Chủ Nhật, 24/11/2024
Giáo dục
Thứ Tư, 16/11/2022 14:30'(GMT+7)

Tọa đàm “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022

Quang cảnh Tọa đàm

Quang cảnh Tọa đàm

Chiều ngày 15/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức Tọa đàm “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022.

Đây cũng là chuỗi hoạt động góp phần triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; thực hiện chương trình công tác Hội và phong trào thanh niên năm 2022 và chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022).

Tham dự buổi Tọa đàm có 68 thầy cô giáo được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" có cơ hội được giao lưu, học hỏi với các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ hàng đầu trong ngành giáo dục; chia sẻ về nghề giáo, truyền thống “Tôn sư trọng đạo” cũng như những khó khăn trong quá trình dạy và học tại địa phương.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Kim Quy mong muốn, thông qua hoạt động lần này, các thầy, cô giáo có dịp gửi gắm, chia sẻ tâm huyết của những người làm giáo dục, góp phần lan tỏa nhiều câu chuyện về tình yêu thương, chân thành, nỗ lực dìu dắt học sinh trên con đường chinh phục tri thức và hoàn thiện nhân cách. Đó sẽ là sự khơi gợi mạnh mẽ để các thanh niên, sinh viên, học sinh tiếp tục phát huy truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, thể hiện những hành động thiết thực để tri ân thầy, cô giáo; không ngừng phấn đấu, rèn luyện để không phụ công những "người lái đò" thầm lặng.

Các tham luận tham gia tọa đàm xoay quanh nhiều nội dung như: đạo nghĩa thầy trò suốt chiều dài lịch sử nước Việt; chia sẻ kinh nghiệm về kết nối tình nghĩa thầy - trò với những học sinh “có cá tính khác biệt”; chia sẻ quan điểm giáo dục tâm lý về việc làm thế nào để gìn giữ truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong thời đại mới...

Chú thích ảnh
Các thầy cô tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: Minh Đức

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam cho rằng, khi tiến hành giáo dục học sinh thì các lực lượng giáo dục phải kiên trì, chấp nhận những mặt mạnh và cả những yếu kém của trò. Thầy cô phải khách quan việc nhìn nhận, đánh giá thiếu sót, giúp học sinh thấy rõ cái lợi, cái hại để  tự lựa chọn cách ứng xử sao cho hợp chuẩn mực chung xã hội...

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để xã hội “Tôn sư trọng đạo”, cộng đồng cần hiểu rõ ảnh hưởng quan trọng của người thầy đối với sự phát triển xã hội. Giáo viên tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc và góp phần làm thay đổi nhiều cuộc đời. Nghề giáo cho các giáo viên có cơ hội để thử nghiệm nhiều ý tưởng mới mẻ và điều chỉnh ý tưởng đó ngay trong quá trình học dựa trên quan sát thực tế để làm cho tiết học trở nên thú vị, thu hút người học; do đó ưu thế này cần được tận dụng.

Chia sẻ tại tọa đàm, cô giáo Lê Thị Uyên (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) cho biết, một người thầy giỏi không chỉ truyền đạt kiến thức giỏi mà còn biết khơi gợi tinh thần hứng khởi cho học sinh. Vì vậy, giáo viên cần tìm cách tạo ra những tiết học sống động, để mỗi giờ học không còn là áp lực mà là thời gian để người thầy thắp lửa nhiệt huyết cũng như khơi dậy sự hứng khởi trong mỗi học trò./.

Quang Thanh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất