(TG) - Cách đây 66 năm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc.
Kể từ đó, ngọn cờ tư tưởng Thi đua ái quốc của Người đã trở thành phong
trào cách mạng của quần chúng nhân dân thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân,
toàn quân ta trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất
đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nhân dịp kỷ niệm 66 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2014) và thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học: “Tính thiết thực, hiệu quả trong các phong trào thi đua yêu nước hiện nay - Cơ sở khoa học-Thực tiễn” .
Hội thảo nhằm làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về bản chất của thi đua, phong trào thi đua và phong trào thi đua yêu nước để khẳng định tính thiết thực, hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước hiện nay, đồng thời vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào tổ chức thắng lợi các phong trào thi đua yêu nước hiện nay, theo tinh thần Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị.
Chủ trì Hội thảo có đồng chí Phạm Văn Linh, Uỷ viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (TĐKT) Trung ương, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương.
Báo cáo đề dẫn Hội thảo, đồng chí Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng TĐKT Trung ương, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương cho rằng: Tính thiết thực, hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước hiện nay là một chủ đề rộng lớn và sâu sắc. Hội thảo đề cập đến nội dung về công tác thi đua, khen thưởng và việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng của Bác trong những năm qua, để cùng nhau thảo luận, đề ra các giải pháp để tổ chức các phong trào thi đua yêu nước mang lại hiệu quả, thiết thực hơn theo tư tưởng của Bác.
Những nội dung mang tính lý luận và thực tiễn các đại biểu và các nhà khoa học dự Hội thảo cần thảo luận, làm sáng tỏ như: Vị trí, vai trò và tầm quan trọng của phong trào thi đua yêu nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng trong tổ chức phong trào thi đua trong giai đoạn công nghiệp hóa-hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; xây dựng, nêu gương và nhân rộng các điển hình, nhân tố mới trong các phong trào thi đua trong giai đoạn hiện nay; phong trào thi đua yêu nước gắn với việc thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và Chỉ thị 03-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc tạo động lực thúc đẩy và phát triển các phong trào thi đua yêu nướchững biện pháp nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo quản lý làm công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay.
|
Bác Hồ với các đại biểu dự Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và
cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất tại Kim Bình (5-1952).
|
Các đại biểu đều khẳng định tính thiết thực, hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước hiện nay là một chủ đề rộng lớn và sâu sắc. Những năm qua, công tác thi đua, khen thưởng đã có tác động tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ngày càng vững mạnh. Phong trào thi đua yêu nước được phát động rộng khắp trong cả nước, được tổ chức sâu, rộng, từng bước đổi mới nội dung, hình thức phát động thi đua, bám sát thực tiễn nhiệm vụ của mỗi địa phương, mỗi cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên từ thực tiễn thực hiện công tác thi đua, khen thưởng, các đại biểu đều khẳng định vẫn còn phát triển chưa đồng đều, liên tục, nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị; việc bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến còn chưa thực sự được quan tâm…
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Phạm Văn Linh, Uỷ viên Hội đồng TĐKT Trung ương, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Trong giai đoạn hiện nay, trước sự phát triển nhanh về kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng cùng với công cuộc xây dựng và bảo vệ chủ quyền của đất nước, để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác thi đua, khen thưởng, việc nghiên cứu, lý luận và thực tiễn về tính thiết thực, hiệu quả của phong trào thi đua là hết sức cần thiết. Phong trào thi đua cần phải được đổi mới về nội dung và hình thức để thiết thực góp phần vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đó là những nội dung căn bản chúng ta cần nghiên cứu, vận dụng và phát triển trong điều kiện lịch sử mới và tình hình nhiệm vụ mới của đất nước. Tất cả các ý kiến tại hội thảo cho chúng ta có cái nhìn sâu hơn, đa chiều hơn, có tính phản biện hơn về tính hiệu quả, thiết thực của các phong trào thi đua trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, từ đó góp phần quan trọng vào việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng./.
Duy Hưng