Thứ Năm, 3/10/2024
Sức khỏe
Thứ Bảy, 25/7/2009 14:45'(GMT+7)

Tọa đàm trực tuyến “Đối phó với cúm A/H1N1”

TS Nguyễn Huy Nga và TS Phan Trọng Lân- Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) tại buổi tọa đàm. Ảnh VOV

TS Nguyễn Huy Nga và TS Phan Trọng Lân- Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) tại buổi tọa đàm. Ảnh VOV

Dịch cúm A/H1N1 bắt đầu lây lan ra cộng đồng ở thời điểm học sinh sắp bước vào năm học mới, khiến dư luận lo ngại. Để tránh tâm lý hoang mang thái quá, đồng thời nhằm trang bị cho người dân kiến thức đúng để phòng chống dịch cúm AH1N1, VOVNews tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề “Đối phó với cúm A/H1N1”.

Xin cảm ơn các vị khách mời đã có mặt để tham gia chương trình.

* Thưa TS Nguyễn Huy Nga, những thông tin về phát hiện ổ dịch tại Trường trung học Ngô Thời Nhậm (quận 9, TP HCM) với hàng chục học sinh và một số giáo viên nhiễm cúm A/H1N1, và số bệnh nhân tiếp tục tăng, gây lo ngại trong dư luận. Vậy ông có thể cho biết khả năng tốc độ lây lan dịch và mức độ nguy hiểm như thế nào?

TS Nguyễn Huy Nga

TS Nguyễn Huy Nga: Vừa qua, dịch cúm A/H1N1 đã xuất hiện tại 2 trường tư thục nội trú của thành phố Hồ Chí Minh, những trường này có lượng học sinh rất lớn, (hơn 1.000 em ở trường Ngô Thời Nhiệm và hơn 2.000 em ở trường Nguyễn Khuyến), điều này gây lo lắng trong phụ huynh học sinh học ở các trường này.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh ở 2 trường này đã được ngành y tế áp dụng các biện pháp cách ly, điều trị và phân loại; tình hình học sinh nhiễm dịch đã tạm ổn, không có trường hợp nào bị biến chứng nặng, các em đã ổn định. 

Song, sau khi phát hiện các ca bệnh ở 2 trường này, một số học sinh ở 2 trường này được đưa về quê hoặc về gia đình, sau đó mới phát bệnh, ngành y tế cũng đã kịp thời cách ly và điều trị các trường hợp này, hiện chưa xuất hiện tình trạng lây lan mạnh ở những gia đình của các học sinh trở về từ 2 trường nói trên.

Sự lây lan của dịch cúm A/H1N1 rất nhanh bởi chúng ta không có sự miễn dịch, ai cũng có thể mắc. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào các biện pháp mà chúng ta áp dụng, như cách ly hay ý thức của người dân có thể hạn chế được sự lây lan của dịch cúm A/H1N1; thực hiện cách ly tại chỗ như đã áp dụng với người từ nước ngoài về Việt Nam.

Tính đến ngày hôm nay (25/7) là tròn 3 tháng Tổ chức Y tế thế giới công bố dịch cúm A/H1N1 xuất hiện đầu tiên ở Mexico, ở nhiều nước, dịch đã tràn lan khắp nơi. Như ở Singapore, có thể 1-2 tuần nữa, dịch sẽ lên tới đỉnh điểm, lan rộng trong cộng đồng; ở Thái Lan, ước tính hơn nửa triệu người đã nhiễm cúm A/H1N1 và 44 người đã tử vong tính đến ngày hôm qua (24/7); ở Singapore đã có 3 người tử vong; ở Lào có 44 ca nhiễm cúm A/H1N1, 1 người tử vong. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các ngành chức năng đã rất cố gắng để hạn chế sự lây lan của dịch. Và nếu chúng ta tiếp tục làm tốt, cả hệ thống tổ chức của ngành y tế lẫn ý thức của người dân thì dịch cúm này sẽ được hạn chế lây lan. Đến thời điểm này, Việt Nam chưa có trường hợp tử vong nào do cúm A/H1N1 và cũng chưa có trường hợp nào quá nặng bị biến chứng phải thở máy hay sử dụng các biện pháp cấp cứu. Trong khi, những nước ở xung quanh ta, các trường hợp nặng rất nhiều và tỷ lệ tử vong có dấu hiệu tăng.

Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng khả năng tử vong hoàn toàn phụ thuộc vào tốc độ lây lan của dịch trong cộng đồng. Chúng ta không thể nói trước được là Việt Nam sẽ không có trường hợp nào bị tử vong, nếu dịch lan truyền mạnh trong cộng đồng, nhiều người bị mắc, đặc biệt những người bị các bệnh mãn tính như tim mạch, bệnh phổi, bệnh lao, bệnh HIV, bệnh hen, trẻ em suy dinh dưỡng và cả những người béo phì rất dễ bị tử vong. Số người mắc dịch trước đây vào Việt Nam thường là Việt kiều, những người nước ngoài, học sinh… có tình trạng sức khoẻ tốt, được ngành y tế phát hiện sớm và điều trị nên chưa xảy ra trường hợp tử vong nào. Nhưng nếu chúng ta phát hiện muộn và không có sự chăm sóc tốt, hoặc tự điều trị thì có thể sẽ tử vong.

* Sắp vào năm học mới, nhiều bậc cha mẹ rất sợ khi đưa con đến trường trong tình hình dịch cúm A/H1N1 như hiện nay. Vậy có phải cứ tiếp xúc với bệnh nhân là bị lây nhiễm hay không? Cha mẹ cần phải giúp con mình như thế nào?

TS Phan Trọng Lân

TS Phan Trọng Lân: Mặc dù tình hình virus cúm A/H1N1 lây lan mạnh, tuy nhiên biểu hiện lâm sàng chưa thấy quá nặng, chưa có trường hợp tử vong, nhưng chúng ta vẫn cần phải chuẩn bị để đối phó thì tình hình dịch sẽ giảm bớt.

Việc tiếp xúc với người mắc bệnh có lây lan hay không còn phụ thuộc vào khoảng cách tiếp xúc có gần hay không của người tiếp xúc với nguồn bệnh, thời gian tiếp xúc, các biện pháp phòng hộ cũng như là tình trạng sức khoẻ của người bệnh lúc đó đặc biệt là môi trường tiếp xúc. Trong môi trường khép kín, dùng điều hoà, nhiệt độ thấp, khả năng virus lưu hành trong môi trường này là rất lớn; trong môi trường thông thoáng và có ánh sáng mặt trời thì virus sẽ không tồn tại lâu. Trong môi trường điều hoà, virus cúm A/H1N1 có thể sống đến vài tiếng đồng hồ, khả năng lây nhiễm cao.

Còn về khoảng cách tiếp xúc, về lý thuyết, bản chất lây lan của virus này khi người ta hắt hơi, ho nó sẽ bắn ra ngoài trong phạm vi khoảng 1-2m, do đó cách xa hơn khoảng cách này sẽ hạn chế được sự lây lan. Tuy nhiên, nên tránh tiếp xúc với người bị nhiễm dịch là tốt nhất. Trong trường hợp phải tiếp xúc và đi đến chỗ đông người, những vùng có nguy cơ cao… nên đeo khẩu trang. Việc đeo khẩu trang tuy không hoàn toàn có thể tránh được khả năng lây nhiễm virus, nhưng đây là biện pháp góp phần giảm sự lây lan. Yếu tố quan trọng nhất là phải thường xuyên rửa tay.

Để giúp các con mình tránh được sự lây nhiễm virus cúm A/H1N1, các bậc phụ huynh cần thường xuyên theo dõi sức khoẻ con em mình, khi sức khoẻ, loại virus này rất dễ xâm nhập vào cơ thể. Ngoài ra, các bậc cha mẹ có thể giúp con mình bằng cách: Hạn chế tối đa việc cho con tiếp xúc với người khác; Khi bắt buộc phải tiếp xúc thì nên đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng hộ khác như rửa tay bằng xà phòng; Thường xuyên hỏi han con mình về sức khoẻ và kiểm tra sức khỏe của con xem có gì bất thường không; Thường xuyên hỏi con xem ở trường, lớp, nhóm mà con mình sinh hoạt, học tập có bạn hoặc thầy cô giáo nào bị bệnh không để có các biện pháp xử lý kịp thời; Khi thấy con mình có các biểu hiện nghi bị bệnh thì phải thông báo ngay cho nhà trường hoặc cơ quan y tế gần nhất. Hợp tác đầy đủ và tuân thủ nghiêm ngặt những biện phòng chống dịch bệnh của nhà trường và cơ quan y tế đưa ra.

* Xin TS. Nguyễn Huy Nga cho biết, hiện phác đồ điều trị cho các bệnh nhân cúm A/H1N1 như thế nào và hiệu quả đến đâu?

TS Nguyễn Huy Nga: Ngày 25/4/2009, WHO công bố dịch cúm AH1N1 và chỉ vài ngày sau đó Việt Nam đã có phác đồ điều trị. Và hơn 1 tháng sau, Việt Nam mới bị cúm A H1N1 xâm nhập. Dựa trên những kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm của Việt Nam mà chúng ta xây dựng được phác đồ đó. Khi cúm xâm nhập vào Việt Nam, chúng ta áp dụng đúng phác đồ này của Bộ Y tế ban hành về chẩn đoán, điều trị rất hiệu quả và không có biến chứng nặng. Chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì phác đồ điều trị này.

Trong tương lai, ngành y tế Việt Nam sẽ kết hợp với các tổ chức y tế của các nước trên thế giới để nghiên cứu về sự biến đổi, kháng thuốc... để có sự điều chỉnh.

* Việt Nam đã có kế hoạch gì để đối phó với tình huống dịch lan rộng, thưa ông?

TS Nguyễn Huy Nga: Chúng ta đã có kế hoạch quốc gia phòng chống đại dịch được phê duyệt từ tháng 6/2009. Kế hoạch này đã chia ra từng bước: giai đoạn 1 - dịch chưa có ở Việt Nam, giai đoạn 2 – bao gồm 2a- dịch xâm nhập rải rác và 2b dịch lan ra cộng động. Hiện nay đang là giai đoạn đầu của 2b. Từng địa phương, đơn vị đều có kế hoạch phòng chống dịch cho từng giai đoạn. Cho nên, ở giai đoạn nào thì chúng ta sử dụng hướng dẫn ở giai đoạn ấy.

* Thưa TS Phan Trọng Lân, triệu chứng đáng lưu ý nhất của cúm A/H1N1 khác với cúm thông thường là gì (để người dân dễ nhận biết) và người ta phải làm gì khi nhiễm cúm? Một độc giả của VOVNews cho biết, từ dịch cúm gà lần trước, chị có nhờ mua một số thuốc Taminflu và hiện giờ vẫn còn hạn sử dụng. Vậy, nếu phát hiện triệu chứng bệnh thì có thể tự điều trị được không?

TS Phan Trọng Lân: Chủng virus cúm A/H1N1 năm 2009 so với chủng cúm thông thường không có gì khác biệt về biểu hiện lâm sàng bên ngoài (sốt, ho, đau mình mẩy). Tuy nhiên, ở dịch cúm lần này thì có một số trường hợp bị tiêu chảy. Biểu hiện bệnh cũng khác nhau ở nhiều nước, ví dụ ở Thái Lan tỷ lệ bị tiêu chảy cao hơn, còn ở Việt Nam thì tỷ lệ này ít hơn. Nhưng nhìn chung, ở Việt Nam phần lớn các trường hợp nhiễm dịch đều do xâm nhập. Do đó bức tranh tổng thể về dịch tễ học của bệnh này vẫn đang còn được nghiên cứu tiếp.

Còn về sử dụng Taminflu: thuốc cần được sử dụng theo chỉ dẫn của thày thuốc. Tuy nhiên, đặc điểm khi sử dụng Taminflu rất dễ bị nhờn thuốc, do đó cần phải thận trọng khi dùng thuốc điều trị. Khi mắc bệnh, bạn cần có sự tư vấn của cơ sở y tế gần nhất và có thể liên lạc theo các đường dây nóng trên địa bàn chứ không được tự ý sử dụng thuốc. 

* Một số người nghĩ rằng, mắc cúm A H1N1 là tử vong. TS. có lời khuyên nào với quan điểm này?

TS Phan Trọng Lân: Tôi không nghĩ như vậy, vấn đề là tuỳ thuộc vào thời điểm nào. Với những con người bình thường như bây giờ thì khi nhiễm virus chưa đến mức tử vong ngay. Tuy nhiên, sự biến đổi của virus cúm A H1N1 ở Việt Nam là không lường được. Ví dụ đại dịch cúm năm 1918 đã có biến đổi rất nhanh trong vòng mấy tháng thành chủng gây tử vong rất lớn.

Nếu chủng H1N1 kết hợp được với H5N1, một chủng lây lan nhanh và một chủng gây tử vong cao thành một chủng vừa lây lan nhanh vừa gây tử vong cao, lúc đó khả năng tử vong sẽ cao hơn.

* Xin TS cho biết, có khoảng thời gian nhất định nào từ khi nhiễm cúm đến tử vong hay không?

TS Phan Trọng Lân: Cho đến nay, Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong. Theo báo cáo, một số nước đã có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, dựa trên tỷ lệ này thì chưa thể đánh giá được khoảng thời gian từ khi nhiễm cúm đến tử vong. Vì các đánh giá đều dựa trên các ca dương tính. Thực tế, số lượng ca mắc rất nhiều do đó, về mặt dịch tễ học chúng ta chưa đánh giá được thế nhưng con virus cúm này thì có thời gian ủ bệnh từ 7 ngày, 5 ngày, 1 ngày, tuỳ thuộc vào tình hình sức khỏe của mỗi người .

Điều quan trọng là người nhiễm bệnh phải đến các cơ sở y tế kịp thời khi có biểu hiện bệnh để có sự hỗ trợ, tránh được tử vong, đặc biệt với các đối tượng nguy cơ cao (người mắc bệnh mãn tính, phụ nữ có thai, người già, trẻ em). Những đối tượng này khi có biểu hiện bất thường kết hợp với các yếu tố liên quan là tiếp xúc với người mắc cúm A, hay sống trong vùng có dịch thì phải đến các cơ sở y tế ngay.

* Thưa Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, như ông cho biết, ở Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong do cúm A/H1N1, vậy có phải chủng virus cúm này ở Việt Nam nhẹ hơn, các chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng chủng virus cúm A/H1N1 ở Việt Nam nhẹ hơn, vậy ông lý giải gì về vấn đề này?

TS Nguyễn Huy Nga: Hiện nay, theo nghiên cứu của các nước và của Việt Nam, chủng cúm A/H1N1 ở các nước đều giống nhau, tức là ở Mỹ, Mexico, Việt Nam, Thái Lan và các nước khác, bản chất của virus này, độ độc tính của virus này là như nhau. Do đó chúng ta không thể nói rằng chủng virus này ở Việt Nam là nhẹ hơn.

Tuy nhiên, như trên tôi đã nói, do Việt Nam có sự phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đồng thời có những hướng dẫn cho người dân và người bệnh thực hiện đúng quy định của bác sĩ do đó ở Việt Nam chưa có ca tử vong nào. Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục có những nghiên cứu về phân tích gene, virus học để biết loại virus cúm A/H1N1 ở Việt Nam diễn biến ra sao và đề phòng trường hợp virus này biến đổi lúc nó kết hợp với các loại virus khác đang lưu hành ở Việt Nam cũng như với virus rất nguy hiểm cúm A/H5N1.

Tuy nhiên, cho đến nay, chủng virus cúm A/H1N1 chưa có biến đổi nào và cũng không có gì khác với các virus cúm A/H1N1 trên thế giới. Điều này là rất quan trọng bởi chúng ta phải chuẩn bị sử dụng các loại vaccine được sản xuất đồng loạt cho cả thế giới. Nếu có sự thay đổi bản chất virus cúm A/H1N1, người ta phải thay đổi cả vaccine để đáp ứng đúng loại virus hiện hành.

* Tiến sĩ Nga vừa nói đến sự kết hợp giữa virus cúm A/H1N1 với một số loại cúm khác ở Việt Nam, nhiều người lo ngại sẽ có sự liên kết giữa cúm A/H1N1 với cúm A/H5N1. Theo TS Phan Trọng Lân, cơ chế này có xảy ra hay không và ông có lời khuyên gì với cộng đồng để chuẩn bị cho tình huống này xảy ra?

TS Phan Trọng Lân: Ngành y tế Việt Nam và thế giới đang giám sát rất chặt chẽ diễn biến của virus cúm A/H1N1. Tại Việt Nam có 15 điểm giám sát thường xuyên các chủng virus tại Việt Nam, và hiện tại chưa có dấu hiệu của sự biến đổi. Tuy nhiên, bản thân virus cúm nói chung cũng như virus H1N1, sự biến đổi không thể lường trước được. Cách đây 4 tháng, không ai nghĩ rằng sẽ xuất hiện đại dịch chủng cúm A/H1N1, người ta vẫn nghĩ rằng chủng cúm tiềm năng là đại dịch cúm H5N1. Tuy nhiên hiện nay H5N1 chưa có, nhưng H1N1 đã xuất hiện. Chỉ trượt một đoạn gen là loại virus này đã có sự biến đổi.

Để hạn chế thấp nhất nguy cơ virus cúm A/H1N1 kết hợp với virus cúm A/H5N1, chúng ta chỉ có cách là phòng chống và hạn chế tối đa sự lây lan của cả hai dịch cúm này trong cộng đồng. Nếu dịch ở mức độ nhẹ, mầm bệnh (virus) tồn tại trong môi trường ít thì khả năng 2 virus gặp nhau để kết hợp với nhau sẽ thấp hơn. Mọi người dân cần thực hiện tốt các biện pháp để phòng bệnh cúm A/H1N1 và bệnh cúm A/H5N1.

Với cúm A/H1N1, chúng tôi khuyến cáo mạnh mẽ mọi người dân và cộng đồng thực hiện nghiêm túc các biện pháp sau đây để phòng bệnh: Những người đến Việt Nam từ vùng đang có dịch cần tự chủ động cách ly, hạn chế tối đa các tiếp xúc với người xung quanh trong thời gian 7 ngày, thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân. Khi có các biểu hiện của bệnh như sốt, ho, đau họng thì thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và gọi điện báo cho những người thân mà mình mới tiếp xúc để họ chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Không vận chuyển người bệnh hoặc người nghi bị bệnh đến bệnh viện bằng phương tiện vận tải công cộng, đặc biệt là máy bay vì dễ làm lây lan bệnh ra cộng đồng. Khi tiếp xúc với người bệnh, người nghi ngờ mắc cúm A/H1N1 hoặc đến từ vùng có dịch và có biểu hiện sốt, ho, đau họng thì cách ly trong thời gian 7 ngày.

Mọi người dân tự bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hoá chất sát khuẩn thông thường, che miệng khi bị ho, không khạc nhổ bừa bãi. Những người mắc bệnh mãn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần đặc biệt quan tâm tới tình trạng sức khoẻ của mình, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, khi có biểu hiện bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khá, chữa kịp thời, hạn chế biến chứng nặng và tử vong.

Khi có biểu hiện nghi ngờ cúm A/H1N1 hãy thông báo theo đường dây nòng của Sở Y tế trên địa bàn, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, đồng thời thông báo cho Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng và Môi trường) theo số điện thoại đường dây nóng: 0989671115, fax: 04.37366241, email: baocaodich@gmail.com.

* Việc kiểm soát lây nhiễm cúm A H1N1 có lẽ là rất khó khăn, vì nhiều người còn giấu bệnh, khi có bệnh thường để tự điều trị ở nhà. Vậy ngành y tế sẽ có biện pháp gì để kiểm soát tốt dịch trong cộng đồng, đặc biệt là việc phát hiện sớm những người bị nhiễm bệnh, thưa ông Nguyễn Huy Nga?

TS Nguyễn Huy Nga: Việc giấu bệnh thì chúng tôi chưa được nghe báo cáo. Vì thế hầu hết các ca bệnh ở Việt Nam đều được điều trị. Rất nhiều người đã tự tìm đến bệnh viện và xin được xét nghiệm. Tất nhiên là không tránh khỏi có những người ngại đến bệnh viện và tự điều trị ở nhà. Chúng tôi khuyến cáo không nên tự điều trị ở nhà mà cần phải có sự hướng dẫn của cán bộ y tế.

Theo tôi, chúng ta cần đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền cho người dân biết và thực hiện để tránh lây lan dịch bệnh này. Để ngăn chặn dịch bệnh này, chúng tôi đã có một hệ thống giám sát ở 15 điểm.

Công tác phòng dịch hiện nay gặp một số khó khăn như sau: thứ nhất, bản chất con virus này hoàn toàn mới, chưa từng có trong lịch sử, sự lây lan mạnh. Bên cạnh đó, Việt Nam lại có mật độ dân cư lớn, đô thị hoá nhanh, ý thức người dân ở nơi này nơi kia cũng chưa thật cao trong việc sử dụng các biện pháp phòng tránh dịch bệnh cho bản thân. Thêm vào đó có nhiều gia đình, nhiều khu vực có người nghèo, người ốm đau, người có bệnh mãn tính... nên gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Một khó khăn nữa là về kinh phí. Chính phủ Việt Nam đã đảm bảo kinh phí tối thiểu, nhưng để đảm bảo được một nguồn kinh phí dồi dào như các nước (ai bị nhiễm cúm được đưa vào những khách sạn 5 sao để cách ly) thì chúng ta chưa đáp ứng được.

* Việc hợp tác quốc tế trong phòng, chống cúm AH1N1 được thực hiện như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Huy Nga: Việt Nam có sự hợp tác quốc tế rất chặt chẽ. Trước hết, chúng ta là một thành viên của WHO, cho nên Việt Nam thường xuyên nhận được thông báo của tổ chức này về tình hình dịch bệnh. Ngược lại, chúng ta cũng cung cấp cho WHO thông tin về dịch bệnh ở Việt Nam rất kịp thời, thường xuyên và được tổ chức này đánh giá rất cao.  WHO là cơ quan Liên Hợp quốc có vai trò quan trọng trong việc điều phối, giúp đỡ các quốc gia trong các vấn đề y tế cũng đang nỗ lực hết mình và hỗ trợ hiệu quả cho công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 tại Việt Nam.

Các nước, các tổ chức đều nhận thấy đây là một dịch bệnh hết sức nguy hiểm, cần phải có sự chung tay hành động của cả cộng đồng quốc tế. Việc hợp tác được thể hiện ở sự chia sẻ thông tin, chia sẻ kinh nghiệm. Các tổ chức và các nước có điều kiện thì hỗ trợ cho các nước khác về tài chính, trang thiết bị, thuốc, hoá chất... phục vụ phòng chống dịch.

* Một số độc giả vừa gửi câu hỏi tới Cục trưởng. Đây là câu hỏi của bạn Đỗ Khánh Linh: "Tôi thực sự hoang mang khi Đài TNVN đưa tin, ở thành phố Hồ Chí Minh các trường nội trú đã phải đóng cửa tạm thời để ngăn chặn dịch lây lay. Từ hai ngày nay, nhiều trường ở Hà Nội đã bắt đầu cho tập trung cho trẻ đến trường học hè (Tất nhiên là học theo yêu cầu của phụ huynh). Theo ông thì liệu Bộ y tế có nên yêu cầu các trường ở Hà Nội dừng việc học thêm của các cháu không và ngành y tế chỉ đạo như thế nào đối với công tác phòng chống dịch cúm AH1N1 ở các trường học trên địa bàn Hà Nội? Xin cảm ơn ông."

TS Nguyễn Huy Nga: Chúng tôi rất quan ngại vì từ ngày 1/8 trên cả nước có thể xảy ra những ổ dịch mới ở một số trường. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta ngừng việc học tập. Bởi dịch này sẽ còn phát triển và có thể còn kéo dài không những 6 tháng, 1 năm, thậm chí tới 2 năm. Do đó chúng ta phải có những biện pháp để vừa đảm bảo học tập cho các em mà vừa phòng chống được dịch bệnh.

Bộ Y tế đã có những hướng dẫn cho các nhà trường. Tức là mỗi nhà trường phải xây một kế hoạch cụ thể phòng chống dịch bệnh cho các em, tích cực phát hiện sớm nhất những trường hợp nhiễm bệnh. Các trường cũng phải hướng dẫn cho các em vào đầu giờ học có thể kiểm tra lẫn nhau xem có bệnh cúm, triệu chứng sốt, ho hay không để báo cáo với nhà trường hoặc cơ sở y tế gần nhất. Đặc biệt các bậc phụ huynh cũng phải hết sức lưu ý khi thấy con em mình có biểu hiện ho, ốm đau thì không nên đưa đến trường. Cha mẹ cũng phải hỏi các cháu xem ở trường có bạn nào ốm đau hay không để phòng bệnh cho con em mình và cũng có những kế hoạch để phòng khi nhà trường có dịch bùng phát và phải nghỉ tạm thời thì các em học ở nhà như thế nào...

Chúng tôi cũng khuyến cáo, nếu các em có triệu chứng ho, sốt thì nên cách ly ở nhà từ 7-9 ngày.

* Bạn Nguyễn Văn Tân hỏi: "Thưa Cục trưởng, xin cho tôi hỏi cách phòng chống dịch cúm A/H1N1, và hiện nay Việt Nam chúng ta đã có thuốc tiêm phòng dịch cho những người chưa bị nhiễm cúm hay chưa? Xin chân thành cảm ơn Cục Trưởng".

TS Nguyễn Huy Nga: Việc phòng chống cúm A/H1N1 được chúng tôi thường xuyên thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và chủ yếu chúng ta phải tự bảo vệ mình, tránh tiếp xúc trực tiếp với người bị cúm và cũng không nên đi vào những vùng có dịch mà không quá cần thiết; tránh khạc nhổ bừa bãi; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; ăn, ngủ, sinh hoạt điều độ để tăng cường sức đề kháng cúm.

Hiện nay, chúng ta chưa có vaccine để phòng chống cúm A/H1N1. Chúng ta đã có vaccine phòng chống một số loại cúm khác nhưng vaccine phòng chống cúm A/H1N1 hiện các công ty hàng đầu thế giới đang tập trung sản xuất. Đến khoảng tháng 8, 9, 10 sẽ có mẻ vaccine đầu tiên để sử dụng cho người. Có lẽ phải đến đầu năm 2010 mới có vaccine phòng chống cúm A/H1N1 cho người lưu hành rộng rãi trên thị trường.

* Bạn Hoàng Hiệp gửi câu hỏi: "Tôi hiện đang là sinh viên du học tại Anh, vừa về nước thăm gia đình 3 hôm trước. Tôi rất nhạy cảm với các bệnh về đường hô hấp, mỗi khi thay đổi thời tiết rất dễ bị cảm và sổ mũi. Gần đây tôi có theo dõi tin tức về tình hình dịch cúm A/H1N1 trên thế giới cũng như ở Việt Nam, tôi rất hoang mang, lo sợ mình cũng bị nhiễm cúm. Tôi cảm thấy hơi mệt mỏi và khó thở, ăn không ngon miệng, không biết vì thời tiết oi bức ở Việt Nam hay tâm lý căng thẳng lo sợ mình bị cúm. Tôi đã cố gắng tránh giao tiếp với các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, hiện tại tôi không bị ho, sổ mũi hay sốt. Xin hỏi, với những triệu chứng như vậy, có phải tôi đã bị cúm A/H1N1 không, có nên đến bệnh viện kiểm tra không và ở Hà Nội thì có thể khám ở đâu. Rất mong các BS sớm trả lời giải đáp thắc mắc này hộ tôi. Email: gabrieljeffry@ . Chân thành cảm ơn".

TS Nguyễn Huy Nga: Bạn Hiệp không nên quá lo lắng vì hơn 500 trường hợp bị nhiễm bệnh ở Việt Nam đến nay chưa có trường hợp nào tử vong. Điều này chứng tỏ hệ thống y tế cũng như dự phòng đã làm rất tốt, do đó không đến mức phải quá lo lắng.

Bạn về trong vòng 3 ngày tức là vẫn còn trong thời gian ủ bệnh và Anh cũng là một nước có dịch cúm lây truyền trong cộng đồng hiện đang trong giai đoạn giảm thiểu tác hại (tức là số người mắc đã rất lớn). Khả năng bạn bị mắc hoặc trong thời gian ủ bệnh chưa thể nói trước được. Do đó khả năng mắc cũng có thể. Hơn nữa khi bạn cảm thấy lo lắng thì nên gọi đến đường dây nóng của cơ quan y tế trên địa bàn để được tư vấn, cụ thể bạn có thể gọi đến số máy 0989671115 để được tư vấn.

* Tôi xin hỏi là nếu những người bị nhiễm cúm A/H1N1 rồi, sau khi được điều trị khỏi hẳn, thì có nguy cơ bị mắc lại nữa hay không? Những bệnh nhân bị nhiễm cúm được cách ly điều trị, có phải chi trả phí khám chữa bệnh hay là họ nhận sự hỗ trợ từ nhà nước và các tổ chức y tế...? (Nguyễn Ngọc Bảo Châu)

TS. Nguyễn Huy Nga: Đây là câu hỏi rất hay mà chính chúng tôi cũng đang quan tâm. Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với các tổ chức y tế của các nước của Mexico và Mỹ (những nước có những ca mắc sớm nhất) thì câu hỏi của bạn vẫn đang trong quá trình nghiên cứu (tức là sức đề kháng sự miễn dịch của họ kéo dài trong bao lâu thì vẫn chưa rõ). Thông thường sau khi bị bệnh là đã miễn dịch và không bị lại. Nhưng sự miễn dịch này có thể kéo dài 1 năm hay suốt đời thì chưa có câu trả lời. Thực tế, nếu một người vừa bị bệnh thì trong vòng vài ba tháng rất ít khi bị bệnh lại bởi khả năng miễn dịch vẫn còn.

Về kinh phí, Nhà nước chỉ đạo không thu phí những người nhiễm cúm A H1N1 đến điều trị. Các chi phí này hiện do Nhà nước chi trả, và theo bảo hiểm y tế.

* Cho tôi hỏi là virus cúm A/ H1N1 có lây lan qua đường nước như khi đi tắm biển hay đi bơi không? Và nếu các trẻ nhỏ bị nhiễm cúm được cách ly điều trị (ở bệnh viện Nhi Đồng chẳng hạn) thì cha mẹ, người thân cũng tuyệt đối không được vào thăm luôn hay sao? Và từ những trường hợp mắc bệnh vừa qua, xin các bác sĩ cho biết thông thường việc điều trị cho mỗi bệnh nhân đến lúc dứt hẳn trung bình phải mất bao nhiêu thời gian? (Lê Thị Hà)

TS Nguyễn Huy Nga: Virus cúm lây qua đường hô hấp nên lây nhiễm qua đường hắt hơi... chứ không lây qua đường nước. Nhưng khi tiếp xúc với người đi bơi bị nhiễm virus cúm A/H1N1, thì khả năng bị lây nhiễm sẽ cao hơn. Còn khi em bé đã được đưa vào điều trị, cách ly thì tốt nhất không nên có những tiếp xúc không cần thiết. Cha mẹ khi tiếp xúc với con cái cũng nên giữ khoảng cách cần thiết cũng như có các biện pháp phòng hộ.

* Cuộc tọa đàm kết thúc tại đây. Xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình!/.

TG (theo VOVNews)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất