Xác định tình trạng hạn hán đang diễn ra trên địa bàn các tỉnh Tây
Nguyên rất nghiêm trọng và còn kéo dài, Phó Thủ tướng lưu ý các địa
phương tập trung tìm mọi cách giảm thiểu thiệt hại và tuyệt đối không
được để dân đói, khát và dịch bệnh.
Hôm qua 24/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn
Xuân Phúc cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, Ban chỉ đạo Tây Nguyên và lãnh
đạo các tỉnh Tây Nguyên đã đi kiểm tra tình hình hạn hán ở một số địa
phương tại Gia Lai.
Sau khi đi kiểm tra thực tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao
các tỉnh Tây Nguyên và lực lượng quân đội đứng chân trên địa bàn đã có
nhiều giải pháp cấp bách và tích cực để phòng chống hạn.
Xác định tình trạng hạn hán đang diễn ra trên địa bàn các tỉnh Tây
Nguyên rất nghiêm trọng và còn kéo dài, Phó Thủ tướng lưu ý các địa
phương tập trung tìm mọi cách giảm thiểu thiệt hại và tuyệt đối không
được để dân đói, khát và dịch bệnh.
Phó Thủ tướng cũng đã nhất trí cho ứng trước 2.000 tấn gạo để bốn tỉnh
Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Kon Tum cứu đói cho người dân bị ảnh hưởng
do hạn hán, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Cũng tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng yêu cầu các thủy điện trên địa bàn
phải xả nước tối đa để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân; chỉ
đạo các Bộ, ngành và các địa phương rà soát và lựa chọn kỹ lưỡng để đầu
tư xây dựng các công trình thủy lợi có hiệu quả và mang tính bền vững.
Nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, các Bộ, ngành và các địa phương phải tập
trung bảo vệ các diện tích cây công nghiệp và tiếp tục đầu tư, xây dựng
có trọng điểm cho các vụ sau. Các địa phương tập trung trồng rừng đặc
biệt là các vùng đầu nguồn và các vùng xung yếu để xây dựng phương án
phòng chống thiên tai dài hạn.
Buổi sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi kiểm tra thực
tế cánh đồng lúa nước rộng trên 200ha tại xã Chư Dôn, huyện Chư Pưh. Tại
đây, nhiều diện tích lúa chưa kịp thu hoạch đã bị chết hoàn toàn, khắp
các chân ruộng đều nứt nẻ. Không ít diện tích lúa ở đây, bà con phải lùa
bò vào cho ăn vì không còn khả năng thu hoạch...
Đến thăm bà con ở xã H'Bông (huyện Chư Sê) - một trong những xã khó khăn
nhất về nước tưới và nước sinh hoạt của huyện, Phó Thủ tướng chia sẻ
với những khó khăn của bà con nơi đây; khẳng định Chính phủ, chính quyền
địa phương quyết không để nhân dân bị đói ăn, khát uống, không để xảy
ra dịch bệnh...
Phó Thủ tướng cũng đề nghị bà con nông dân cùng với chính quyền địa
phương, nghiên cứu chuyển đổi cây trồng phù hợp, không nhất thiết cứ
phải trồng lúa nước để rồi bị nắng hạn.
Theo thống kê, hiện toàn Tây Nguyên đã có đến 95.000ha cây trồng thiếu
nước tưới. Trong khi đó, hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn
Tây Nguyên, mực nước chỉ còn 20-40%. Toàn vùng có 7.100ha cây trồng đã
dừng sản xuất do thiếu nước.
Theo dự báo từ Đài Khí tượng-Thủy văn khu vực Tây Nguyên, nếu đến tháng
Sáu vẫn còn nắng hạn, Tây Nguyên sẽ có khoảng gần 170.000ha cây trồng bị
ảnh hưởng nặng do nắng hạn.
Tại Gia Lai, tính đến nay đã có 13.500ha cây trồng bị khô hạn, trong đó
2.600ha mất trắng. Cụ thể, 4.210ha càphê, hơn 1.300ha hồ tiêu thiếu nước
tưới, thiệt hại ước tính trên 150 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 340 hồ, đập
phục vụ nước tưới cho 54.684ha cây trồng, tuy nhiên, hiện chỉ còn khoảng
1/3 công trình còn nước.
Đối với nước sinh hoạt, toàn tỉnh có trên 7.000 hộ thiếu nước sinh hoạt,
tập trung ở các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Krông Pa, Kbang... Hạn hán đã
làm 14.695 hộ dân trên địa bàn tỉnh bị thiếu đói. Các địa phương đã chủ
động xuất ngân sách mua gần 240 tấn gạo cứu đói cho 1.891 hộ (9.189
khẩu). Theo ước tính thì toàn tỉnh đang cần khoảng 1.500 tấn gạo để cứu
đói cho dân./.
(TTXVN)