quý của đồng chí, đồng đội, của đồng bào, chiến sĩ đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Anh dặn chúng tôi, làm cán bộ phải luôn chú trọng các mối quan hệ, phải gần gũi, gắn bó với nhân dân, với chiến sĩ, phải luôn chăm lo cải thiện đời sống cho bộ đội, quan tâm xem anh em chiến sĩ ăn uống, ngủ nghỉ như thế nào, phải xây dựng tốt mối quan hệ với nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân, quan hệ cán-binh. Chính anh Lê Đức Anh đã yêu cầu cán bộ từ cấp tiểu đoàn trở xuống phải ăn chung với bộ đội, tạo mối quan hệ gắn bó giữa cán bộ và chiến sĩ. Nhưng đặc biệt trong huấn luyện thì phải huấn luyện thực sự, sát với thực tế chiến đấu. Nếu trong huấn luyện mà cứ nới lỏng cho anh em thì xương máu sẽ đổ nhiều hơn. Quân đội muốn mạnh phải có kỷ luật và đoàn kết.
Sau này khi đã nghỉ hưu, anh Lê Đức Anh vẫn luôn quan tâm đến quân đội. Anh luôn nhắc nhở, dặn dò tôi mỗi khi tôi đến thăm, nói chuyện, là dù làm gì cũng phải giữ được truyền thống, phẩm chất quý giá của người quân nhân, đặc biệt khi đi nước ngoài thì hình ảnh, tác phong Bộ đội Cụ Hồ luôn phải giữ gìn, để bạn bè hiểu được mình. Người Việt Nam có tấm lòng nhân hậu, rộng mở, luôn đề cao tình nghĩa. Tôi nhớ lần đầu tôi sang thăm Mỹ, anh Lê Đức Anh đã dặn tôi hết sức chú ý vấn đề này. Anh dặn tôi nếu họ đặt vấn đề về tù binh Mỹ trong chiến tranh thì quan điểm của Việt Nam là luôn coi trọng vấn đề nhân đạo lên hàng đầu. Việt Nam không lấy vấn đề tù binh làm chính trị. Anh dặn trong quan hệ ngoại giao phải kiên định mục tiêu độc lập, chủ quyền, vì mất độc lập, chủ quyền là mất hết. Đối ngoại quốc phòng chính là phòng thủ từ xa. Đối ngoại dựa trên tinh thần hòa hảo, hữu nghị, tôn trọng, hợp tác cùng phát triển nhưng đặc biệt là phải giữ vững được độc lập, chủ quyền. Đó chính là cơ sở để xây dựng mọi giá trị khác.
Trong đời sống với anh em đồng chí, anh là người tình cảm, giản dị, không tư lợi. Đối với con cái, anh luôn tôn trọng các lựa chọn và quyết định của con. Dù giữ nhiều cương vị quan trọng nhưng anh luôn quan niệm khả năng của các con đến đâu sẽ phát triển đến đó. Địa phương, đơn vị phân công về đâu thì làm việc ở đó chứ không can thiệp, không tham gia bảo các con phải làm gì.
Với tôi, anh luôn là người anh, người thủ trưởng gần gũi, tình cảm, giản dị nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc. Tôi không thể kể hết những kỷ niệm về anh.
Đại tướng PHẠM VĂN TRÀ
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng