Ngày 26/12/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông (sau đây gọi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018). Chương trình này bắt đầu triển khai thay thế dần Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 từ năm học 2020-2021 theo từng khối lớp học.
Một trong những thuận lợi cho việc thực hiện chương trình Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp là ngày 14/05/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 522/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” (sau đây gọi là Đề án 522 hoặc Đề án). Quá trình thực hiện Đề án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn I tiến hành trong 3 năm (2018-2020) và giai đoạn II tiến hành trong 5 năm (2021-2025).
Như vậy, việc triển khai chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cũng bắt đầu cùng với việc triển khai thực hiện giai đoạn 2 của Đề án 522. Có thể coi đây là một thuận lợi lớn trong việc việc thực hiện nhiệm vụ phân luồng, hướng nghiệp học sinh trong quá trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này cũng cần phải có nhưng lộ trình và giải pháp cụ thể, khả thi và hiệu quả.
Trong những năm qua, mặc dù đã được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của các cấp quản lý giáo dục, dù các cơ sở giáo dục đã triển khai thực hiện Đề án 522 của Chính phủ và cũng đã thu được những kết quả nhất định, nhưng kết quả giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh ở nhà trường phổ thông vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Có thể thấy thực trạng đó do một số nguyên nhân sau đây:
Nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh của tất cả các cơ quan quản lý, trong hệ thống giáo dục cũng như các tầng lớp nhân dân vẫn chưa thực sự có những chuyển biến mạnh.
Nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp, phân luồng trong các nhà trường phổ thông cũng chưa có sự đổi mới mạnh mẽ phù hợp với đặc điểm tình hình phát triển của nền kinh tế, xã hội. Năng lực hướng nghiệp cho học sinh của giáo viên thông qua giảng dạy môn học còn rất hạn chế.
Do nhiều nguyên nhân, giáo viên thực hiện triển khai hoạt động này chỉ với vai trò kiêm nhiệm nên việc đầu tư học tập, nghiên cứu, phát triển năng lực công tác cũng như đầu tư thời gian công sức cho hoạt động này còn hạn chế. Chưa có bộ phận, giáo viên chuyên trách về công tác hướng nghiệp cho học sinh.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp, phân luồng ở các nhà trường phổ thông cũng rất hạn hẹp.
Còn thiếu các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông.
Việc huy động nguồn lực xã hội trong và ngoài nước tham gia giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông cũng chưa được quan tâm nên kết quả hầu như còn rất khiêm tốn.
Việc quản lý đối với giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông cũng chưa được làm tốt.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh theo mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được xác định trong Đề án 522 của Chính phủ, trước mắt cần chú trọng giải quyết tốt một số công việc sau:
Xây dựng lực lượng giáo viên
Trong khoản 2, Điều 66 của Luật Giáo dục 2019 đã ghi rõ: “Nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”. Vì thế, để nâng cao chất lượng giáo dục thì một trong những việc quan trọng, trước tiên, là phải xây dựng đội ngũ nhà giáo có đủ năng lực và phẩm chất để thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Trong Chương trình GDPT 2018, ở cấp trung học, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc với thời lượng nhiều hơn thời lượng của các môn học: Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật,… Điều đó có nghĩa vị thế của hoạt động này trong chương trình GDPT 2018 tương tự như các môn học bắt buộc hoặc lựa chọn khác.
Theo Chương trình GDPT 2018, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có thời lượng 105 tiết/1 năm học, trong đó thời lượng dành riêng cho hoạt động hướng nghiệp cấp trung học cơ sở 20% (21 tiết), cấp trung học phổ thông 30% (khoảng 32 tiết). Như vậy, xét riêng hoạt động hướng nghiệp cũng có thể cơ cấu mỗi trường một giáo viên chuyên môn. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, nhà trường chưa có biên chế giáo viên chuyên môn phụ trách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Để khắc phục thực trạng này, một mặt đề nghị Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nghiên cứu để có biên chế riêng cho giáo viên chuyên môn phụ trách Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp , một mặt nhà trường nên nghiên cứu, xem xét để phân công giáo viên chuyên trách mảng hoạt động này. Có thể tạm coi như đây là giáo viên giảng dạy môn “Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp” và làm nhiệm vụ kiêm nhiệm phụ trách hoạt động giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh của nhà trường (tạm gọi là giáo viên giáo dục hướng nghiệp). Chỉ khi người giáo viên được phân công chuyên trách thì mới toàn tâm toàn ý và có điều kiện để đầu tư công sức, trí tuệ cho công việc của mình.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục cần tạo điều kiện cho giáo viên giáo dục hướng nghiệp (mà lại chưa được đào tạo đúng chuyên ngành) được dự học đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng về giáo dục hướng nghiệp.