Thứ Hai, 30/9/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 8/12/2010 9:37'(GMT+7)

Không nên coi môn Giáo dục công dân là “môn phụ”

GDCD “bị coi” là môn phụ

 Trong thực tế, theo quan niệm sai lầm của một số người, có những môn học quyết định trực tiếp đến những bước ngoặt của học sinh (như thi tốt nghiệp, chuyển cấp, thi đại học…) thì được coi là “chính”. Các môn ít giờ, không quyết định trực tiếp đến các kỳ thi trên - đối với một cá nhân nào đó - thì bị coi là “phụ”. Cứ theo lý đó, môn Toán, Văn, Ngoại ngữ mặc nhiên được coi là “chính”, các môn khác bị coi là “phụ”. Riêng môn Giáo dục công dân (GDCD) bị coi là rất phụ. Quan niệm chính- phụ không chỉ có ở phụ huynh, mà còn có trong cả người học, thậm chí người dạy. Đó là một suy nghĩ không đúng, cần chấn chỉnh ngay.

Ở các trường phổ thông, trước kia có giáo viên đào tạo môn Sử - Chính trị trong trường Sư phạm, sau này chuyển sang dạy GDCD. Nhưng số này cũng rất khiêm tốn so với các môn học khác. Ngay trong nhà trường, việc dạy môn GDCD cũng bị chính giáo viên xem nhẹ. Một số người chịu trách nhiệm việc phân công chuyên môn thì quan niệm tất cả mọi người đều có thể dạy được môn học này. Vì thế, khi phân công chuyên môn, thường phân dạy kèm thêm GDCD cho đủ cơ số giờ quy định.

Người dạy có khi “tranh thủ” tiết GDCD để dạy môn khác của mình. Nhất là giáo viên Tiểu học, thường  dạy tiết đạo đức rất qua loa, lên lớp chủ yếu cho học sinh đọc sách giáo khoa, học thuộc lòng phần “bài học”, mà không chịu đầu tư công phu cho bài giảng. Tệ hại hơn, có người còn tranh thủ dạy bù chương trình toán, văn trong giờ GĐC. Khi được hỏi, chống chế “học trò kém toán văn quá nên phải kèm thêm”. Vì cách dạy như vậy nên học sinh cũng “coi thường” môn GDCD. Đây là một môn học không thể thiếu để hình thành nhân cách cho các em. Từ chỗ người dạy không chú tâm dẫn đến học sinh coi thường, phụ huynh cũng xem nhẹ môn học ấy.

Môn học này tuy không tham gia trực tiếp đến các kỳ thì “quan trọng” như đã nói, nhưng có một vai trò hết sức quan trọng trong giáo dục. Đây là môn học giáo dục đức dục hướng các em đến những chuẩn mực đạo đức của xã hội. Nếu các em làm theo đúng những chuẩn mực ấy thì sẽ phát triển trở thành con người toàn diện.

Nếu xem kỹ chương trình cả cấp học thì thấy: Suốt mấy cấp học đều phân bố cả phần giáo dục đạo đức (giúp các em hình thành nhân cách), cả phần pháp luật (giúp các em hiểu được những kiến thức pháp luật liên quan đến lứa tuổi, đặc biệt những vấn đề tuổi vị thành niên cần biết). Trong từng bài, ngoài phần bài học đã được tìm hiểu thông qua các dẫn chứng cụ thể người thật việc thật, trong phần bài tập còn có nhiều tình huống yêu cầu các em đưa ra cách ứng xử của mình thông qua việc thảo luận nhóm, từ đó trang bị kỹ năng sống cho các em.

Ngoài ra, học môn GDCD, các em còn được tham gia sắm vai thể hiện cách giải quyết các tình huống cụ thể. Nếu người dạy biết kết hợp tốt các phương pháp đàm thoại, tổ chức trò chơi, hoạt động nhóm, sắm vai… thì tiết học sẽ rất hấp dẫn. Nếu giáo viên biết kết hợp tốt, tạo hứng thú học tập cho các em thì đã góp phần phát triển con người toàn diện và môn học GDCD sẽ không còn là môn phụ mà còn được coi là môn “chính” nhất.

Thông qua việc hình thành nhân cách, các em có ý thức hơn, có hành vi ứng xử chuẩn mực hơn, từ đó giảm thiểu bạo lực học đường, góp phần xây dựng trường học thân thiện. Mỗi học sinh sẽ hình thành thói quen tổt, nhân cách tốt, biết kính trọng ông bà cha mẹ, biết phân  biệt phải trái, biết ứng  xử chuẩn hơn. Và khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu  học văn” sẽ được thực hiện tốt hơn.

Nên dạy môn GDCD như thế nào?

 Việc dạy GDCD không chỉ đơn thuần là đọc bài trong SGK và học thuộc lòng phần “Bài học” như đã nói, mà phải có phương pháp học tập giảng dạy đúng.

Trước hết người dạy phải thấy yêu môn học mà mình sẽ dạy, từ đó đào sâu phương pháp, tìm tòi kiến thức dẫn chứng cụ thể trong thực tế cuộc sống để đưa vào bài học cho phong phú, tiết dạy có hiệu quả hơn. Việc thiết kế các trang trình chiếu (PowerPoint) để tạo hứng thú trong học tập cũng là một cách làm hiệu quả, ứng dựng công nghệ thông tin vào giảng dạy.
Thật đáng mừng, từ 3 năm trở lại đây, trong các kỳ thi học sinh giỏi, thi giáo viên giỏi cấp THCS, một số địa phương đã đưa môn GDCD vào tham dự như mọi môn học khác. Ở các trường sư phạm cũng đã có đào tạo chuyên môn GDCD (tuy mới chỉ là hình thức đaò tạo ghép: Văn - GCCD;  Sử - GDCD…)

Dạy môn GDCD không chỉ thông qua các tiết dạy trên lớp, mà còn phải kết hợp với các tiết Hoạt động ngoài giờ lên lớp (HĐNGLL). Tháng 10/2010 vừa qua Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức kỳ thi giáo viên giỏi môn HĐNGLL cho giáo viên THCS. Điều này đã gây hứng thú với tất cả người dạy và ngừơi học môn GDCD, nâng vị thế cuả môn học này lên. Ngoài việc đưa kiến thức đạo đức pháp luật lồng ghép vào HĐNGLL, các chương trình sinh hoạt dưới cờ (theo chủ điểm tháng) đã khơi gợi cho các em ý thức về rèn luyện đạo đức, vận dụng kiến thức đã học của môn GDCD vào việc trả lời các câu hỏi, ứng xử các tình huống đã đặt ra…

Dạy GDCD không chỉ hoàn toàn sách vở như nhiều người đã quan niệm sai lầm. Người dạy GDCD phải biết tích hợp các môn học khác và những hiểu biết xã hội cuả mình như môn văn, kiến thức xã hội, chính trị, thời sự…). Nó giúp chúng ta giáo dục các em toàn diện hơn, giúp cho việc học và tiếp thu các môn học khác tốt hơn.

Về việc tổ chức các hoạt động kết hợp bổ trợ cho môn học này, theo tôi, chúng ta nên tổ chức nhiều cuộc hội thảo theo từng chủ đề (ví dụ: “Chăm sóc sức khoẻ sinh sản”, “Kiến thúc phòng chống HIV/AIDS” cho học sinh lớp 8,9. Cách ứng xử một tình huống cụ thể đối với hoc sinh khối 6-7. “Việc thực hiện các hành vi chuẩn mực đạo đức ở quanh em” với các khối tiểu học). Hội thảo có thể tổ chức giữa các khối lốp, có thể cả trường, có thể kết hợp nhiều trường thành một diễn đàn… Để làm tốt việc này đòi hỏi các ban ngành đoàn thể đều vào cuộc, đặc biệt là phụ huynh học sinh.

Gần đây ngành giáo dục cũng đã tổ chức nhiều chuyên đề cấp quận huyện, cấp cụm trường cho môn GDCD. Việc tham gia các chuyên đề này đã giúp cho các giáo viên được phân công dạy môn GDCD có thêm “hành trang” để cùng đi đến một phương pháp dạy thống nhất, chuẩn hơn. Các sáng kiến kinh  nghiệm cuối năm học cũng đã thấy xuất hiện một số sáng kiến hay về môn GDCD (như sáng kiến “Tích hợp một số phương pháp trong giảng dạy môn GDCD “ của trường THCS Minh Khai - Hoài Đức - Hà Nội năm học 2008 - 2009 đã đạt giải B cấp Sở)…

Tất cả mọi môn học đã đưa vào giảng dạy trong nhà trường đều cần thiết cho học sinh, không hề có môn nào “chính” môn nào “phụ”, mà hoàn toàn chỉ là do quan niệm sai lầm của chúng ta. Dạy môn học đó như thế nào để học trò hứng thú học, và các bộ môn ít giờ cũng được các em coi là “chính” như các môn nhiều giờ, ngoài sự chuyên sâu, còn đòi hỏi cái tâm cuả người đứng lớp. Hy vọng rằng với phong trào xây dựng “Trường học thân hiện, học sinh tích cực”, các thầy cô giáo sẽ giáo dục các em trở thành những con người toàn diện, cả về tài năng và đạo đức, hành xử có văn hoá.

Diệp Nguyễn

 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất