Thứ Sáu, 22/11/2024
Lý Luận
Thứ Tư, 1/5/2019 14:57'(GMT+7)

Ðể kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Nghị quyết số 10-NQ/TW (sau đây gọi là Nghị quyết) đã mở đường cho việc đưa ra những cơ chế, chính sách mới, phù hợp hơn và đột phá hơn nhằm phát triển kinh tế tư nhân trở thành một khu vực kinh tế năng động, sáng tạo với năng lực cạnh tranh và tác động lan tỏa cao tới các khu vực kinh tế khác, qua đó tới toàn bộ nền kinh tế.

Ngay sau khi được ban hành, Nghị quyết đã nhanh chóng được tổ chức học tập, quán triệt, phổ biến, tuyên truyền và thể chế hóa, cụ thể hóa với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương và doanh nghiệp.

Ðiểm nổi bật là việc phổ biến và quán triệt Nghị quyết đã được thực hiện với nhiều đổi mới, kể cả về hình thức (phổ biến, quán triệt trực tuyến kết hợp với các hình thức truyền thống, đảm bảo sự phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan và đơn vị), về nội dung (được thực hiện một cách hệ thống trong mối quan hệ hữu cơ với Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn…) và về báo cáo viên (các đồng chí lãnh đạo, các chuyên gia thực sự có năng lực, có kinh nghiệm, đã tham gia soạn thảo Nghị quyết, trực tiếp phổ biến và quán triệt).

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã khiến cho Nghị quyết bước đầu đi vào cuộc sống với việc nhiều Dự án luật và Nghị quyết quan trọng có liên quan đến phát triển khu vực kinh tế tư nhân đã được Quốc hội thông qua; các Chương trình/kế hoạch hành động về thực hiện Nghị quyết đã được Chính phủ; hầu hết các bộ, ban, ngành ở Trung ương; các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, ban hành và tổ chức triển khai với các nhiệm vụ và lộ trình thực hiện cụ thể.

Cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh theo thông lệ quốc tế (ASEAN 4); nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được đẩy mạnh và thực hiện một cách quyết liệt từ Trung ương đến địa phương dẫn đến những cải thiện đáng kể trong môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với sự ghi nhận của cả cộng đồng quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp; tinh thần khởi nghiệp và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đang dần trở thành một phong trào rộng khắp; nhiều doanh nghiệp tư nhân đang điều chỉnh chiến lược đầu tư và kinh doanh theo hướng bền vững hơn; doanh nhân đang ngày càng được xã hội coi trọng và tôn vinh…

Sau hai năm thực hiện Nghị quyết, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã có bước phát triển mới cả về số lượng, chất lượng và có những đóng góp ngày càng tăng đối với sự phát triển của nền kinh tế và xã hội.

Số lượng doanh nghiệp gia tăng mạnh từ 655.000 năm 2017 lên 730.000 vào năm 2018 và đạt 743.409 vào cuối quý I năm 2019. Trong đó, phong trào khởi nghiệp nở rộ, với khoảng 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vào năm 2018. Tổng vốn đăng ký mới tăng từ 1.295.911 tỷ đồng vào năm 2017 lên 1.478.100 tỷ đồng vào năm 2018. Mỗi năm (2017 và 2018), có hơn 1,1 triệu việc làm mới được tạo ra. Riêng quý I năm 2019, 375.500 tỷ đồng vốn đầu tư mới và gần 320.000 việc làm mới đã được bổ sung vào nền kinh tế. Quy mô của nhiều doanh nghiệp ngày càng mở rộng, một số doanh nghiệp đạt tổng tài sản đến hàng trăm nghìn tỷ đồng và sử dụng hàng chục nghìn lao động.

Khu vực kinh tế tư nhân đang chiếm khoảng 40% GDP cả nước; tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp tư nhân (không tính loại hình cá thể, hộ gia đình) đạt gần 12% vào năm 2017, cao hơn mức chung của nền kinh tế cùng năm (6,81%); khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế tập thể chiếm 26% giá trị xuất khẩu, 34% giá trị nhập khẩu, đóng góp 32,26% vào ngân sách nhà nước năm 2017 và 38,20% năm 2018, vượt đáng kể so với mức 29,43% của 2016, là năm chưa ban hành Nghị quyết.

Ðáng chú ý là nhiều doanh nghiệp tư nhân đang điều chỉnh chiến lược đầu tư và kinh doanh theo hướng bền vững hơn, gắn nhiều hơn với công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua việc thiết lập trường đại học, viện/trung tâm nghiên cứu và triển khai cũng như hoàn thành được những công trình lớn, phức tạp trong một thời gian tương đối ngắn.

Mặc dù đã có thêm bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng nhưng khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng của mình để thực sự đóng vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập nhiều nhưng khả năng trụ vững và phát triển hiệu quả còn thấp: số doanh nghiệp ngừng hoạt động đã gia tăng từ 39.000 của năm 2017 lên 63.000 doanh nghiệp vào năm 2018. Do vậy, mục tiêu đến năm 2020 nước ta có một triệu doanh nghiệp khó hoàn thành nếu không có giải pháp đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh.

Sự gia tăng số lượng của doanh nghiệp tư nhân chưa gắn với sự đột phá về chất lượng phát triển. Trong vài năm gần đây, nhóm doanh nghiệp tư nhân có giá trị sản lượng chiếm khoảng 8% GDP cả nước, trong khi nhóm kinh tế hộ gia đình, cá thể chiếm khoảng 30%. Trong đó, nhóm hộ gia đình, cá thể có tốc độ tăng trưởng thấp hơn mức trung bình cả nước.

Phần lớn (97%) doanh nghiệp tư nhân là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với khoảng 70% số doanh nghiệp đăng ký có quy mô dưới 10 lao động và vốn đăng ký dưới năm tỷ đồng. Do vậy, dải phân bổ về quy mô của các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân đang bị phân cực, với phần đông có quy mô nhỏ, một số ít với quy mô lớn. Sự thiếu các doanh nghiệp có quy mô trung bình gây khó cho sự chuyên môn hóa và đầu tư vào công nghệ, vì vậy, kìm giữ năng suất lao động. Nhóm số ít các doanh nghiệp lớn vẫn chưa tạo ra được nhiều giá trị lan tỏa từ vị trí dẫn đầu, đặc biệt trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và tăng trưởng. Hơn nữa, sự mở rộng quá nhanh của một số doanh nghiệp lớn cũng tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế, vì để nền tảng doanh nghiệp vững mạnh thì cần phải có đủ thời gian để tích lũy vốn và công nghệ.

Năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trước vận hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không đạt được thứ hạng cao, xếp thứ 77/140 nước, tức ở nhóm nửa dưới. Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam vẫn còn đứng sau so với một số nước trong khu vực Ðông - Nam Á như Xin-ga-po, Thái-lan, Ma-lai-xi-a.

Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng của mình để thực sự đóng vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế là do khu vực này vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản cả về nhận thức lẫn khung khổ pháp luật, cơ chế, chính sách và thực thi cơ chế, chính sách cũng như môi trường kinh doanh mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn chậm, nhiều bất cập; chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương, chưa thực chất trên một số lĩnh vực cũng như năng lực nội tại chưa cao của chính khu vực này.

Sau hai năm thực hiện Nghị quyết, mặc dù vẫn còn có một số hạn chế và chưa thực sự tương xứng với tiềm năng nhưng khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã có bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng; đóng góp ngày càng tăng thêm cho phát triển của nền kinh tế và xã hội theo hướng nhanh và bền vững. Những kết quả đạt được đã ngày càng khẳng định tính đúng đắn và sự phù hợp với xu hướng phát triển chung của Nghị quyết với tư cách là sự kế thừa và phát triển đường lối lớn về phát triển kinh tế tư nhân của Ðảng ta kể từ khi Ðổi mới đến nay.

Ðể khu vực kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cần kiên trì thực hiện và thực hiện có hiệu quả năm nhóm giải pháp đã được đặt ra trong Nghị quyết. Trong đó, việc đảm bảo sự thống nhất nhận thức về phát triển kinh tế tư nhân, nhất là về mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sẽ giúp củng cố niềm tin của thị trường và xã hội vào triển vọng phát triển của khu vực kinh tế này. Ðó là mối quan hệ Ðảng lãnh đạo; Nhà nước quản lý, điều tiết, phân bổ nguồn lực nhà nước dựa trên nguyên tắc của thị trường, đảm bảo sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; thị trường là cơ chế chủ yếu phân bổ các nguồn lực trong nền kinh tế; người dân làm chủ với nguyên tắc dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và tất cả là của dân, do dân và vì dân. Ðiều này sẽ giúp cho nguồn lực được phân bổ hiệu quả, tránh được tình trạng "thị trường thân hữu, lợi ích nhóm" và đảm bảo được tính xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường.

Ðồng thời, việc cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh cần phải được thực hiện một cách quyết liệt hơn, đồng bộ hơn và thực chất hơn, gắn với trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương nhằm giảm chi phí giao dịch và tạo dựng một "sân chơi" thực sự công bằng, bình đẳng, nhất là trong tiếp cận thị trường và tiếp cận các nguồn lực, cho đầu tư và kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân.

Thêm vào đó, bên cạnh những nỗ lực của chính bản thân khu vực kinh tế tư nhân, Nhà nước cũng cần phải có vai trò chủ động và tích cực hơn, với tư cách là "bà đỡ" để định hướng và dẫn dắt khu vực kinh tế tư nhân bắt nhịp với xu hướng phát triển mới, đặc biệt là chuyển đổi số thông qua việc tạo ra sự đột phá trong thể chế phát triển, nhất là thể chế hỗ trợ đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh sự phát triển của hệ thống đổi mới và sáng tạo quốc gia; hỗ trợ nghiên cứu và triển khai, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ tài chính hay đặt hàng nghiên cứu và triển khai đối với những doanh nghiệp có tác động đột phá và lan tỏa cao, đồng thời đáp ứng được các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt nhất với nguyên tắc công khai, minh bạch và cạnh tranh.

Nhìn về tương lai, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ; hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; chuyển đổi căn bản sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp; nền kinh tế đang chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, khác về chất và dựa nhiều hơn vào nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo; những yêu cầu cấp thiết về đảm bảo sự độc lập và tự chủ của nền kinh tế… đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức đan xen đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Ðể tận dụng được cơ hội và vượt qua được thách thức đó khu vực kinh tế tư nhân phải là một khu vực kinh tế năng động, sáng tạo với năng lực cạnh tranh và tác động lan tỏa cao tới các khu vực kinh tế khác và qua đó tới toàn bộ nền kinh tế.

Ðó phải là một khu vực kinh tế với sự kết hợp hài hòa và hữu cơ giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp/tập đoàn tư nhân lớn, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh quốc tế; dẫn đầu trong đổi mới sáng tạo và tăng trưởng; có tác động lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân.

Khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, phát triển nhanh và bền vững với "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" gắn liền với sự phát triển và lớn mạnh của tất cả các khu vực kinh tế, trong đó khu vực kinh tế tư nhân có vai trò là một động lực quan trọng./.

Nguyễn Văn Bình
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

(Nguồn: nhandan.com.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất