Thứ Năm, 21/11/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 7/11/2022 15:55'(GMT+7)

Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kỹ năng người lao động và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Phát triển kỹ năng cần được đưa vào kế hoạch quốc gia một cách nổi bật như một ưu tiên hàng đầu và là trụ cột trung tâm hỗ trợ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội dài hạn, và phải được hỗ trợ bởi nguồn tài chính của chính phủ ngày một tăng.

Do vậy, để liên kết phát triển kỹ năng với các giai đoạn chuyển đổi kinh tế cần phải định hướng lại và tái cân bằng các Hệ thống giáo dục châu Á để tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và sự đang phát triển của nền kinh tế. Điều này hoàn toàn phủ hợp cho các cấp bậc học từ giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp đến giáo dục đại học. Đồng thời, các quốc gia ở châu Á, cần phải cân bằng lại các lĩnh vực giáo dục để tái định hình môt hình giáo dục nghề nghiệp (TVET) theo các mô hình sau:

Mô hình học tập suốt đời và đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG tại Nhật Bản 

Nhật Bản đã xây dựng và phát triển hệ thống đánh giá, công nhận trình độ KNN và chính sách học tập suốt đời từ hàng thập kỷ trước tạo bước đột phá nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động, chuẩn hóa NNL quốc gia. Cơ sở nền tảng của các hoạt động trên là hai Bộ Luật: Luật thúc đẩy phát triển NNL và Luật thúc đẩy học tập suốt đời. Luật thúc đẩy học tập suốt đời Nhật Bản bao gồm 3 chính sách lớn: Khuyến khích các tỉnh thiết lập cấu trúc từ trên xuống để xây dựng chương trình, kế hoạch và cung cấp cơ hội  học tập suốt đời riêng cho địa phương dựa trên chương trình quốc gia đảm bảo phân cấp và phù hợp với điều kiện của từng địa phương; Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân hợp tác trong việc phát triển xã hội học tập suốt đời thông qua kết nối với cộng đồng và các khu vực phi lợi nhuận; Thúc đẩy sự tham gia của Bộ Thương mại Quốc tế và Công nghiệp trong việc hỗ trợ học tập suốt đời, qua đó khuyến khích các chương trình và chính sách của ngành công nghiệp tư nhân triển khai chương trình học tập suốt đời tại doanh nghiệp.

Hoạt động công nhận, đánh giá cấp chứng chỉ KNNQG được quy định tại Luật thúc đẩy phát triển NNL Nhật Bản, theo đó doanh nghiệp và người sử dụng lao động tham gia vào hoạt động đào tạo nghề, phát triển kỹ năng và năng lực hành nghề, đánh giá và công nhận KNN cho NLĐ qua nhiều giải pháp với các cơ hội khác nhau. Doanh nghiệp, người sử dụng lao động phải đảm bảo rằng NLĐ tại doanh nghiệp có cơ hội phát triển và nâng cao khả năng nghề bằng cách tham gia các loại hình đào tạo nghề nghiệp phù hợp. Việc đào tạo và phát triển kỹ năng của NLĐ được thực hiện tại nơi làm việc trong doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp kết hợp với các cơ sở đào tạo nghề công lập hoặc cơ sở đào tạo nghề tư nhân. Doanh nghiệp, người sử dụng lao động thực hiện đánh giá KNN NLĐ sau khi được đào tạo. Doanh nghiệp tham gia đào tạo hoặc cơ sở đào tạo phải đáp ứng chuẩn về chương trình đào tạo theo quy định của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.

Nhằm thúc đẩy NLĐ không ngừng phát triển, hoàn thiện kỹ năng, kiến thức đáp ứng với vị trí việc làm, tại Nhật Bản tổ chức nhiều cuộc thi KNN, như: Thi KNN quốc gia; thi KNN thế giới; cuộc thi KNN cho người khuyết tật; giải thưởng Grand Prix dành cho lao động được cấp chứng chỉ bậc 1 (lao động trình độ cao); cuộc thi tay nghề giữa lao động đã được cấp chứng chỉ KNNQG; cuộc thi KNLĐ trẻ; giải thưởng kỹ thuật viên xuất sắc; giải thưởng liên quan đến phát triển năng lực nghề do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cấp.

Đội tuyển Việt Nam dự thi và giành Huy chương Vàng tại Cuộc thi Kỹ năng nghề cơ điện tử online châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức theo hình thức trực tuyến gồm Việt Nam và các quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Malaysia.

Mô hình đánh giá, công nhận trình độ KNN cho NLĐ và phát triển KNN tại Hàn Quốc

Chính phủ Hàn Quốc ban hành Đạo luật quy định khung về trình độ chuyên môn quốc gia, kèm theo đó là hai Nghị định hướng dẫn thực thi luật được ban hành năm 1974. Năm 1976, Chính phủ Hàn Quốc thành lập cơ quan ở Trung ương (Korea Technical Qualification Testing Agency) KTQTA trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc đảm nhận nhiệm vụ tổ chức thi, đánh giá, công nhận trình độ cho hai đối tượng là kỹ sư (engineers) và thợ thủ công (craftsman). Tháng 12/1981, với sự sửa đổi Đạo luật này, trách nhiệm mà KTQTA đảm nhận được chuyển sang cơ quan Quản lý và Đào tạo nghề Hàn Quốc (Korea Vocational Training & Management Agency) thuộc Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc. Ngay sau đó, Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc đã thiết lập Ủy ban chuyên trách về hệ thống chứng chỉ chuyên môn nêu trên với 32 thành viên bao gồm các quan chức cấp cao của 21 bộ ngành, 10 chuyên gia và Thứ trưởng Bộ Lao động và Việc làm Chủ tịch ủy ban. 

Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chịu trách nhiệm toàn bộ về quản lý hệ thống chứng chỉ chuyên môn quốc gia; lên kế hoạch thi đánh giá KNN quốc gia, quản lý, giám sát thực thi pháp luật liên quan tới hệ thống chứng chỉ KNN quốc gia; ban hành hoặc bãi bỏ các loại chứng chỉ KNN quốc gia, các yêu cầu đối với môn thi lý thuyết và ứng dụng; quyết định các chuẩn; nghiên cứu để cải thiện hệ thống chứng chỉ, chính sách ưu đãi đối với NLĐ có chứng chỉ KNN quốc gia. Tổ chức phát triển NNL Hàn Quốc, HRD và Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, KCCI chịu trách nhiệm triển khai đánh giá, cấp chứng chỉ KNN quốc gia theo kế hoạch Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc phê duyệt hằng năm; lên kế hoạch tổ chức các kỳ thi đánh giá, xây dựng ngân hàng câu hỏi; đăng ký và lưu trữ.

Hệ thống chứng chỉ gồm chứng chỉ quốc gia và chứng chỉ tư nhân: Chứng chỉ quốc gia bao gồm chứng chỉ kỹ thuật là 542 nghề; Chứng chỉ chuyên nghiệp là 162 nghề (Luật sư, giáo viên, y tá); Chứng chỉ tư nhân bao gồm chứng chỉ được quốc gia công nhận là 100 nghề (quản lý CNTT...); chứng chỉ được đăng ký là 21.513 (Điều phối viên bệnh viện…); chứng chỉ trong doanh nghiệp là 130 nghề. Hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG được xây dựng hiện đại, hiệu quả, hiệu lực đáp ứng tốt nhu cầu công nhận trình độ kỹ năng NLĐ. Trung bình mỗi năm, hệ thống này triển khai đánh giá, công nhận trình độ KNN cho khoảng 4 triệu lượt lao động.

Những lao động tham gia đánh giá, được công nhận trình độ kỹ năng, cấp chứng chỉ KNN quốc gia được hưởng sự ưu đãi như nhau nếu cùng một bậc trình độ KNN và trong cùng phân loại chứng chỉ chuyên môn. Những người này được ưu tiên khi tuyển dụng, sử dụng công chức hoặc bố trí việc làm chuyên môn, trả lương, thăng tiến, bổ nhiệm.

Chương trình kỹ năng tương lai Singapore

Chương trình Kỹ năng tương lai là một chính sách được Chính phủ Singapore triển khai thực hiện từ năm 2015 nhằm hướng tới bốn mục tiêu: Hỗ trợ công dân Singapore có được những lựa chọn đúng đắn về giáo dục, đào tạo và nghề nghiệp; Phát triển hệ thống giáo dục đào tạo tích hợp, chất lượng cao đáp ứng những thay đổi liên tục của TTLĐ; Thúc đẩy người sử dụng lao động về việc công nhận và phát triển nghề nghiệp dựa vào kỹ năng và kỹ xảo và  nuôi dưỡng văn hóa để hỗ trợ và tôn vinh việc học tập suốt đời.

Chuyển đổi nghề nghiệp là một sáng kiến quan trọng của Chương trình Kỹ năng tương lai được áp dụng cho đối tượng NLĐ Singapore có tay nghề, đảm nhiệm vị trí quản lý, giám đốc điều hành trong các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và kỹ thuật viên có nhu cầu đào tạo kỹ năng để chuyển đổi việc làm, nghề nghiệp, lĩnh vực. Chương trình chuyển đổi nghề nghiệp được phân loại theo 3 chế độ sau:

- Tuyển dụng và đào tạo theo vị trí việc làm;

- Đào tạo, thực hành và bố trí vị trí việc làm;

- Cơ cấu lại doanh nghiệp, thiết kế lại vị trí việc làm, đào tạo kỹ năng.

Hệ thống trình độ kỹ năng NLĐ (WSQ) bao gồm hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia về kỹ năng giúp cho việc đào tạo, phát triển, đánh giá và công nhận về kỹ năng và năng lực cho người lao động Singapore. Cũng như hệ thống GDĐT thường xuyên (CET), thông qua chương trình kỹ năng tương lai (SkillsFuture) hệ thống chứng chỉ kỹ năng NLĐ sẽ hỗ trợ: Thúc đẩy việc công nhận kỹ năng và năng lực để tăng cơ hội phát triển nghề nghiệp, sự thành thạo kỹ năng và dịch chuyển lao động; Tăng cường việc phát triển toàn diện LLLĐ qua các năng lực và các kỹ năng chung, kỹ năng chuyên môn; Hỗ trợ phát triển nền kinh tế bởi sự chuyên nghiệp hóa kỹ năng và năng lực để thúc đẩy những nỗ lực đổi mới, cải thiện NSLĐ và chuyển đổi công nghiệp; Khuyến khích việc học tập suốt đời. Hệ thống trình độ kỹ năng là cơ sở để phát triển các chương trình đào tạo theo hệ thống chứng chỉ kỹ năng là dựa trên các tiêu chuẩn kỹ năng và năng lực được thẩm định bởi các nhà tuyển dụng, các tổ chức đoàn thể và cơ quan chuyên môn. Năm 2016, Chính phủ Singapore đã đưa vào triển khai các khung năng lực và các chương trình đào tạo dựa trên khung năng lực được cấp kinh phí và đảm bảo chất lượng bởi SkillsFuture, đây cũng là nơi có thẩm quyền cấp chứng chỉ kỹ năng.

Khung năng lực được phát triển và ban hành bởi Chính phủ Singapore với sự hợp tác với các bên liên quan như: Chủ sử dụng lao động, các hiệp hội nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể và các cơ quan chuyên môn. Khung năng lực cung cấp cho NLĐ những thông tin đầy đủ về việc làm, lộ trình nghề nghiệp, các ngành nghề đào tạo, vai trò từng vị trí công việc, những kỹ năng, năng lực hiện tại, phát sinh trong tương lai cũng như các chương trình đào tạo tương thích. NLĐ có thể sử dụng khung năng lực để lựa chọn phù hợp chương trình đào tạo để phát triển kỹ năng bản thân.     

Mô hình triển khai gói đào tạo phát triển kỹ năng NLĐ tại Australia

Hệ thống Giáo dục và Đào tạo Nghề nghiệp của Úc (VET) nhằm mục tiêu hình thành và phát triển ở mỗi công dân Australia những kỹ năng cần thiết gắn với thực tiễn môi trường làm việc tại doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu các ngành công nghiệp và để nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. Chính phủ liên bang và Chính quyền các tiểu bang, vùng lãnh thổ chịu trách nhiệm chung về giáo dục và đào tạo nghề. Trong số các chương trình đào tạo nghề Australia triển khai năm 2021 có khoảng 74% là các gói đào tạo quốc gia (National Training Packages). Các lĩnh vực đào tạo có số lượng người học tham gia nhiều nhất là Quản lý và Thương mại (19,4%), Kỹ sư và Công nghệ (14%), Văn hóa và Xã hội (13,4%).

Australia có 10 Hội đồng kỹ năng ngành đại diện cho 29 cơ quan tham vấn đào tạo ngành công nghiệp quốc gia trước đây. Vai trò chính thứ hai của hội đồng kỹ năng ngành là hỗ trợ phát triển, thực hiện và cải tiến liên tục các sản phẩm và dịch vụ đào tạo được công nhận trên phạm vi toàn quốc trong đó bao gồm cả các gói đào tạo ngành quốc gia.

Các gói đào tạo là một yếu tố chính của hệ thống Giáo dục và đào tạo nghề quốc gia, cụ thể hóa các kỹ năng và kiến thức cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả và NSLĐ tại nơi làm việc. Các yêu cầu về kỹ năng và kiến thức này được mô tả cụ thể trong các đơn vị năng lực, có thể được đóng gói thành các văn bằng được công nhận trên toàn quốc trên cơ sở phù hợp với khung trình độ quốc gia và bộ chuẩn kỹ năng được công nhận trong ngành công nghiệp. Nói cách khác, gói đào tạo là các tiêu chuẩn KNN thông qua đó làm cơ sở cho việc triển khai đào tạo, đánh giá và công nhận trình độ kỹ năng người học. Hơn nữa, các gói cho phép doanh nghiệp và người sử dụng lao động điều chỉnh các chương trình đào tạo theo nhu cầu cụ thể của ngành công nghiệp. Tính hữu ích của gói đào tạo là ở chỗ có thể được tùy chỉnh để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Người sử dụng lao động có thể đóng gói các đơn vị năng lực khác nhau để phát triển một chương trình đào tạo để cấp chứng chỉ kỹ năng cho NLĐ. Các lĩnh vực ngành nghề đào tạo thông qua các gói đào tạo bao gồm: Hàng không, An ninh, Điện lực, Công nghệ điện tử, Gas, Hàng hải, Cảnh sát, An toàn công cộng, Giao thông và Logistics, Đường sắt, Công nghệ nước.

Công nhân vận hành dây chuyền sản xuất sợi hiện đại ở Việt Nam.

Các Gói đào tạo được phát triển thông qua một quá trình tham vấn sâu rộng, dưới sự chủ trì của Ủy ban tư vấn ngành là cơ quan trực thuộc Hội đồng kỹ năng ngành. Sau 18 tháng kể từ ngày gói đào tạo được ban hành, Ủy ban tư vấn ngành chủ trì việc rà soát, điều chỉnh bổ sung các gói đào tạo. Các gói đào tạo được phát triển thông qua một quá trình tham vấn sâu rộng với nhiều bên liên quan bao gồm đại diện người sử dụng lao động, các cơ quan cấp cao, cơ quan đào tạo thuộc tiểu bang và lãnh thổ, cơ quan tư vấn đào tạo ngành.

Kinh nghiệm của Na Uy về thực hiện chiến lược phát triển kỹ năng của OECD

Chiến lược phát triển kỹ năng của OECD

Kỹ năng là một trong những nhân tố quyết định sự thành công của mỗi nền kinh tế trên thế giới trong thời đại kinh tế tri thức. Chiến lược phát triển kỹ năng của OECD sẽ cung cấp cho các quốc gia thành viên một khung chung để có thể áp dụng vào việc phân tích những thách thức, cơ hội về kỹ năng và xây dựng chính sách phù hợp phát triển kỹ năng dựa trên ba trụ cột:

- Phát triển những kỹ năng phù hợp;

- Khuyến khích và thúc đẩy các dịch vụ phát triển kỹ năng;

- Sử dụng kỹ năng một cách hiệu quả.

Chiến lược phát triển kỹ năng được OECD ban hành vào năm 2012. Năm 2019, Chiến lược được sửa đổi thành Chiến lược phát triển kỹ năng của OECD 2019, tập trung vào ba nhóm chính sách như sau:

- Phát triển kỹ năng thông qua học tập suốt đời: Mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận để duy trì và phát triển kỹ năng một cách đa dạng ngay từ lúc ấu thơ đến thời kỳ trưởng thành tham gia TTLĐ thông qua các giáo dục chính quy tại nhà trường, cơ sở đào tạo, giáo dục không chính quy, phi chính quy tại gia đình, cộng đồng và nơi làm việc;

- Sử dụng kỹ năng một cách hiệu quả tại nơi làm việc và trong xã hội: Nhằm đảm bảo quốc gia và người lao động thu được một cách đầy đủ những giá trị về kinh tế lẫn xã hội từ sự đầu tư vào phát triển kỹ năng, người lao động cần được trao cơ hội, được khuyến khích để áp dụng đầy đủ, hiệu quả những kỹ năng và năng lực hành nghề tại nơi làm việc và trong cộng đồng;

- Tăng cường quản trị hệ thống phát triển kỹ năng: Để thực hiện thành công hai nhóm giải pháp trên đòi hỏi cơ chế quản trị mạnh nhằm thúc đẩy sự phối kết hợp trong toàn hệ thống cơ quan Chính phủ, sự cam kết của các bên liên quan trong suốt tiến trình thực hiện chính sách, xây dựng hệ thống thông tin tích hợp và phân bổ nguồn lực tài chính.

Chiến lược phát triển kỹ năng của OECD 2019 bao gồm 6 Chương về 6 nội dung bao gồm: (i) Tái thiết kế hệ thống phát triển kỹ năng; (ii) Cập nhật các nội dung của Chiến lược; (iii) Các xu hướng chính tác động đến kỹ năng; (iv) Phát triển kỹ năng thông qua học tập suốt đời; (v) Sử dụng kỹ năng hiệu quả tại nơi làm việc và trong xã hội; (vi) Tăng cường quản trị hệ thống phát triển kỹ năng.

Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển kỹ năng OECD của Chính phủ Na Uy

Na uy là quốc gia thành viên của OECD đã đạt được những thành tựu về phát triển kinh tế xã hội với sự tăng trưởng bền vững và toàn diện dựa trên lực lượng lao động trình độ cao, tỷ lệ lao động có việc làm cao, lao động nhập cư có tay nghề cao, năng suất lao động cao, hệ thống phúc lợi xã hội và nguồn tài nguyên dầu mỏ. Chương trình hành động hành động của Chính phủ Na Uy hướng tới ba ưu tiên:

- Cải thiện tính hiệu quả của hệ thống phát triển kỹ năng Na uy: Đây là ưu tiên để xây dựng nền tảng thực thi một cách hiệu quả chính sách phát triển kỹ năng. Quản trị hiệu quả dựa vào quan hệ hợp tác mạnh mẽ giữa các lĩnh vực giáo dục đào tạo, việc làm và các ngành công nghiệp giúp giải quyết các thách thức về chính sách kỹ năng một cách toàn diện. Nhận thức này cần có cam kết lâu dài của các đảng chính trị và chính quyền các cấp;

- Khắc phục sự thiếu hụt kỹ năng: Phát triển kỹ năng và sử dụng một cách hiệu quả kỹ năng sẽ hỗ trợ Na Uy tăng cường năng lực nhằm đạt được các thành tựu phát triển kinh tế xã hội. Sự thiếu hụt kỹ năng và nguồn nhân lực có kỹ năng nghề là rào cản đối với tăng trưởng nền kinh tế. Trong bối cảnh thực trạng thiếu hụt nguồn cung lao động do xu hướng già hóa dân số và yêu cầu về lao động có tay nghề cao đòi hỏi Chính phủ cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa hệ thống phát triển kỹ năng và chiến lược phát triển kinh tế xã hội;

- Tăng cường đào tạo và phát triển kỹ năng cho NLĐ có kỹ năng thấp: Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức, kỹ năng lao động không chỉ là nhân tố quyết định cho đổi mới sáng tạo mà còn đảm bảo sự bình đẳng trong xã hội. Điều này phụ thuộc vào khả năng trang bị cho mọi người dân những kỹ năng cần thiết. Cùng với các quốc gia khác thuộc OECD, Na Uy cần cải thiện chính sách phát triển kỹ năng cho người lao động có kỹ năng thấp, tạo cơ hội cho họ được đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội.

Các hội đồng quốc gia về phát triển kỹ năng được thiết lập nhằm tạo ra tiếng nói chung về quan điểm và hành động giữa các doanh nghiệp để kết nối nhu cầu về lao động có kỹ năng. Chức năng của Hội đồng này là thu thập dữ liệu về kỹ năng lao động từ đó phân tích, nghiên cứu và đề xuất chính sách phát triển kỹ năng người lao động đối với hệ thống giáo dục đào tạo và đưa ra khuyến nghị về TTLĐ. Đồng thời doanh nghiệp, cơ quan quản lý và hệ thống cơ sở đào tạo cũng tương tác và phản hồi tới Hội đồng quốc gia về phát triển kỹ năng. Cơ quan chịu có thẩm quyền thiết lập và có trách nhiệm quản lý hội đồng quốc gia về phát triển kỹ năng là một Ủy ban cấp cao với cơ cấu tổ chức, sứ mệnh và nguồn lực tài chính cụ thể.

MÔ HÌNH HỖ TRỢ VỀ PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG Ở MỘT SỐ QUỐC GIA ASEAN

Quỹ phát triển kỹ năng của Singapore

Luật thuế phát triển kỹ năng được Singapore ban hành năm 1979, sửa đổi năm 2012 với mục tiêu huy động cộng đồng doanh nghiệp và đơn vị sử dụng lao động tham gia đóng góp hỗ trợ hoạt động phát triển kỹ năng thông qua hình thức nộp thuế về phát triển kỹ năng. Theo đó, mỗi doanh nghiệp phải nộp thuế sử dụng lao động có kỹ năng tính theo số lao động tuyển dụng ở mức 0,25% lương tháng đầu tiên của người lao động. Tiền thuế sẽ được góp chung vào Quỹ phát triển kỹ năng được Chính phủ giao Bộ nhân lực nước này trực tiếp quản lý. Quỹ được sử dụng vào mục đích hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động về phát triển kỹ năng, duy trì việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả và năng suất lao động thông qua chương trình Kỹ năng tương lai được Singapore triển khai từ năm 2015.

Ảnh minh họa.

Quỹ phát triển kỹ năng của Malaysia

Quỹ phát triển kỹ năng được Chính phủ Malaysia quy định trong Luật về quỹ phát triển kỹ năng ban hành năm 2004, sửa đổi năm 2006. Quỹ được Chính phủ giao Bộ nguồn nhân lực trực tiếp quản lý. Theo quy định của Luật, số dư của Quỹ phát triển kỹ năng được hình thành từ các nguồn: Nguồn vốn phân bổ từ ngân sách Chính phủ; các khoản tài trợ, quyên góp, quà tặng; nguồn thu từ các chương trình, dự án sử dụng vốn trực tiếp từ Quỹ; các khoản vốn vay; tiền kiếm được từ bất kỳ tài sản nào, đầu tư thế chấp, cho thuê; các nguồn thu hợp pháp khác. Quỹ được Bộ nguồn nhân lực quản lý, sử dụng với các nội dung:

- Cấp các khoản vay cho học viên tham gia đào tạo kỹ năng để chi trả học phí, thiết bị đào tạo, phí sinh hoạt đối với các chương trình đào tạo được Chính phủ phê duyệt;

- Bên cạnh cấp các khoản vay còn tài trợ, hỗ trợ về tài chính cho các học viên tham gia các chương trình đào tạo kỹ năng được Chính phủ phê duyệt;

- Chi phí hành chính bao gồm chi phí vật tư, lương, lương hưu, tiền thưởng cho cán bộ thuộc đơn vị trực tiếp quản lý, điều hành sử dụng Quỹ, chi phí cho các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ;

- Chi các hoạt động khác theo quy định của Luật quỹ phát triển kỹ năng.

Quỹ phát triển kỹ năng của Thái Lan

Quỹ phát triển kỹ năng được Chính phủ Thái Lan quy định tại Luật thúc đẩy phát triển kỹ năng được ban hành năm 2002. Quỹ được Chính phủ thành lập năm 1996 và được Chính phủ trực tiếp quản lý, điều hành. Trong tiến trình cải tổ nội các Chính phủ sau này, Quỹ được chuyên giao về Bộ Lao động và Phúc lợi xã và Cục phát triển kỹ năng thuộc Bộ là đơn vị trực tiếp quản lý, điều hành, sử dụng quỹ theo quy định của pháp luật. Số dư Quỹ phát triển kỹ năng được hình thành từ các nguồn: Nguồn vốn phân bổ bởi Chính phủ; Sự đóng góp của doanh nghiệp; khoản tài trợ, quà tặng; lợi tức đầu tư từ nguồn vốn lấy từ Quỹ; tiền hoặc tài sản thuộc Quỹ. Tại Thái Lan, bất kỳ doanh nghiệp nào có quy mô nhân sự trên 100 người nếu không tham gia hoạt động phát triển kỹ năng hoặc đào tạo không đạt chuẩn theo quy định đều phải đóng góp tiền vào Quỹ phát triển kỹ năng.

Quỹ được sử dụng cho các hoạt động thúc đẩy phát triển kỹ năng, bao gồm:

- Cung cấp các khoản vay cho học viên tham gia hoạt động phát triển kỹ năng;

- Cung cấp các khoản vay cho cơ sở đào tạo, tổ chức đánh giá tiêu chuẩn kỹ năng, các doanh nghiệp tổ chức hoạt động đào tạo, đánh giá tiêu chuẩn kỹ năng;

- Hỗ trợ bất kỳ các hoạt động liên quan đến phát triển kỹ năng với sự cho phép của Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội.

Các quốc gia đều thiết lập các cơ quan quản lý, điều hành Quỹ phát triển kỹ năng theo quy định của pháp luật, hoạt động theo cơ chế bán tự chủ và chịu sự quản lý nhà nước của bộ phụ trách về nhân lực hoặc lao động, phúc lợi. Về cơ bản, cơ quan điều hành, sử dụng Quỹ bao gồm đủ bốn thành phần: Đại diện từ doanh nghiệp tư nhân, cơ quan Chính phủ, các hiệp hội, tổ chức công đoàn. Trong đó phân rõ vai trò, trách nhiệm đối với mỗi thành phần tham gia cơ quan điều hành Quỹ. Việc phân bổ vốn lấy từ Quỹ hướng tới các nội dung, nhóm đối tượng sau:

- Đào tạo kỹ năng tại doanh nghiệp: Nhằm nâng cao trình độ kỹ năng, năng lực hành nghề của NLĐ tại doanh nghiệp từ đó gia tăng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp;

- Đào tạo trước khi tuyển dụng: Nâng cao trình độ kỹ năng cho NLĐ trước khi tuyển dụng vào doanh nghiệp;

- Tạo sự bình đẳng trong đào tạo và phát triển kỹ năng: Tăng cơ hội phát triển kỹ năng cho đối tượng là NLĐ yếu thế, phụ nữ và thanh niên.

Với những kinh nghiệm của những mô hình trên, việc xây dựng lộ trình học tập cho thấy việc tách rời giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông; sự phân mảnh trong các ngành của giáo dục nghề nghiệp sẽ yêu cầu các quốc gia xây dựng một cách có hệ thống một cấu trúc mới cho một hệ thống giáo dục toàn diện, bao gồm các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp cần được thiết lập tốt, sẽ cung cấp lộ trình học tập rõ ràng liên kết các loại chương trình giáo dục nghề nghiệp khác nhau đồng thời xây dựng các đường dẫn đến và đi ra giáo dục phổ thông.

Việc xây dựng Khung chuẩn kỹ năng và trình độ chuyên môn. Phát triển các chuẩn kỹ năng phù hợp với các chuẩn quốc tế cung cấp một công cụ quan trọng để xây dựng một hệ thống, hỗ trợ việc xác định các mục tiêu năng lực rõ ràng cho các chương trình giáo dục nghề nghiệp cụ thể trong khi hỗ trợ các lộ trình học tập tuần tự cho học tập nâng cao và học tập suốt đời. Những điều này có thể được liên kết với các khung trình độ quốc gia hoặc quốc tế (ví dụ: Khung tham chiếu trình độ ASEAN)./.

Vương Toàn Thắng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất