Thứ Sáu, 4/10/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 13/7/2009 11:30'(GMT+7)

Mua bán thuốc chữa bệnh không đơn: Dễ hơn mua rau!

Cả mua lẫn bán đều không cần đơn

Phố Văn Miếu (Hà Nội) từ lâu còn được gọi là “phố thuốc” bởi ở đây tập trung rất nhiều nhà cửa hàng tân dược. Phố này “mở hàng” cũng sớm hơn mà “đóng hàng” cũng muộn hơn nhiều phố buôn bán khác, bởi người tìm mua thuốc có thể ghé lại bất cứ lúc nào. Điều đáng nói là, đây cũng là nơi bất kỳ ai cũng có thể mua thuốc, không cần đơn bác sĩ theo quy định. Người bán sẵn sàng giao thuốc cho người mua, miễn là có tiền, bất kể đó là việc làm không hợp lệ và cũng bất cần số phận người sử dụng thuốc ra sao.

Chúng tôi đã mất nhiều thời gian tìm hiểu cung cách mua bán ở đây. Ngày 11-7, lúc hơn 8 giờ tối, một phụ nữ dừng xe ngay dưới lòng đường, tạt vào một cửa hàng thuốc ở phố này, hớt hải nói với chủ hàng: “Thằng bé nhà tôi sốt và ho hơn một ngày rồi, chị xem có thuốc nào tốt không bán cho một ít”. Không cần đơn thuốc, không một lời hỏi han xem xét về bệnh tình, tuổi tác bệnh nhân, ngay lập tức người bán cúi xuống quầy hàng lấy liền một hộp kháng sinh Clamoxyl, một lọ hạ sốt Tiffy và một lọ giảm ho Muscomyst đưa ra và chỉ có đúng một câu dặn dò cụt lủn: “Cứ cho cho cháu uống theo chỉ dẫn trong hộp, nếu không bớt mai ra đây đổi thuốc khác”.

Cùng lúc đó, tại một cửa hàng ngay bên cạnh 2 người bước vào, một người hỏi mua thuốc đau dạ dày, còn một người mua thuốc chữa dị ứng nhưng đều không có đơn thuốc của bác sĩ. Vậy mà, chỉ sau vài câu hỏi lấy lệ, chưa tới 5 phút, chủ hàng thuốc đã kê xong 2 túi thuốc đầy cho cả hai vị khách.

Tình trạng cả người mua và người bán thuốc không cần đơn của bác sĩ đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều hiệu thuốc tây. Nhiều người còn cho rằng, hiện nay việc mua bán thuốc chữa bệnh còn “dễ dàng và đơn giản hơn cả việc mua con cá, mớ rau” ở ngoài chợ. Khách hàng tới hiệu thuốc chỉ cần nói tên thuốc cần mua, hay kể bệnh tình với người bán thuốc thì ngay lập tức, yêu cầu sẽ được đáp ứng với đủ các loại thuốc nội, ngoại khác nhau.

Theo ghi nhận của chúng tôi, việc mua bán thuốc không đơn không chỉ xảy ra đối với các loại thuốc phổ thông thường dùng như kháng sinh, hạ sốt, giảm đau, tiêu hóa, thuốc bổ… mà cả các loại thuốc thuộc diện nguy hiểm, bắt buộc phải bán theo đơn và theo dõi chặt chẽ người sử dụng thuốc như: thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, thuốc hiếm vẫn được không ít cửa hàng thuốc bán không cần đơn của bác sĩ.

Thậm chí hiện nay khi dịch cúm A/H1N1 lan rộng, nhiều hiệu thuốc vẫn lén lút nhập thuốc kháng virus Tamiflu về bán cho người dân, cho dù loại thuốc này theo quy định của Bộ Y tế chỉ được dùng trong bệnh viện cho người bệnh đã mắc cúm A/H1N1.

        Rước họa vào thân

Việc lạm dụng thuốc, mua thuốc không cần đơn, không cần chỉ dẫn của bác sĩ đã khiến cho không ít người lâm vào tình cảnh tiền mất mà bệnh còn nặng thêm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Tại khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, và Trung tâm chống độc của Bệnh viện Bạch Mai, tuần nào cũng phải tiếp nhận vài bệnh nhân bị dị ứng thuốc và ngộ độc thuốc do việc tự mua thuốc điều trị.

Bác N.T.H (57 tuổi), một bệnh nhân của khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng cho biết, sau hơn một ngày bị sốt, uống mấy thứ thuốc nam không khỏi, bác nhờ người thân ra hiệu thuốc mua mấy vỉ Paracetamol và Aspirin về uống cho giảm sốt nhanh. Ai ngờ vừa uống có mấy liều, toàn thân nổi mề đay, rồi mọc mụn nước. Khi được gia đình đưa tới viện, bác N.T.H đã bị dị ứng nặng, với biểu hiện gan bị nhiễm độc. Những trường hợp như vậy không hiếm.

Thực tế thì từ thuốc tiêm, thuốc uống, thuốc bôi... cũng đều cũng có phản ứng phụ nguy hại cho cơ thể nếu lạm dụng và sử dụng không có hướng dẫn của thấy thuốc. Tuy nhiên dị ứng và ngộ độc thuốc thường gặp nhất là các loại thuốc kháng sinh, chiếm tới trên 70%, tiếp đến là các loại thuốc đông y, giảm đau, hạ sốt và chống viêm.

Theo một nghiên cứu mới đây được Bộ Y tế công bố, hầu hết chủng loại thuốc đang được sử dụng ở Việt Nam hiện nay đều được sử dụng rất vô tư, gần như không có những thông tin liên quan đến việc báo cáo phản ứng có hại của thuốc được đưa ra.

Một chuyên viên phòng Quản lý thông tin quảng cáo thuốc, Cục Quản lý Dược Việt Nam cho biết, những ghi nhận đã thu thập được về phản ứng ngược của thuốc cho thấy nhóm kháng sinh chiếm nhiều nhất, gần 46%; thuốc y học cổ truyền 2,7%, thuốc điều trị lao 14,7%, Morphin và dẫn chất 1,1%... Tuy nhiên đánh lo ngại là chỉ khi nào những phản ứng ngược của thuốc gây ra khiến bệnh nhân phải nhập viện hoặc tư vấn bác sĩ thì những thông tin này mới được ghi nhận.

Phải nhắc lại rằng, ngay từ năm 2003, Bộ Y tế đã có Quy chế “kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn” nhưng từ nhiều năm nay, việc mua bán thuốc không đơn vẫn diễn ra tràn lan và trở thành chuyện thường ngày./.

(Theo SGGP) 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất