Thứ Sáu, 22/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 12/8/2017 20:36'(GMT+7)

Tinh giản biên chế, cần kiên trì, kiên quyết

Báo cáo cho biết, tính đến hết năm 2016, tổng số lượng người làm việc vượt biên chế công chức tại các tổng cục thuộc bảy bộ, cơ quan ngang bộ là 3.137 người (vượt 3,5%), tại các vụ, cục thuộc 14 bộ, cơ quan ngang bộ là 1.234 người (vượt 8,6%). Trong đó, có những bộ sử dụng vượt với tỷ lệ cao, khoảng 30 đến 50%. Thí dụ, các tổng cục thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư sử dụng vượt 1.936 biên chế (vượt 32,28%); các tổng cục thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vượt 141 biên chế (vượt 45,63%).

Tương tự, ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thực trạng này đã đến mức báo động. Có 31 tỉnh, thành phố sử dụng vượt tổng cộng 6.376 biên chế tại các đơn vị hành chính thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Trong đó, nhiều nơi vượt với tỷ lệ cao, như: TP Hồ Chí Minh (29,74%), TP Hải Phòng (19,15%), Khánh Hòa (45,68%), Bạc Liêu (51,46%). Có 34 tỉnh, thành phố sử dụng vượt tổng cộng 4.463 biên chế tại các đơn vị hành chính thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, nhiều nơi vượt với tỷ lệ cao, thí dụ: Quảng Ninh (39,97%), Hà Giang (18,57%), Quảng Nam (18,65%), Quảng Ngãi (19,98%), Khánh Hòa (46,41%), Kon Tum (28,86%), Bạc Liêu (36,55%)…

Biên chế khối đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành, địa phương cũng tăng nhanh. Giai đoạn 2015 - 2016, mặc dù thực hiện TGBC theo Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, nhưng biên chế sự nghiệp vẫn tăng 5.401 người. Bên cạnh đó, biên chế đội ngũ người hoạt động không chuyên trách ở cấp thôn, tổ dân phố (có hưởng phụ cấp) mặc dù quy định một số chức danh không quá ba người, nhưng thực tế có ít địa phương thực hiện đúng quy định, mà thường bố trí từ năm đến bảy người, thậm chí có nơi bố trí tới 13 người. Thực trạng này dẫn đến số lượng người hoạt động không chuyên trách tăng hơn 130 nghìn người trong giai đoạn 2011 - 2016.

TGBC là việc khó vì động chạm lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Điều này thể hiện rất rõ khi thời gian qua, đối tượng TGBC chủ yếu tập trung vào nhóm người nghỉ hưu trước tuổi (khoảng 90%) và một số đối tượng khác mà chưa tập trung vào đúng đối tượng cần TGBC là những người có đạo đức công vụ, năng lực yếu kém. Trong khi đó, hạn chế của công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức chậm được khắc phục; chưa xây dựng được cơ chế, chế tài gắn quyền hạn với trách nhiệm của người đứng đầu để buộc họ phải thực hiện mạnh mẽ việc TGBC.

Vì thế, cùng với việc cần nhanh chóng khắc phục những hạn chế nêu trên, quá trình thực hiện TGBC cần đặt trong mối quan hệ với cải cách thể chế, cải cách bộ máy hành chính nhà nước. Việc ban hành chính sách, pháp luật không được mang tính một chiều, áp đặt, mà cần đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ, phù hợp điều kiện thực tế từng bộ, ngành, địa phương, tránh tình trạng “cào bằng biên chế” dẫn đến “nơi thừa người thiếu việc, nơi thừa việc thiếu người” như hiện nay. Cơ quan nhà nước cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước, những công việc không nên làm hoặc làm nhưng hiệu quả thấp thì nên xã hội hóa để tận dụng nguồn lực xã hội, thực hiện TGBC, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính. TGBC cũng cần quyết tâm cao điều chỉnh, sắp xếp lại cho bằng được bộ máy tổ chức tinh gọn, phù hợp, giảm đầu mối, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc “việc Nhà nước đến đâu, bộ máy quản lý đến đó”.

Vĩnh Khang/Nhân dân

 
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất