Thứ Ba, 17/9/2024
Thi đua yêu nước
Thứ Tư, 12/2/2014 22:15'(GMT+7)

Nông dân sản xuất giỏi, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới

Xây dựng cánh đồng lúa chất lượng cao, an toàn, đạt tiêu chuẩn Global GAP gắn với phát triển giao thông nông thôn

Xây dựng cánh đồng lúa chất lượng cao, an toàn, đạt tiêu chuẩn Global GAP gắn với phát triển giao thông nông thôn

Xuất thân là một nông dân nghèo, không đất sản xuất, anh Siêng từng phải đi cắt lúa mướn để mưu sinh qua ngày. Đến năm 1992, anh Trần Văn Siêng bắt đầu mua máy suốt lúa để đi suốt lúa thuê cho nông dân theo kiểu “cha truyền con nối”. Do chỉ là máy suốt lúa truyền thống nên trung bình mỗi vụ, anh chỉ suốt được khoảng 30 - 40 ha, cho thu nhập khoảng 50 - 60 triệu đồng/năm. Sau thời gian tích cực lao động, dần dần anh cũng tích luỹ được một số vốn kha khá để mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Từ số tiền tích cóp, dành dụm được, năm 2012, anh đầu tư 530 triệu đồng mua một máy gặt đập liên hợp hiệu Kubota DC 60 do Nhật Bản sản xuất, để làm nghề gặt đập thuê trên khắp các cánh đồng lúa trong và ngoài tỉnh. Chiếc máy này có công suất gặt đập khoảng 60-70 ha/vụ, gấp đôi so với máy suốt lúa truyền thống trước đây.

Từ khi có chiếc máy gặp đập liên hợp hiện đại này, công việc làm ăn của anh ngày thuận lợi và thu nhập cũng gia tăng. Chỉ một năm sau đó, anh Siêng tiếp tục mua thêm một chiếc máy gặt đập liên hợp cùng loại với chiếc máy trước, với giá thành hơn 500 triệu đồng, để mở rộng quy mô gặt đập lúa thuê sang các cánh đồng lúa ở tận các tỉnh Đồng Tháp, An Giang… Hiện nay, 2 chiếc máy gặt đập liên hợp trị giá hơn 1 tỷ đồng này, mỗi vụ gặt đập được khoảng 150 ha lúa. Anh Siêng cho biết: Mỗi năm ở 3 vụ gặt đập lúa thuê, sau khi trừ chi phí anh còn thu lãi hơn 300 triệu đồng. Ngoài làm nghề gặt đập lúa thuê, anh Siêng còn có 1 ha sản xuất lúa, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Anh Siêng nhẩm tính, mỗi năm thu lãi hơn 350 triệu đồng từ gặt đập lúa thuê và trồng lúa.

Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Trần Văn Siêng còn hăng hái, tích cực góp sức cùng chính quyền địa phương trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Cuối năm 2013, anh đã hiến 500 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn Nam Thạnh Hòa Đông, phục vụ cho việc đi lại, vận chuyển hàng hoá của bà con trong vùng. Anh Siêng cho biết: Trước đây, việc đi lại của bà con rất khó khăn do tuyến đường này thường xuyên sình lầy, trơn trợt mỗi khi vào mùa mưa. Do đó, anh đã tự nguyện hiến đất để chính quyền địa phương làm đường giao thông nông thôn. Ngoài hiến đất, anh Siêng còn dành hơn 20 triệu đồng, tráng bêtông tuyến đường có chiều ngang 2 m, dài 100 m để phục vụ đi lại cho bà con trong ấp.

Năm 2013, anh Trần Văn Siêng còn đứng ra thành lập tổ hợp tác bơm nước chống úng. Tổ có 5 thành viên tham gia, với 10 máy bơm nước. Trung bình tổ có khả năng bơm chống úng cho khoảng 90 ha/vụ. Anh Siêng chia sẻ: Do xã Thạnh Trị có đặc thù là vùng trũng nên nhu cầu bơm chống úng của bà con rất cao, nếu không chống úng tốt cho lúa thì đến khi thu hoạch sẽ bị hư hại. Từ khi tổ hợp tác bơm nước chống úng được thành lập, bà con ở địa phương rất phấn khởi do năng suất lúa được nâng lên đáng kể. Nếu như trước đây năng suất lúa chỉ đạt 4 tấn/ha/vụ, thì nay nâng lên từ 5-6 tấn/ha/vụ. Mỗi năm, tổ hợp tác bơm chống úng thu khoảng 240 triệu đồng trong 3 vụ sản xuất lúa.

Từ chỗ là một nông dân nghèo khó, nay anh Trần Văn Siêng đã vươn lên làm giàu chính đáng bằng đôi bàn tay và khối óc. Nhiều năm liền anh được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh và được chọn báo cáo điển hình tại hội nghị vinh danh nông dân sản xuất giỏi tỉnh Tiền Giang vào đầu năm 2014, vì đã có nhiều đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất