Thứ Năm, 3/10/2024
Tin hoạt động
Thứ Sáu, 15/10/2010 20:59'(GMT+7)

Tôn vinh Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều

Khu mộ và nhà lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du.

Khu mộ và nhà lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du.

Tâm hồn Nguyễn Du kết tinh của quan họ Kinh Bắc và ví dặm Hà Tĩnh

Theo sử sách còn lưu lại đến ngày nay, Nguyễn Du sinh năm Ất Dậu 1765, tại thành Thăng Long. Thân phụ ông là Nguyễn Nghiễm, đậu Nhị giáp Tiến sĩ, làm quan đến chức Tể tướng, tước xuân Quận Công dưới triều Lê. Mẹ Nguyễn Du là bà Trần Thị Tần, người xã Hoa Thiều, huyện Đông Ngàn, xứ Kinh Bắc. Nguồn năng lượng và cảm hứng nuôi dưỡng tâm hồn thiên tài Nguyễn Du từ thuở thiếu niên trước hết là quan họ Kinh Bắc qua lời ru của mẹ và âm hưởng của những điệu hò ví dặm Hà Tĩnh quê cha. Tâm hồn ấy tiếp tục được trau dồi thêm trong suốt quá trình trưởng thành bằng những làn điệu ca trù cổ điển của kinh thành Thăng Long.

Thuở nhỏ Nguyễn Du sống trong nhung lụa nhưng thời gian này quá ngắn ngủi, năm ông 10 tuổi thì mồ côi cha, 13 tuổi mồ côi mẹ. Cuộc sống thiếu thốn tình cảm và vật chất nhưng tái tim ông vẫn luôn rạo rực xúc cảm trước tình đời, với quê hương. Nguyễn Du luôn cảm thấy đau khổ trước những tấn bi kịch và những số phận bất hạnh của kiếp người nhưng ông vẫn lạc quan tin rằng một ngày nào đó cuộc sống sẽ hồi sinh trong tình yêu và sự vị tha. Bằng tài năng văn chương kiệt xuất, học vấn uyên bác và tình yêu, khát vọng tự do cùng với lòng tin vào những giá trị nhân văn vĩnh cửu đã trở thành động lực thúc đẩy Nguyễn Du viết nên tác phẩm Truyện Kiều bất hủ, kiệt tác nổi tiếng trong kho tàng văn chương Việt Nam.

Lần đầu tiên trưng bày những ấn phẩm về cuộc đời Nguyễn Du và Truyện Kiều

Các hoạt động trong Tuần văn hoá - Du lịch “Quê mình - quê thơ” do các đơn vị thuộc Cục Văn hoá cơ sở, Tổng cục Du lịch, Viện văn hoá nghệ thuật Việt Nam phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh và một số địa phương thực hiện. Đây là dịp để nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế hiểu sâu sắc hơn về thân thế, sự nghiệp của một danh nhân văn hoá lớn, Đại thi hào dân tộc với những áng văn chương bất hủ.

Theo ông Võ Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh, đây là lần đầu tiên tỉnh tổ chức chuỗi các hoạt động về Nguyễn Du và trưng bày những ấn phẩm, hiện vật liên quan đến Đại thi hào Nguyễn Du và kiệt tác Truyện Kiều; di vật khảo cổ học của huyện Nghi Xuân...Trong khuôn khổ các hoạt động diễn ra tại Tuần văn hoá, công chúng còn được tham dự lễ vinh danh ca trù và trình diễn nghệ thuật diễn xướng dân gian; dâng hương tại khu mộ Nguyễn Du; trao giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ V...

Nguyễn Du là đỉnh cao của nền văn học nước nhà và Puskin là mặt trời của thi ca Nga. Vì vậy “Đêm thơ Nguyễn Du - Puskin” tổ chức vào 19 giờ ngày 29-10, tại Trung tâm văn hoá huyện Nghi Xuân, do Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh và Hội Hữu nghị Việt Nga tổ chức, sẽ có sự góp mặt của các nhà thơ nổi tiếng trong nước và Liên bang Nga tham dự. Chương trình giao lưu thơ này là một thử nghiệm mới làm tiền đề để Ban tổ chức hướng đến một Festival tôn vinh danh nhân văn hoá Việt sau này.

Họp báo về lễ kỷ niệm 245 năm năm sinh và 190 năm năm mất Đại thi hào Nguyễn Du.

Điểm nhất đặc biệt trong Tuần văn hoá “Quê mình, quê thơ” là Lễ kỷ niệm 245 năm năm sinh và 190 năm năm mất Đại thi hào Nguyễn Du diễn ra vào 19 giờ ngày 31-10, tại khu di tích Nguyễn Du ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. “Nội dung của chương trình ca ngợi sức mạnh và sự bí ẩn của tình yêu mà thể hiện cao nhất là tài năng của thi hào Nguyễn Du. Chúng ta làm lễ kỷ niệm tôn vinh ông trong hoàn cảnh lũ lụt đang hoành hành tại miền Trung, bà con đang phải gồng mình chống chọi với thiên tai mà chương trình tốn kém quá thì quả là phí phạm. Theo kịch bản cũ thì sân khấu tôi thiết kế rất hoành tráng gồm nhiều đại cảnh nhưng thời điểm hiện tại kịch bản này không phù hợp. Vì vậy tôi đã rút ngắn chương trình còn 85 phút và bỏ bớt một số cảnh. Tuy nhiên cắt bớt một số đoạn trong kịch bản sẽ không có nghĩa là giảm chất lượng chương trình”, nhà văn Nguyễn Khắc Phục cho biết.

Tác phẩm của Nguyễn Du đã gợi cảm hứng và cung cấp chất liệu cho vô vàn tác phẩm nghệ thuật, điêu khắc, kiến trúc hội hoạ sau này. Dù có bao nhiêu lời ngợi ca cũng không thể nói hết tài năng của Nguyễn Du và tình yêu của ông với quê hương, đất nước. Để khẳng định tác phẩm Truyện Kiều là bất hủ đối với mọi thế hệ người dân Việt Nam, trong chương trình trên, nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã xây dựng hình ảnh Lý Tự Trọng đang độc thoại một đoạn thơ Kiều trước khi ra pháp trường. Trên màn hình chiếu cảnh Lý Tự Trọng hy sinh nhưng những vần thơ vẫn văng vẳng bên tai thể hiện sự trường tồn của tác phẩm Truyện Kiều.

“Xuyên suốt chương trình là những đại cảnh kể về cuộc đời và tác phẩm của Nguyễn Du. Chương trình có chương, hồi và cấu trúc liền mạch, không có người dẫn. Việc phân ra chương hồi chỉ cần thiết với nhóm dàn dựng và không có ý nghĩa với người xem, 85 phút ấy là nhất quán với chủ đề để khẳng định vì sao Nguyễn Du trở thành thiên tài và vì sao truyện Kiều lại có sức sống như vậy” , nhà văn Nguyễn Khắc phục bộc bạch.

Những hoạt động trong Tuần văn hoá “Quê mình, quê thơ” với chủ đề Nguyễn Du và Truyện Kiều tại quê hương của Đại thi hào như một lần nữa khẳng định Truyện Kiều là một tác phẩm văn học có sức sống vượt thời gian và trường tồn trong lòng độc giả trong nước cũng như thế giới./.
 
(Theo: QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất